Ký ức về lễ hội Katê trong tôi có khác với bây giờ bởi những đổi thay của đời sống nơi miền quê đang diễn tiến hàng ngày. Vào những thập niên 90 của thế kỉ XX, khi gần đến ngày tổ chức lễ hội Katê, lứa học sinh chúng tôi được nhà trường phân công lo dọn dẹp những đóng rơm trong sân bóng, để có không gian cho đội múa tập diễn. Thanh niên thì vào rừng chặt cây tre, cây có gai về làm cổng chào, dựng hàng rào xung quanh sân bóng đá. Tất cả, du khách đến xem múa tập thể, xem nghi lễ rước Y Trang của Po Inâ Nâgar phải mua vé vào cổng và gửi xe tại nhà dân. Mọi công tác tổ chức điều do người dân tự phân công nhau thực hiện. Hướng dẫn đội múa do thầy Đàng Năng Quạ trực tiếp làm đạo diễn, sau này thầy Phú Văn Xã tiếp nối. Khi đến xem các bạn các chị tập múa tôi nhớ thầy Quạ dạy cho kỹ thuật cầm cây quạt, nhún chân rất đẹp. Nếu múa đúng thì người múa chỉ giơ cây quạt không qua vai, nét đẹp của múa Chăm ở chỗ cổ tay, cánh tay, nét biểu cảm của ánh mắt, khuôn mặt.
Cứ đến ngày hẹn, cộng đồng người Raglai gùi Y Trang xuống núi để làm lễ Katê trong sự đón tiếp rất trân trọng của người Chăm với đội trống, kèn và cờ. Các lễ vật dùng để dâng lên cho thần linh do người Raglai chịu trách nhiệm, người Chăm chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Trải qua bao nhiêu biến cố chiến tranh, loạn lạc truyền thống đoàn kết Chăm-Raglai vẫn keo sơn, đậm đà. Về sau, đời sống người Raglai gặp nhiều khó khăn nên người Chăm chịu phần lễ vật. Và cứ qua chu kỳ 3 năm thì người Raglai xin chịu trách nhiệm về lễ vật. Nhưng rồi, người Raglai cũng chẳng lo nỗi lễ vật, đành để cho người Chăm tự lo. Tuy nhiên, người Raglai vẫn mang biếu cho người Chăm những nải chuối, trái đu đủ, trái bí, lá trầu, lá chuối, con gà.v.v.
Từ thôn Giá, xã Phước Hà xuống làng Hữu Đức phải đi bộ một đoạn đường rừng trên 20km nhưng người Raglai vẫn tổ chức cúng lễ Katê thường xuyên với người Chăm. Có năm vì trời mưa đường lụt lội nên người Raglai chọn hướng đi khác, đoàn đón rước Y Trang đến điểm hẹn mà chẳng thấy đoàn người Raglai. Lúc đó, dân làng cử những người có xe máy đi tìm mới phát hiện đoàn Raglai đi lạc đường, không đến đúng điểm hẹn.
Trong những năm gần đây, khi đường giao thông thuận lợi, phương tiện đi lại cũng nhiều. Ấy vậy, mà đoàn người Raglai có năm chẳng chịu mang Y Trang xuống núi, dân làng phải kêu gọi thanh niên đóng giả người Raglai để đúng với kịch bản của chương trình lễ hội Katê đã quảng cáo với truyền thông và du khách. Thương tình, người Chăm thuê xe máy cày, xe ôtô chuyên chở đoàn người Raglai xuống núi luôn. Cho đến nay, nghiên cứu về lễ hội Katê đã công bố rất nhiều nhưng chưa có tác giả nào phân tích về sự hiện diện của người Raglai và nguồn gốc Y Trang của vua chúa Champa do người Raglai quản lý. Truyền thống đón Y Trang từ người Raglai chỉ có đền thờ Po Inâ Nâgar còn duy trì nghi thức. Đền tháp Po Ramé thì người Raglai đã giao trả toàn bộ Ciét Khan Aw Po/Y Trang cho người dân thôn Hậu Sanh rồi. Đền tháp Po Klaong Garay khi còn Danaok/đền thờ ở thôn Hoài Trung thì người Raglai thôn Tà Dương còn cất giữ, khi di dời bảo vật Champa về thôn Hiếu Lễ và lập Danaok mới thì người Raglai chẳng biết gì về kho báu Champa nữa.
Đã nhiều năm không ra xem múa Katê ở sân bóng năm nay vẫn thế. Làng Hamu Tanran/Hữu Đức được mệnh danh là làng mẹ sản sinh ra nhiều nhân tài, văn sĩ. Ấy vậy mà, chỉ có anh Quảng Đại Cuộc lo toan, chạy tìm diễn viên lên kế hoạch tập diễn kiêm đạo diễn chương trình múa tập thể. Sự hăng hái, nhiệt tình của anh và diễn viên đã góp phần tạo không khí nhộn nhịp của ngày hội vui. Về lâu dài, nếu như lễ hội Katê không nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, ngành văn hoá chắc chắn sẽ mất đi sự hấp dẫn đối với du khách. Vì, không có sự đổi mới và đầu tư về chương trình biểu diễn nghệ thuật.
Ngày Katê tuy bận rộn nhiều nhưng năm nào cũng dành chút thời gian la cà ở đền Po Inâ Nâgar xem cúng lễ, trò chuyện uống rượu với người anh em Raglai. Nghi thức Pathau Hala/tấu trình khá lâu nên chưa được nghe Kadhar hát lễ. Thế là quyết định lên tháp Po Ramé, gặp vài người quen trong trang phục truyền thống thật đẹp. Nhiều người khi nhận thức về lễ hội Katê cứ suy luận là của người Chăm Bàlamôn giáo/Chăm Ahiér. Nhưng thật tế thấy, có rất nhiều người Chăm Hồi giáo/Chăm Bà Ni/Chăm Awal đi cúng lễ trên đền tháp. Sự có mặt của anâk Bini, urang Raglai là gì nếu không phải là lễ hội của dân tộc Champa. Suy rộng ra, là ngày đoàn kết của dân tộc Champa.
Nhà thơ Lưu Anh Tặng rủ Katê ghế nhà chơi giới thiệu tập thơ đầu tay “Những thực thể Chàm rơi”. Đi cùng với nhà thơ Lưu Tấn Thành nhậu Katê lần đầu ở Hậu Sanh trong không khí ấm áp, gặp nhiều bạn bè ưu tú và nhiệt huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc. Ở buổi ra mắt tập thơ, cha đẻ của bài “Katê mùa thu” thi sĩ Trà Vigia đã hát tặng cho mọi người cùng thưởng thức với tiếng nhạc đệm cây đàn guitar. Buổi tối xem văn nghệ làng do Đoàn Nghệ thuật Dân gian Chăm đến biểu diễn. Hơn 20 năm nay, chương trình văn nghệ chú trọng đầu tư về ca và múa còn kịch thì không phát triển. Các sáng tác về nhạc Chăm chưa có ca khúc mới nào vượt qua được sáng tác của Đàng Năng Quạ, Tantu, Amư Nhân. Nhiều ca khúc mới xuất hiện và được chọn đi lưu diễn nhưng càng ngày càng xa lạ với âm điệu nhạc Chăm.
Sau ngày lên tháp, tại buổi khai mạc “ Trang sức phụ nữ các dân tộc ở miền Nam” gặp bạn xưa ở Sài Gòn mới về, bạn rủ chiều ghé Baoh Dana/Chất Thường chơi Katê nhé. Bạn còn chỉ dẫn đi qua cổng làng bỏ một con hẻm, chạy tiếp hai con hẻm nữa là tới nhà. Katê ở nhà bạn thật vui, nhiều bạn hát hay và múa đẹp cộng thêm chất trẻ thì khỏi phải nói tới sự rực lửa. Người Chăm yêu thích văn nghệ mùa Katê các gia đình thuê hẳn dàn nhạc về phục vụ. Phong trào hát Karaoke và nhạc sóng phát triển làm động lực xuất nhiều ca sĩ trẻ tài năng. Hy vọng, trong tương lai sẽ có nhiều sáng tác mới đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân.
Tuần lễ cuối cùng của tháng Katê chạy qua Caklaing chơi. Cách đây 15 năm, cùng các bạn chung lớp 10 rạo khắp nẻo đường Mỹ Nghiệp, chán ngủ ở nhà rủ nhau ra sân khấu ngủ luôn. Buổi sáng làng Mỹ Nghiệp nghe tiếng thoi đưa kót kít của các mẹ các bà vang vang là thức giấc. Con gái Mỹ Nghiệp ai cũng biết dệt. Làng Mỹ Nghiệp ngày nay được mở rộng tiếp giáp với dân Phú Quý chỉ cách nhau một cái cầu bắt qua sông Lu, xu hướng tiếp tục di dân tiến gần với làng Bal Caong/Chung Mỹ. Làng Mỹ Nghiệp có nhiều đổi thay nhờ kinh doanh mặt hàng dệt thổ cẩm, làng nổi tiếng có nhiều hiền tài, thành đạt về học vấn. Khi một số chủ cơ sở sản xuất nhập máy dệt về làng thì các gia đình dệt thủ công truyền thống không cạnh tranh nổi về giá thành. Thanh niên đành bỏ xứ đi làm công nhân ở các thành phố lớn để mưu sinh, nguy cơ mất mát thương hiệu làng nghề thủ công truyền thống chỉ là thời gian. Vì, các mẹ các chị mưu sinh bằng nghề dệt thủ công ngày càng khó khăn. Ở tỉnh Ninh Thuận, dân Mỹ Nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nhiều so với các làng khác. Nhưng, số người thành danh thì còn hiếm.
Kết thúc mùa Katê tạc sang Palei Hamu Craok thăm gia đình đứa bạn quê Vụ Bổn ở rể tại Bàu Trúc. Dân gian có câu: “Palei Pabhan palei Hamu Bek kubaw mbeng harek lac kubaw mbeng padai/ Làng Vụ Bổn làng Quy Chánh con trâu ăn cỏ bảo rằng ăn lúa”. Với hàm ý về sự lác léo, linh hoạt trong ứng xử của dân làng này. Làng Bàu Trúc có giọng nói đặc trưng và khác biệt so với các làng khác ở huyện Ninh Phước, mưu sinh bằng nghề làm gốm mỹ nghệ. Quá trình đô thị hoá đã lấy đi bức tranh đẹp của làng. Trước đây, nếu đứng từ tầng lầu của Trường Trung học An Phước nhìn xuống dân Bàu Trúc làm gốm, bên mái nhà tranh vách đất, từng hàng rào tre ngăn giữa khuôn viên gia đình như tranh vẽ. Những ngày nung gốm khói bay mờ ảo như màn sương của buổi sáng mùa đông. Con gái Hamu Craok lanh lợi, khả năng hội nhập rất nhanh. Còn đâu tiếng rao ai mua lu hun !
Tháng Katê là tháng mưa ở Phan Rang, vài trận mưa liên tục nhấn chìm khắp các cánh đồng, mưa làm lụt mang theo phù sa dân làng vui mừng mùa tạ lễ./.