[Trịnh Công Sơn – Chú Bộ đội – Nguyễn Bắc Sơn]
Với chiến tranh Việt Nam…
Trịnh Công Sơn là một nghệ sĩ phản chiến với những Ca khúc Da vàng mà tiếng tăm vượt ra ngoài biên giới Việt Nam.
Quê hương đã mất, sau đó bị chia cắt. Anh đi tìm quê hương, một quê hương đầy đặn và thanh bình, nhưng ở đó chỉ thấy ngày dài, và đêm dài. Hỏa châu, hầm chông, hố bom, lửa đạn, làng xóm và thành phố tan hoang, xác Việt nằm la liệt. Trong rừng hoang, nơi góc phố, trên ruộng đồng…
Mênh mông xác người, anh như kẻ mù mò tìm người thân yêu: “Xác nào là em tôi dưới hố hầm nay, bên xác người già yếu, có xác còn thơ ngây…”
Xác da vàng với đủ hình thù không thể biện biệt, anh như muốn điên lên, “hát trên những xác người…”
Rồi anh nhìn ra vấn đề, và anh giận dữ: “Thịt da này dành cho thù hận, cho bạo cường, cho tham vọng của một lũ điên”.
Anh cảm thương những phận người: “một người già trong công viên, một người điên trong thành phố, một người nằm không hơi thở, một người ngồi nghe bom nổ…”
Giận dữ và cảm thương đến đâu, anh vẫn nghe bất lực. Không thể làm gì khác, anh ngồi đó – chờ tin hòa bình, như mẹ già chờ dưới chòi tối om, như anh lính chờ trên đồi hoang vu; anh hi vọng, như triệu con tim người Việt hi vọng; để rồi niềm vui anh vỡ òa trong chiến thắng: “Ta đã thấy gì trong đêm nay. Cờ bay trăm ngọn cờ bay. Rừng núi loan tin đến mọi miền. Gió Hoà bình bay về muôn hướng…”
Trước chiến tranh Việt Nam, Trịnh Công Sơn dùng tài năng âm nhạc của mình phản kháng lại, như một công dân Việt Nam; và phản chiến, như một con người nghệ sĩ phản chiến.
Nguyễn Bắc Sơn thì khác. anh không trốn quân dịch như nhạc sĩ họ Trịnh, không hăng hái lên đường diệt thù như bộ đội miền Bắc [ít ra là theo những gì nhận được từ truyền thông], mà như một sinh linh ngẫu nhiên bị quăng vào cuộc chiến đó ở thời đoạn lịch sử đó của Việt Nam. Và làm thơ, như một thi sĩ ghi lại những tứ thơ ngẫu hứng bằng thứ ngôn từ bụi bặm tình cờ nhặt được giữa chiến trận và nơi chợ đời.
Như thứ chứng tích chiến tranh. Và hơn cả chứng tích, nó là mảnh chơi vơi nhất của hồn vía chiến tranh Việt Nam.
Ra trận, Chú bộ đội cụ Hồ hiểu mục đích của cuộc chiến: “Ta hiểu vì sao ta chiến đấu/ Ta hiểu vì ai ta hiến máu” (Tố Hữu); Nguyễn Bắc Sơn thì không, và nếu có hiểu thì anh cho đó chỉ do “tai trời ách nước”.
Nếu Chú bộ đội có lí tưởng: “Khi ta đứng lên cầm khẩu súng/ Ta vì ta, ba chục triệu người/ Cũng vì ba ngàn triệu trên đời!” (Tố Hữu); thì Nguyễn Bắc Sơn xem chiến tranh kia không khác gì một “trò chơi” lếu láo.
Không lạ, Nguyễn Bắc Sơn coi “chiến tranh Việt Nam” là vô nghĩa, và còn hơn thế – vô vị; trong khi Chú bộ đội được gán ý nghĩa to lớn cho cuộc chiến mình tham gia.
Biết được mục đích đánh đuổi quân xâm lược “giải phóng” đất nước, Chú bộ đội hăng say chiến đấu; Nguyễn Bắc Sơn ngược lại: “không thèm đánh” và “xin xí điều”.
Xí điều, bởi anh nhìn những sinh linh đang/ sắp “đụng trận” là “chúng ta”: “Lũ chúng ta sống một đời vô vị/ Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau”, và nếu có ai chết thì cũng chỉ là: “Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước”, chớ không có thành tích hay anh hùng gì; còn phía bên kia, để thúc giục chiến sĩ lăn xả vào cuộc “giết chúng như thiên thần giết quỷ” (Chế Lan Viên) bởi chúng là: “Bầy chó dữ, những con người-thú/ Ăn gan người, uống máu no say!” (Tố Hữu).
Mà muốn đạt mục tiêu, Chú bộ đội cần/ tự buộc mình tuân thủ nghiêm ngặt kỉ luật nhà binh; Nguyễn Bắc Sơn lại là anh lính vô kỉ luật: “Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo” và “Mai ta đụng trận ta còn sống/ ta về Sông Mao phá phách chơi”.
Không lạ, khi Nguyễn Bắc Sơn: “Ngày hôm nay ta muốn chặt đi bàn tay trái/ Để được làm người theo ý riêng ta/ ngày hôm nay ta muốn chọc mù con mắt phải/ ngày hôm nay ta muốn bỏ đi xa”; thì Chú bộ đội ca tụng, cổ vũ chiến tranh: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” (Phạm Tiến Duật).
Nguyễn Bắc Sơn coi “chiến tranh Việt Nam” nơi thân xác mình là một bộ phận bấp bệnh, chốc lát, và tạm bợ như thể vật thừa; còn chú bộ đội xem đây là cuộc chiến trường kì cho một nền độc lập muôn năm, hòa bình vĩnh cửu, nên hiến trọn hồn mình cho nó.
Cuối cùng, Chú bộ đội hòa vào cái ta tập thể vĩ đại; Nguyễn Bắc Sơn là một cá thể nhỏ nhoi, đơn độc.
Đó là Nguyễn Bắc sơn, một sinh linh bị quăng ném vào “chiến tranh Việt Nam”, với cái tôi cô đơn, kiêu bạc, và bất cần đời. Anh hiểu nó, nhưng không cần tìm hiểu sâu thêm: “Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí”, bởi anh thấy nó vô nghĩa và vô vị. Ngẫu nhiên bị quăng ném vào, không biết khi nào mình sẽ chết, không có hi vọng để mà mơ mộng, không mong chiến thắng, càng không chờ đợi hòa bình, anh chơi: “phá phách chơi”.
Thường thì những kẻ kì vọng vào dựng xây lại là những kẻ phá hoại bạo tàn nhất. Nguyễn Bắc Sơn thì không: anh phá phách.
Mà đâu phải riêng Nguyễn Bắc Sơn. Đứng trước chiến tranh Việt Nam, một bộ phận không nhỏ “lính Cộng hòa” mang tâm thế đó.
Hệ quả, anh không reo vui như Trịnh Công Sơn reo vui; anh càng không sám hối như Chế Lan Viên đã sám hối:
Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
Tôi!
Tôi – người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi cuộc xung phong…
(Chế Lan Viên, “Ai? Tôi!”, Di cảo thơ)
Tại sao? Đơn giản: hết chiến tranh, anh thoát khỏi nó, hay đúng hơn – nó thoát khỏi anh. Như thể một giấc mơ, và thơ như vết sẹo xảy ra trong giấc mơ đó – mơ hồ, diệu vợi, như có như không. Chiến tranh Việt Nam và Tôi là ca độc nhất vô nhị của/ trong cuộc chiến vừa qua.
Nguyễn Bắc Sơn
MẬT KHU LÊ HỒNG PHONG
Tướng giỏi cầm quân trăm trận thắng
Còn ngại hành quân động Thái An
Cát lún bãi mìn rừng lưới nhện
Mùa khô thiếu nước lính hoang mang
Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát
Nghe súng rừng xa nổ cắc cù
Chợt thấy trong lòng mình bát ngát
Nỗi buồn sương khói của mùa thu
Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui
Ngày vui đời lính vô cùng ngắn
Mặt trời thoáng đã ở phương Tây
Nếu ta lỡ chết vì say rượu
Linh hồn chắc sẽ thành mây bay
Linh hồn ta sẽ thành đom đóm
Vơ vẩn trong rừng động Thái An
Miền Bắc sương mù giăng bốn quận
Che mưa giùm những đám xương tàn.
CHIẾN TRANH VIỆT NAM VÀ TÔI
Lòng suối cạn phơi một bầy đá cuội
Rừng giáp rừng gió thổi cỏ lông măng
Đoàn quân anh đi những bóng cọp vằn
Gân mắt đỏ lạnh như tiền sắc mặt
Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất
Dừng quân đây nói chuyện tiếu lâm chơi
Hãy tựa gốc cây, hãy ngắm mây trời
Hãy tưởng tượng mình đang đi picnic
Kẻ thù ta ơi, các ngài du kích
Hãy tránh xa ra đừng chơi bắn nheo
Hãy tránh xa ra ta xin xí điều
Lúc này đây ta không thèm đánh giặc
Thèm uống chai bia, thèm châm điếu thuốc
Thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh
Kẻ thù ta ơi, những đứa xâm mình
Ăn muối đá và hăng say chiến đấu
Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu
Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem chiến cuộc như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
Lũ chúng ta sống một đời vô vị
Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau
Chọn trời đêm làm nơi đốt hỏa châu
Những cột khói giả rồng thiêng uốn khúc
Mượn bom đạn chơi trò pháo tết
Và máu xương làm phân bón rừng hoang.