Inrasara: THIỀN, HẬN THÙ & PHE PHÁI (thư cho Wa Praong)

Một thiền giả nói:
Khi tôi chưa học thiền thì tôi thấy sông là sông, núi là núi.
Khi tôi học thiền thì tôi thấy sông không phải là sông, núi không phải là núi.
Bây giờ tôi học thiền rồi thì tôi lại thấy sông là sông, núi là núi
“.

Sài Gòn, 4-10-2015
Wa Praong thân mến
[Cei post thư này khi đang bẹp giường, nhưng cố post để chú cháu mình hiểu nhau]
Cei Sara viết cho cháu không phải viết như cháu là Cham, mà cho một con người. Cụ thể hơn, không phải Wa Praong-Cham-công dân, mà Wa Praong-Cham-con người.
– thứ nhất, để giúp cháu THẤY vấn đề.
– thứ hai, bởi dẫu sao, cei cảm tình đặc biệt với cháu, vì cei nhìn thấy bóng dáng chính mình trong cháu thuở cei 15-18: tràn máu nóng, lí tưởng đấu tranh cho dân tộc…

1. Cei cũng hệt cháu, nhưng từ tuổi 20, khi cei gặp Dostoievski, Krishnamurti, Heidegger và Phật giáo Thiền tông, cei NGỘ, và trở thành con người hoàn toàn khác.
Khi viết: “Thuở Pô-Klong, thế hệ trẻ chúng tôi lúc đó coi ông Giáo, ông Sắng, Po Dharma, ô Quyên… như những anh hùng”, là cei rất thật lòng. Năm 15 tuổi, cei mua cuốn Việt Nam Sử lược, và ghi ngay trang đầu” “Ta, phải có cái gì cho Tổ quốc”, cũng rất thật [cuốn sách và dấu vết vẫn còn]. Nhưng sau 3 tháng tu chùa Nha Trang, cei HOÀN TOÀN ĐỔI KHÁC.
Cei vẫn đấu tranh cho Cham [từ năm 1980, hầu hết vấn đề liên quan đến Cham, cei đều lên tiếng], nhưng lên tiếng từ chân trời khác. Cei gọi đó là “hành động trong chân trời khả thể”. Đoạn cuối “Thơ như là con đường” (Song Thoại Với Cái Mới, 2008):
“Đã định, đã cư ngụ tại Quê hương như là ở Nhà, kẻ tư tưởng dự phóng và hành động trong chân trời khả thể. Hành động trong chân trời khả thể thì cách biệt cả vực thẳm với “hoạt động trong điều kiện và hoàn cảnh cho phép”.
Thế nên, với Cham, và với Hội Nhà văn, Hội VHNT các DTTS, hay với cộng đồng văn chương Việt… cei hoàn toàn ở chân trời khác. Không phải cao hơn hay thấp hơn, mà là CHÂN TRỜI khác: kẻ ngoài cuộc OUTSIDER (xem “SỐNG MINH TRIẾT CHAM-4. Tôi có yêu tôi [hơn] không?”).
Nói điều này có thể cei “mất điểm” với Cham, nhưng cei là vậy – chịu thôi!

Do đó, cei luôn cô đơn solitude, aloneness, to be alone, totally alone, completely alone cô đơn toàn phần. Tiểu luận “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo” đăng lần đầu ở tạp chí Văn, (11-2004) sau đó rất nhiều tạp chí uy tín đăng lại, vừa nói lên tinh thần cei, vừa mang ý hướng GIẢI-PHE PHÁI trong văn học.

2. Một kẻ tự nhận ngoài cuộc với tất cả, thì làm gì có chuyện cei Sara “hận thù cá nhân sâu sắc” với Cham nào đó, như cháu kêu?
Cei nói rồi, “dường như Bà Trời cấu trúc tôi quên cấy gien thù hận. Hoặc tâm tôi trống trơn, hoặc nó đầy tràn sự cảm thông. Thù hận và muốn trả thù ai đó – không” (xem: SỐNG MINH TRIẾT CHAM-3. Tôi có yêu người Cham [hơn] không?).
Cei còn không mang tâm thù hận người Việt nữa là, nói chi thù hận Cham nào đó. Đội khi cũng “rán” căm thù, nhưng rồi – chịu. Giận thì có, nhưng thù thì không. Mà giận thì trôi qua nhanh lắm.
Trong sinh hoạt đời thường, đố kị mới sinh thù hận. Nói đùa chớ, khi dự phóng vào con đường chữ nghĩa từ năm 20 tuổi, hai đỉnh cáo cei muốn vượt qua là Dostoievski và Heidegger. Và luôn nhắm vào hai người đó mà “đố kị”. Thì làm gì có chuyện cei đố kị, từ đó hận thù với cá nhân Cham nào bất kì. Không phải cei ngạo mạn cho rằng mình cao hơn tất cả, mà là cei cư trú ở chân trời khác, đơn giản vậy thôi.
Năm 1998, cei đã viết bài: “Ariya Glơng Anak và tinh thần giải sân hận”, sau này chỉnh sửa và in một phần trong Hàng Mã Kí Ức (2011).

3. Do đó, kêu cei mang “tinh thần phe nhóm” thì càng nhầm lắm, cháu à.
Chúng ta [cả Cham lẫn Việt] chưa buông bỏ lối suy nghĩ đối trọng nhị nguyên. Nếu không theo phe này thì phải là phe kia, hay phe trung lập, ngoài ra không thể khác(1).
Khai từ cho tập thơ “Chuyện 40 Năm Mới Kể & 18 Bài Tân Hình Thức, 2006), cei viết [không phải cho Cham, mà cho Việt Nam]:

Không bên lề
không trung tâm
tôi trú trên đường biên
Không ngoài luồng
không chánh lưu
sống như thể không đường biên
Cũng chẳng có gì trầm trọng cả!
mỗi các ông cứ dựng chòi
mỗi các ông cứ có mặt như một biên giới
.

Ba nhiệm kì cei ở trong Hội đồng, 1 nhiệm kì ở trong Ban Chấp hành Hội VHNT các DTTS; bên Hội Nhà văn, 2 nhiệm kì ở Hội đồng Văn học Dân tộc, 1 là Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ… có ai thấy cei thuộc phe nào không? Cháu thử hỏi xem, là biết ngay. Nếu cei có thuộc phe nào đó, nó chính là phe CÁI MỚI.
Sinh hoạt văn học Việt Nam, cei đụng quá nhiều, nên đâm ngán. Cei viết bài “Nhà văn Việt Nam & Đảng [phe, bè] phái” (Tienve.org, 25-9-2011) là để đánh bạt nó. Ở bất kì đâu, cei không phe phái, phe giữa hay phe thứ ba cũng không, mà là kẻ ngoài lề, kẻ ngoài cuộc theo nghĩa đầy đủ nhất của nó.
Sinh hoạt Cham, mấy đứa con cei đều “biết” viết; có không ít người phê phán cei, nhưng cháu có thấy ai đứng lên bênh cei không? Bởi cei cấm làm chuyện đó. Cũng có [nhưng rất hiếm], nhưng khi cei biết là cei ngăn liền.

Kết: Cô đơn, phi bè phái, và outsider đi suốt cuộc đời cei, chứ không phải mãi bây giờ.

4. Khác.
Cei Sara là kẻ phản biện xã hội với tinh thần dân chủ và tự do [mang ý nghĩa triết học] tuyệt đối. “Điểm danh căn bệnh phê bình văn học Việt Nam hôm nay” viết năm 2008 đã đăng rất nhiều lần, và mới đây: “7 thói tật của phê bình văn học hôm nay” (Web Hội Nhà văn Việt Nam, 4-9-2015) được viết trong tinh thần đó.
Bởi là Outsider, thế nên nếu ai có viết chống cei mà chỉ động chạm riêng cá nhân cei, cei hiếm khi trả lời, càng hiếm khi đọc. Cei chỉ lên tiếng, khi bài viết nào đó ảnh hưởng đến đối tượng thứ ba. Rất nhiều ví dụ minh chứng về thái độ này. Và khi đã lên tiếng, cei phải đọc kĩ các bài viết liên quan đến vấn đề đó. Còn lại cei chỉ đọc để làm công việc của mình.

Thân mến – Thuk siam, cei Sara.

_

(1) Sau khi cuốn Fulro? (tái bản đổi thành Fulro, tập đoàn tội phạm) của Ngôn Vĩnh ra đời, dư luận Cham xôn xao. Trong đó vụ “ra lệnh giết trâu và sau đó ra lệnh đi xẻ thịt trâu khiến một số người bị giết”, vụ “chỉ huy ra lệnh đứng nguyên tại chỗ khi giáp mặt Việt cộng mà chỉ nhờ Padot, nhiều sinh mạng mới thoát chết”, cei được nghe 5 người Cham (trong đó 2 người trong cuộc) kể và TỐ CÁO Po Dharma rất nặng. Đó là “nghe kể”, nay đọc Status của Ysa Cosiem, cei Sara mới lần đầu tiên đọc vụ này trên giấy trắng mực đen. Chú ý, đây là Ý KIẾN CỦA CHAM, chứ đừng cho họ nói theo Ngôn Vĩnh.
Nghe, cei là người duy nhất (lúc đó 25-27 tuổi) dám và biết BIỆN MINH, biện minh trực tiếp cho PD. Cei nói đó là sai, sai do khả năng nhận định và phản ứng tình hình kém của người chỉ huy, chứ không phải là TỘI. Trong lịch sử chiến tranh, không ít cấp chỉ huy [nổi tiếng] đã phạm sai lầm khiến cả vạn sinh linh dưới tay mình bỏ mạng.
30 năm sau, cei Sara cũng viết hệt như thế, khi phản biện ý kiến của Ysa Cosiem. Nếu suy nghĩ theo phe phái, Wa Ysa Cosiem có thể cho cei cùng phe với PD lắm chớ, phải không ?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *