Thư cho bạn trẻ về văn chương hiện đại

Sài Gòn, 14-12-2011

Bạn trẻ thân mến

Mình vừa nhận được bài viết của bạn chiều hôm qua. Rất cảm ơn bạn trẻ. Bài viết của bạn bộc lộ tinh thần thiện chí của bản thân bạn, cũng như của nhiều bạn trẻ Chăm hôm nay; cạnh đó bài viết còn chứng tỏ bạn đã theo dõi khá sát sao các tranh luận [và cả cãi cọ] của “trí thức” Chăm, thời gian qua. Đó là điều đáng mừng.

* Điều hành Hội thảo cùng với đại diện Khoa và giáo sư Hoàng Như Mai.

Bài viết động cập đến nhiều vấn đề, mình không dám lạm bàn, vì nhiều lí do khác nhau. Chỉ xin minh định đoạn sau trong bài viết. Bạn viết

:

“Vấn đề nằm ở chỗ bác Inrasara cũng như toàn thể Chăm hôm nay chưa hiểu về vua Pôrôme và vua Chế Mân… Xung quanh Chân dung Cát cháu xin góp ý với bác Inrasara thế này: Thứ nhất, về việc Chămpa rơi vào tay Đại Việt giai đoạn vua Pôrôme (1627-1651) nếu được chia ra thành 8 phần định tội thì tội của vua Pôrôme chỉ có 2/8 phần mà thôi.. Thứ hai, không có chuyện vua Chế Mân cắt đất để xin cưới Công chúa Huyền Trân. Cháu mong sẽ có cơ hội trao đổi trực tiếp với bác về vấn đề này“.

Xin minh định với bạn vài ý sau:

1. Mình đã đọc được khá nhiều tài liệu về lịch sử Champa và nhân vật lịch sử liên quan, của người trong nước cũng như tác giả ngoài nước – cả Tây lẫn ta – trong đó có cái đáng tin có cái không. Dẫu sao mình không phải sử gia để có thể phân tích chứng minh xem Chế Mân có cắt đất cầu hôn Huyền Trân hay không? Nếu có, thì tội của ông là bao nhiêu phần trăm? Cả nhân vật lịch sử Po Rome cũng thế!

Chỉ xin lưu ý bạn trẻ: Chân dung CátHàng mã kí ức – đậm nhất là cuốn Chân dung Cát – là tiểu thuyết, một thể loại văn học, KHÔNG là công trình nghiên cứu lịch sử hay xã hội. Nó là tác phẩm hư cấu. Nếu nó có nhắc đến sự kiện lịch sử hay nhân vật lịch sử nào đó, thì chỉ nên xem đó như là một phần của câu chuyện.

 

2. Để bạn hiểu rõ hơn vấn đề, xin nêu vài dẫn chứng ngay trong lịch sử văn học cổ điển Chăm.

– Ong Mưdwơn hát trong lễ Rija. Về thời thơ ấu của Cei Tathun:

Muk mưk buk đwa ia / Rabbah muk taha ppok Cei Tathun

Akauk muk taha đwa ia / Tathun cei hia đwơc twei hadei

Mang lu, bà đi lấy nước / Tội nghiệp bà ẵm Chay Tathun

Nặng đầu, bà đội nước / Chay Tathun khóc chạy theo sau

 

Về Cei Axit, Ngài đã trở nên bé thơ tội nghiệp:

Tak kal cei đih đang / Amaik paywa di urang raung Cei Axit

Tak kal cei thuw blơk / Amaik nau ywak harơk raung Cei Axit…

Inư klak cei thuw rwai / Twei glơng liwai raung Cei Axit

Inư klak cei thuw dauk / Paik bauh pa-auk palwơ Cei Axit

Hôm xưa bé nằm nôi / Mẹ gửi nhờ người nuôi bé

Hôm xưa bé biết lật / Mẹ đi cắt cỏ nuôi bé…               

Bé lớn bé biết bò / Mẹ đi chăn trâu nuôi bé

Bé lớn bé biết ngồi / Mẹ hái trái xoài dỗ bé.

 

Đấy, nhà thơ cổ điển Chăm đã hư cấu nhân vật lịch sử Chăm xưa như thế.

Còn trong tác phẩm Ariya Xah Pakei. Mới gặp Xah Pakei lần đầu, nghe Xah Pakei tán 2 câu mà Mưh Rat vội vã bỏ đám ruộng đang gặt, bỏ làng xóm, bỏ cả cha mẹ để chạy theo trai – Cô gái Chăm ngày xưa đoảng hết biết! Nhưng có như vậy đâu. Đó là tác phẩm văn chương HƯ CẤU. Hư cấu để câu chuyện phát triển.

 

3. Về Chân dung Cát, hay Hàng mã kí ức cũng vậy.

Toàn bộ đối thoại trong hai tác phẩm đó là lời nói của NHÂN VẬT tiểu thuyết, chứ KHÔNG phải của tác giả là Inrasara. Nhân vật đó có thể là người Tây, người Kinh hay người Chăm, có người ghét Chăm bên cạnh có nhân vật say mê dân tộc Chăm, cũng có người vừa yêu vừa ghét. Có người học rộng, có người ít học hơn, thậm chí có nhân vật thất học. Đủ cả. Đó mới là cuộc đời thực. Tiểu thuyết là cuộc đời: nó không thuần tốt hay thuần xấu, mà bao gồm tất cả.

Có nhân vật trích dẫn Karl Marx sai, có người hiểu lịch sử dân tộc mình rất lơ mơ,… Tùy tính cách, vốn kiến thức hay tình yêu ghét mà họ thể hiện ra ngoài. Tác giả không được quyền bắt một nhân vật nông dân hiểu lịch sử Champa và nói về nhân vật lịch sử nào đó như một chuyên gia sử học được. Một nhân vật phàm phu có thể ăn nói thô lỗ trong tác phẩm, chứ không nói năng lịch lãm như một nhân vật học thức. Một nhân vật có học vẫn có thể chửi tục, khi nổi khùng. Vân vân và vân vân…

 

4. Tác phẩm văn chương hiện đại đã khác xưa nhiều lắm. Nó không còn như văn chương ở thế kỉ XVIII hay XIX: nhân vật tốt hay xấu rõ ràng rành mạch. Tác giả ca ngợi hay tố cáo ai cũng rất rõ ràng. Nếu bạn có theo dõi văn chương thế giới thời hiện đại, bạn sẽ nhận ra rất rõ điều đó. Tiếc là vài người khi nhận định về hai cuốn tiểu thuyết của Inrasara lại nhận định bằng con mắt của người nghiên cứu, chứ không phải bằng con mắt của nhà phê bình văn học. Do đó, khen hay chê Chân dung Cát, Hàng mã kí ức bằng con mắt của một “nhà nghiên cứu” đều “lạc đề” cả.

(Tin biết thêm: Hàng mã kí ức ra đời, hai tháng sau đã có một nghiên cứu sinh chuẩn bị làm Luận văn Thạc sĩ về nó. Thạc sĩ văn chương, chứ không phải Thạc sĩ dân tộc học. Cả nghiên cứu sinh lẫn giáo sư hướng dẫn coi đó là tác phẩm văn học, chứ không là công trình nghiên cứu khoa học xã hội.)

Chúc bạn vui và tiến bộ

Thân mến

Inrasara

2 thoughts on “Thư cho bạn trẻ về văn chương hiện đại

  1. Về mấy vụ nhầm lẫn như thế này xảy ra trên khắp thế giới chứ không riêng gì VN, không riêng gì trong xã hội Chăm. Nhà văn và nhà phê bình Inrasara giải thích ngắn gọn như trên là đúng cốt lõi của vấn đề. Người Chăm chưa có ai làm luận văn hay luận án văn học hiện đại, nếu có họ làm về nhà văn – nhà phê bình này thì lí thú biết mấy. Theo tôi họ sẽ làm khá hơn nhiều ng cứu sinh Kinh có lẽ.
    Tôi rất mong đợi.

  2. Chào “bạn trẻ” không biết bạn có trang bị kiến thức về văn học hiện đại không, theo như bạn đánh giá nhầm tác phẩm của Inrasara, khi viết một tác phẩm văn học có rất nhiều khía cạnh hay các điều kiện để đánh giá một tác phẩm văn học, nhiều khi tác giả hư cấu lên để lôi cuốn độc giả. Lỗi này là do hệ thống giáo dục ở phổ thông bạn chưa trang bị kĩ về lý thuyết văn học… Nên xem lại

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *