Tinh thần mẫu Cham thể hiện qua hiện tượng đẹp BA KHÔNG, ta đã biết rồi. Nay ta thử nhìn gần ở khía cạnh độc đáo hơn.
Phần đông các nhà tu hành thuộc đa phần tôn giáo khác nhau sống đời “độc thân”. Lơi lỏng hay nghiêm ngặt – tùy. Cham ngược lại, các vị chức sắc Cham Ahier lẫn Cham Awal buộc phải có… vợ. Không có vợ không được! Sự thể nhiều lúc đẩy các vị rơi vào tình trạng éo le dở khóc dở cười. Không may lỡ bà mất trước, ông phải tìm bà khác lắp vào [có khi vội vã], để có… Danauk.
Câu chuyện có lí do chính đáng của nó.
Cham theo chế độ mẫu hệ. Quý ông, nhất là các chức sắc Awal lẫn Ahier cần có Sang (nhà) để ở, có Danauk (chốn, nơi ngự, vị) để ngự. Mà Danauk này phải ở nhà vợ. Biểu hiện rõ nhất ở Cham Awal, khi có việc (hu bruk) ví như cấp Acar lên cấp Mưdin… cần phải có Danauk Kamei mới xong việc.
Ở nhà, trong Sang Mưgik (nhà chùa Bà-ni), bà ngồi ngay cạnh ông, lập Danauk để lo cho ông hành sự… vô phân biệt đối xử.
Truy nguyên xa hơn:
“Các tôn giáo tiền sử ở Ấn độ dựa trên việc thờ cúng sự phì nhiêu và nữ thần mẹ. Nếu phần đông các tôn giáo trên thế giới thờ chủ yếu các vị thần nam giới thì việc thờ cúng năng lượng nữ vẫn là một yếu tố trọng tâm của nghi thức Hinđu. Không có một vị thần nào hoạt động được nếu không có người vợ của mình, và hàng nghìn vị thần địa phương phổ biến nằm rải rác khắp các miền quê Ấn Độ hầu hết là nữ giới, và cao hơn hết trong một nữ thần là Kali, nữ thần hủy diệt không thương xót. Quyền lực của bà đem lại sự sống cho Vũ trụ, kích thích tiềm năng của các vị thần và đuổi sạch thế gian loài quỷ đang tìm cách nhấn chìm trật tự hài hòa của vũ trụ vào trong hỗn loạn” (C. Scott Littleton, Huyền thoại thế giới, Chương Ngọc dịch, NXB Mĩ thuật, 2004, tr. 370).