(đã in trong Thơ Nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ’, NXB Hội Nhà văn, 2015)
1. Đó là nỗi khát bản năng, nguyên ủy. Khao khát, thèm khát, thèm muốn. Khát như sa mạc khát sông, biển khát gió. Khát như “phố thèm mưa”, khát cho “ẩm mưa xuân rực khát”, khát làm “đắng một mầm xanh”. Khát đến “chim lạc khát lộng cánh bay”. Khát đến phải “cởi trần bến khát”. Nỗi khát tràn lên đỉnh. Khát tận cùng cho “kiệt cơn khát”.
Thi sĩ thường nòi tình, ai nói thế. Người thi sĩ khát tình đẩy ngôn ngữ trào dâng đến tận cùng của nỗi khát.
Ngôn ngữ thơ của Vũ Thiên Kiều làm bạo động xô ý thơ trương nở và bung phá hết cỡ. Sôi động, sinh động, sống động. Động ngữ, cụm động ngữ, và cả tính từ cũng được huy động vào cuộc: bừng cánh hoa, tung bờ giậu đá, rộn mùa chưng mật, cởi trần bến khát, đốt đuốc ngực đêm, nắng lay bầu ngực thức, đò ngóng cháy rực sông… lặn, xuyên, xoáy, bện,bung, mở, trào, khoan vỡ, thác dậy, biển thức, đất động.
Sau tháng ngày dài bức bối và nung nẫu của chờ và nhớ, với một nắm đạm thương rên rẩm nhớ/ ngày rộp đói những ngọn môi hỉ xả. Khi “ngọn thức sáng” và “lụt gõ cửa”, ta đưa nhau về nguyên thủy loài người – như một ca từ nhạc sến xưa, thi sĩ hết còn ngại ngần lột tả và phơi bày mọi góc cạnh của hành cử giao hoan. “Anh múc tưới em, mũi em ngạt/ dị ứng mùi xa anh”. “Chạm nhau giữa vùng nước xoáy/ nở mắt suối/ ngọt hụt hơi em” (Đói những ngọn môi, NXB Hội Nhà văn, 2014).
Khi “vó ngựa cởi dây cương/ ngậy đỉnh”, là “đỉnh dốc” của hoan lạc dục tính, là “đỉnh thiên đường” của tình yêu. Không có gì là lạ, đó chính là khởi nguồn của sống. Không có gì là lạ, khi đa phần dân tộc cổ Đông Nam Á mẫu hệ thờ ngẫu tượng tính dục. Thơ Vũ Thiên Kiều là thơ của kẻ khát yêu và thèm tình.
Thế nhưng, sẽ không có gì là lạ cả, khi kẻ khát yêu và thèm tình kia chính là người ham sống. Sự sống và sức sống đầy tràn trong Đói những ngọn môi. Và điều không thể thiếu, là – động.
mài lưỡi cuốc xới ngày ràn rạt
trèo sóng bão quây lũ nằm im thở…
trái tim hồng đôi tay
… từ trong niềm đau
cánh đồng quê
trở dạ
Thơ Vũ Thiên Kiều là thơ sống. Sống và động.
Thơ sống cần đến ngôn từ sống. Thi sĩ bày ra không ít ngôn từ mới để làm mới tư duy thơ: bấy bá, rung riêng, long chông, bung biêng, mừ mật… Kiều biết làm sống dậy lớp ngôn từ dân dã tưởng chỉ tồn tại trong từ điển hay ở thế hệ hệ cũ cư trú vùng sâu miền xa. Những lũa [tre], ngậy [đỉnh], rộc [bờ tre], vầy [nước], bòn [đốm sáng], [mặt] lung [phèn], [đá] nựng [chân], [nhặng] bấn [mùa hàn]… có mặt đầy tràn, tự nhiên như nhiên, không chút sắp đặt hay cố ý.
Đó là thứ ngôn ngữ sống từ giữa lòng đời câu kết với thi ca hướng trở lại cuộc sống, khơi mở dòng đời. “Ngược lò gốm em tìm vồ đất dại”, hay: “Bản năng người thức giấc gội ủ ê” nói lên đủ đầy tính chuyên nghiệp của thi sĩ. Câu thơ nén như không thể chặt hơn, ở đó chất chứa bao nhiêu là thông báo, sẵn sàng gọi mời mấy diễn ngôn.
Ngôn ngữ thơ được nén lại, và cảm xúc nén lại. Sức sống muốn làm vỡ đê, tràn bờ được níu giữ lại bên này cuộc đời. Để thơ còn là thơ, trong dòng đời bất tuyệt.
2. Hiếm có nhà thơ miền Nam đau đời mảnh đất mình sống như Vũ Thiên Kiều đang. Càng hiếm hơn nữa, tìm thấy bài thơ độc đáo và đầy ám ảnh như “Sấm chớp phù sa”. Độc đáo ở thi ảnh chưa từng được nói đến, và ám ảnh bởi cái gấp gáp, hổn hển của nhịp thơ. Của hơi thơ-hơi thở. Của sống. Và của cái đòi sống.
mài lưỡi cuốc xới ngày ràn rạt
trèo sóng bão quay lũ nằm im thở…
trái tim hồng đôi tay
Đó là một trái tim sống, động, sung mãn và cuồng say yêu thương miền đất mới. Trái tim giục đôi tay “cuốc ngày ràn rạt”. Cho đôi tay hồng lên, đôi tay phồng, rộp lặp đi lặp lại đến sần chai thành xấu xí, để phải “giấu bàn tay trước ai”. Giấu để làm duyên, như một cách làm duyên đáng yêu của cô gái mới lớn. Nhưng không phải để làm duyên mà đôi tay kia ngưng cuốc ngày ràn rạt. Nó cứ tiếp tục…
Mỗi vùng đất sở hữu mấy hình ảnh đặc trưng, thi sĩ nhận ra và nói lên. Hà Nội với Hồ Gươm và mùi hoa sữa, gió heo mây cùng lá vàng trước ngõ, trời se lạnh mang theo nỗi nhớ nhung xa vắng. Huế là tà áo dài tha thướt, chiếc nón bài thơ với Sông Hương và thôn Vỹ Dạ. Nam Bộ thì nước lớn nước ròng, bông lục bình, câu vọng cổ hoặc “bìm bịp/ tiếng chim kêu/ làm góa cả buổi chiều” (Ánh Huỳnh, “Bìm bịp kêu thương”, Đừng múc cạn nỗi buồn, 2008). Các thi ảnh và hạn từ sáng tạo kia mang mang, buồn buồn, đẹp và nên thơ. Nên thơ, nên người đến sau lặp đi lặp. Lặp lại thành sáo mòn.
Vũ Thiên Kiều thì khác.
Sự chuyển giọng diễn ra đột ngột và quyết liệt. “Sấm chớp phù sa” mang một hơi thơ – hơi thở mới phả vào giọng thơ đất phương Nam.
Cuống rốn rụng muộn ngày quê
củ khoai tây cuối vụ không đặc bột
… mầm tre trồi lên từ gò đất
mẹ sinh em
Lối quan sát gần, cụ thể như thế kia chỉ có thể xuất hiện trong văn xuôi, thế mà ở Vũ Thiên Kiều, nó cứ thơ. Thêm:
Tre nhuần nết cười trong mưa bão
mái nhà ken dày lóng mật
hàng nón trắng đổi công trên cánh đồng vàng
tàu dừa nước rẽ bùn trườn qua ngọn sóng khóa môi đại dương
Một lối thơ khác. Lối nhìn khác lạ đó đưa giọng điệu và nhịp điệu thơ phương Nam hướng theo lối khác, nhanh, cấp tập và mạnh mẽ hơn:
Đòng đòng chân sáo
ổi chát, khế chua, dây sắn và lá dứa cười xàng xê ngô rang
ai kẹo kéo lục tung từng bờ giậu tìm xương
chút ngọt môi quên nắng hè chát chúa
vạch dài rạ rơm lồng vồng bếp khói
mớ rau xanh đổi hào bạc lẻ
tổ ong vàng bụp mắt
chùm bóng bay reo miết giấc mơ…
tre chẻ lạt mềm đục trong khéo tâm người uốn
tuổi thơ em
Đồng tiền trắng cuộn xoáy mồ hôi châu thổ…
Chối từ thi ảnh cũ đã đành, Vũ Thiên Kiều còn chối bỏ cả nhịp điệu chậm vốn có của thơ đất phương Nam mang âm hưởng buồn từ câu Vọng cổ xa xưa. Trích vài bài thơ ngắn của Trần Hữu Dũng để làm đối sánh:
Ai giấu dòng sông chảy siết trong câu hò đồng ruộng
Sao giọng cô Tư ru con nghe nghèn nghẹn
Mưa tí tách rơi trên bụi chuối sau hè
Tôi nhìn trộm vào đôi mắt má – âm u bầu trời lộn ngược
(“Câu hò đồng ruộng”)
Điên điển, điên điển vàng đến rối lòng
Bập bềnh trôi nổi theo mùa lũ đồng bằng nước trắng xóa
Em chèo xuồng ba lá chống trời nuôi hi vọng
Vớt chùm bông quàng cổ, xuống câu hò vắt ngang cánh rừng tràm
(“Thủ thỉ với bông điên điển”)
Chạy mãi trên đồng vắng, đường trắng
Có ai cắn nát trái cam mặt trời
Có ai chọc khẽ vào tim nhói buốt
Thương là thương người ấy
Đầm xa ếch lẻ bạn kêu chiều
(“Thương là thương người ấy”, Lá thông non & em – Trang – sương mù)
Ở Dũng, có cái gì như nghèn nghẹn, buồn buồn và gần như là nỗi bất lực của phận người bé nhỏ trước thiên nhiên vô cùng. Giữa mênh mông sông nước, con người nghe mình cô đơn và lẻ loi biết bao. Trên kia, chim lẻ bạn kêu chiều; dưới này xuồng ba lá lênh đênh giữa dòng Hậu Giang đầy bất trắc. Một giọng điệu rất đặc trưng. Là cảm trạng chung của nhiều nhà thơ đất phương Nam. Một vùng đất mới đầy sôi động, con người phương Nam cũng sôi động không kém; thi thoảng trong khoảng trống nào đó giữa tất bật kia, con người cảm nghe cô độc.
Ở Vũ Thiên Kiều, lạ – cảm trạng kia hoàn toàn vắng mặt. Thi sĩ đắm mình vào hiện thực đời sống của vùng đất này, sống và động với nó và trong nó. Kiều cần đến thi ảnh khác, thảng hoặc thi ảnh cũ có trở lại, nhưng được nhìn bằng con mắt khác, qua đó chúng đẩy nhịp điệu thơ đập theo một thể cách rất khác. “Tre nở bụi ôm tròn gò đất/ lún phún răng non/ vệt cộng hưởng dây chuyền hai mươi tiếng một ngày/ giun bừa dẻo đất/ sấm chớp phù sa/ cần xế chanh áp lút cân đồng hồ/ trái mướp gối đầu lên mặt liếp nghe vọng cổ/ cá tai tượng nhộn đìa đón tết”.
Hình ảnh cây tre là đặc trưng vùng quê Việt Nam. Nếu “Tre Việt Nam” ở đồng bằng Bắc Bộ của Nguyễn Duy nổi tiếng với cách nói mộc, và mang tính khái quát cao, thì nửa thế kỉ sau – tre Nam Bộ của Vũ Thiên Kiều đã khác rất nhiều: cụ thể, trần trụi, chồng lắp, đan xen với hình ảnh đất cùng nỗi niềm người. Tre cùng người làm lụng, lăn lóc, cùng thở, bần thần, cuộn xoáy với thân phận người. Nó làm cho thơ vừa chông chênh vừa gân guốc, hiện thực và phi hiện thực có mặt đồng lúc.
Trong Đói những ngọn môi, tập thơ ở đó bài thơ tình chiếm tỉ trọng lấn át, lấn át với sự quyết liệt và lồ lộ trong cách thể hiện rất sống, cực động của hành cử yêu, bài thơ “Sấm chớp phù sa” cùng ít bài thơ ngắn khác về miền đất phương Nam như thể một lạc lõng. Nhưng lại là một lạc lõng đầy lạ biệt của nghệ thuật thơ, nên cần thiết. Cần thiết, khi sự lạ biệt kia làm phong phú giọng điệu thơ của vùng đất này. Sự có mặt thiết yếu ấy “làm đầy” tập thơ. Qua đó, một đất phương Nam hiển lộ với con người biết yêu, biết làm, và biết sống. Trọn vẹn. Để:
Phôi ngọc làm tổ giấc mơ lũa tre
đất phả hơi
ngọt lịm
___________________
VŨ THIÊN KIỀU
Họ và tên: Vũ Thiên Kiều, sinh ngày 1-9-1974
Quê quán: Ngọc Minh, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Phụ, Thái Bình
Nơi công tác: Ban Dân vận huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang
Điện thoại: 0986585388, Email: vuthienkieu@gmail.com
Tác phẩm
– Khát, tập thơ, NXB Công An, 2010
– Đất, nước và tình thơ, tập thơ, NXB Công An, 2011
– Đốt miền tĩnh lặng, tập thơ, NXB Công An, 2011
– Đói những ngọn môi, tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2014
Giải thưởng Giải nhì cuộc thi thơ năm 2010-2011, tạp chí Văn Nghệ Quân Đội và tạp chí Sông Hương phối hợp tổ chức.