Inrasara: Thơ và giọng thơ

1. Thế hệ khác, giọng thơ cũng phải khác. Có thể ít khác ở vần hay không vần, ở thể thơ, cách xếp đặt ngôn từ, nhưng tuyệt đối phải khác ở giọng điệu. Đó là yếu tố quyết định.

Giọng thơ tình chẳng hạn. Sự vụ người yêu bỏ đi (chia ly, biệt ly, chia tay, cắt đứt quan hệ, dứt áo hay đội nón ra đi, bái bai…) thời nào và ở đâu cũng có. Nhưng giọng điệu mỗi thế hệ phải khác nhau. Gần ta nhất – thời Tiền chiến, Huy Cận:

Thuyền người đi một tuần trăng

Sầu ta con nước trường giang lững lờ

Tiễn đưa dôi muối đợi chờ

Trông nhau bữa ấy bây giờ nhớ nhau.

(“Thuyền đi”, Lửa thiêng, NXB Đời nay, H., 1940)

 

Ba thập kỉ sau, Hoài Khanh từ bỏ cái nhẹ nhàng, vu vơ hay man mác, lững lờ với chầm chậm. Thơ đã chuyển tông màu tối sẫm, nỗi đau đã khởi sự trồi lên ở bề mặt, gây chia xé. Nhưng dẫu sao thơ vẫn còn giữ giọng nhịp nhàng, có vần có điệu. Âm hưởng cũ vẫn còn đọng lại:

Rồi em lại ra đi như đã đến

dòng sông kia vẫn cứ chảy xa mù

tai ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng

nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu.

(Hoài Khanh, Thân phận, NXB Ca Dao, Sài Gòn, 1970)

 

Đến Tô Thùy Yên, ngay cả hoang vu, xa mù cũng không còn. Tốc độ câu thơ đi nhanh hơn, dứt khoát hơn ở giọng điệu, cường độ của bỏ đi, chờ và nhớ quyết liệt hơn, sôi bỏng hơn nên có thể nói – chông chênh và nguy hiểm hơn:

Rồi một ngày em bỏ đi không cầm lại được

Tương lai ùa đến rít gào như trận cuồng phong

Ta xây xẩm giữa đất trời như cái xoáy nước

Nghe bên trong cuồn cuộn khói xe.

 

Nhà thơ bị đẩy vào vùng cô đơn cùng cực không nơi bấu víu. Không thể tìm giải thoát hay an ủi ở thiên nhiên (con nước trường giang). Thiên nhiên không những vô tình (dòng sông kia, cây cỏ mọc) mà cuồng nộ chống lại con người (rít gào như trận cuồng phong, xây xẩm giữa đất trời, xoáy nước), đẩy thi sĩ vào môi trường nhân tạo (cuồn cuộn khói xe) buộc hắn phải sống trong nó và chịu đựng nó.

Chớ nghĩ thế hệ trước yêu kém táo bạo hơn, ít say đắm hay dằn vặt kém dữ dội hơn. Ở đây ta đang nói về văn chương, về giọng thơ, cách thể hiện. Bởi ngay vào cuối thế kỉ này, giọng thơ tình “ra đi” cũng đã khác, khác rất nhiều. Phan Huyền Thư:

Tôi nằm mơ một đám ma mà người chết là tôi, tôi là người đã chết.

Những người tình của tôi xếp hàng lần lượt, những người không hề biết nhau và những người đã từng định giết nhau. Họ đến xếp hàng rồi gật đầu chào mời nhau hút thuốc, đồng loạt thở dài rồi lần lượt đi vòng quanh tôi. Từng người vòng quanh, họ cam đoan không bao giờ quên tôi được. Rồi nghe chừng hơi sốt ruột trong khi xếp hàng họ hỏi nhau xem hoa hậu năm nay mới đăng quang là ai… Mua phim sex lậu ở đâu rẻ nhất…

(Phan Huyền Thư, Nằm nghiêng, NXB Hội Nhà văn, H., 2002)

 

Nó lơ đễnh, vô tư gần như đến vô tình. Thương đó mà ghét đó. Yêu vội nhưng quên càng nhanh hơn. Không cần đợi mồ xanh cỏ, càng không phải mất công đi quạt mồ cho chóng khổ để sang thuyền khác. Kẻ tình nhân hôm nay nghĩ về cuộc vui mới, người tình mới ngay khi quan tài người cũ còn chưa đóng nắp. Nhưng ai dám bảo thi sĩ thế hệ @ không biết yêu!? Biết, nhưng họ yêu khác và nhất là, thể hiện bằng giọng thơ hoàn toàn khác. Nói như Lê Đạt, thi sĩ thường nòi tình nên ít nhiều Trương Chi. Cách đó không lâu, ông đã có Bóng chữ hay tuyệt. Dẫu vậy, cái hay của Bóng chữ là hay ở chỗ khác chứ tuyệt không ở giọng điệu. Chỉ có điên mới cho đó là bài thơ dở, nhưng với giọng điệu, nó là cái hay đã cổ điển rồi. Còn của Phan Huyền Thư: rất hậu hiện đại!

 

2. Ít chữ và kiệm lời, là điều thường thấy ở thi nhân xưa. Họ suy tư sâu và đầm hơn, dụng công trong đặt câu, lựa vần cẩn trọng hơn. Điều kiện in ấn ngày xưa buộc họ thế, là chuyện không bàn. Đáng nói hơn chính là tâm thức, là ý thức sáng tạo.

Một trong những cảm thức trọng yếu nhất của con người là biết mình sẽ chết.

Trực cảm con người là những sinh thể li ti yếu đuối dễ bị quét sạch khỏi mặt đất trần gian cũng rất bấp bênh có thể nát bấy bất cứ lúc nào khi đụng phải một trong muôn ngàn hành tinh khác giữa vũ trụ, ta nghe sinh thể ấy yếu ớt biết bao! Trực cảm thế giới vô tình, tự nhiên vô tình sẵn sàng dẫm qua mọi nỗ lực của con người, mọi thành tựu của các nền văn minh, ta nghe chán nản, bất lực và, thấy cuộc sống phi lí biết bao! Trong dằng dặc thời gian giữa vô cùng vũ trụ, con người chỉ như hạt bụi lướt qua trong sát-na. Còn hơn cả hạt bụi, nó không là gì cả. Ngàn năm trước, Trần Tử Ngang đã nhận ra như thế. Và đã khóc. Mình mình biết mình mình hay:

Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất tri lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc sảng nhiên nhi thế hạ

(Trần tử Ngang, “Đăng U châu đài ca”)

Ai người trước đã qua? 
Ai người sau sẽ đẻ?
Ngẫm trời đất vô cùng
Mình ta tuôn giòng lệ.

(Vô danh dịch)

 

Nguyễn Du cũng mang cảm thức hệt vậy, và cũng đã khóc. Khóc kiểu khác: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?” (Nguyễn Du, “Độc Tiểu Thanh ký”). Một kiểu khóc nói lên đủ đầy sự xao xuyến (angoisse) nền tảng của cá nhân trước nỗi vô danh hầu như không thể tránh của thân phận, nỗi phù du của sự nghiệp con người dù họ có thiên tài tới đâu.

Người xưa thì vậy. Bị ném vào cõi cô đơn không nơi nương tựa, thi sĩ lãng mạn than thở, giãi bày, kể khổ, phơi lòng mình ra trang giấy, ngõ hầu tìm sự đồng cảm:

Từng bước lạnh teo, một mình lủi thủi

Tin ngây thơ: hồn sẽ hiểu qua hồn

Tôi đâu biết thịt xương là sông núi

Chia biệt người ra từng xứ cô đơn.

(Huy Cận, “Trình bày”)

Hồn đơn chiếc như đảo rời dặm biển
Suốt một đời như núi đứng riêng tây
Lòng chàng xưa chốn nọ với nơi này
Đây hay đó chỉ dựng chòi cô độc.

(Huy Cận, “Mai sau “, Lửa thiêng, NXB Đời nay, H., 1940)

 

Nhà thơ hậu hiện đại thì khác hẳn. Sao lại phải khóc [như con nít] hay phải đi kể khổ cơ chứ? Buồn cười! Cô đơn với cô độc ư? Sinh thể mang tên con người này thế nào rồi cũng phải chết ư? Thì cô đơn, thì chết. Có sao đâu.

… Tôi chứng kiến tôi đang bốc hơi từng ngày,

sau cùng chỉ còn lại một vết mờ

trên mặt phẳng.

(Vũ Thành Sơn, “Mùa hè”, 40 km/h, 2007)

 

3. Thời hiện đại, khoa học phát triển đẩy con người vào nỗi cô độc và vong thân. Mình không còn là mình. Cá nhân chìm nghỉm dưới sự đồng bộ của tập thể vô danh, là tất cả nhưng không là gì cả. Tôi cô đơn, và đám đông cũng cô đơn. Tôi là kẻ khác Je est l’autre (A. Rimbaud). Tôi biết tôi phải chết, nhưng dẫu sao từ khi ý thức cho đến lúc lâm chung, ít ra tôi cũng một lần là chính tôi chứ. Đằng này – tôi cứ dật dờ, vô hồn. Tôi mãi mãi là thứ phó sản secondhand people (J. Krishnamurti). Sống mà như là xác chết. Như là đồ thừa.

Không, ý thức tôi buộc tôi chọn lựa: tôi phải là chính tôi.

Đêm xuống rồi
Ta lẻn
Đi tìm mặt mình
Đi tìm mặt mình đi tìm mặt mình đi tìm mặt mình

… Ta đói mặt người ta khát mặt ta
Ta vọng mặt em mặt em ở đâu?…

(Hoàng Hưng, Người đi tìm mặt, NXB Văn hóa Thông tin, H., 1994)

 

Nếu “Người đi tìm mặt” của Hoàng Hưng ở cuối thế kỉ XX đẫm chất hiện sinh, thì đến Trần Quang Quý vào đầu thiên niên kỉ, “mặt” người đã khác, rất khác. Tôi không tự vấn mà quan sát tha nhân. Một tha nhân với vô vàn “mặt” biến chất và biến thiên đa dạng, trơn trợt khó nắm bắt. Chúng làm nhạt nhòe cá tính và nhạt nhẽo, vô vị hóa cuộc đời.

Những cái mặt di cư trong nhau

đến nỗi quên lối về

mặt thật!


Phải sắm nhiều vai kịch trong mỗi đời mặt

góc diễn tấu vỉa hè hay trang trọng sân khấu thời cuộc

một ánh chớp

một liu tiu cỏ biếc

mỗi mắt người một ngọn đèn soi


Những đau đáu buồn, khuôn mặt nặn nhào, khuôn mặt nhẵn quen

những cái mặt ẩn dụ xu nịnh

và thương thay những mặt mượn men

cả những mặt đã lạc màu chính khách


Tôi gặp đó đây nhan nhản vô cảm

có khuôn mặt một đời biểu diễn

có khuôn mặt đau nỗi đau không mặt

bóng thời gian làm xiếc phận người

(Trần Quang Quý, Siêu thị mặt, NXB Hội Nhà văn, 2006)

 

Nhưng cho dù nhìn mình hay nhìn ngắm tha nhân, giọng thơ của Hoàng Hưng hay Trần Quang Quý vẫn cứ ở lại với “hiện đại”: tự phê, buồn chán để quyết liệt lên đường đi tìm khuôn mặt thật của/ cho mình hay nếu có lớn tiếng phê phán với khinh miệt thì vẫn vậy. Vũ Thành Sơn đã rất khác. Anh thoải mái ngắm nhìn mặt mình, “khoan khoái ngắm nhìn ý nghĩ của mình / đã được tỉa gọn vuông vức” để có thể tự họa chân dung mình. Một chân dung đầy hoạt kê:

Tôi biết đi thẳng hàng,

biết làm các trò nhào lộn.

Tôi biết khóc, biết kêu bla, bla, bla, bla.

Tôi là một món đồ chơi.

Bạn chỉ cần lên dây cót.

 

Cho dù ngồi thu lu góc xó trái đất tỉa tót mình thế nào hay lang bạt hoặc chạy trốn, chui nhủi bất kì đâu chăng nữa, con người vẫn cứ là một phiên bản: “Tôi một màu hay không màu?“. Một màu, không màu hay muôn màu không quan trọng. Sao phải khổ sở “đi tìm mặt mình” nhỉ? Tập thơ mới in kia của tôi là một văn bản đã đành, cả cá nhân tôi trong xã hội này cũng chỉ là một thứ văn bản không hơn không kém. Văn bản của văn bản của văn bản… Văn bản được viết bởi AND cha mẹ tôi, ngôi làng tôi sinh ra và lớn lên, kiến thức giáo khoa thư tôi bị nhồi, chuyện kể do bạn bè, anh chị em và cộng đồng tôi đang sống cùng, các cuốn sách tôi đọc, ý hệ tôn giáo và chế độ chính trị đương thời tôi phải chịu đựng. Vân vân… Tại sao tôi không làm một với văn bản kia?

Tôi cần ngay thẳng,

trong mọi tình huống,

tôi được bảo như thế.

Tôi chải tóc rẽ đường ngôi thẳng,

uống cà phê trong cái tách vuông…

Bằng cách đó, tôi sẽ sớm được lên thiên đường.

(Vũ Thành Sơn, 40 km/h, 2007)

 

Đó là thứ giọng humor, cười giễu, đùa nghịch. Đùa nghịch với, qua và giữa muôn trùng mặt nạ. Là cách giải mặt nạ đầy hiệu quả của hậu hiện đại. Đây không còn thuần túy là sự khác biệt ở giọng điệu, khác biệt về phong cách tác giả nữa, mà là một chuyển động mang tính mĩ học sáng tạo trong thơ ca. Cảm thức mới và diễn đạt mới.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *