[không ăn xin]
Hơn nửa đời hư, tôi hân hạnh gặp được 3 đơn vị Cham ăn xin.
Một kí ức với nhạc sĩ Tantu, ông bạn vong niên tôi, nhà gần chợ Thị Nghè.
Trưa, anh phone cho tôi qua nhà anh, giọng rất gấp.
– Có các mẹ, các chị Cham đang ngồi ngoài chợ trước nhà anh đây, Trạm ơi.
Từ Đại học Tổng hợp, tôi hối hả đạp xe qua. Hỏi ra mới biết, các chị, các mẹ palei Bơl Riya vào miền Tây mót lúa lỡ đường, ghé tìm nhà người quen xin tiền xe về quê. Sài Gòn mênh mông, biết đâu sinh linh Cham mà mò!
Thế là anh em hú thêm vài mống nữa hùn hạp cho các mẹ, các chị. Thoát!
Nhớ ở quê, năm tôi Đệ Tứ, đang ăn trưa với gia đình thì có một chú người lạ dáng khá thư sinh ghé. Chú đứng trước mặt mẹ, nói: – Chị cho xin ít gạo. – Xin ư? – Mẹ hỏi – Chú nó người đâu? – Phan Rí. – Xin à? – Mẹ lại hỏi. Chú gật, mẹ bảo: – Trai tráng như chú mà đi xin sao? Chú nói: – Thiếu sức khỏe mà chị. – Thôi, sẵn bữa chú nó ngồi cơm đi, nhưng tui không cho đâu. Chú không nói gì, quay lưng bỏ đi.
Hiện tượng khác trong xã hội Cham. Người đàn ông trạc 50 cao và gầy palei Hamu Crauk, tôi gặp nhiều bận chú đi lang thang ngoài đường ăn xin. Nghe nói chú có vấn đề về thần kinh, thì chịu. Vậy thôi.
Ăn mày! Cộng đồng mẫu hệ Cham không bao giờ nghĩ đến nó, chứ đừng nói chấp nhận hay không? Gia đình hi sinh mọi thứ để trang bị cho ông vũ khí, vũ khí trí tuệ. Ông vận dụng nó để đấu chiến với đời. Nếu vũ khí kia có cùn nhụt, hay nói theo ngôn ngữ hiện đại, khi nó lỗi thời hay lạc hậu, ông cần tự trang bị vũ khí mới để lăn xả vào cuộc chiến mới. Còn không, ông chết đi là vừa.
Trích: Chân dung Cát, tiểu thuyết, 2006.
“Hành vi, cử chỉ, cuộc đời Dhan Than vừa làm xa lạ đồng thời lôi cuốn và gây cho tôi nỗi hứng thú đau đớn.
Không một ai hiểu ông. Có lẽ ông cũng không cần ai hiểu mình, chia sẻ cái mình sở đắc hay tin tưởng. Khi hành vi, lối xử sự của ông bị thế hệ đàn anh những năm sáu mươi đưa lên sân khấu nhà quê bỡn cợt (sự vụ gây cho mẹ tôi không ít tủi hổ) hay khi Cao Xuân Hoang tự tuyên đồ đệ chân truyền của ông qua khoa xem gò bàn tay hướng nghiệp, họ cũng không tí ti nào hiểu ông. Cả khi vào mùa xuân năm 1979 ông bỏ ra miền Trung trôi giạt ăn xin cho đến khi thân tàn ma dại trở về tháng 11 năm 1984 để chết vào cuối năm đó, cũng không một ai hiểu ông. Chắc chắn đây là hiện tượng siêu cá biệt trong xã hội Chăm. Mẹ, các dì tôi đã khóc và tức tốc chạy tiền xe giục ba ông anh họ tôi lục tìm ông khắp mọi xó xỉnh mấy tỉnh thành đến khi bắt gặp và cho ông biết ý định thì bị ông cầm roi mây dài đến bảy sải đuổi chạy thấy ông bà.
Ăn mày! Đấy là khái niệm gây kinh hoàng, nghĩ tới thôi cũng đủ khiến chế độ mẫu hệ Chăm tái mặt chứ đừng nói làm. Mà ông lại là Thầy pháp cao đạo của một dòng họ lớn nhất làng.”
Dhan Than nhân vật tiểu thuyết, là nguyên mẫu ông Phok Dhan Cơk, ông họ nội tôi. Tại sao ông đi ăn mày?
Xin đọc tiếp: “Bốn cứu cánh của đạo sĩ Bà-la-môn & thơ”:
“… để đạt được bốn cứu cánh đó, đạo sĩ Bà-la-môn cần trải nghiệm bốn giai đoạn cuộc đời. Ngay buổi đầu làm đời môn đệ antevāsin, bạn tự buộc tuân thủ nguyên tắc: vâng lời và tuân phục. Sống “dưới chân thầy”, và chỉ biết có thầy guru. Đó là giai đoạn tìm học đầy hứng khởi. Học, người học sẵn sàng trả giá đắt nhất cho việc học của mình. Để sở hữu tri thức, họ dám hi sinh, cả cái tưởng như không thể. Học, không phải mưu lợi, mà để biết. Đến khi trò đã to cẳng cồ vai, hãy bỏ thầy mà đi. Một mình. Cả thầy phải đuổi trò đi, để trò dám và biết đi một mình.
Giai đoạn môn đệ kết thúc, người đàn ông lao vào cuộc sống gia đình. Bạn là một chủ hộ grhastha, nai lưng gánh vác gia đình với đầy đủ trách nhiệm của người chồng, người cha… Dù Ấn Độ nổi tiếng hướng vọng cõi tâm linh nhưng chớ mong họ tha thứ cho kẻ ăn bám, nếu kẻ ấy chưa qua nấc thang cuối cùng của triết lí sống. Mãi khi công việc xã tắc đã xong, rũ bỏ mọi gánh nặng, cắt đứt tất cả liên quan máu mủ ruột rà, bạn dũng mãnh bước vào giai đoạn thứ ba: đi vào rừng vanaprastha.
Đây là giai đoạn thử thách tâm linh khốc liệt nhất dành cho một đạo sĩ. Tôi hiểu nghề nghiệp kia không phải là tôi, chức vụ và danh vị kia, tiếng tăm và tài sản kia, mặc cảm và kiêu hãnh kia… nghĩa là tất cả mọi mặt nạ nơi thế gian u tối mà tôi đang sở hữu kia không phải là tôi. Giữa nhà grāma và rừng vana là khoảng tối ngắn ngủn nhưng dài dằng dặc bạn phải băng qua, đựng chứa bao nỗi nguy hiểm rình rập. Sơ sẩy trong thoáng sát na, bạn có thể hủy hoại cả “vốn liếng” gầy dựng trước đó. Một cuộc truy tìm hướng nội đầy gian nan, nhưng đạo sĩ Bà-la-môn phải can đảm lao vào. Nhảy qua và cắt phăng cây cầu dẫn về trần gian, để dấn mình trọn vẹn vào giai đoạn cuối cùng: giai đoạn khất sĩ bhiksu. Làm kẻ lang thang vô gia cư, “phong phanh giữa trời đất”!”
Ông Dhan Than đã “làm kẻ lang thang vô gia cư phong phanh giữa trời đất”, NHƯ THẾ.