Ở buổi gặp mặt giáo viên tiếng Cham tỉnh Ninh Thuận Hè vừa qua, câu hỏi quen thuộc rất đáng phải suy nghĩ lại: “Làm sao người Cham có thể thống nhất Akhar thrah?”. Câu hỏi đặt ra để biết rằng, lối viết Akhar thrah vẫn chưa nhất quán, ở ngày trước và cả hôm nay. Sự thật:
– Ngày trước, Cham viết không nhất quán. Thiếu nhất quán này ai làm quen với văn bản Cham cổ đều biết. Nó thể hiện phần nào ở Từ điển Aymonier (1906). “Buồn” viết 3 cách: droy, drwai, draiy. “Để” cũng vậy: piơh, pieh, piauh. Còn “Hoa” viết đến 10 cách khác nhau!
– Hôm nay, dù Ban Biên soạn Sách chữ Chăm đã qua 37 năm “chuẩn hóa”, Cham vẫn viết chữ mẹ đẻ không nhất quán. Không nhất quán, nên sinh ra cãi cọ. Cãi cọ quyết ăn thua đủ thành “khủng hoảng Akhar thrah”.
Xin miễn bình luận về vụ này, bởi bình luận chỉ đẩy khủng hoảng lên cao hơn.
Ở đây lòi ra 3 nguyên do: Thứ nhất, truyền thống giáo dục Cham thiếu trường quy. Trong lịch sử, không ít lần người Tàu sang Champa hướng dẫn Cham tổ chức học hành có trường ốc và thực hiện chế độ thi cử kiểu Trung Quốc, nhưng thất bại (Maspéro, 103). Cham thích dạy cục bộ, nhỏ lẻ hơn; mà cục bộ với nhỏ lẻ thì làm gì thống nhất! Tiếp đến, Cham mất nước đi tứ tán, họp lại ở Pangduragga gồm thâu nhiều địa phương khác nhau. Nhiều địa phương thì xảy ra lắm cách viết Akhar thrah khác nhau, thì không gì lạ. Thứ ba, đến khi xã hội ổn định, Cham không có Viện Ngôn ngữ, thì nghe theo ai mà thống nhất? Và cuối cùng, không thể không tính đến Tinh thần Tùy tiện Cham góp công không nhỏ vào sự thiếu nhất quán kia…
Mấy câu hỏi quan yếu:
1. Tại sao phải thống nhất? Cham viết Akhar thrah không nhất quán, đó là sự thật khó chối cãi. Do đó VẤN ĐỀ “chuẩn hóa” mới đặt ra. Có đặt vấn đề, thì có NGHIÊN CỨU vấn đề, cuối cùng là GIẢI QUYẾT vấn đề. Về vài nét Akhar thrah chưa chuẩn, vào đầu thế kỉ XX, Bố Thuận – được xem giỏi chữ Cham lúc đó – đã đề cập; đến nửa cuối thế kỉ trước, hai trí thức hàng đầu là: Lưu Quý Tân và Thiên Sanh Cảnh tiếp tục đặt ra; tiếc là cả 3 không ai [dám] giải quyết. Thế là khi BBS thành lập, trên dưới 20 vị được xem là giỏi chữ Cham nhất thời điểm đó hạ quyết tâm: GIẢI QUYẾT. Câu chuyện bon bon đến tận năm 2007… thì có người ĐẶT VẤN ĐỀ, để rồi sinh ra cãi cọ.
2. Làm sao thống nhất? Theo tôi, KHÔNG cần thống nhất. Thống nhất, thì BBS đã thống nhất rồi, nhưng một bộ phận Cham ngoài đời vẫn viết khác. Mà nếu có bãi bỏ chữ “chuẩn” của BBS đi để theo “chuẩn” của ai đó, Cham lại cứ viết KHÁC.
3. Nếu thế, dạy theo lối viết nào? Giáo viên cứ dạy theo chữ của Bộ Giáo dục, và học sinh cứ học theo chữ đó, bởi đó là Pháp quy, không thể khác. Giữa bạt ngàn “tùy tiện”, ít ra có một Ban “chuẩn” để một bộ phận lớn Cham viết một thứ “chuẩn” chữ mẹ đẻ.
4. Làm sao hết cãi cọ? Chớ hòng! Các “nhà” nghiên cứu muôn đời nghiên cứu và cãi cọ. Đó là công việc của họ. Ở đâu cũng thế, Cham càng bạo hơn, do có Tinh thần Tùy tiện, Tinh thần Cá nhân hỗ trợ đắc lực.
Akhar thrah không nhất quán, nhưng Cham không thôi hết yêu và canh giữ chữ mẹ đẻ. Cham còn, Akhar thrah không bao giờ mất. Tại sao bạn lại sợ chuyện cãi cọ nhau cơ chứ?
Tranh luận, cãi cọ là tốt cho sức khỏe Akhar thrah!