Palei Palau làng Hiếu Thiện bây giờ, xưa người Việt gọi là làng Cù Lao. Tên Cù Lao do đọc âm “palau” mà ra. Palau nghĩa là “đảo”. Trước, dân Hiếu Thiện sống ngoài đảo Cà Ná, đến thời Minh Mạng được chuyển vào đất liền. Thời Pháp thuộc mất an ninh, người Pháp cho nguyên chuyến xe lửa, lần nữa dời dân làng về làng Palau Klak (cũ) cạnh Ram Ga hiện nay. Ông ngoại tôi có trường ca Ariya Rideh Apwei (Trường ca Tàu Lửa) về cuộc này. Ở đất cũ không lâu, do lũ lụt, dân làng lại dời lên palei hiện tại.
Mỹ Nghiệp là tên làng hiện nay, thời tôi còn bé, người Việt kêu nó là Nha Tranh. Thầy Quảng Đại Hồng còn có câu thơ:
Quê tôi ở giữa đồng xanh
Tục danh là xóm Nha Tranh người Chàm
Nha Tranh do âm Chaklan mà ra. Đây là làng Ong Paxa Muk Cakling, ông bà nuôi của vua Po Klaung Girai, người tạo lập đập Nha Trinh nổi tiếng. Nha Trinh do tiếng Chakling mà thành. Dân Chakleng không đọc Chakling mà đọc trại thành Chaklan, nên Việt người trong vùng gọi thành Nha Tranh.
Hữu Đức là Hamu Tanran, trước đó người Việt kêu là làng Tằng Răng [tiếng Cham làm chi khó dễ thế chứ!]. Đây là palei lớn nhất trong các palei Cham. Hơn mươi năm qua làng phình ra nên phải chia thành 3 làng, thay tên đổi họ thành: Hữu Đức, Tân Đức, Thành Đức. Chia thì được đi, hà cớ lại mất công đẻ chữ thế? Sao không làm như Văn Lâm là Văn Lâm 1, Văn Lâm 2, Văn Lâm 3; hay Phước Nhơn 1, Phước Nhơn 2, Phước Nhơn 3? không truyền thống để đậm đà bản sắc như chủ trương của ta sao?
Nữa, núi Chà Bang do chữ Chabbang mà ra, sao lại đổi thành Trà Cang? Dại dột thế là cùng!
Hamu Crok (hay Hamu Trok) thì có vẻ bí hiểm hơn. Người Việt kêu nó là Ma Tró. Cả chúng tôi lứa học sinh Pô-Klong cũng hát: “Lúc 6 giờ chiều chờ Dư ở làng Ma Tró/ Chờ hoài không có chờ luôn đến 7 giờ chiều…”. Nay tên khai sinh là Vĩnh Thuận, chứ trước đó không lâu vẫn là Bàu Trúc. Bàu Trúc, Ma Tró có liên quan gì đến khu Bàu Tró cạnh cửa sông Nhật Lệ, Quảng Bình không? Nghe kể đây cũng là làng làm gốm như Hamu Crok của Cham. Thêm: dân Bàu Trúc nói giọng Cham khá lạ so với các palei lân cận.
Ý kiến bạn thế nào?
Tiếp… Phước Nhơn là palei Pabblap, Việt phiên âm là Bà Láp. Boh Dana (Chất Thường) = Cà Na, đọc dựa theo âm là chính. Còn palei Padra (Như Ngọc) khó phiên âm nên họ cứ lấy tên núi Đá Trắng cạnh đó mà kêu cho tiện.
Và… Các bạn hãy tiếp tục.
Tên gọi là vậy, chớ sự dịch chuyển sau bao thiên tai lẫn nhân tai thì vô cùng. Giặc tràn tới, dịch tả, nửa làng bị cháy… Chưa đầy trăm năm, mẹ kể – Chakleng đã phải 4 lần chạy, để cuối cùng trụ tại palei như hôm nay con cháu thấy. Mà chắc chi đã là cuối cùng? Nhà máy Điện Hạt Nhân, và rồi…
Ba năm trước tôi có loạt bài “Bạn có yêu palei bạn không?”. Nay xin lặp lại: “Bạn có hiểu palei bạn không?”. Lịch sử và con người, con sông, cái ao hay mảnh ruộng…
Hiểu, yêu, gọi tên, vẽ nó ra, và làm.