[Từ Palei Birau [Bal] Chong: Làng Bal Chong Mới (Chung Mỹ) đến Phú Quý]
Chủ lùi cấp quốc gia, chủ lùi từ tập thể đến tận tâm thức mỗi cá nhân…
Do mang tinh thần ẩn cư, lánh đời, “chủ lùi” mà suốt quá trình lịch sử và mãi tận hôm nay, khi mạnh lúc yếu, người Cham chưa bao giờ dời dân vào bất kì vùng đất Việt nào dù lớn hay nhỏ, mà ngược lại. Còn nếu người Việt vào đất Cham, Cham dần dần bỏ đi. Cũng không thoái lui vào đất của dân tộc khác không phải của mình như Đồng Nai [rất dễ khai phá] hay Raglai hoặc dân tộc thiểu số khác [yếu thế hơn nhiều so với Cham] chẳng hạn. Mà là lùi dần phía… núi!
Mới nhất, vào đầu thế kỉ XX, Phú Quý hiện tại vẫn là của Cham, 3-4 thế kỉ trước còn là “thủ đô”, tiếng Cham gọi là Bal Chong. Trên đường lên Hữu Đức cách Bal Chong 500 mét, hiện là làng Hamu Ram (dân gian Việt đọc âm là Ma Ram, sau đổi thành Mông Đức) – làng Việt; bên kia cầu có ngôi tháp Chàm đã đổ, hiện vẫn còn đống gạch vụn.
Còn khu vực Phú Quý, khi người Việt tới, gia đình Cham dần dần bỏ đi, bỏ lên. Tuổi trẻ tôi vẫn còn thấy vài gia đình Cham sót lại, sau đó biến hẳn. Bà con thành lập làng mới trên vùng đất cao bên kia con sông cách làng cũ 500 mét, mà người Chakleng gọi là Palei Birau [Bal] Chong (hay [Bal] Chong Birau): Làng Bal Chong Mới, tên hành chính là Chung Mỹ. Hiện nay, lên Chung Mỹ, chúng tôi nói: Nau palei Birau: đi làng Mới; còn đi chợ Phú Quý, bà con cứ nói: Nau darak B’Chong, chứ không nói “đi chợ Phú Quý”. Chứng tỏ kí ức cũ vẫn còn sống trong tâm thức và ngôn ngữ Cham.
Trích Chân dung Cát (tiểu thuyết, 2006)
“Giáo sư Trần Hùng bảo Cham mang tinh thần ẩn cư. Hơn mười sáu thế kỉ tồn tại, những con người xuất sắc nhất Champa sau thất bại trong đấu tranh giành quyền lực, luôn đi vào rừng. Họ một đi không trở lại, không ngoảnh trở lại. Người Việt giấu mình là chờ vị minh quân xuất hiện, biết đến mà vời, giấu mình để chờ thời. Dù chán giận thế thái nhân tình đến mấy, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng ngoảnh lại xã hội bằng ý kiến thức thời đến vua chúa. Đừng mong tìm thấy mẫu người như Nguyễn Công Trứ trong lịch sử Champa, ngay như tinh thần một Nguyễn Trãi cũng không nốt. Dù mỗi người đàn ông Chăm (ít ra là các thế hệ trước 75) luôn mơ một Cộng đồng Cham thống nhất và nhất quán và chặt chẽ và đầy tính văn hóa với không mãi canh chừng nhau, xấu tâm nóng mắt hay nói lén nói chùng mà yêu thương đùm bọc và không bị mất mát gì nữa. Mơ mộng và mơ tưởng, ở thực tế họ muôn năm có phản ứng hổng chân.
Ngài giáo sư Trần Hùng gọi ông Dhan Than là Arhat quái dị. Con người lý tưởng của Bà-la-môn là đạo sĩ lánh đời, trốn đời và thoát khỏi đời khi đạt giác ngộ. Văn hóa Champa bú mớm từ nguồn sữa tinh thần này nên bị đánh cho tan tác bởi văn hóa Đại Việt chủ yếu hun đúc bằng tư tưởng Khổng Mạnh mà con người lý tưởng là kẻ sĩ dấn thân, Đại trượng phu gánh vác việc đời hay ở bậc “thấp hơn” – Bồ tát của Phật giáo Đại thừa nhập thế cứu độ chúng sinh khốn khổ. Các tri thức tinh túy nhất của tài năng Cham (tài năng thực thì luôn hiếm) không được phổ biến rộng trong quần chúng mà chỉ truyền dạy cho rất ít người hay như Dhan Than, sống để lòng chết mang lên giàn lửa đã đốt cháy thi thể còn săn chắc ông vào một trưa nắng năm xưa cùng ít giọt nước mắt nuối tiếc của tên đồ đệ duy nhất là cái thằng tôi trót phản bội lý tưởng ông bất đắc dĩ.
Nhưng đây chưa phải là hạt giống Arhat cuối cùng. Ông chết, Chế Khan đã là một kẻ kế vị xứng đáng.”
Bạn nghĩ thế nào?