Người Chăm chúng ta có tâm lý sính ngoại nghĩa là tâm lý lúc nào cũng muốn giống người Kinh, đặc biệt là lớp tri thức được học tập và tiếp xúc nhiều với người Kinh. Từ ăn mặc đến cách nói chuyện, và đặc biệt là nếu bạn có người yêu hay vợ hoặc chồng là người Kinh thì đó thực sự là niềm tự hào rất lớn, tự hào với đám bạn người Kinh, tự hào với gia đình và những người xung quanh giống như cái cách mà người Kinh tự hào khi có vợ hoặc chồng là Việt kiều vậy.
Việt kiều thì đem lại vật chất còn vợ hoặc chồng là người Kinh thì đem lại cho ta mặt tinh thần. Ví dụ như trong những ngày có đám tiệc, người Chăm rất thích mời bạn bè, những người quan hệ làm ăn, đồng nghiệp là người Kinh bởi vì sự hiện diện của họ như làm tăng thêm đẳng cấp của gia chủ trong mắt mọi người. Người Việt cũng vậy, chẳng hạn như trong một số chương trình truyền hình lúc nào cũng có bóng dáng của người nước ngoài, người Việt cũng làm được vậy tại sao cứ phải người nước ngoài mới được. Đơn giản vì nếu làm như vậy thì lượng người quan tâm đến chương trình sẽ lớn hơn vì người Việt sính ngoại mà.
Vậy thì vấn đề hôn nhân dị chủng của chúng ta là tốt hay xấu.
Trước tiên việc hôn nhân dị chủng đa số rơi vào lớp trí thức Chăm trẻ, còn lý do tại sao thì ai cũng hiểu. Mà động lực cho sự tồn tại và phát triển lại nằm ở lớp người này. Những đứa con được sinh ra của cuộc hôn nhân này là tương lai của thế hệ sẽ sống trong môi trường mà ở đó không có chỗ cho truyền thống, cho những giá trị của dân tộc. Chúng sẽ học tập ở trường mẫu giáo rồi tiểu học rồi trung học… như những đứa trẻ Kinh bình thường khác. Hy vọng cuối cùng còn lại của nó là gia đình, là bố mẹ, là ông bà nội ngoại thì đã không còn được trọn vẹn như thời xưa của ba hoặc mẹ nó nữa.
Ai đó đã nói với tôi rằng thế tại sao người Do Thái họ hôn nhân dị chủng rất nhiều nhưng họ vẫn khôi phục được đất nước và giữ vững được truyền thống văn hóa của họ. Ý kiến đó cũng đúng nhưng là chỉ đúng với người Do Thái mà thôi bởi vì hai nguyên nhân chính:
Nguyên nhân bên trong, đó do họ là một dân tộc đoàn kết bởi vì họ có duy nhất một tôn giáo là Do Thái giáo, là tôn giáo đầu tiên của nhân loại, là trụ cột duy nhất trong việc giữ gìn phát huy và gắn kết truyền thống, văn hóa của người Do Thái cho dù xảy ra nhiều cuộc chiến tranh chia cắt rồi mất nước rồi trôi dạt nhiều nơi, hấp thụ nhiều nền văn hóa khác nhau.
Nguyên nhân bên ngoài để họ có thể khôi phục được đất nước (Israel) như ngày hôm nay là nhờ người Mỹ đã dựng lên đất nước Israel làm cánh tay nối dày của Mỹ nhằm khống chế vùng Trung Đông nhiều dầu mỏ.
Còn người Chăm thì sao? Ngày xưa, hơn một ngàn năm Bắc thuộc mà Việt Nam vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống cơ bản của dân tộc. Còn bây giờ chỉ sau một thời gian ngắn mà vấn đề gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc Chăm đã được nhiều người tâm huyết cảnh báo, đặc biệt là vấn đề hôn nhân dị chủng.
Theo thống kê của báo giới thì tỉ lệ học sinh có hoàn cảnh khó khăn đậu thủ khoa trong kì thi Đại học cao hơn học sinh có điền kiện sống khá giả giàu có. Thống kê này cho ta thấy một điều là khi con người ta sống trong điều kiện tốt, ổn định và an toàn thì động lực phấn đấu cho một mục tiêu nào đó là thấp hơn nhiều nhiều khi ta sống trong hoàn cảnh ngược lại
Tình yêu là sự hòa hợp của hai trái tim, còn hôn nhân lại là sự hòa hợp của hai khối óc.
Mong rằng chúng ta sẽ có những quyết định sáng suốt trong cuộc sống bề bộn này.
[Bài này thể hiện quan điểm riêng của tác giả]
Vấn đề chưa được quan tâm nhiều từ giới trẻ.