HẬU THUYẾT GIẢNG Ở SỨ QUÁN THỤY SĨ

DSC01965
Ta chưa học nghe, chưa biết nghe, ta càng không ngạc nhiên gì về không biết nghe của mình nữa.
Bạn thơ TCL: “Đề tài Sara đề cập ở phần 1 là nhạy cảm và chưa phải lúc”. – Tôi chỉ nói lên sự thật và đòi hỏi tôn trọng sự thật lịch sử; còn chưa phải lúc – thì cho đến bao giờ mới là phải lúc?
Một thính giả: “Sara có vẻ chê văn hóa Việt”. – Tôi nói lên cái thiếu của văn hóa Việt, ở đó văn hóa Cham bổ khuyết vào, chứ chưa thấy chê bai đâu cả.
Bạn thơ Bùi Tuyết Mai: “nói lục bát Cham có trước lục bát Việt là chủ quan”. – Tôi càng chưa hề quyết ai có trước ai có sau, mà là đưa ra đối sánh để nhận ra sự tương đồng giữa lục bát Việt và ariya Cham. Lại BTM: “bảo thơ các DTTS ở phía Bắc so sánh đơn, chỉ có Cham mới biết so sánh kép, đa tầng, em không đồng ý”. – Tôi chưa bao giờ phát biểu câu đó.
Bạn thơ Nông Thị Ngọc Hòa: “Đừng bắt chúng tôi theo khuôn mẫu thơ nào đó, dù là mới tới đâu”. – Giới thiệu sự khác biệt là mở rộng phạm vi chọn lựa, chứ không bắt ép ai ở đây cả.
Cuối cùng: “Ở Chakleng quê Sara có cả khối đàn ông Cham mù chữ mẹ đẻ”. – Không phân biệt được cá biệt với phổ quát, là trục trặc lớn ở tư duy. Phân tích đưa ra nhiều minh dẫn thú vị…

*
1. Nhạy cảm và không phải lúc
Buổi thuyết giảng ở Sứ quán Thụy Sĩ tại Hà Nội được xem là thành công. Thành công ở: thu hút nhiều thính giả có tầm đến dự, hội trường tập trung, và nhất là ở các câu hỏi mang tính gợi mở lớn. Sau cuộc, ông bạn nhà thơ thân thiết cảm nghe bức xúc, “rất muốn gặp Sara trao đổi”. Tôi, dạ.
Ngay sáng hôm sau, anh đến gặp tôi tại khách sạn. Câu chuyện kéo dài non tiếng đồng hồ. Nhớ và ghi lại.
– Chiều hôm qua hay lắm, nhất là ở phần hai, Sara đã cung cấp cho giới học thức Hà Nội các tri thức chưa từng được biết đến. Riêng phần đầu, mình thấy lấn cấn thế nào ấy. Mình có hỏi vài người tham dự, và họ cũng có ý kiến như mình… [tôi kiểm tra thông tin này: hoàn toàn không có].
– Lần cấn là thế nào, ông anh nói rõ hơn xíu được không…
– Đề tài nhạy cảm, với lại các sử liệu Sara đưa ra chưa được chứng thực.
– Sao lại nhạy cảm nhỉ? Văn hóa Cham chứa đưng bao nhiêu là điều độc đáo, góp phần quan trọng vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, người Cham là ai? Từ đâu đến? Và hiện đang ở đâu?
Từ trời xanh/ rơi/ vài giọt/ tháp Chàm.
Lẽ nào chúng ta muốn bắt chước Văn Cao, kêu: Từ trời cao – rơi – ngàn cái – giếng Chàm? Cù Lao Chàm, mắm Chàm, vân vân Chàm… nữa. Tất cả đều có chủ. Chủ nhân của chúng là Cham. Vậy họ là ai, từ đâu, và đang ở đâu? Các nghi vấn ấy đòi hỏi câu trả lời nghiêm xác. Mà trả lời câu hỏi đó thì không thể không đề cập đến vương quốc Champa đính kèm vị trí địa lí, không thể không nói đến các cuộc Nam Tiến của Đại Việt với vài cột mốc lịch sử quan trọng cùng các cuộc di dân của Cham: sự ra đi và ở lại, cả các bản đồ chỉ dẫn làm minh họa…
Chúng ta có thể giấu mãi được không? Giấu, con dân của vương quốc xa xôi ấy sẽ mò tìm quá khứ của họ, không thể tránh. Cung cấp thông tin chuẩn xác, chính thống cho họ không hay hơn đẩy họ tìm đến các thông tin ngoài lề, có thể lệch lạc; và nhất là – nói theo điều chúng ta hay lo lắng – có thể là những sử liệu có hại.
Còn chính thống, thế nào là chính thống? Tất cả sử liệu Sara dẫn ra đều từ tác phẩm được đánh giá tầm cổ điển: Đại Việt Sử kí toàn thư, Le Royaume de Champa… Dĩ nhiên trong cuộc nói chuyện, người thuyết không thể dẫn chứng các chi tiết kia xuất hiện ở đâu của tác giả nào tại trang mấy… Anh tin tôi đi, mọi lí giải của Sara đều dựa trên tri thức lịch sử khả tín.
– Đồng ý với Sara, nhưng có lẽ đây không phải lúc…
– Vậy bao giờ mới phải lúc. Một thế hệ mù mờ về lịch sử ông bà đi qua, rồi thêm một thế hệ khác kế tục nỗi mù mờ kia thì mù mờ còn kéo dài đến bao giờ cho xong.
– Ừ, cứ tạm chấp nhận như vậy…

2. Dường như Sara có vẻ chê văn hóa Việt [một ý kiến]
Tôi nói: không. Tôi nêu cái gì bên văn hóa Việt thiếu, và văn hóa Cham bổ sung. Đại Việt thiếu hải sử, Cham bổ khuyết vào. Văn hóa biển của người Việt mỏng, Cham làm cho nó dày thêm lên. Nền văn học Việt Nam thiếu sử thi, Cham góp sử thi vào để làm đầy tràn nó. Kiến trúc tháp Chàm, điêu khắc Cham, múa Cham. Vân vân… Nói lên sự thật hiển nhiên đó, sao cho là chê bai.

3. Chúng ta chưa học biết nghe
Không kể người mới liếc qua tên bài đã tự tin bình luận; hay kẻ bình luận qua thành kiến cá nhân; thường thì con người dù nghe hết bài, nghe đầy thiện chí vẫn cứ nghe theo định kiến, thuận theo tiếng lòng của ta, chứ ít khi nghe đủ đầy người đối thoại. Định kiến bảo ta nghe sao thì ta nghe như thế. Ngay đọc mặt chữ hiện rành rành trên giấy/ màn hình trắng, lắm khi ta cũng đọc theo định kiến.

Trong bài “Đối thoại cùng Inrasara”, tạp chí Nhà văn, số 6, 2011, Phạm Quang Trung quy chụp rằng Inrasara cho cái gì của Cham cũng nhất. Sau đây là đoạn ông nhấn: “các cây bút trẻ Chăm theo Inrasara, “đa dạng và đa diện, sâu thẳm và dữ dội, đồng thời sâu cay và chua chát”, và cố nhiên, hơn hẳn các cây bút trẻ người dân tộc thiểu số ở những vùng miền khác“. “Cố nhiên” là chữ ông thêm vào, để suy diễn thành ra… các chữ in nghiêng. Chứ tôi không dại dột viết câu văn có ý đó.
Ở Bàn tròn Văn chương tại Trại Sáng tác Vũng Tàu tháng 5-2015 vừa qua, khi tôi nêu lên sự khác biệt của thơ người Việt Tây Nguyên và người Cham ở Nam Trung Bộ so với thơ DTTS ở phía Bắc, bạn thơ Nông Thị Ngọc Hòa kêu: “Đừng bắt chúng tôi theo khuôn mẫu nào đó. Theo khuôn mẫu dù là mới tới đâu, thơ sẽ thành đồng bộ thì chán lắm”, tôi nói: Giới thiệu sự khác biệt không phải tôi đòi hỏi mọi người hãy làm thơ kiểu đó, mà là mở rộng phạm vi chọn lựa.
Nghe, và suy diễn là vậy.

Cũng ở Vũng Tàu, trong trao đổi trực diện, bạn thơ Bùi Tuyết Mai kêu: “Hôm thuyết trình ở Sứ quán Thụy Sĩ, anh nói lục bát Cham có trước lục bát Việt, cũng là chủ quan”. – Ơ hay, anh nói thế bao giờ đâu! Có thu băng hẳn hoi nhé, anh nói rất rành rẽ: “Mới đây có nhà nghiên cứu Việt ở Mỹ cho rằng lục bát Việt là mượn từ Cham. Riêng tôi, tôi chưa quyết ai mượn ai, mà chỉ đưa vấn đề ra để làm cuộc đối sánh rằng thể thơ lục bát Việt và ariya Cham có nhiều điểm tương đồng”.
Tiếp, bạn thơ than: “Hôm qua ở Bàn tròn Văn chương, anh cho thơ các DTTS ở phía Bắc so sánh đơn, chỉ có Cham mới biết so sánh kép, đa tầng. Em không tin, và em phản đối ý kiến đó”, cũng là một cách nghe theo định kiến.
Tôi nói: anh rất thích ý kiến mình được phản biện với chứng cứ rõ ràng, tội là anh chưa từng nói câu đó. Anh kê rất ư là rõ ràng, có văn bản hẳn hoi nè:
– Các nhà thơ người DTTS luôn khẳng định cá nhân qua bản thể dân tộc khi xuất hiện; Trần Wũ Khang ở miền Trung thì khác, nếu có đề cập gốc gác, anh nêu nó lên với tinh thần đùa nghịch.
– Lối nói cũng khác. Nếu Bùi Tuyết Mai dân dã, Kiều Maily ở thành phố HCM rất hiện đại.
– Hoàng Chiến Thắng ở Bắc Cạn có lối suy nghĩ rất mới, nhưng nhịp điệu thơ truyền thống vẫn còn giữ; còn Tuệ Nguyên ở thành phố HCM thể hiện khác.
– Sự khác biệt còn thể hiện ngay trong thủ pháp so sánh. Htrem K’nul và… so sánh đơn, gần và cụ thể, còn Inrasara có lối so sánh phức hợp, đa tầng (ý trong Luận văn Thạc sĩ của Võ Thị Hạnh Thủy).
– Khác ở tâm thế sáng tác. Hội nhập, hay cụ thể hơn, cả khi xuống phố, nhiều nhà thơ DTTS ở miền Bắc vẫn giữ tâm thế hướng quê với một ít hoài niệm; Trần Wũ Khang cắt đứt tâm thế đó. Anh nhập cuộc làng văn Việt Nam, và đùa nghịch nó với giọng thơ bỡn cợt rất hậu hiện đại.
– Cuối cùng ngay cả thơ người Việt [tiêu biểu] ở 2 vùng cũng khác. Các nhà thơ Việt ở Tây Bắc, Việt Bắc chưa thấy ai đề cập thẳng về các thời sự nóng bỏng, trong khi ở Tây Nguyên, Lê Vĩnh Tài, Đinh Như Thúy rất khác.
Toàn là SỰ KHÁC BIỆT, chứ không hề thấy sự so đo hơn kém ở đây. Nêu lên cái khác biệt, để nhà thơ biết mà rộng đường chọn lựa.

4. Hậu thuyết giảng ở Sứ quán Thụy Sĩ không thể thiếu vụ việc xung quanh “đàn ông Cham không mù chữ mẹ đẻ” bị một bạn FB bắt bẻ.
Khi tôi đính chính với một Đài rằng, “tôi chưa thấy đàn ông Cham thuộc thế hệ cha chú tôi mù chữ mẹ đẻ”, bạn FB ấy tố cáo tôi “bóp méo sự thật”. Bạn này còn khẳng định là có “cả khối đàn ông Cham mù chữ”. Anh dẫn tên một người ở Chakleng quê tôi, thêm: đa số họ đã mất, và vì tế nhị anh không muốn nêu tên. Khi tôi bảo nếu thế, mình nói chuyện qua chat nhé, anh rút êm.
Bạn này còn không phân biệt được cái cá biệt với tính phổ quát.
Thế giới Chakleng, tôi rành sáu câu vọng cổ. Ngay từ tuổi thơ, tôi chăn trâu với theo cha làm ruông khắp đồng cao đám trũng; ba tháng hè cuối Tiểu học bán cà-rem, tôi không chừa cái cửa nhà nào; 75, tôi mở lớp dạy chữ Cham hai tháng cho 70 học viên; bỏ Đại học về, tôi thủ chức kế toán trưởng HTX; vân vân. Nên có thể nói tôi rành Chakleng như bàn tay tôi vậy. Thế nên chuyện có bao nhiêu người mù chữ mẹ đẻ ở Chakleng tôi không biết mới lạ.
Chính xác: 3 người. Nhưng đó là LỖI CỦA BÀ TRỜI, CHỨ KHÔNG THUỘC TRUYỀN THỐNG CHAM. Truyền thống Cham: cha dạy con, ông dạy cháu, thầy dạy trò. Ariya Patauw Adat (Gia huấn ca dành cho đàn ông) dạy: “tìm chữ cất trong mình” (dwah akhar caik di drei). Ngay từ nhỏ, bạn phải biết chữ. Rủi ro nghèo khó (ở đợ chăn trâu chẳng hạn…), lớn lên lấy vợ, bạn học; hay khi con cháu đầy đàn, bạn tìm “chữ K đeo lỗ đít” để gọi là biết chữ với người ta. Cuối cùng bạn chết, trong một nghi thức ở đám tang, thầy Paxeh sẽ Jot Akhar: đọc ba lần chữ cái vào tai bạn. Đó là cách xóa mù cho người chết vô cùng độc đáo của Cham.
Nghĩa là bạn không thể không biết chữ.
Tôi nói, đàn ông Cham không biết chữ là do lỗi ở Bà Trời, là vậy. Cơ thể ông thiếu khuyết bộ phận tiếp nhận chữ, nên học mấy cũng không vô.
Chuyện thật. Tôi có bạn học thuở nhỏ, ba năm mới được lên lớp. Lên là do thầy thương tình. Năm năm Tiểu học bạn mới được lên lớp lần hai, lớp Ba mà mươi phút chưa đánh vần nổi nửa trang sách. Thế là nghỉ. Nghỉ, và chữ thầy trả cho thầy tất. Tiếng Việt là vậy, bên tiếng Cham cũng chẳng khác gì. Tôi biết trong giới chức sắc Cham Bini, một ông Acar qua ba năm được Gru ưu ái đưa lên chức Mưdin để chuẩn bị lên Katip là điều ông rất muốn, nhưng không thể vượt qua sắp đặt của Bà Trời, thế nên sau đó ông đã phải “cởi áo” – bởi chữ không thể vào đầu.
Ba đàn ông kia rơi vào cá biệt ấy. Không phân biệt được cá biệt với phổ quát, là trục trặc lớn ở tư duy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *