“… Nếu như trong Tháp nắng có vị ngọt và cay cay của mật ong rừng có sự hoà trộn hân hoan của văn hoá các dân tộc thì trong Lễ Tẩy trần tháng Tư Inrasara là người con đích thực của dân tộc Cham có lẽ đã qua nhiều kiếp sống là người dân tộc Cham. Những bài trong Lễ Tẩy trần tháng Tư không nghi ngờ gì nữa: gần giống với cách kể chuyện sử thi (người Việt không có sử thi) chỉ có điều hơi khác: đấy là không liền một cốt truyện…”
Tôi gặp phải ba khó khăn khi đọc Lễ Tẩy trần tháng Tư.
Khó khăn thứ nhất đó là đọc đi đọc lại chưa hiểu Inrasara muốn nói điều gì? Thứ hai những từ phiên âm ý nghĩa thế nào? Và khó khăn thứ ba làm sao hiểu được giá trị văn học đích thực của tác phẩm? Nhưng rồi tôi cũng tìm được chìa khoá để giải mã ba khó khăn trên hoá ra để hiểu được Inrasara vừa đơn giản vừa phức tạp. Đơn giản bởi vì tôi (và có lẽ nhiều người khác thường tin vào kinh nghiệm và thói quen) cữ ngỡ là Lễ Tẩy trần tháng Tư là thơ nói nhiều về tôn giáo tín ngưỡng, thực ra không hoàn toàn như vậy. Gạt bỏ kinh nghiệm ra khỏi đầu tôi hiểu nhà thơ muốn nói gì và đã hiểu thì cũng không cần biết rõ những từ phiên ám như: pagalaung… ý nghĩa như thế nào? Nhưng phức tạp ở chỗ các cấu trúc nghệ thuật ở đây không hề giống bất cứ tác phẩm thơ ca nào có mặt trên lãnh thổ Việt Nam mà tôi biết (có thể tôi chưa biết chăng?) đòi hỏi phải dùng đến suy nghĩ của riêng tôi để giải mã để hiểu mà rất có thể bạn đọc nào đó khi đọc bài viết này phản đối.
Người đọc như tôi thấy vất vả như vậy thì tác giả phải gian khổ thế nào mới cho ra đời tác phẩm này, cho nên tôi không viết cảm xúc của tôi khi đọc mà viết: hành trình gian khổ. Bây giờ tôi mới mạnh dạn nói về Lễ Tẩy trần tháng Tư, tôi nói mạnh dạn vì trước đây tôi có đề cập đến một phương pháp tiếp cận văn học nghệ thuật có người cho tôi là bị ảnh hưởng của tôn giáo tín ngưỡng.
Ai cũng rõ để hiểu một tác phẩm nghệ thuật cần phải hiểu nguồn gốc, xuất xứ, hoàn cảnh ra đời… Điều này không phải bàn cãi nhưng theo tôi có bốn (4) dạng tác phẩm ra đời từ bốn (4) nguồn sáng tạo khác nhau. Thứ nhất tác giả là một người có kinh nghiệm và vốn sống được động viên để viết hoặc có động cơ cá nhân mạnh mẽ để thực hiện tác phẩm. Họ cũng cho ra đời một hay nhiều đứa con tinh thần của họ. Phải nói thực những tác phẩm ấy thường thường bậc trung hoặc dưới mức trung bình.
Thứ hai tác giả là một người có kinh nghiệm, vốn sống lại có năng khiếu Trời phú, tác phẩm của họ thường khá hay được nhiều người khen.
Thứ ba tác giả là một người có năng khiếu Trời phú như thể họ sinh ra để sáng tạo, thông minh nhạy cảm và tinh tế khiến tác phẩm của họ được công chúng coi như thần đồng khi còn trẻ và như Người Giời khi về già, tất nhiên họ sẽ có tác phẩm để đời.
Thứ tư theo tôi cực hiếm có khi lẫn giữa dạng thứ ba và thứ tư đó là tác giả sáng tạo một hay nhiều đứa con tinh thần của mình từ trong sâu thẳm của vô thức. Họ như kỳ lân như phượng hoàng như rồng (vì hiếm) tác phẩm của họ chưa chắc được số đông tán thưởng có khi còn bị hắt hủi khi họ còn sống, trên thế giới họ sinh ra các trường phái các trào lưu… Như: vị lai, ấn tượng, phi lý, hiện sinh… Nếu không sinh ra cái mới thì họ cũng xếp cái cũ sang một bên cho thiên hạ hoài cổ đến đây bạn nào đọc bài viết này đã hiểu tôi muốn nói đến vô thức khởi nguồn của sáng tạo đỉnh cao mà vô thức một từ có nguồn gốc từ tôn giáo cho rằng trong con người có nhiều thức khác không chỉ riêng có ý thức mà vô thức chỉ là một trong các thức nơi ẩn chứa bao điều kỳ diệu trong đó có sáng tạo nghệ thuật.
Tôi cho rằng Inrasara viết Lễ Tẩy trần tháng Tư là một hành trình gian khổ đi từ vô thức đến ý thức. Vô thức là sáng tạo và ý thức chính là tác phẩm trước mặt tôi đây và tôi đang xem.
Vui một tý nhé chứ lý luận lắm cũng mệt đố bạn trẻ nào trích dẫn mấy câu thơ thậm chí là trích cả khổ thơ trong Lễ Tẩy trần tháng Tư rồi nói đấy là ý nhà thơ nói rõ như thế.
Tôi đố như vậy bởi vì mạch thơ không thể đọc rời từng câu, từng khổ thơ mà bảo đấy là nội dung hay ý nhà thơ. Theo tôi phải đọc liền một bài không ngừng nghỉ đọc theo lối đọc truyện cũng được, theo kiểu đọc kinh càng tốt không suy xét cái sự trúc trắc không vần điệu, có khi tôi vừa gõ nhịp vùa tưởng đấy là nhịp trống rồi đọc thấy vào lắm. Ví dụ như bài này:
Pagalaung ginang palalaung ginang palalaung
Trống đã nổi
Pagalaung pagalaung pagalaung
Đánh thức Mặt đất và bầu Trời Thiên đường và Địa ngục
Thức dậy Thiên thần Con người Quỷ dữ
……….
Đấy là cách đọc, đọc đúng cách sẽ hiểu Inrasara nói gì, từ sâu trong vô thức ngôn từ như dòng chảy chứa đựng tư tưởng, tình cảm của tác giả, tôi thấy nhà thơ nặng lòng với quá khứ dân tộc, nặng lòng với trách nhiệm, tình cảm gia đình… đau đáu tìm một tương lai tươi sáng hơn cho cộng đồng, đây chính là nỗi khổ của nhà thơ trên hành trình sáng tạo
Trở lại với lịch sử dân tộc Cham một chút. Dân tộc Cham là một dân tộc có chữ viết thuộc loại sớm so với các dân tộc ở Đông Nam Á, có nền văn hoá sớm phát triển rực rỡ, có kỹ thuật đi biển xa buôn bán với các quốc gia trong khu vực… Đóng góp của họ cho nền văn hóa của một nước Việt Nam thống nhất rất quan trọng thế nhưng một thời gian dài hàng thế kỷ dân tộc Cham thiếu vắng các nhà tư tưởng, các nhà khoa học, nhà văn hoá lớn… Có thể vì lẽ đó mà Inrasara đau đáu đi ngược lại quá khứ tìm lời giải đáp. Tôi cho rằng đây cũng là một hạn chế của tác giả cũng như hạn chế của tác phẩm, quá khứ đã thuộc về lịch sử rồi.
Nếu như trong Tháp nắng có vị ngọt và cay cay của mật ong rừng có sự hoà trộn hân hoan của văn hoá các dân tộc thì trong Lễ Tẩy trần tháng Tư Inrasara là người con đích thực của dân tộc Cham có lẽ đã qua nhiều kiếp sống là người dân tộc Cham. Những bài trong Lễ Tẩy trần tháng Tư không nghi ngờ gì nữa: gần giống với cách kể chuyện sử thi (người Việt không có sử thi ) chỉ có điều hơi khác: đấy là không liền một cốt truyện.
Suy nghĩ đến đây tôi bỗng giật mình. Mình có to gan không mà nhận xét như vậy? Nhưng tự trả lời thế này Inrasara sáng tạo như xuất thần mình đọc như lên đồng thì không có lý gì lại sai hết, vả lại biết đâu có một kiếp mình đã là người Cham cho nên kiếp này yêu tháp Cham. Nhớ lại trước đây có một nhà khoa học người Ba Lan thì phải rất mê tháp Cham đến trọn đời, khi ông ấy mất người con trai thay ông ta làm tiếp việc của cha mình. Họ kiếp trước có là người Cham không nhỉ?