Quan hệ Cham Việt 01: VA CHẠM ĐỜI SỐNG, đâu là thái độ?
Một vấn đề nảy sinh không thể quyết toán bằng chối bỏ nó hay cho nó chìm xuồng, mà bằng phơi bày nó ra, đối mặt với nó, và tìm cách giải quyết nó. Cham Kinh sống cộng cư, va chạm là chuyện thường tình. Cham nói: Răng lưỡi sao tránh phải cắn nhau (Tagei dalah habơr klah di kaik gơp). Va chạm này gây chú ý, bởi nó dễ bị thổi phồng từ va chạm cá thể thành xung đột tập thể.
Vấn đề là, chính quyền địa phương có KỊP THỜI, CÔNG BẰNG & MINH BẠCH không? Đề tài này tôi đã đề cập nhiều lần mươi năm trước, nay xin trở lại.
Vụ Kiều Minh Vũ bị đâm chết năm 2004, bà con Cham Cwah Patih vào làng Kinh đập phá. Hậu quả: mình vừa bị mất người vừa thêm vài mạng đi tù. Vụ thanh niên Cham Bauh Bini bị đâm chết năm 2012, anh em nổi giận kéo nhau qua đốt trụi nhà người Kinh kia. Hậu quả cũng tương tự. Vân vân…
Đá bóng, kẻ phạm lỗi bị thẻ đã đành, ngay người trả đũa cũng lãnh thẻ. Vậy làm thế nào?
Phải thật bình tĩnh [dù rất khó, khi ruột thịt mình bị nạn]: 1. Hãy thu thập đầy đủ chứng cớ, 2. Đưa phạm nhân ra tòa, 3. Đòi hỏi tòa xử CÔNG BẰNG & CÔNG KHAI án kia cho bà con biết.
Cham không yêu cầu ưu ái, mà đòi công bằng.
Đó là va chạm cá thể, chứ vấn đề mang tính tập thể liên quan đến chính quyền thì sao? Liên hệ với chuyện dân Vĩnh Tân huyện Tuy Phong biểu tình chống sự cố xả bụi xỉ than của Nhà máy điện bằng cách làm nghẽn Quốc lộ 1 vừa qua; hay tháng 3-2014, vụ bà con xã Sơn Hải kéo nhau vào TP Phan Rang biểu tình chống nhiễm xạ nặng nguồn nước từ nhà máy khai thác Titan của Trung Quốc. Tôi xin không ý kiến về 2 trường hợp trên, mà nhân đây liên hệ đến cộng đồng Cham, để nói với bà con Cham. Nếu gặp chuyện bất công, và đã đệ trình nhiều lần mà không giải quyết.
Làm gì?
Cham không cần đập phá trả thù [khiến người gây hại thù oán ta, từ đó thù oán kéo dài], hay ném đá công an [cho lực lượng này không có cớ đàn áp], không cần gây ùn tắc quá dài ở trung tâm TP hay đường huyết mạch gây thiệt hại chung [để nhận cảm tình công chúng]; thậm chí nếu công an có dùng bạo lực, ta cũng không phản ứng lại. Ta bất bạo động toàn phần. Cham chỉ cần cho bên ngoài biết: ta đang bị đối xử bất công.
Cần chụp nhiều ảnh, quay nhiều video clip. Bởi đây là thời đại của cuộc chiến thông tin. Ta đưa tất cả lên, là đủ. Nhất là hiện nay, vào hoàn cảnh lúc này.
Quan hệ Cham Việt 02: VA CHẠM TRÍ THỨC, hướng mở ở đâu?
15 ngày làm “Không gian Văn hóa Cham” tại trung tâm Hà Nội năm 2012, tôi trưng bày tất cả sách của tác giả Cham; Ngày thơ VN tại TPHCM năm 2014, tôi cũng làm thế với thơ Cham, để mọi dân tộc VN hiểu về Cham hơn.
Non 20 năm qua, mỗi năm tôi giới thiệu vài mươi người thuộc giới học thức Việt đủ lứa tuổi vào các palei Cham, gặp gỡ Cham đủ thành phần, càng nhiều càng tốt – không phân biệt. Không phải để nghiên cứu văn hóa Cham, mà là chính con người Cham. Tạo cơ hội hai bên tìm hiểu, cảm thông và chia sẻ. Do đó, tôi rất thích đề tài Thanh Lê chọn: “Quan hệ giữa người Cham Bà-la-môn và cộng đồng khác”. Lần đầu tiên [và duy nhất], tôi bỏ Sài Gòn về quê “hướng dẫn” nghiên cứu sinh này. Rồi một tuần liên tục, hai thầy trò đi xe qua các palei Cha…
Qua việc làm này, tôi quý tinh thần thiện chí của một Cốc Tuyệt Tình, tôi yêu thái độ tìm hiểu của một Trinh Thi. Và rất nhiều người khác nữa… Dẫu sao, vẫn còn tồn đọng mấy lấn cấn đây đó. Nêu chuyện cũ (ở đây tôi chỉ đề cập đến người có danh phận), như một cách rút kinh nghiệm hữu hiệu cho người đến sau.
1. Năm 1992, vị TS vào palei Cham gặp gỡ nhiều người. Ông hòa đồng, hứa này nọ, bà con vui vẻ đón tiếp ông. Bản thân tôi cũng thoải mái: cho ông ăn ở trong nhà 4 ngày. Thời gian tôi vào Sài Gòn sống, ông còn trở lại vùng Cham mấy lần nữa. Thế rồi, lời hứa gió bay. Chuyện đến đó, rồi thôi. Quan hệ 2 bên bình thường. Đùng cái, 2 năm sau, anh bạn ở Viện đưa cho tôi bản thảo về “Lịch sử người Cham” ông sắp báo cáo ở Viện để chuẩn bị ra sách. Tôi đọc và ngớ ra: ông sao lại Trần Trọng Kim là chính, chỉ thêm muối mắm cho nặng thêm. Tôi mới photo nó gửi về quê. Bà con râm ran phản đối. Thế là Viện im, nghe kể thế.
Không ai hiểu tại sao ông làm thế, bà con chỉ biết trách người đã dẫn ông về với Cham. Là anh người quen của tôi.
2. Năm 2001, vị GSTS chủ biên 23 nhà khoa bảng viết “Mấy vấn đề lí luận và thực tiễn cấp bách liên quan đến mối quan hệ dân tộc hiện nay” trong đó có 1 chương về Cham. Trong 23 tác giả này, có không ít vị quan hệ thân mật với Cham. Vậy mà chương sách phạm nhiều sai lầm tai hại. Xin trích 1 ý: “Trung tâm văn hóa Chàm còn là đầu mối liên lạc, cung cấp lực lượng cho tổ chức Fulro Chàm, tuyển chọn, giới thiệu người của Fulro để đưa ra nước ngoài huấn luyện, chỉ đạo hoạt động của lực lượng Fulro ở đồng bào dân tộc Chàm”. Là chuyện hoàn toàn không có.
20 trí thức và nhân sĩ Cham mới viết phản biện gửi lên. Thế là người đại diện Nhà xuất bản (mà không phải chủ biên hay các tác giả) về Phan Rang. Chỉ gặp Nguyễn Văn Tỷ và Lâm Gia Tịnh. Họ công nhận sách có vài sai sót. Thế thôi, không gì hơn.
Ông Tỷ đề nghị tác giả gặp tất cả 20 người, hoặc phải nhận sai lầm bằng văn bản, và có thư xin lỗi. Đơn giản vậy, mà không làm được.
3. Chuyện này to hơn, đã đăng trên Inrasara.com, 15-9-2009.
Năm 2009, một Nhà nghiên cứu từng sống ở vùng Cham, quen biết nhiều người Cham, không dưng viết bài “mạt sát” (chữ của Trà Vigia), “chà đạp” (chữ Nguyễn Văn Tỷ) hầu hết trí thức Cham. Ông cho rằng đa số Cham tham gia biên soạn Từ điển với Moussay chỉ “trình độ “bình dân học vụ” về chữ Chàm”, Lưu Quang Sang mới được “cấp Ba trường Tây nhưng tiếng Chàm chỉ sơ sài”. Các trí thức khác, như Po Dharma thì “lộn chuồng nói leo, lôm côm”, còn các bác trong Ban Biên soạn sách chữ Chăm “trình độ tiếng Chăm quá hạn chế”… toàn những bậc cao niên, đáng cha chú ông.
Không Cham nào hiểu ông muốn gì!
Tôi viết bài giải minh dài [không chút phê phán] với mục đích giúp ông hiểu vấn đề (ông Đạt Chữ kể 1 nhà nghiên cứu trẻ Cham chê tôi: anh Trạm viết dài làm chi chớ, em chỉ 1 trang là ổng tiêu).
Trà Vigia cho ông “bệnh lý hay bệnh tưởng” và khuyên: “Hy vọng ông NTT sẽ cho công bố nay mai những công trình hoàn chỉnh hơn cho người Chăm được nhờ, chứ ông cứ mạt sát thế này tội lỗi quá!”
Nguyễn Văn Tỷ, như bản tính vốn có, viết đốp chát. Quan trọng hơn, ông Tỷ đề nghị gặp mặt tác giả để đối chất: “tôi sẽ đứng ra xin phép chính quyền địa phương tổ chức trao đổi về văn hoá Chăm giữa ông và các người sau đây tại một địa điểm do ông chọn và ngày tháng do ông ấn định: – Một là với các tác giả Tự điển – Hai là với nhà thơ Inrasara – Ba là với Ban Biên soạn SCC – Bốn là với Nguyễn Văn Tỷ, đại diện trí thức Chăm.
Xin ông hãy trả lời. Nếu ông thoái thoát với bất cứ lý do gì thì chúng tôi cho ông “dùng bài tẩu” và xem ông chỉ là kẻ tiểu nhân.”
Ông này im lăng. Là trí thức, sao ông sợ gặp mặt trao đổi. Ông “mạt sát” thiên hạ, tại sao lại không dám đối chất? Thế thì làm sao có thể gọi là nghiên cứu để hiểu nhau?
Nếu trường hợp (2) là sai lầm tập thể, thì trường hợp (1) & (3) là thuần cá nhân. Ở cả ba, lại, bà con Cham yêu cầu gì? Không gì cả, ngoài hai bên GẶP MẶT TRAO ĐỐI, biết nói lời XIN LỖI, và SỬA SAI. Vậy thôi, mà chưa có vị nào chịu làm.
[Ba hiện tượng này rất cần nhắc lại làm bài học cho nhà nghiên cứu dân tộc khi về vùng DTTS].
Vụ Kiều Văn Vũ xảy ra tối 11.3.2006, sáng 12.3.2006 hay tin, đến trưa…
Vụ Kiều Minh Vũ xảy ra đêm 11.3.2006, ngày 12.3.2006 Vũ ra đi trên đường đi cấp cứu nên 11 giờ bắt đầu xảy ra cờ sự anh à.