5.000 Từ vựng Việt – Chăm: Từ gốc – Từ tương quan & từ vay mượn

Ở bài trước, khi bàn đến mục “Vay mượn thế nào?”, tôi đã dự liệu: “đây là vấn đề nan giải nhất của 5.000 Từ vựng Việt – Chăm“. – Không sai!

Trước tiên xin giải minh vài điều:

– Vấn đề liên quan đến Ban Biên soạn sách chữ Chăm, do các bạn nhắc, cho nên mặc dù không tham gia vào công cuộc, tôi xin khẳng định: BBS không hề ý định soạn chữ Chăm cho tất cả Chăm, các văn bản liên quan tỏ rõ điều đó. Ngay cả khi đã “chuẩn hóa”, các chú bác vẫn có câu thòng đáng chú ý: “sau này khi có nghiên cứu đúng đắn hơn, các chuẩn này có thể chỉnh đốn lại”. Vậy, đề nghị chúng ta không nên bàn.

– Toàn bộ “Thử bàn cách chọn từ” là do tôi thu thập ý kiến từ nhiều giới thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau. Dù là ý kiến của cá nhân hay nhóm người, dù là ý kiến của một người ít học hay của người con có gốc gác Chăm, ta cũng tôn trọng. Nêu ra, để các bạn thảo luận, bất kể là Chăm ở vùng miền nào. Nhưng bạn đọc chú ý: Tôi đặt trọng tâm Chăm Việt Nam, vì tôi không đủ khả năng bao quát toàn bộ Chăm trên thế giới. Tôi chưa được đọc Từ điển Chăm ở Thái Lan, ở Campuchia, hay Hainan,… nên không biết họ có nói “độn” tiếng bản địa hay không và “độn” tới đâu. Và tương lai gần, bà con Chăm bên đó có ý định gì đáng kể không.

Ở tầm lớn rộng và bao quát hơn, chỉ có thể trông chờ vào thế hệ sau vậy.

Tôi chỉ nhấn vào việc trước mắt (hiện nay Chăm ở Việt Nam đang nói độn) trong phạm vi hiểu biết của mình (tiếng Chăm ở Việt Nam).

 

I. Từ gốc – tương quan và vay mượn

1. Tiếng Chăm thuộc ngữ hệ Mã Lai – Đa đảo, nên hạt nhân từ gốc thuộc ngôn từ chung thì miễn nói rồi. Ví dụ:

phun – pơhon; takuh – tikus; jalan – jalan; mưta – mata; limưk – lemak; harei – hari

Dù cùng gốc, nhưng ở Chăm nhìn chung đã biến âm hầu hết (6 ví dụ trên, chỉ có jalan còn nguyên bản, 5 từ còn lại đã biến âm, nhất là âm chính).

I – A, A – Ư, U – A, I – EY, A – I,…

Như thế mới thành đặc trưng ngôn ngữ dân tộc thuộc cùng hệ ngữ tộc.

Nói mượn tiếng Malayu thì hơi thừa. Chỉ cần đọc các văn bản cổ và lọc lại là ta có được hầu hết từ nền tảng cần dùng.

 

2. Trước khi bàn đến từ vay mượn, ta không thể không xem qua từ tương quan. Tương quan với từ Việt – Mường phục nguyên. Năm 1978, nhà ngôn ngữ Nga Sokolovskaia đã tiến hành điều tra qua biện pháp so sánh lịch sử: Tiếng Chăm và Việt  – Mường phục nguyên có đến 19% từ tương ứng. Bàn chuyện này thì dài, chỉ biết rằng điều đó khẳng định là khu vực ngôn ngữ ba nước Đông Dương cùng nằm trên lớp cơ tầng và phản ánh các biến âm tiêu biểu chung.

pơh – mở – mbơh; pah – vả – tapah; tuh – đổ – ketoh; điep – nếp – ndep; cabbwai – môi – mboj,..

(chuyển âm Việt – Mường phục nguyên ở đây chỉ có tính tương đối).

 

3. Thời cổ, tiếp thu văn hóa Ân Độ sau đó là văn hóa Islam, Chăm bắt đầu vay mượn.

a. Sanskrit và Pali.

phala – phwơl; nagara – nưgar; manusia – mưnus; upakara – apakar;…

– Vay mượn để diễn ý, sự thể: – không có trong vốn từ gốc, và – vốn từ gốc có, nhưng mượn để làm phong phú thêm. Ví dụ:

Chăm đã có từ gốc urang (orang), nhưng đã mượn thêm manusia (mưnus).

– Vay mượn, và giữ nguyên bản gốc và cả biến âm hay rút ngắn số âm tiết (rất ít):

Bhumi (quê hương) – bhummi, bhum.

praitnitrik (mặt đất, trái đất) – praittarabi, praittik

Ví dụ:

… laik trun praittarabi (Akayet Dewwa Mưno): …rớt xuống mặt đất.

Praittik jang mưgei… (Ariya Glơng Anak): Trái đất cũng rung động…

Nhưng đa phần khi vay mượn người Chăm đều có thay đổi: rút bớt âm, biến âm,…

 

b. Vay mượn tiếng Ả Rập cũng vậy. Chăm ít khi để nguyên bản mà luôn biến âm.

Ramadan – Ramưwan; mesid – mưgik; kurma – kuramư; jumat – jamư-at,…

 

4. Sang thời hiện đại, khi vương quốc Champa tan rã, người Chăm ở lại Việt Nam, số lớn hơn chạy qua Campuchia… Sống xen cư và cộng cư cùng người Kinh và Khmer, – như bản chất của mọi ngôn ngữ, một số từ chết đi, một số khác khai sinh – ông bà ta buộc phải vay mượn.

a. Tiếng Việt

– Thời kì đầu, Chăm mượn và biến âm: TR – KL; ƯƠ – Ơ;… Hiện tượng này xảy ra trong văn chương cận đại Chăm (các Ariya Chăm) và cả trong ngôn ngữ ngày thường.

– Giai đoạn sau: mượn nguyên bản; thế hệ hiện đại mượn nhiều và mượn thiếu chọn lọc đến không còn là vay mượn nữa, mà trở thành độn.

b. Tiếng Khmer

Tôi không sống ở Campuchia nên không biết hiện tượng độn có nặng nề như người Chăm ở Việt Nam không, chỉ biết rằng ngay từ thế kỉ XIX, cộng đồng Chăm đã biết vay mượn tiếng Khmer (xin xem Từ điển Chăm – Pháp của Aymonier – Cabaton).

 

II. Từ dịch và sáng tạo

1. Dịch. Chăm có sáng tạo không? Có! Nhưng trước tiên hãy đề cập chuyện dịch.

Ngay từ thời Ariya Glơng Anak, ông bà ta đã biết dịch. Ta thấy chữ “lơngka” nghĩa là thuộc về trời, là do tác giả dịch từ chữ “thiên tử” ám chỉ vua nhà Nguyễn.

Sau đó, Thiên Sanh Cảnh và nhất là BBS cũng đã dịch rất nhiều. Dịch để đáp ứng nhu cầu thông tin mới, buộc phải thế. Tôi không bàn đến chuyện hay hoặc dở, mà chỉ nhấn mạnh: Chăm đã DỊCH.

 

2. Phiên âm.

Bà con ta cũng biết phiên âm. France – Parơng; Chưởng – Cơng; Bình Định – Bin Đin; Tôn Thất Thuyết – Ton That Thwet

Tất cả từ này đều có trong văn bản akhar thrah. Tôi nhấn: akhar thrah, chứ không phải phiên âm hay chuyển tự La-tinh.

 

3. Sáng tạo.

Người Chăm không phiên âm Lê Văn Duyệt mà “sáng tạo” thành Ông Kadơ (Ông Nân, vì ông quan này không có con). Thế kỉ trước là vậy. Trước 75, gặp vài dụng cụ chiến tranh mới, ông bà tìm cách đẻ từ mà gọi. Rất hay.

Súng M72 – súng chống tăng: phaw cuh klak – súng bắn [rồi] bỏ (súng chỉ bắn một lần duy nhất rồi bỏ: lấy công dụng đặt tên).

Súng M79: phaw abauh ada súng trứng vịt (vì đầu đạn giống tròng đỏ trứng vịt: nhìn hình dáng đặt tên).

Máy bay trực thăng trong khi người Việt kêu nó là “Máy bay Cán gáo” thì Chăm gọi là Ahauk talang máy xương (bởi nó “không có thịt da” như máy bay trực thăng thường).

 

Tạm kết

Lục lại Từ nguyên gốc Mã Lai – Đa đảo hay Từ tương quan để dùng; mượn tiếng Phạn, Ả Rập hay Việt hoặc Khmer, Anh Mỹ hay Pháp có biến âm để làm phong phú vốn từ; dịch, phiên âm hay sáng tạo từ để diễn đạt ý tưởng, sự vật,… mới đều được cả.  Miễn là HAY.

 

5 thoughts on “5.000 Từ vựng Việt – Chăm: Từ gốc – Từ tương quan & từ vay mượn

  1. Bác Inra viết bài này ngắn mà rành mạch rõ ràng, quan điểm dứt khoát.
    Bác hãy làm đi, làm cho thật hay vào. Cháu thấy ai cũng ủng hộ cả. Theo thiển ý bác làm xong mở hội thảo bỏ túi rồi mời trí thức góp ý, vài lần như thế, thì tốt thôi. Chớ có cầu toàn.
    Kính bác vui vẻ và sức khỏe.

  2. KHÔNG mặc cảm, nhưng đừng thành nô lệ.
    KHÔNG cố chấp đến thành cứng đầu.
    Hiểu biết – linh hoạt – sáng tạo.
    Tôi hy vọng tuổi trẻ Chăm như thế.

    Đwa karun Sara, thuk siam ka abih grơp drei.

  3. Việc làm rất khiêm tốn và thiết thực. Anh không hô hào phải thống nhất ng ngữ toàn thể dân tộc Chăm trên thế giới. Người Chăm ở Việt Nam đang nói trộn lẫn tiếng Việt vào đời sống, cần hạn chế điều đó. Tôi nói: hạn chế, chứ không cắt đứt. Vì không thể cắt đứt.
    Sara đừng có ngại, nếu có vài sai sót thì sửa sau. Theo thiển ý là không nên sợ “dịch”.
    Tôi lấy ví dụ việc chụp hình lâu nay người Chăm đâu có, cho nên Từ điển Moussay dịch là Haluh Binguk. Tôi nghe đám trẻ bây giờ dịch là “Mưk Thek”. Cả 2 đều được cả. Từ nào được dùng nhiều hơn thì nó sống, không thì có chết.
    Cần ủng hộ Sara.

  4. Mấy năm nay có vài người chủ trương viết và nói tiếng Chăm “gốc”. Ví dụ nagar, manus, Ramawan,… nhà thơ Sara thấy sao?

  5. Cám ơn bác đã cho cháu những thông tin tuyệt vời về dân tộc Chăm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *