“Hiện nay Cham đang dùng tiếng Việt để sáng tác. Một tương lai không xa, Cham nói và viết bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha hay ngôn ngữ nào đó trên thế giới – không vấn đề gì cả.
Pauh Catwai, Glơng Anak còn thì nguyên khí Cham còn. Damnưy còn là tinh thần huyền sử Cham còn. Là dân tộc Cham còn.”
Suốt dòng lịch sử non hai ngàn năm lưu lạc, dân Do Thái đã làm nên bao nhiêu chuyện. Dù họ đã chịu mênh mông bất công: xua đuổi, kì thị, áp bức và cả tàn sát. Không thế kỉ nào không xuất hiện người Do Thái xuất chúng, càng về sau càng dồn dập. Họ làm được cho loài người, và cho chính HỌ.
Xét riêng lĩnh vực văn chương, đâu cần phải viết bằng TIẾNG Do Thái, cũng không cần ĐỀ TÀI Do Thái mới là nhà văn người Do Thái!
Thử lướt qua 3 trường hợp:
Marcel Proust (1871-1922), mẹ là người Do Thái, cha người Công giáo, nhưng ông VIẾT BẰNG TIẾNG PHÁP. Đi tìm thời gian đã mất, là bộ bảy cuốn tiểu thuyết được xếp vào năm trong số tiểu thuyết vĩ đại nhất của mọi thời đại. Nội dung về những ước mơ, dằn vặt của NHÂN VẬT “TÔI” TRONG THẾ GỚI THƯỢNG LƯU PHÁP nhạt nhẽo quyết đi tìm thời gian đã mất, hoàn toàn không liên quan đến Do Thái.
Franz Kafka (1883-1924) sinh trong một gia đình Do Thái nói tiếng Đức trung lưu. Ông VIẾT BẰNG TIẾNG ĐỨC, thứ ngôn ngữ của kẻ áp bức ông, vô phân biệt. Ông được giới phê bình xem như một trong vài tác giả có ảnh hưởng nhất thế kỉ XX. Mặc dù nhận thức rõ chất Do Thái của mình, nhưng Kafka không bao giờ đề cập đến con người Do Thái hay lấy bối cảnh Do Thái trong tác phẩm. Vậy mà, theo Harold Bloom – ông là một NHÀ VĂN DO THÁI TINH HOA.
Isaac Bashevis Singer (1904-1991) nhà văn Nobel Văn chương năm 1978, sinh tại Ba Lan, cha là một trưởng giáo sĩ Do Thái, di cư sang Mỹ. SUỐT ĐỜI VIẾT BẰNG TIẾNG YIDDISH (ngôn ngữ pha trộn giữa tiếng Đức và Hebrew từng là ngôn ngữ thông dụng của người Do Thái trong nhiều thế kỉ qua). Đề tài chính của ông là về DÂN DO THÁI TRONG THẾ CHIẾN THỨ II.
Cham cư trú ở Malaysia, Campuchia non 300 năm, sao không sản sinh một nhà văn nào? Viết văn, làm thơ bằng tiếng Malaysia hay tiếng Khmer không vấn đề gì cả. Nhà văn tầm một nước thôi, chứ chưa nói tới khu vực hay thế giới, chúng ta chưa có được – tại sao?
Cham ở VN khởi động viết tiếng Việt từ thập niên 60 của thế kỉ XX sau đó bị đứt quãng, rồi mới viết trở lại từ 20 năm qua thôi, vậy mà đã nảy nòi bao nhiêu khuôn mặt sáng giá: Trà Vigia, Jalau Anưk, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, Kiều Maily… tại sao? trong khi cơ chế VN đâu phải được tự do như Malaysia…?
Cham kiều ở Hoa Kì thuộc thế hệ một rưỡi hay thế hệ thứ hai nữa? Các bạn trẻ có ai nghĩ đến việc mai mốt mình sẽ thành nhà văn Mỹ gốc Cham? Không cần là đề tài Cham (dù vấn đề và con người Cham là đề tài mênh mông cho bạn khai thác), không cần phải tiếng Cham hay Việt, mà tiếng Anh – ngôn ngữ phổ cập nhất thế giới hiện nay. Phụ huynh nào đã nghĩ và hướng con cháu đi theo con đường đó?
Tuyên ngôn muộn NHƯ THẾ có muộn không? – chắc chắn là không rồi.