“Cham cần hiểu biết, để sống sót: làm việc – yêu thương – sáng tạo.”
Hãy tưởng tượng, một dân tộc của một vương quốc dọc ngang một thời, nay dân số chưa tới 20 vạn người tại Việt Nam. Hãy tượng tượng thêm, sau trận càn cuối cùng của lịch sử, khi vua Thiệu Trị bạn chiếu gọi Cham từ vùng miền núi trở về, Cham Ninh Thuận chỉ còn vỏn vẹn 5.000 người.
[Xin bạn đọc hãy dừng lại vài phút để suy nghĩ sâu thẳm về con số này].
Cho nên, vấn đề tiên quyết đặt ra là: “Cham cần hiểu biết, để sống sót”, sau đó mới “làm việc – yêu thương – sáng tạo.”
“Tuyên ngôn” cho ai? – Cho nhóm, đoàn thể nào đó, nghĩa là cho hơn một người.
Nhưng ở đây không có nhóm hay đoàn thể nào cả, mà chỉ một. Vậy tuyên ngôn dành cho chính kẻ tuyên ngôn. Ở đây là tôi, và những kẻ đồng thanh đồng khí [khả thể]. Tuyên ngôn hướng đến thế hệ trẻ Cham, của hôm nay. Không cần nhiều, mà vài kẻ đồng hành cũng đủ, để bớt cô đơn.
Vì tuyên ngôn ngắn, cô đúc nên nó cần vài giải minh. Ở 1, 2, 3…
Giải minh không phải đi tìm “nguyên nhân sâu xa”, từ đó đưa ra phương thuốc chữa chạy cho các “tệ nạn” kia [như bạn Tran Van Ban đòi hỏi] – là điều chỉ các tiểu luận xã hội mới khả năng làm được – mà là, thấy và mang vấn đề ra ánh sáng, kèm vài minh dẫn điển hình từ thực tiễn xã hội, để ĐẶT CÂU HỎI MANG TÍNH GỢI MỞ. Nhà văn không suy nghĩ giùm, không trả lời thay cho người đọc.
Có thể vài vấn đề các bạn trẻ hôm nay đã thấy, vài dẫn chứng họ đã biết, do đó tôi nghĩ chỉ cần đặt câu hỏi gợi mở là đủ. Các câu hỏi về vấn đề như:
– “Bị đè nén, bị đối xử bất công mà cứ ngậm tăm, là nhát. Nhát quá thành hèn. Cần phản kháng. Phải phản kháng. Vậy đâu là biết “dũng cảm phản kháng, nhưng phải thật thông minh và trí tuệ”?”
– “Vô ích, chúng ta mãi phát tán ý tưởng qua mênh mông trận tán gẫu, cãi cọ. Đâu là học biết “nhịn” để tạo và tăng năng lượng? Đâu, giú mình trong bóng tối vô danh để bật lên vào ngày mai?”
Tôi tin các bạn trẻ đủ thông minh để tìm trả lời cho riêng mình, ở vị thế cụ thể của chính mình.