+ Tác phẩm nhận thưởng Hội đồng Lí luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương năm 2013-2014.
Lẽ ra chiều nay đang Hà Nội để rinh tặng thưởng của Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương rồi, thế mà sáng sớm phải chạy xe qua ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn dự Tọa đàm “Sự du nhập các lí thuyết văn học phương Tây vào miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975”.
Hôm trước anh bạn cho cái hẹn. Chiều qua anh ghé nhà đưa và hướng dẫn dùng loại thuốc ngậm tạm giải quyết vụ anh Đạm. Tối mai lại phải nhảy xe đò về quê, với anh.
1. Tôi từng ôm hơn 20 giải thưởng cả thảy.
Lớn, vừa và bé. Trong va ngoài nước, chính thống lẫn phi chính thống, sáng tác với nghiên cứu, riêng phê bình thì chưa. Không kể bài “Hóa giải và hòa giải ba loài nhà thơ hôm nay” nhận tặng thường của tạp chí Sông Hương năm 2012, đây là lần đầu tiên.
Tôi chưa một lần gửi tác phẩm dự giải. Tác phẩm in ra, nhà xuất bản hay người trách nhiệm gửi đi, và được. Còn đây là lần đầu tiên, tôi gửi. Đinh ninh hụt. Mà hụt thiệt.
Ở Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam. Nhớ năm trước, nhà thơ Mai Liễu đùa: ông Sara chê giải bên này chớ, năm nào ông chẳng ra vài đầu sách, mà ông có dự đâu. Ừ thì, dự. Để rồi cuốn Nhập cuộc về hướng mở bị loại ngay vòng đầu. Ủy viên Ban chấp hành với Trường Ban Lí luận phê bình, mà chịu vậy đó. Đủ biết bên nớ nó nghiêm túc thế nào! Cũng Mai Liễu – Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật, hôm họp BCH cuối năm 2014 cười cười: Tôi nghe bên Hội đồng LLPB kêu ông Sara chỉ khen mỗi thơ trẻ Cham, mọi mọi thơ dân tộc thiểu số phía Bắc bị ông chê tuốt tuột. Thế là loại, đáng lắm. Tôi nói: nếu đó là tác phẩm của ai khác, thì tôi sẽ ráo riết cãi lại, nhưng vì của mình, nên tôi đề nghị tôn trọng ý kiến Hội đồng. Anh hùng chớ bộ!
Bên Hội Nhà văn Việt Nam, tôi nộp Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say. Chưa quá hai hôm, có vị cười cười: tập của Sara rớt đài là cái chắc. Vào mùa giải thưởng, dẫu nó có qua cửa sơ khảo, và dù một nhà phê bình lớn vỗ vai tôi “mình ủng hộ Sara đó”, nhưng rồi chả tới đâu. Tôi biết thân phận nó, chứ không phải không. Cũng như năm 2008, Song thoại với cái mới, người bên Hội Nhà văn giờ chót kêu tôi nộp bản. Giữa trưa tôi phone cho anh Dương Thắng (giám đốc nhà xuất bản Kiến thức, nơi in nó) cho người mang mấy cuốn qua. Để bị loại ở phút thứ 91.
Còn Hội Nhà văn Thành phố thì miễn rồi. Dù tôi chọn tập nhẹ đô hơn là Nhập cuộc về hướng mở, và dù nơi đó có nhà phê bình ủng tôi, nhưng chỉ có thế. Không gì hơn.
Thế rồi một buổi chiều – bất ngờ, bên Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương, nơi tôi không chút ý định dự, thế mà được – mới lạ. Người quen mách, nhà xuất bản giới thiệu tôi gửi đi, và được. Nghe nói, nó được đánh giá rất cao. Nhưng sao cái ông Sara nhà ta mãi quẩn quanh với thơ ngoài lề, thôi thì hạ xuống một bậc đi, cho vừa lòng nhau. Nhé!?
Tính ra Bắc nhận giải, luôn tiện khoe tập thơ song ngữ mới ra ràng. Nhưng kẹt quá, ông anh đang hiu hắt ở quê. Không đành lòng.
2. Ở quê, em Những với chị Hám vừa làm một đêm Dayơp, một đêm Swa cho anh. Đã tin khoa học. Đã tin và cầu Yang. Và đang đợi manh hi vọng cuối cùng. Tôi phải về.
3. Tôi đã ôm khối giải, nỗi gì mà còn ham hố? – Ham hố vào hiệp phụ này có lí do chánh đáng của nó. Tôi muốn tìm hiểu tâm hồn Việt hiện đại. Thơ là một cách, tôi nghĩ. Thế là tôi nhập cuộc để “lập biên bản” thơ Việt, nhấn về sáng tác ngoại vi.
Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo (2006) chỉ như một khởi động, bởi nó bị duyệt cắt nhiều. Song thoại với cái mới (2008), là biên bản gần như đủ đầy về cái mới của thơ Việt đương đại, khá ổn.
Vẫn còn là chưa đủ.
Về chuyển động thơ Việt nói chung: Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say, đã in;
Về thơ ngoại vi, đã có: Nhập cuộc về hướng mở;
Riêng cuốn Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại, viết về 18 khuôn mặt thơ Việt từ trong đến ngoài nước, có nhận định, tuyển thơ. Đã xong 2009, nhưng mãi hôm nay không nhà nào chịu in, mới hẫng.
Cuối cùng là 17 khuôn mặt thơ dân tộc thiểu số hôm nay với 24 khuôn mặt thơ mới nữa.
7 cuốn cả thảy, chưa kể mấy chục bài trao đổi với tranh luận lai rai khác, nếu mang in hết tệ cũng phải 3.000 trang.
Tôi muốn mọi người biết đến chúng, muốn các hội đồng đọc chúng, thậm chí tôi muốn chúng có giải nữa. Để mọi người ngoảnh về chúng nhiều hơn – các loài thơ ngoại vi ấy: thơ dân tộc thiểu số, thơ các người làm thơ xa trung tâm, thơ kẻ thơ không là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, thơ in photocopy, thơ thuộc trào lưu phi chánh thống, vân vân…
Nhưng thôi. Coi như tôi đã xong nhiệm vụ. Dù mãi hôm nay, tôi chả hiểu gì về tâm hồn Việt.
4. Mai tôi về, với ông anh nông dân thi sĩ của tôi.
Tôi nghĩ dại, ước gì tất cả giải thưởng cùng “sự nghiệp” của tôi bỗng chốc tiêu tán hết đi, giật ngày tháng lùi lại. Để anh em chúng tôi trở lại với nhau, với tuổi thơ thơ mông. Tôi và anh đi dọc bờ mương những chiều hè, hay chơi đánh nhau [cho chúng chóng lớn – mẹ nói], hoặc thi nhau chạy bộ từ trường ở thị xã về nhà trong những chiều xuất trại…
Mai tôi về rồi…