Hàng mã kí ức 13: Ghi chép buổi tọa đàm

ĐI TÌM BẢN TRƯỜNG CA BỎ HOANG

hay Những câu chuyện kể về Chăm qua cái nhìn của Inrasara

Buổi ra mắt Hàng mã kí ức, tiểu thuyết thứ hai của Inrasara

Cty TNHH Sách Phương Nam tổ chức, Book Cà phê Nguyễn Oanh

3 Nguyễn Oanh, Gò Vấp – TP Hồ Chí Minh

 

Diễn biến & thảo luận

Tất cả 50 người tham dự, chưa kể khách cà phê. Khách Inrasara là chính: 40 người cả Kinh lẫn Chăm. Là những người đã đăng kí với Inrasara. Chỉ có 2 người “vắng mặt không lí do”. Book Cà phê Nguyễn Oanh được bài trí thoáng, đẹp và trí thức.

Trước khi vào cuộc, nữ thi sĩ Mai Hường tặng bó hoa thật đượm cho Inrasara.

Khai mạc chậm 30 phút do một số khách đến muộn vì chuyện đường sá Việt Nam, và đợi HTV7 làm cuộc phỏng vấn diễn giả.

+ Vào cuộc, MC Nguyễn Thị Minh Ngọc hào hứng giới thiệu thân thế và sự nghiệp Inrasara: ngắn gọn với giọng rất nhà nghề. Đặc biệt nhà văn nhấn vào 5 luận văn Thạc sĩ và hơn 20 Khóa luận Cử nhân, cả 23 bộ phim về hoạt động sáng tạo của Inrasara. Tôi cho đó là guiness – MC nói – chứng tỏ tên tuổi Inrasara có sức cuốn hút mãnh liệt.

2 phút trôi qua.

– Sau đây tôi xin nhường mi-crô cho nhân vật chính của buổi tọa đàm…

– Inrasara nói vo bài viết “Huyền nghĩa của Đi tìm bản trường ca bỏ hoang”: khoảng 15 phút.

MC vừa khơi mào cuộc thảo luận, đã có vài cánh tay nhanh chóng đưa lên.

* Jayang: Tôi xin có ý kiến…

+ Nhà thơ Phố Giang: Diễn giả bảo người Chăm không căm thù, thế trong sử sách ghi chép quân Champa đã mấy lần vào tận Thăng Long và nhiều xung đột biên giới với Đại Việt nữa, là thế nào?

– Tôi không nói về chuyện xung đột hay tranh giành xảy ra trong lịch sử, mà là tính cách con người. Trong đời sống, người Chăm có căm giận, căm ghét nhưng tuyệt không có căm thù, thù dai, thù truyền đời. Điều đó thể hiện rõ trong văn chương Chăm. Trong lịch sử nền văn học dân tộc, tôi không tìm thấy bất kì tác phẩm nào khơi gợi lòng căm thù hay kêu gọi trả thù.

+ Một bạn trẻ: Tác phẩm Inrasara đề cập nhiều đến lịch sử, nhà thơ nghĩ thế nào về truyền thống văn hóa dân tộc? Quan hệ của nhà văn với lịch sử?

– Con người không thể cắt đứt với quá khứ, dù ta có chối bỏ nó tới đâu. Nhất là nhà văn dù là kẻ sáng tạo, không bao giờ dứt khỏi ám ảnh của quá khứ. Sara cũng vậy. nhưng quá khứ hay truyền thống không là những thống kê về văn hóa văn minh có tính cách nghiên cứu mà được nhìn qua lăng kính kẻ sáng tạo Đoạn thơ sau của Inrasara nói rõ ý đó:

Ơi tháp

hai mươi năm tha hương

đằng sau trang thơ tôi vẫn còn lãng đãng

số phận người!

(Tôi đọc dở chừng chợt ngưng lại, vì sợ dài)

+ Một bạn trẻ: Về vấn đề nhà thơ Phổ Giang vừa nêu ở trên tôi nghĩ nó không liên quan đến căm giận hay căm thù gì cả, mà là chuyện tranh chấp giữa hai nhà nước phong kiến.

* Lưu Quang Trỗi: Tôi xin hỏi nhà thơ Inrasara…

+ Một bạn trẻ: Vừa rồi đi Mĩ Sơn, tôi thấy nhiều khu tháp vẫn còn hoang phế, không biết nhà thơ Inrasara có tiếng nói gì với cơ quan các cấp để họ chú ý hơn không?

– Vâng đúng vậy. Đó là trách nhiệm của cơ quan các cấp. Còn nhà văn có tiếng nói riêng của họ. Có thể nói tôi là nhà văn đã lên tiếng nhiều và nhiều lần về mọi vấn đề liên quan đến văn hóa xã hội Chăm. Còn trên có lắng nghe và có thực hiện hay không là chuyện khác.

+ Minh Ngọc: Mặc dù làm MC, nhưng tôi hỏi với tư cách một người đọc. Đọc Hàng mã kí ức, tôi lấy làm lạ về chuyến hành hương Mĩ Sơn của bà con Chăm bị giữ lại ở ngoài khu di tích. Xin anh Inrasara nói rõ thêm về sự cố này.

– Câu chuyện rất dài. Chỉ xin tóm gọn thế này: Sau khi UNESCO công nhận Mĩ Sơn là Di tích Văn hóa lịch sử nhân loại, bà con hào hứng quá mới làm cuộc hành hương lần đầu tiên trong đời đến thánh địa. Chuyện xảy ra thế nào thì tôi đã nói trong một chương của Hàng mã kí ức, miễn lặp lại. Chỉ biết rằng đó là cuộc đi gian nan, khổ ải nhưng đầy xúc động và thú vị.

+ Một giáo viên yêu văn chương: Qua dư luận báo chí, tôi đã tìm đọc ngay Hàng mã kí ức. Phải nói rằng cuốn sách rất khó đọc, đến nỗi tôi cảm thấy khó chịu, chỉ sau đó tôi mới dần dần thấy thích nó. Nhà thơ có hướng dẫn nào để độc giả tiếp cận được dễ dàng hơn không?

Hàng mã kí ức được viết theo lối hậu hiện đại. Kết hợp nhiều thể loại khác nhau: như hồi kí, như tiểu luận, như tùy bút vân vân. Ở mỗi chương tôi còn xáo trộn nhiều thể loại khác với nhau nữa. Bạn không cần phải theo thứ tự chương, mà có thể đọc nó ở bất kì đâu cũng được. Đó là thế mạnh của lối viết hậu hiện đại.

+ Sani: Tôi là nghệ sĩ múa, gặp Sara và được nhà thơ mời tham dự cuộc này.Tôi không ngờ anh chị em Chăm đến đông vui như thế. Tôi biểu diễn ở Mĩ Sơn hơn mươi năm, biểu diễn cho rất nhiều du khách nước ngoài. Đi nhiều, nhưng tôi không bao giờ quên mình là Chăm. Được như vậy, là nhờ tôi luôn nhớ đoạn thơ của Inrasara: Con cứ là Chăm cả lúc con cháy lên cùng ngon lửa cuối đời

– Đây chỉ là cảm tưởng chứ không là câu hỏi, nên xin miễn trả lời. Cảm ơn bạn…

 

* Trà Sani: Tôi vẫn nhớ mình là Chăm khi nhớ đến câu thơ Inrasara…

Phần một tạm ngưng tại đây.

Minh Ngọc giới thiệu Anh Thư hát một ca khúc của Amư Nhân. Bạn trẻ này có vẻ chưa quen với không khí Cà phê sách nên hơi khớp, thế là cả nghệ sĩ Trà Sani và Kiều Vân lên múa phụ họa. Rất tuyệt!

Tiết mục tiếp theo là độc vũ của nghệ nhân Inrahani.

MC tranh thủ giữ Hani lại để làm cuộc trao đổi ngắn.

 

Phần hai.

MC Minh Ngọc giới thiệu sơ qua về Jalau Anưk, nhà thơ trẻ, giảng viên tiếng Anh tại TP Hồ Chí Minh. Tôi nói trẻ, bởi anh bạn rất đẹp trai nhưng vẫn còn… hoang!

Jalau Anưk nói về tinh thần chịu chơi, thứ chịu chơi và sáng tạo của người Chăm thể hiện rõ nét nhất qua đặc san Tagalau và thơ trẻ Chăm đương đại. Chớ mong Tagalau đại diện cho 100% cộng đồng Chăm, nó tự nhận mình là “sân chơi” dành cho những con người Chăm chịu chơi. Sở dĩ Tagalau tồn tại được qua 11 kì là nhờ những con người ấy. Bên cạnh người viết và người đọc chịu chơi, cộng đồng Chăm có các mạnh thường quân chịu chơi. Qua đó các cây bút Chăm thuộc nhiều thế hệ khác nhau đã nhập cuộc chịu chơi, phần nào khơi dậy được nền văn hóa dân tộc đã mai một theo thời gian, đồng thời tạo ra những tác phẩm văn chương mới góp phần đáng kể vào văn chương đa dân tộc Việt Nam.

Và chính thần chịu chơi kia mà cây bút Chăm đã viết nhiều loại thơ lạ, đặc sắc.

+ MC: Tôi đọc trong Hàng mã kí ức thấy Inrasara cho là hầu hết người nữ Chăm đều biết múa, còn đàn ông Chăm thì biết làm thơ. Đó là điều lạ.

+ Một bạn nữ đề nghị JA chứng minh cái lạ kia. Múa thì tôi vừa chứng kiến rồi, riêng làm thơ thì chưa. Thêm câu nữa anh Jalau Anưk nói là bạn trẻ Chăm làm thơ lạ, vậy thơ lạ đó thế nào?

– Để minh chứng cho mệnh đề thứ nhất, JA giới thiệu, Đồng Chuông Tử (từng vào chung khảo Giải thưởng thơ Bách Việt, 2009) đọc bài thơ “Mùi thơm của im lặng”. Và cho mệnh đề thứ hai: Chính mình đọc bài “Ng.” trộn lẫn cả ba thứ tiếng Chăm, Việt và Anh. Đó mới chỉ là một trong những cái lạ của thơ trẻ Chăm.

* Đồng Chuông Tử đọc thơ

+ Một bạn nam: Câu này tôi xin hỏi nhà thơ Inrasara. Hiện nay trào lưu tôn giáo Islam đang tràn vào cộng đồng Chăm Bàni và Chăm Bà-la-môn. Tôi đọc thấy trong Hàng mã kí ức có đề cập đến Bốn cứu cánh của đạo sĩ Bà-la-môn, không biết trước trào lưu này hai tôn giáo truyền thống này có đứng vững không? Nhà thơ Inrasara có phương cách nào bảo tồn hai tôn giáo dân tộc đó?

– Đây là câu hỏi khó, trả lời cho thấu đáo không phải là điều dễ. Hơn nữa nó đi ra ngoài đề tài hôm nay. Đành hẹn bạn trẻ vào dịp khác vậy

Đã quá giờ quy định, MC mời nhà thơ Lê Hải, người có tham luận hiện đang có mặt trong thính phòng lên phát biểu cảm tưởng.

+ Lê Hải: Tôi xin nói về tôi chứ không về tác giả Hàng mã kí ức là Inrasara. Tôi là người chơi Tennis, đánh được một cú độc và thắng điểm như thể một sát na của sự hoát ngộ. Thêm một chuyện, một hôm kia đang tập sự chơi game, tôi đã tình cờ gặp và thân mật với một người hoàn toàn xa lạ, đã gây cho tôi một sự thích thú kì lạ. Hôm nay, bắt gặp Hàng mã kí ức của Inrasara tôi cũng có cảm giác hệt như vậy.

+ Jaya Bahasa, người có tham luận phát biểu về lối viết sử kiểu khác qua văn chương của Inrasara. Rất cần thiết bổ sung cho khoảng trống của lịch sử chính thống.

+ Đồng Chuông Tử: Nãy giờ tôi đang chờ mọi người hỏi câu hỏi trực tiếp về chữ hàng mã trong Hàng mã kí ức mà không thấy, nên buộc tôi xin hỏi thêm. Hàng mã là điều thuộc phong tục Việt, người Chăm không có hàng mã. Tại sao nhà thơ dùng chữ hàng mã? Và tại sao lại là hàng mã mà không là hàng giả?

– Đây là câu hỏi trọng tâm vào tác phẩm có lẽ, câu hỏi đáng lẽ được đặt ra từ đầu, nhưng lại rơi vào cuối buổi. Nên nó sẽ là câu hỏi cuối cùng.

“Giả” là thứ không phải thật mà là được làm ra với vẻ bề ngoài giống thật để mang giá trị như đồ thật, làm ra với mục đích đánh lừa một phía có thể không biết. Trong khi “mã” cũng là “đồ giả” ai cũng biết là giả, nhưng vẫn chấp nhận nó, ở cả hai phía: người làm ra và người tiêu thụ. Ở Hàng mã kí ức, tôi – với tư cách kẻ làm ra – biết kí ức tôi được thể hiện qua con chữ của tôi chỉ là đồ giả, tôi nhìn nhận nó giả, và tôi không ý đồ đánh lừa người đọc – với tư cách kẻ tiêu thụ – rằng nó là đồ thật.

Còn tại sao “hàng mã” trong Hàng mã kí ức bởi tác phẩm được thể hiện bằng tiếng Việt nên nó cần đến hạn từ liên quan đến văn hóa Việt.

 

MC nói lời cảm ơn tất cả mọi người.

Cuối chót là tiết mục kí tặng sách và chụp ảnh lưu niệm.

Và câu chuyện kết thúc đúng 11g30.

 

 

4 thoughts on “Hàng mã kí ức 13: Ghi chép buổi tọa đàm

  1. Hôm đó các bạn hỏi nhiều về vấn đề xã hội hơi lạc ra xa với đề tài của cuốn tiểu thuyết. Đó là điều hơi dở của hôm Tọa đàm ra mắt sách. Trong khi đây là cuộc tọa đàm rất hay, hấp dẫn. Tôi thấy một số câu hỏi không được đúng lắm. Nếu các bạn biết tập trung vào HMKƯ thì buổi đó hơn cả tuyệt vời. Dù sao cũng hoan hô và cảm ơn anh Sara.

  2. Người quen

    Sáng Giao lưu, cho phép tôi có vài nhận xét như sau:

    Khen nhà thơ Inrasara tổ chức tốt, ăn nói chững chạc và rất chuẩn thì hơi thừa. Đối với chú, đây là chuyện nhỏ.
    Khen anh chị hay cô chú Chăm đẹp trai và xinh gái, ứng xử văn minh thì cũng thừa.

    Tôi chỉ xin lượm mấy hạt sạn nhỏ:
    1/- dường như nhà thơ Jalau Anưk nói về đặc san Tagalau hơi dài. Trình bày ít ai hiểu. Mà theo tôi biết lâu nay anh ăn nói đã rất là ngon.
    2/- cô Hani nói về chuyện rất yêu người Việt cũng hơi đi xa đề tài đang bàn, và hơi quê quê. Không xứng với tiếng tăm của cô.
    3/- anh bạn trẻ tôi quên tên nói về sự lấn át của Islam vào hai bộ phận Chăm Bàni và Chăm ahier thì càng lạc đề hơn.
    4/ một nhà thơ người Việt ý kiến đầu tiên về “căm thù” mà liên hệ đến chuyện lịch sử, là hiểu sai ý kiến rất hay “giải sân hận” của chú Inrasara.
    Xin nói thật lòng như vậy, để rút kinh nghiệm thôi. Mong hiểu cho.

    Dù sao Cuộc giao lưu rất thành công và vui.
    Xin cảm ơn nhà thơ Inrasara và anh chị em Chăm ta.

  3. Người quen lượm sạn như vậy là giỏi.
    Tôi ở xa ko hân hạnh dự được nhưng nghe nói là Buổi giao lưu thành công mĩ mãn 120%. Anh em Cty Phương Nam hồ hởi báo cho biết. Quý bà con Chăm cũng rất rất là vui vẻ. Còn thì tổ chức nào cũng có sạn hết.

  4. Chương trình này nếu thêm ông Hồ Trung Tú nữa là đủ bộ.
    Rồi còn thiếu cô chú Chăm ở Phan Rang. Ban tổ chức nếu chịu mời nhiều thì thành công hơn nữa. Nhưng theo nhà thơ Inrasara tường thuật thì rất đạt rồi.
    Hy vọng đợt sau hay hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *