Dù tôi coi đây chỉ là “tuyển tập”, và không muốn Tagalau thành một tổ chức (sống trong chế độ này, tôi quá hiểu điều đó), dù gì thì gì, Tagalau vẫn mặc nhiên được/ bị xem là đặc san chung của Cham. Nó tồn tại được đến hôm nay là một… phép lạ, bà con kêu thế. Không cơ quan Nhà nước tài trợ, Mạnh Thường Quân đỡ đầu toàn phần: không, quảng cáo: không, bán: èo uột, vậy mà nó sống nhăn!
Qua 15 kì, FAN Tagalau dù có trồi sụt, nhưng hôm nay hầu hết bà con Cham chấp nhận nó, lại là phép lạ khác nữa. Riêng tôi, tôi nghĩ đơn giản: nhờ ơn trời. Hơn nữa, tôi với tư cách kẻ đầu têu luôn là người may mắn! Giờ chót là… may mắn.
Vài đại gia Cham không dám ủng hộ Tagalau, do ngại Tagalau “phản động”. Một đại gia Kinh dù hâm mộ thơ Inrasara và sẵn sàng “tài trợ” riêng cho cá nhân Sara, nhưng khi tôi gợi ý hỗ trợ tài chính cho Tagalau 10 thì: “Thôi đi ông, mình rất ngại Tagalau không thân chính quyền”! Đủ hiểu sinh mệnh Tagalau bấp bênh thế nào. Khi biết từ năm 2011, tôi bị ung thư màng… túi, vài bạn có vẻ lo. Tôi nói: Sara sinh ra dưới ngôi sao may mắn, phép mầu luôn hiện đến vào giờ thứ 25.
Đến hôm nay, tôi chưa bao giờ xin cá nhân hay tập thể nào để làm Tagalau. Bà con hoặc Mạnh Thường Quân hiểu, thương Tagalau, và cho. Thiếu, tôi bù. Nhiều lần tôi, hoặc Cty Thổ cẩm Inrahani bù. Sau này có vài MTQ Cham góp sức, là điều may mắn nữa.
Tagalau tiêu thụ tạm được, tặng cũng khá chạy, còn thu hồi vốn thì gay. Do Cham sống phân tán, thêm vụ thu bạc lẻ. Tính khí Cham đậm nghệ sĩ nữa! Ví dụ Tagalau 5, có bạn ở Hội Đồng hương mang bán phục vụ 600 cuốn, hỏi tiền Tagalau đâu, dạ cháu tiêu cho tập thể hết rồi. Do đó, mỗi kì Tagalau cứ bù lỗ 7-8 triệu. Sang kì 7-8 mới hết lỗ, do bạn thơ Chế Mỹ Lan xung phong. Số 9-10, tôi lại nhờ vả Cty Inrahani tiếp. Mãi kì 11 trở đi mới hết… bù, do có anh Ysa Cosiem và bạn trẻ Cham nữa đỡ đần.
Lỗ như thế, nhưng Tagalau vẫn sống khỏe, từ đó gây hồ nghi rằng ông Inrasara nhận tiền Nhà nước mỗi số 23 triệu! (khéo tìm ra số 23). Chớ ai thời buổi bây giờ lại đi làm không công. Với lại hắn thiếu “tiếng tăm” đâu mà bảo làm để lấy tiếng! Nghĩa là cái lí rất đáng tin.
Chuyện vui: Có MTQ hứa cho 200.000, Tagalau lên bảng cảm ơn hẳn hoi, nhưng đưa tiền mặt có: 100.000 đồng. Một vị hứa tặng triệu, rồi chẳng thấy tiền đâu, dù có tên trong danh sách MTQ với 10 cuốn biếu! Tréo ngoe thế, cứ như là Tagalau sắp xìu tới nơi.
Đoạn cuối bức “THƯ TAGALAU số 4” ngày 20-9-2004, tôi viết nguyên văn gửi mọi người như sau:
“TAGALAU không nhận tiền từ bất kì Cơ quan, tổ chức nào.
May! Cộng tác viên đã không đòi hỏi nhuận bút. TAGALAU chỉ trả nhuận bút bằng sách và chỉ trả tiền cho một ít vị có tuổi gặp khó khăn, như một món quà khích lệ trong dịp lễ dân tộc. [Tagalau 12, nhờ khoản tài trợ kha khá, tôi chi nhuận bút cho tất cả tác giả có bài].
Để TAGALAU 1 ra đời, tôi xin gia đình tôi, bạn bè của tôi [người Việt], và 2 trí thức Cham, được một nửa số chi phí cần thiết. TAGALAU 2 tôi bỏ tiền ra tất cả. TAGALAU 3, bà con tự nguyện cho và mua giá ủng hộ.
Ý định của Diễn đàn Chamyouth khi nêu vấn đề ủng hộ tài chính cho TAGALAU là rất tốt, nhưng vì nhiều lí do khác nhau, tôi với tư cách chủ biên, xin cám ơn và không nhận khoản này. Khi TAGALAU phát hành, anh em bà con có lòng mua ủng hộ là đã góp công sức nuôi TAGALAU sống rồi. Nên nhớ: sách in trong nước được phép mang ra ngoài mà không vấn đề gì cả.
Phát hành TAGALAU là điều khó khăn, bởi không người chuyên trách và bà con Cham lại sinh sống ở nhiều vùng khác nhau, cho dù đây là Tuyển tập hữu ích và là một nhu cầu thiết thực từ đồng bào (theo đánh giá sơ bộ), cả Cham lẫn dân tộc khác. Dẫu sao đi nữa, TAGALAU vẫn tìm cách đến với bà con Cham tại các plei hẻo lánh nhất, dù chỉ bằng phương thức biếu tặng.
“Hỏi như vậy TAGALAU sẽ sống thọ không? Chúng tôi cũng không thể trả lời được.”
Nhưng thế nào, Tagalau vẫn bất ngờ nhận được bàn tay thò ra tưới cho gàu nước, khi hạn Phanrang muốn làm nó khô queo! Gàu nước to hay nhỏ, có khi chỉ cần li nước rất bé. Cũng đủ! Như ông bác palei Ram vào chiều Katê kia đã nhịn sắm Karah Mưta để ủng hộ 250.000đ cho Tagalau. Nói thật chứ, chưa bao giờ tôi xúc động như thế suốt cuộc đời bọt bèo này của mình. Tôi biết vẫn còn đó tình người chợt vụt hiện và làm cháy lên nắng ấm giữa đêm đông. Tôi nghĩ: chính ánh mắt của bác nhà quê kia đã nâng đỡ “những linh hồn không được nâng đỡ của chúng ta” đứng vững, để níu cây Tagalau trụ lại đất quê hương.
[Chú ý: “Câu Chuyện Tagalau” là tác phẩm văn chương, cho nên tôi không cụ thể hóa tất cả vấn đề liên quan đến Tagalau (đã làm rõ sau mỗi kì), mà chỉ “nhớ và diễn”, theo tâm cảm và trọng tâm của một tiểu thuyết tự thuật].