Jaya Bahasa: ĐIỂM LUẬN TAGALAU 16

 

Những cơn mưa tháng 10 đang bắt đầu làm dịu lắng hạt nắng xứ thần linh Panduranga. Phía xa xa trên ngọn đồi trọc, chỉ có tảng đá chênh vênh nhô lên vươn mình nằm nghe gió hú, những chiếc lá dần xanh tươi trở lại. Màu tim tím của hoa Tagalau như muốn nhuộm cả sắc chiều hôm, làm mờ khuất ngọn đồi và bụi rậm. Trên con đường ra đồng, ai đó đang cất lên tiếng hát niềm vui vụ mùa trong khoảnh khắc đón mùa Katê về. Dưới ánh đèn mờ, bên cạnh một bó củi đang cháy một đám người đang say sưa luận đàm Katê nào trời cũng mưa. Rồi chợt vang lên cao vuốt một âm vang Katê này trời không mưa rồi tắt thanh vào trống vắng cùng ánh trăng.

Mỗi dân tộc hay quốc gia đều có những ngày kỷ niệm hay ngày lễ hội lớn của riêng mình để tôn vinh và ca ngợi các giá trị bản sắc văn hoá. Đồng thời, giáo dục thế hệ trẻ nối tiếp niềm tự hoà của cha ông. Từ đó, ra sức phấn đấu lao động và học tập để xứng danh với truyền thống của tổ tiên. Mùa lễ hội Katê là niềm vui chung của dân tộc Chăm ở khắp tinh cầu này. Có lẽ rằng, ai cũng mong muốn đóng góp một chút gì cho quê hương, gia đình và người thân. Với ý niệm tốt đẹp trên, qua 14 năm nay những người yêu văn hoá Chăm đã nỗ lực sáng lập tuyển tập Tagalau. Nhằm mục đích mang chút niềm vui trong các ngày lễ lớn của dân tộc qua các trang thơ, văn và những bài nghiên cứu văn hoá. Thật là ý nghĩa làm sao, khi ở các gia đình có được đặc san Tagalau để đọc trong ngày sum họp gia đình vui đón Katê. Đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hoá đọc, Tagalau 16 đã kịp nở hoa vào đúng vụ mùa.

Trải qua những chặng đường phát triển Tagalau đã xây dựng được đội ngũ tác giả và thu hút được một lượng độc giả nhất định. Như các số trước nội dung đăng tải của Tagalau 16 gồm các chủ đề thơ, văn, nghiên cứu, phê bình và những cảm nhận văn hoá – xã hội của người Chăm. Tuyển tập Tagalau 16 ra mắt trong mùa Katê năm 2014, in 700 cuốn, khổ 19x27cm do nhà xuất bản Văn học ấn hành. Ở lần ra mắt này, lần đầu tiên một cây bút được phát hiện và trưởng thành từ sân chơi Tagalau đảm nhận vai trò chủ biên là Jalau Anưk. Chính sự mới mẻ đã mang đến cho độc giả một tuyển tập càng ngày càng chất lượng về nội dung và hình thức trình bày. Những lỗi chính tả, kỹ thuật dàn trang đã được khắc phục, khâu chọn lựa bài viết và biên tập làm việc nghiêm túc.

 

1. Sáng tác thơ.

Các trang thơ luôn là mảnh đất giàu tìm năng và hứa hẹn trình diện nhiều cây bút mới. Nếu như độc giả từng biết đến và yêu mến giọng thơ của Trầm Ngọc Lan, Yamy, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyện và Kiều Maily, v.v… thì trong Tagalau 16 họ cùng hội tụ và mang đến nhiều cảm xúc về tình yêu, cuộc sống và đề tài văn hoá Chăm. Mỗi tác giả có một triết lý và quan điểm sáng tạo nghệ thuật riêng. Những cây viết trẻ như Lưu Tấn Thành và Lưu Anh Tặng nhập cuộc chơi liên tục trong các số gần đây, cho thấy bút lực có nhiều triển vọng nối bước các thế hệ đã trưởng thành. Bên cạnh đó, các cây viết mới như Bạch Văn Nguyên, Minh Đan, Đặng Hoàng Thám, Jashaklikei, Lưu H, Quảng Đại Xuất, v.v… góp mặt cùng sân thơ.

Tác giả Phú Đạm, Jaya Thuksiam và Sri Thraoh vẫn trung thành với thể loại sáng tác thơ bằng tiếng Chăm.

 

2. Sáng tác văn xuôi

Mảng văn xuôi gắn liền với tên tuổi của Trà Vigia, đến Tagalau 16 tác giả đã nhập cuộc trở lại bằng một câu chuyện  đời thường mà tựa đề ngỡ là thiên tình sử “Chuyện tình Chế Mân” ghi lại dấu ấn kỉ niệm của nông thôn Chăm vào những thập niên 60, 70 của thế kỉ XX. Đồng hành với Tagalau còn có tác giả  Niê Thanh Mai “Mảnh linh hồn”, Lê Minh Phong: “Cha tôi giữ trên Tây Nguyên”, và Đào Thái Sơn với 9 truyện ngắn mini “Cõi người ta, Ông Hai già, Ai hiểu cho nó, Cái hay, Đạo đức, Hoa, Nhầm, Sách, Thường trú”. Asa Trương: “Người đàn bà bất hạnh”. Phạm Thị Ngọc Thi “Tôi mong ba khoẻ dù ông đã làm tổn thương tôi”, Trà La Ding “Thư gửi con đang học ở nước ngoài”.

Riêng phần phê bình, tác giả Inrasara có bài viết “ Khác biệt làm nên độc đáo”. Tác giả phân tích về phong cách thơ của 4 nhà thơ người dân tộc thiểu số là Dư Thị Hoàn, Hoàng Thanh Hương, Bùi Tuyết Mai và Kiều Maily. Theo Inrasara, chính sự khác biệt đã đóng góp vào thơ tiếng Việt của các nhà thơ người dân tộc thiểu số phần độc đáo của mình.

 

3. Nghiên cứu văn hoá

Nguyễn Hữu Thông và nhóm tác giả với bài viết “Cốt Chăm-Bì Việt của một số tượng thờ trong ngôi chùa làng xứ Thuận Hoá”. Văn hoá Việt ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo, Lão giáo và Phật giáo là phát triển thịnh vượng nhất. Bên cạnh, những tư tưởng có nguồn gốc Trung Hoa, người Việt cũng tiếp nhận Ấn Độ giáo thông qua trung gian người Chăm ở miền Trung. Từ khi, có lớp cư dân mới, đến sinh sống trên lãnh thổ miền Trung Champa, họ mượn tín ngưỡng và linh vật của người Chăm để thờ phượng theo cách thức riêng của mình. Dĩ nhiên, các đối tượng thờ phượng của người Chăm được Việt hoá từ tên gọi đến dấu ấn tâm linh. Và sự giao lưu, tiếp biến các giá trị văn hoá Chăm đã làm nổi bật lên tính mẫu hệ trong văn hoá người Việt ở miền Trung.

Hứa Kim Oanh với bài viết “Người Chăm Islam sông Hậu (An Giang) và quá trình giao lưu văn hoá – hội nhập”. Bài viết trình bày khái quát về người Chăm ở Việt Nam và làm rõ nguồn gốc của người Chăm Islam ở Nam bộ. Tác giả đã có cái nhìn văn Chăm Islam một cách tổng thể dựa trên một số thành tố như Tính cộng đồng, Kinh tế, Ngôn ngữ, Nhà cửa, Trang phục, Lễ phục, Ăn uống, Luật tục, Lễ nghi cưới xin. Trên cơ sở đó, tác giả miêu tả, phân tích và nhận định những giá trị truyền thống và những biến đổi của văn hoá Chăm Islam. Cuối cùng, tác giả khẳng định nguyên nhân của những biến đổi là do quá trình giao lưu và hội nhập tạo nên. Hay nói một cách khái quát nhất là do quá trình toàn cầu hoá về văn hoá đang tác động đến cộng đồng người Chăm Islam ở Nam bộ nói chung và ở tỉnh An Giang nói riêng.

Jaya Thiên với bài viết “Kiến trúc nhà của người Chăm- Truyền thống và biến đổi: Bước đầu tiếp cận”. Tác giả đã giới thiệu qua về những nét tổng quan về không gian và kiến trúc xây dựng nhà cửa truyền thống của người Chăm. Qua đó, phân tích các kiểu nhà Sang Ye, Sang Gar, Sang Lem, Sang Mayuw, Sang Ging và Sang Tong. Đặc biệt, tác giả đã đưa ra những nhận định của mình về sự biến đổi trong việc xây dựng nhà cửa của người Chăm hiện nay. Ngôi nhà truyền thống chính là những di vật của thời đại cần được bảo tồn, quá trình đô thị hoá đang tác mạnh mẽ đến kiến trúc nhà Chăm bởi những sự tiện lợi trong sinh hoạt.

Ts. Trương Thông Tuần với bài viết “Vấn đề tên họ của người Mnông ở tỉnh Đăk Nông”. Tác giả trình bày về quan niệm và cách thức đặt tên của tộc người Mnông. Ngày nay, khi mà hôn nhân ngoại tộc trở nên phổ biến thì việc lấy họ cha hay họ mẹ để đặt cho con cái là vấn đề cần được nghiên cứu đến. Trong trường hợp cha là người Kinh kết hôn với tộc người Mnông, xu hướng lấy họ cha đặt cho con cũng khá phổ biến. Do đó, hiện nay có nhiều tộc người thiểu mang họ tên hoàn toàn giống như người Việt.

 

4. Cảm nhận văn hoá

Phan Thắng phỏng vấn Inrasara về “Văn hoá các dân tộc thiểu số nhìn từ lý thuyết trung tâm-ngoại vi”. Bài phỏng vấn đề cập đến vị thế và tầm ảnh hưởng của văn hoá Chăm trong chỉnh thể văn hoá Việt Nam. Và ngược lại, khi quá trình giao lưu ngày càng mở rộng và khăng khít, văn hoá làng Chăm bị phá vỡ tác động của văn hoá Việt đến người Chăm rất đậm đà.

Guga với bài cảm tưởng “Katê này không mưa” không phải là những nhận định về lịch pháp hay tiết trời, mà tác giả nói về ý nghĩa của các đại lễ của người Chăm. Đặc biệt, là đại lễ Katê với những giá trị sinh hoạt trong gia đình và việc cúng kính trên các đền tháp hàng năm.

Chế Vỹ Tân với bài nhận định “Những suy nghĩa tản mạn về nếp sống văn hoá-xã hội Chăm”. Tác giả trình bày về một số lễ tục của người Chăm trong cúng kính như lễ Padhi nếu có sự nhận mới sẽ giúp cho các gia đình giảm nhẹ phần nào gánh nặng về mặt kinh tế. Về nếp sống văn hoá, tác giả đặc biệt đề cao vẻ đẹp của phụ nữ Chăm qua chiếc váy.

Inrasara với bài phân tích “Thế nào là phản biện ?” Bất kỳ xã hội dân sự nào cũng cần đến sự phản biện. Các ý kiến khác nhau được nêu ra để tìm ra ý kiến xuất sắc hơn. Thông qua bài biết, tác giả nói về nhận thức và hành động trong sinh hoạt chuyên môn ở lĩnh vực văn học của mình  những năm gần đây.

Nguyễn Chế Đôn với bài “Cảm nhận về Minh triết Chăm”. Minh triết Chăm là một đề tài lớn về mặt tư tưởng. Có thể nói rằng, chưa có tác giả nào đi sâu nghiên cứu và nêu vấn đề này lên. Tác giả Inrasara dựa trên những tư tưởng lớn của Bà la môn giáo của Ấn Độ và Hồi giáo quốc tế ảnh hưởng đến lịch sự hình thành nền văn minh Champa để hình thành nên Minh triết Chăm. Quá trình tiếp nhận các tư tưởng lớn người Chăm đã biết chọn lọc và tiếp biến văn hoá theo cách thức độc đáo phù hợp với đặc trưng văn hoá mẫu hệ của người Chăm.

Jashaklikei với bài viết “Văn hoá Chăm bản sắc và hội nhập – Tiếp cận từ gốc nhìn đương đại”. Bài nhận định của tác giả khái quát nhiều lãnh vực của văn hoá Chăm. Từ đó, tác giả đưa ra kết luận các nền văn minh lớn của thế giới khi du nhập vào người Chăm đều bị khuếch tán không còn nguyên bản do tính chất văn hoá bản địa tạo nên.

Thuý Võ – Hoàng Đại với bài viết “Tản mạn về bảo tồn tháp Champa”. Tác giả khái quát về quá trình trùng tu các đền tháp Champa từ thời Pháp thuộc cho đến hiện nay. Vấn đề bảo tồn các di tích Chăm nói chung và đền tháp nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn phương pháp. Khi chưa hiểu rõ về kỹ thuật xây dựng tháp Chăm mà cứ đưa các phương án bảo tồn mang tính chất thí nghiệm vào sẽ có nguy cơ làm biến dạng vẻ đẹp của tháp Chăm. Do vậy, những ngôi tháp vẫn tồn tại hàng thế kỷ nay liên tục bị xâm hại trong thời gian gần đây.

Tóm lại, tuyển tập Tagalau không ngừng phát triển đã mang lại một nguồn tri thức và giải trí đến với độc giả trong và ngoài nước. Tagalau 16 có sự đột biến về các bài nghiên cứu. Tuy nhiên, việc chọn nhiều bài nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí cần được xem xét lại. Những sáng tác văn, thơ vẫn bằng tiếng Việt vẫn là điểm nổi bật của Tagalau từ 14 năm nay. Thông qua văn hoá đọc giúp cho độc giả có nhiều hiểu biết hơn văn hoá Chăm. Tagalau ra mắt đúng dịp đại lễ Katê như mang chút niềm vui đến với những ai yêu mến văn hoá Chăm./.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *