Cái TÔI đáng ghét? 36. PHÁN XÉT & BỊ PHÁN XÉT

[Chúa dạy, anh em chớ phán xét, để tránh bị Chúa phán xét. Lời Chúa không sai: Chúa muốn con người hạnh phúc. Tôi thì khác: tôi muốn hiểu. Qua “bị phán xét”, tôi hiểu. Hiểu mang tính tri thức thì ít, mà hiểu nỗi người nhiều hơn, chắc chắn thế].

Cho nên tôi cứ phán xét, để được phán xét…

 

I. PHÁN XÉT

1. Nhà thơ học biết sợ thơ để người đọc còn cần đến thơ (tạp chí Tia Sáng, 20-5-2006).

2. Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần (tham luận tại Hội thảo thơ – TPHCM, tháng 7-2006).

3. Thơ dân tộc thiểu số vừa đi vừa ngủ (Song Thoại Với Cái Mới, NXB Hội Nhà văn, 2008).

4. Văn học Đông Nam Á là vùng trũng của văn học thế giới, đó là điều cần được nhìn nhận và nói lên (Chưa Đủ Cô Đơn Cho Sáng Tạo, NXB Văn nghệ, 2006).

5. Thiếu tư tưởng, nên phê bình ăn theo sáng tác (báo Lao Động, 11-8-2007).

6. Nhà văn Việt Nam chưa bao giờ giỏi lập ngôn cả (báo Quảng Nam cuối tuần, 29-6-2008.

7. Việt Nam không có truyền thống triết học. Chúng ta cũng chưa sẵn sàng cho truyền thống đó. Triết học ta đang dạy trong nhà trường là thứ triết học ‘Theo-ism’ (“Giải Nobel cho văn chương Việt Nam, tại sao chưa?”, Vietnamnet.net, 10-10-2008)

8. Độc giả cũng cần phải được đào tạo (tạp chí Thơ, số 1, 2006).

9. Một nhà văn hậu hiện đại trong lúc theo dõi các trào lưu triết học mới nhất trên thế giới, đồng thời vẫn có thể đi vào làng quê vùng sâu vùng xa điều tra nạn mất cắp gà để hỗ trợ chính quyền địa phương giải trừ tệ nan xã hội (“Đối thoại hậu hiện đại,” Tienve.org, 3-2009).

10. Chuyện Nam tiến là thật. Chuyện Champa mất về tay Đại Việt, cũng là thật… Chính quyền Việt Nam hôm nay cần nhận ra và nói lên sự thật lịch sử đó. Không phải để khơi dậy tinh thần dân tộc hay tạo sự hiềm khích, mà là để hiểu biết lẫn nhau. Chỉ khi làm được điều đó thôi, chúng ta mới có thể nói đến việc hóa giải lịch sử và hòa giải dân tộc (“Cái thật sẽ hóa giải lịch sử và hòa giải dân tộc”, RFA, 3-5-2013).

 

II. BỊ PHÁN XÉT

1. PHẢN ĐỘNG & PHẢN PHẢN ĐỘNG

LT (báo Văn Nghệ, 1998): “có nhà thơ mang trái tim công chúa một vương triều/ Trong kí ức người lãng du lòng đang sục sôi giấc mơ ngày phục sinh ngôi báu/ … Khát vọng phục thù, ước mơ đảo ngược…”

PD (Bản tin Champaka 2, 2002): Inrasara thuộc nhóm “dựa trên thế lực chính trị Việt Nam… để bôi nhọ một số nhân vật Chăm ở nước ngoài. Inrasara dựa trên thế lực văn hóa và khoa học để tẩy chay một số hội đoàn Chăm… Để làm hài lòng đảng và nhà nước, Inrasara đứng lên kết tội một cách tuỳ tiện người Chăm là dân tộc ‘cục bộ, tính khí tiêu cực, không trung dung”.

VHN (tạp chí Hồn Việt, 12-2007): Nhưng tuyên bố như ông Inrasara, người luôn cổ vũ, tuyên truyền cho các dòng thơ phá phách “hậu hiện đại” này (…) thì là phi lịch sử và nhất là ẩn đằng sau những lời lẽ cổ vũ ấy là những hàm ý sâu xa hơn, thách thức hơn, kích động hơn, không khó nhận thấy.

BCT (Phongdiep.net, 4-2008): Tôi lại ngờ rằng Inrasara có tính vọng ngoại… Chủ nghĩa Hậu Hiện Đại từ bỏ những Đại Tự Sự, chủ trương đa nguyên văn hoá, điều này khó được chấp nhận ở Việt Nam.

 

2. VỪA TỰ CẦM NGỌN CỜ ĐẦU VỪA NẮM LÁ CỜ ĐUÔI

MVL (Vanchuongviet.org, 1-5-2008): Inrasara có lẽ đã cho mình là một trong vài nhà thơ tiên phong trong “cách tân, hiện đại hóa” của Việt Nam – có lẽ điều đó còn quá sớm – và không phải lúc.

ĐH (Blog dohoang, 22-12-2013): Anh ta luôn luôn gào thét cách tân đổi mới… Bản thân anh ta muốn làm ngọn cờ đầu đổi mới thơ Việt với chiêu bài hậu hiện đại, hậu hậu hiện đại.

TTK (tạp chí Văn Việt): Sức nghĩ của Inrasara dồi dào và mạnh mẽ, sâu sắc và hiện đại. Sáng tác của Inrasara có thể che lấp được những định kiến hẹp hòi, hoặc những mĩ cảm cũ kĩ. Inrasara góp công không nhỏ vào công cuộc đổi mới văn học, đổi mới cách tư duy và lối viết.

VTHT (Luận văn Thạc sĩ, 2008): Inrasara đã và đang góp phần hoàn thiện con đường hiện đại hóa của văn học dân tộc, tiên phong cho văn học dân tộc bước sang một giai đoạn mới.

PTT (VTV3, 2007): Inrasara là cây bút chủ lực trên văn đàn hôm nay, thái độ văn chương và tác phẩm có sức lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng đến các thế hệ trẻ trong tiến trình phát triển văn học giai đoạn sau đổi mới.

 

3. TIẾNG VIỆT BẬP BÕM MỘT CÁCH TÀI HOA

ĐH (Blog dohoang, 22-12-2013): … Chữ Việt chưa rành, tiếng Việt bập bõm. Sau khi Inrasara viết có vài bài đọc được và Hội Nhà văn liên tiếp trao giải thưởng, Inrasara nhảy vào ngõ cụt mà không biết.

HVT (tạp chí Văn hóa – Văn nghệ Công an, số 11, 2000): Tiếng Việt của anh đạt đến mức điêu luyện. Đấy là thứ tiếng Việt phong phú, giàu biểu cảm, được sử dụng uyển chuyển đến mức tài hoa, điều mà không nhiều lắm tác giả người Kinh có được.

 

4. THƠ, HIỆN TƯỢNG TRÁI CHIỀU

ĐH (Blog dohoang, 22-12-2013): Tất cả nhà thơ dân tộc thiểu số đều là nhà thơ song ngữ tài năng. Duy chỉ thơ Inrasara sử dụng tiếng Việt rất vô lối, tắc tị, quái đản, bênh hoạn.

Báo Người Hà Nội, 2008: Thi sĩ trong câu thơ, học giả trong bài thơ, triết nhân trong tập thơ.

LTVH (Luận văn Thạc sĩ, 2009): Trong bối cảnh sáng tạo [thời kì đổi mới] ấy, Inrasara xuất hiện như một hiện tượng thơ độc đáo.

 

5. MỘT LỐI PHÊ BÌNH KHINH THƯỜNG LỖI LẠC

AC (báo Nhân dân Cuối tuần, 2013): Cách phê bình của anh dễ khiến người đọc cảm thấy bị coi thường… điều tôi thấy qua văn lý luận của anh là, anh tỏ ra coi thường công chúng mỹ thuật ta!

HNH (báo Thể thao & Văn hóa, 2004): Inrasara là một cây bút phê bình lỗi lạc.

THN (Luận văn Thạc sĩ, 2009): Inrasara còn được dư luận quan tâm đến như một trong những nhà phê bình đương đại xuất sắc.

 

6. ĐÓNG GÓP NHƯ LÀ KHÔNG ĐÓNG GÓP GÌ CẢ CHO VĂN HÓA CHAM

NĐB (FB, 9-2014): Inrasara không đóng góp gì cho văn hóa hay xã hội Chăm cả.

NN (Quyphanchautrinh.org, 29-3-2010): Đóng góp của Inrasara là to lớn, dù anh vẫn khiêm tốn coi chỉ mới là những bước đầu.

NĐH (Sydney, Quyphanchautrinh.org, 2009): Inrasara tiên phong dấn thân tìm hiểu trong văn học Việt hậu hiện đại, đột phá trong nghiên cứu văn hóa Chăm.

 

7. GIẢI THƯỞNG [CHÍNH HAY PHI CHÍNH THỐNG HAY NƯỚC NGOÀI GÌ GÌ] ĐỀU LÀ CHÂM CHẾ MANG TÍNH TÁT TAI

NĐB FB, 22-9-2014: Tôi nghĩ, với xu thế thời đại và chính sách mị dân của giới cầm quyền, những giải thưởng của anh là do cái tên gốc Chăm của anh.

ĐH (Blog dohoang, 22-12-2013): Thơ không có một chút nghệ thuật gì, toàn tòng vô lối mà ba lần trao giải cao là Hội Nhà văn Việt Nam tát vào Đại Việt ông cha ta!

 

8. KHIÊM TỐN GIẢ VỜ

TL (FB, 9-2014): Hàng loạt bài Inrasara viết về mình trên FB để tự đề cao, tự ca tụng mình…

FB (9-2014): Các bài “Cái Tôi đáng ghét” rất độc đáo, thú vị, mỗi ngày cháu cứ chờ đón đọc.

PQT (tạp chí Nhà Văn, 2012): Inrasara tự nghiên cứu mình…

HQN (tạp chí Áo trắng, số 81, 6-2004): Dáng vẻ hiền hậu, khiêm tốn và trầm lặng, Inrasara là người rất kiệm lời… Nhà thơ trầm lặng của chúng ta lại rất cởi mở và sôi nổi nếu ai đó đề cập đến văn chương và sáng tác.

ĐQ (Damau.org, 2013): Inrasara là một trong ba vị đại biểu về tài năng văn chương, ảnh hưởng nghề nghiệp và phong cách văn sĩ ở thời điểm hiện tại…

 

9. VÀ… VUI.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *