Cộng đồng Cham những năm năm mươi trở về trước, nhà thơ thực sự là kẻ được trọng vọng như thể một bậc thánh. Thế hệ ấy, người Cham từ “trí thức” cho đến nông dân, không ai là không biết chữ. Dù Cham tổ chức dạy kiến thức theo lối bí truyền, học nhóm với số lượng rất hạn chế, có khi chỉ một thầy một trò, khá bất tiện. Thế kỉ thứ mười một, các sứ giả Tàu thử du nhập lối tổ chức theo trường quy Trung Hoa vào Champa, nhưng thất bại. Quan niệm về kiến thức của Cham hoàn toàn khác. Kiến thức không phải thứ mang chia sẻ đồng đều. Học “nhóm” như vậy, nhưng thế hệ chú bác làng Caklaing quê tôi, tuyệt không có kẻ mù chữ mẹ đẻ! Phần lớn họ được đào tạo để có khả năng chiếm lĩnh tri thức khá căn bản. Nên, một nông dân chân đất vẫn có thể tiếp nhận các tác phẩm kinh điển đầy tính triết lí và khó hiểu như Pauh Catwai, Hatai Paran không chút trở ngại.
Cha tôi, nông dân rặt, sau buổi cày nhọc mệt, vẫn có thể nằm lên gối cỏ, đọc ngâm Akayet Dewa Mưno. Trong những tối lễ lạc, đàn ông Cham thường xuyên mang sách cổ nhân ra thảo luận từng chữ, từng câu. Họ xem tác giả Ariya Glơng Anak như kẻ thoát trần một gót, các lời lẽ trong thi phẩm như lời thần thánh truyền lại. Ariya Glơng Anak [và toàn bộ tác phẩm trong nền văn học viết Cham] không có tác giả, Cham đơn giản gọi nó: Ông Glơng Anak! Kẻ sáng tạo đã sang bờ bên kia và nói vọng lại. Nói rồi bỏ đi, không ngoảnh lại. Không cầu tuổi tên, bất cần lợi lộc từ tác phẩm mình.
Từ lò đào luyện chữ (giai đoạn dưới chơn thầy) sang lò luyện tội cuộc đời (giai đoạn chủ hộ) đến giai đoạn khất sĩ bhiksu làm kẻ lang bạt “phong phanh giữa trời đất”, là cuộc hành trình chiến đấu dài dặc, cực nhọc để đi đến chiến thắng tối hậu. Krishnamurti đã như thế như thế. Khi quá tam thập, ông phủi tay từ bỏ danh vị “Phật Di Lặc tái sinh” được người đời gán cho mà ông mang vác mấy chục năm, từ bỏ vai trò Đấng Cứu thế của Dòng tu Ngôi sao với hơn bốn vạn tín đồ cùng bao nhiêu bất động sản giá trị. Để lên đường du thuyết. Chỉ với ít bộ quần áo với vài cuốn sách.
Inrasara, Hàng mã kí ức, 2006