Inrasara: Sơ kết vấn đề xung quanh lời giới thiệu tập thơ Chế Mỹ Lan của Amasaty

1. Ôn cố tri tân

4 năm qua, vài vấn đề và sự cố trong cộng đồng Chăm “xảy ra” trên website Inrasara.com. Sự kiên diễn ra do tôi tổ chức, duy nhất có: Vấn đề Dự án Nhà máy ĐHN. Tôi chủ động tổ chức, mục đích để hiểu tâm tư của bà con Chăm và sau đó, phản ứng của giới có học Chăm.

Còn lại, sự việc diễn ra rất ngẫu nhiên. Ngẫu nhiên, mà vẫn thu được kết quả khả quan. Như:

– Sự cố văn hóa Nguyễn Thành Thống. Bài viết của tác giả này đăng trên Sky.vn, 8-2009, bạn thơ Trần Can link cho tôi. Tôi là người đầu tiên lên tiếng, từ đó cuộc thảo luận mở ra.

– Sự cố về một chi tiết ở họa phẩm của Chế Kim Trung thì do nhà văn Trà Vigia khám phá, và viết bài bình luận.

– Sự cố về “Hồ sơ Hồ Trung Tú” là từ một bài viết giới thiệu tác phẩm này của Inrasara không được in trọn vẹn ở đầu cuốn sách, mà cắt đoạn in ở bìa 4. Bài giới thiệu được đăng lại nguyên văn trên Inrasara.com, từ đó nảy sinh cuộc trao đổi.

– Sự cố câu phát biểu về “nhà văn Chăm” của Sakaya ở lời nói đầu tác phẩm của anh được Đồng Chuông Tử trích lại. Bình luận của thi sĩ Đồng diễn ra ở web Tincham.com, lan sang web Inrasara.com.

Đó là vài sự vụ liên quan đến cộng đồng Chăm. Ngoài ra, sự việc Nguyễn Văn Tỷ phản bác Sử Văn Ngọc về bài thơ tiếng Chăm “Su-ôn Bhum Cham”, cũng tạo dư luận đáng kể. Một vấn đề cộm khác thu hút bộ phận lớn dư luận Chăm là Akhar thrah, tôi từ chối mở cuộc thảo luận, dù đã có rất nhiều thư yêu cầu.

– Và mới nhất, sự cố bài phê bình của độc giả Nguyễn về lời giới thiệu tập thơ Dấu chân về nguồn của Amasaty.

 

2. Về các bài viết

– Khởi đầu là bài của độc giả Nguyễn: “Amasaty đã giới thiệu tập thơ Chế Mỹ Lan kém cỏi như thế nào?”

Về Chế Mỹ Lan: Nguyễn chê “lối trình bày quê mùa chết đi được”, và nhận định rằng tập này “không tiến bộ” so với tập trước. Về Amasaty, Nguyễn phê phán nặng lời 3 điểm: “- thơ CML không xuất sắc như Amasaty tán – Ama viết 2 câu văn vô nghĩa – Ama dùng 3 thuật ngữ văn học sai cả 3.”

– Tiếp theo là bài: “Câu chuyện văn nghệ Chăm, từ Chế Kim Trung đến Chế Mỹ Lan”. Ở bài này, tôi giải thích cho một độc giả về chuyện gợi ý gỡ bài xuống. Tôi so sánh 2 sự cố để nêu bật điểm giống nhau: Tôi từ chối gỡ bài.

– Bài của Thiên Sầu là “phản hồi” dài được đưa lên entry. Ở đây, bạn đọc này đồng ý với Nguyễn, và phê bình CML “đã có sự cả nể mà phó mặc cho đứa con tinh thần của mình vào tay người” thiếu hiểu biết về văn học.

– Thư xin lỗi bạn đọc của Inrasara về giọng điệu của tác giả Nguyễn. Và Nguyễn hứa rút kinh nghiệm trong lời lẽ phê phán.

Tôi viết thêm bài “Người Chăm đã có’ tâm thế mạng’ chưa?” để đặt vấn đề về cách tiếp nhận phản hồi trên mạng internet trong thế giới mở. Ta không nên dị ứng với “nặc danh”. Bởi họ là độc giả vì lí do nào đó chưa thể xuất đầu lộ diện. Vấn đề là nội dung họ nói, chứ không phải lai lịch họ.

– Bài “Website Inrasara và thơ Chế Mỹ Lan” là bài trả lời của tôi với web Chamunesco.com, khi BBT web này cho rằng “30 độc giả” email cho biết “web Inrasara không công bằng” với CML, và “Inrasara hành xử không tốt với thơ CML”. Tôi chưa biết đến sự có mặt của web Chamunesco.com, chưa hề đọc bài nào trên đó; tôi không thấy tập thơ CML ghi bất cứ chữ nào liên quan đến Chamunesco.com; độc giả Inrasara.com cũng chưa có phát biểu gì về web này. Cho nên khi BBT web Chamunesco.com thông tin là có “30 độc giả” đòi web này mở comment đáp lại mạng của tôi, để đòi lại sự công bằng cho thơ CML, tôi thấy lạ. Tôi cho BBT web ây muốn “đánh lạc hướng dư luận. Bài của Nguyễn và lời bình của độc giả Inrasara.com tập trung vào phê phán lời “giới thiệu” của Amasaty chứ không phải thơ CML.”

 

3. Về các phản hồi

– Về nick. Hơn 30 nick viết phản hồi. Có người tôi biết họ có thật ngoài đời: Nguyễn, Thiên Sầu, .daovan, Trần Can, Jalo_panrang, Đứa Con Chăm, Đàng Trinh, Hadra Yatha, Japok, Tuệ Nguyên, Hán Dương Phú, Jaya Mrai, KKK, K., Người Khách, vinh, Mang Nhái, Người Yêu Tagalau, Janhoh Ka, Cobewê, TVQ, Nguyễn Anh Thy, Klaikluk, Giang, Jaya K….   Còn lại, như Jamo, Amaklinh, Ja Baong Alah, Kalalu, Dang Phan, KLANAHOK, Người Quan Sát, Alibaba, Jaleng, Java, Ja Lì… vẫn còn “ẩn” với tôi. Nhưng tất cả đều không quan trọng, khi ta có được “tâm thế mạng”.

– Không ít người có cảm tình với CML, chủ yếu xuất phát từ cảm tình cá nhân. Có vài người chê CML không học biết tiếp nhận lời phê bình. Nói cho hình tượng, không muốn uống chén thuốc đắng mà thích các li nước đường ngọt. Tiếc hơn cả là tiếc cho tình bạn giữa Inrasara và CML, qua sự kiện này, dễ bị đổ vỡ – có vị nghĩ thế.

– Cho dù chưa ai phê phán thơ CML, thế nhưng tại sao CML lâm vào tâm trạng “bẽ bàng” như thế? Jalo_panrang lí giải khá thuyết phục: xui rủi là do thời điểm. Tập thơ CML và tập thơ Kiều Maily xuất bản gần như cùng lúc. Trong khi KM thì nhận được buổi ra mắt sách tốt lành, báo Tuổi trẻ chủ nhật dành nửa trang to giới thiệu, và bao nhiêu báo khác nữa… thì ngược lại, CML bị mang ra mổ xẻ. Bẽ bàng là vậy.

– Bạn đọc Jakok phản hồi: web Inrasara có 3 bài “ca ngợi” thơ CML, mà chỉ có một câu chê duy nhất của độc giả Nguyễn, mà chỉ chê về “trình bày quê mùa”, nên không thể gọi là bất công.

– Tuệ Nguyên yêu cầu đối thoại sòng phẳng.

– KKK tổng kết [trước cả Inrasara mới kẹt]: Về giới thiệu của Amasaty, yêu cầu Amasaty đối thoại trực tiếp về 3 luận điểm đó với Nguyễn và Thiên Sầu trên web này. Hay đối thoại với Tuệ Nguyên qua địa chỉ email mà anh cho. Hoặc người nào theo phe Amasaty đối thoại cũng được.

Độc giả này tiếp: “Nếu CML và Amasaty từ chối đối thoại, thì thôi. Còn nếu có ai nói qua chuyện khác hay suy diễn này nọ, yêu cầu nhà thơ Inrasara KHÔNG cho hiện. Chỉ vậy chúng ta mới kết thúc câu chuyện nhỏ mà có nguy cơ lớn này.”

 

Kết luận

Một cuộc thảo luận nào bất kì được đánh giá ở 3 điểm: kẻ khơi mào – người góp ý kiến – và bên tiếp nhận ý kiến đó. Xin không bàn về người góp ý kiến (“phản hồi”), trước tiên là kẻ khơi mào (Nguyễn) dù đúng nhưng quá căng, khiến đối tượng dị ứng. Bên tiếp nhận ý kiến, CML thì phản ứng tiêu cực trên facebook, còn Amasaty (chỉ sau thư của CML tôi mới biết là Sakaya – Văn Món) thì hoàn toàn im lặng: không đối thoại trực tiếp về 3 luận điểm với Nguyễn, Thiên Sầu và Tuệ Nguyên.

Như vậy, cuộc thảo luận đã thất bại. Về các “sự cố văn hóa”, đây là thất bại đầu tiên của web này. Dẫu sao tôi vẫn xin cảm ơn bà con – anh chị em và bạn đọc đã quan tâm đến vấn đề.

Kajap karo thug siam!

Inrasara

* Lưu ý:

Xin độc giả không comment về entry này. Vừa qua, sau bài của Thiên Sầu, tôi đã đóng còm sau 5 tiếng đồng hồ đăng tải, bị các bạn [đồng ý với tác giả] trách móc nhiều. Nhưng để tránh lạc đề, gây nhiều phiền toái không hay; vả lại để chuyển sang đề tài khác, rất mong bạn đọc cho được ngưng tại đây.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *