(Chuyên đề Ghur Cham Bà-ni)
* Một trong những tình trạng Ghur Kađuk.
Người Chăm thuộc Hồi giáo Bà-ni Tỉnh Ninh Thuận có 3 nghĩa trang cổ đang được phụng tự hằng mấy trăm năm nay, đó là các nghĩa trang Darak Neh (Khánh Nhơn), Ghur Kađuk (Văn Sơn) và Ghur Bong (Xóm Bánh). Nay các nghĩa trang đó đang bị lấn chiếm một cách thô bạo.
Theo đơn đề ngày 18-3-2014 gởi đến Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận và các Huyện liên quan, đến nay chỉ có Ghur Darak Neh (Khánh Nhơn) là được giải quyết tương đối vì ghur này đã có Sổ đỏ. Còn 2 ghur khác (thuộc thành phố Phan Rang – Tháp Chàm), nơi bị vi phạm nặng nề nhất, lại chưa hề được giải quyết cụ thể: Ghur Kađuk (Văn Sơn) ở lô số 7 có 3 nhà xây dựng trên xương cốt mồ tổ của người Chăm là 3 hộ cá thể và 1 hộ ở lô số 3 cũng xây dựng lấn chiếm tương tự. Ghur Bong (Xóm Bánh) tình trạng còn thê thảm hơn: các đá mộ đã được người lấn chiếm dẹp gọn để làm rào dậu và khiêng chất đống để làm nền cho chuồng gà! Mỗi lần người Chăm đến tảo mộ thì lại khúm núm khiêng đặt lại chỗ cũ để có thể làm lễ rước ông bà trước sự chửi bới, mạ lỵ tàn nhẫn của các hộ chiếm đất xây nhà. Chúng tôi hỏi lại các lý do xâm chiếm thì họ ngang nhiên trả lời: “đất chúng tôi mua lại có giấy tờ đàng hoàng của Hội người cao tuổi Phường Đài Sơn là 9 chỉ vàng!!”. Hỏi lại Hội người cao tuổi thì được trả lời: “chúng tôi bán đất để lấy tiền “xây dựng chùa” chứ có bỏ túi đâu?” Họ là những Đảng viên, đầy quyền uy và hiểu biết chính sách và luật lệ đã trả lời chúng tôi như thế! Vậy thì chỉ có những người Chăm bị thiệt thòi, bị hà hiếp trắng trợn như thế. Từ ngày đệ trình đơn khiếu tố đến nay đã hơn 4 tháng, nhưng UBND Thành phố Phan Rang Tháp Chàm chưa hề đá động đến việc này với các người có trách nhiệm đứng đơn khiếu tố là “Ban Khôi phục và Bảo tồn thổ mộ người Chăm Bà-ni Ninh Thuận” trực thuộc Hội đồng Sư Cả Hồi Giáo Bà-ni Tỉnh Ninh Thuận.
Oái oăm thay, Quốc Hội đã quan tâm đến sự việc uất ức của người dân tộc mới lập Đoàn Đại biểu Quốc hội do ông Mã Điền Cư hướng dẫn đã đến Ninh Thuận ngày 7-7-2014, có đến Ghur Darak Neh (Khánh Nhơn) xem xét, nhưng chúng tôi vẫn dài cổ mong đợi sự xét xử công bằng, bình đẳng, xây dựng, đoàn kết của chính quyền Ninh Thuận và Đoàn Đại biểu Quốc Hội, nhưng vẫn chưa thấy!?
Như thế thì chúng tôi biết kêu cứu ở đâu bây giờ?
Rất mong được Thường vụ Tỉnh ủy Phan Rang – Tháp Chàm tích cực chiếu cố để bà con Chăm được nhờ và đừng để người dân tộc thiểu số trông đợi lâu hơn nữa.
Trân trọng.
Ninh Thuận, 19-7-2014