Chế Vỹ Tân: Đất nghĩa trang của người Chăm Bà-ni lại bị lấn chiếm

Ghur Kadang-02

Hiện nay trên nhiều web của mạng internet đã xuất hiện nhiều bài viết phản ứng về việc lấn chiếm đất “Ghur Darak Neh” của người Chăm Bà-ni tọa lạc tại thôn Khánh Nhơn, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Nghĩa trang “Ghur Darak Neh” là nghĩa trang cổ nhất tỉnh Ninh Thuận hiện đang được các tộc họ người Chăm thuộc 5 thôn: Phước Nhơn 1 – 2 – 3, An Nhơn (huyện Ninh Hải) và Lương Tri (huyện Ninh Sơn) phụng tự và hàng năm làm “lễ tảo mộ” rất trang nghiêm và hoành tráng…

Đất ghur (nghĩa địa) được người Chăm Bà-ni xem như là đất thiêng liêng, nơi đó ông bà, tổ tiên nhiều đời đã an nghỉ nghìn thu; người Chăm rất tôn quí. Đó là nét đặc sắc của tín ngưỡng dân gian dân tộc Chăm. Dân tộc Kinh cũng có sự tín ngưỡng tương tự là rất trân quí người đã khuất. Do vậy mà hiện nay, tuy Nhà nước ta còn nhiều khó khăn, nhưng đã bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng để truy tập các hài cốt liệt sĩ, dù là tại các nơi xa xôi hẻo lánh ở Thượng hay Hạ Lào, ở rừng già Bắc hay Tây Campuchia, cực kỳ khó khăn vẫn không bao giờ bỏ sót!

Người dân tộc Chăm có nếp sống thôn quê, dân dã và chưa phát triển tiến bộ bao nhiêu thì càng có đức tin mãnh liệt hơn và luôn luôn muốn bảo vệ đất ghur như bảo vệ di sản tinh thần và văn hóa của mình! Đất Ghur Darak Neh đã bị lấn chiếm nhiều lần nên đã được đóng cọc rào lại để dễ bảo vệ nhưng cũng không thoát được nạn xâm chiếm, phá hoại cũng như đất Ghur Văn Sơn (huyện Ninh Hải) lại càng bị lấn chiếm thô bạo hơn!

Không ít người nghĩ chắc có lẽ chính quyền xã thôn ở nơi đó cố ý làm ngơ để dân địa phương mình được thêm phương tiện sinh sống chăng? Suy nghĩ như thế là vô tình phủ nhận chính sách hiện hành và cố ý xao lãng chính sách dân tộc ưu Việt của Đảng và Nhà Nước Việt Nam….

Vấn đề dân tộc là một vấn đề rất nhạy cảm, huống chi vấn đề dân tộc lại kèm theo yếu tố tín ngưỡng – tôn giáo nữa thì càng đáng cho Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận và Thường vụ Huyện ủy Ninh Hải quan tâm đặc biệt….

Đồng bào Chăm Bàni Ninh Thuận rất mong các cơ quan chức năng như Ủy Ban Mặt Trân TQVN Tỉnh, Ban Dân Vận Tỉnh, Ban Tôn giáo Tỉnh và đặc biệt là Ban Dân Tộc của Hội đồng nhân dân Tỉnh chiếu cố và tận tình xem xét vấn đề một cách công bằng và dứt điểm.

Vì luôn luôn ưu tư đến vấn đề xây dựng và đoàn kết các dân tộc để phát triển Tỉnh nhà, với tư cách là một trí thức Chăm tôi xin có những ý kiến trên đây hầu mong quí vị có trách nhiệm quan tâm giải quyết.

Phước Nhơn, ngày 9-3-2014

CHẾ VỸ TÂN (Nguyễn Văn Tỷ)

* Chú ý: Ghur Girai Neh (Ghur Rồng Nhỏ), có người gọi là Ghur Darak Neh (Ghur Chợ Nhỏ, có lí, vì Darak nghĩa là chợ thường họp ở bờ biển) hay Ghur Raneh (Ghur Trẻ Nhỏ, nghe hơi kì, vì ghur đâu chỉ dành cho trẻ con)– chúng tôi chưa thể xác minh chữ nào chính xác nhất.

Ghur Kadang-01* Ghur Kadang ở ghur Văn Sơn (huyện Ninh Hải): các viên đá Ghur bị chiếm hữu.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *