Inrasara: Márquez và thông điệp từ văn chương ngoại vi

Mối bất hòa giữa hai [trong những] nhà văn lớn nhất Nam Mỹ của thế kỉ XX: Gabriel García Márquez (Nobel Văn chương 1982) và Mario Vargas Llosa (Nobel Văn chương 2010) nảy sinh và không bao giờ hàn gắn lại được, khi Márquez bị Llosa đấm ngã bên ngoài rạp chiếu phim vào năm 1976 với lời rủa: “Tên phản bội”. Nguyên nhân dẫn đến bất hòa đến hôm nay vẫn chưa được bên nào giải thích thỏa đáng với công luận.

G.G. Márquez mất, và ông mang theo mình cái bí mật chưa được bật mí ấy. Và người ta đoán M.V. Llosa vẫn sẽ mãi mãi im lặng. Thế nhưng sự trân trọng mà M.V. Llosa dành cho người bạn văn vĩ đại từng là láng giềng nhau ở Barcelona vẫn không bao giờ giảm bởi ân oán riêng tư ấy.

Ngay khi nghe tin Márquez mất, ông nói: “Một nhà văn vĩ đại đã mất. Nhưng tác phẩm của ông đã làm sáng giá văn chương và giúp cho văn chương được quảng bá rộng hơn”. Sau đó, ông nhận định: “Những cuốn tiểu thuyết của ông sẽ làm cho ông bất tử, và tiếp tục được người đọc khắp nơi ái mộ”.

Cho dù xích mích cá nhân, và nhất là, cho dù hai người khác nhau về quan điểm và thái độ chính trị, nhưng với văn chương thì không. Có thể xem đó là thông điệp đầy ý nghĩa dành cho văn giới Việt Nam hôm nay, những cây bút dễ bị chuyện cá nhân làm ảnh hưởng đến nhận định về tác phẩm của nhau.

 

G.G. Márquez qua đời vào tuổi 87, ông để lại gì? Người ta đã nói nhiều về các tác phẩm của tiểu thuyết gia người Columbia và truyện ngắn của ông là ví dụ điển hình của thứ chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh, nhưng phải đến khi tiểu thuyết Trăm năm cô đơn xuất hiện vào năm 1967, chủ nghĩa này mới đạt đến đỉnh cao vinh quang của nó – cả về phương diện nghệ thuật lẫn tác động vào văn giới cũng như người đọc.Từ đó, châu Âu mới được khám phá thêm cái hiện thực khác với hiện thực họ đã từng biết đến, như hiện thực của H. de Balzac hay của A. Breton chẳng hạn.

Tiếp nhận W. Faulkner (nhà văn Mỹ đoạt Nobel Văn chương 1949, người mà Márquez rất kính trọng và tuyên bố công khai mình đã từng nhận nhiều ảnh hưởng từ ông), G.G. Márquez khám phá một hiện thực khác, và có cách kể chuyện khác. Trả lời cuộc phỏng vấn William Kennedy vào tháng 1 năm 1973 đăng trên tờ The Atlantic, ông đã kể một câu chuyện thú vị như là cách minh họa cho chủ nghĩa hiện thực huyền ảo này.

“Ngày nọ, chúng tôi đang ngủ trong căn nhà ở Barcelona, thì chuông cửa reo. Tôi mở cửa, và một người đàn ông nói: ‘Tôi đến để xem dây điện ở nhà thế nào’. Vợ tôi khi đó vẫn còn nằm trên giường, nói vọng ra: ‘Dây điện nhà này không vấn đề gì trục trặc cả đâu’. Ông hỏi: ‘Đây có phải là căn hộ hai không?’. Tôi nói: ‘Không, trên lầu cơ’. Sau đó vợ tôi bước ra khỏi giường đi đến ổ điện, và rất bất ngờ, thấy nó bị cháy. Đây quả là sự lộn ngược. Người kia đến và báo trước khi có sự cố. Đây là chuyện có thể xảy ra ở mọi thời điểm. Vợ tôi đã quên điều đó”.

 

Márquez thích các nguyên tắc của chủ nghĩa siêu thực, nhưng không phải siêu thực của chính ông. Nếu được quyền lựa chọn, ông thích chọn họa sĩ với nhà thơ hơn, mặc dù thủ pháp của ông không có gì giống với cái của họ. – Nhà báo Ashley Fetters viết – Và sự thật là công việc của ông dựa vào những giai thoại hơn là nằm trong dòng chảy biểu tượng hoặc ngẫu nhiên của các sự kiện… nhưng không phải vì thế mà mục tiêu của ông là không thể truy cập, hay mơ hồ.

 

Dẫu thế nào chẳng nữa, uy tín văn học của Márquez đã làm nên thế đứng cho ông về chính trị, từ đó tạo ảnh hưởng đến nhiều phía. Đọc ông không phải chỉ có nhà văn, các trí thức hay sinh viên, học sinh, mà có cả giới lao động. Không chỉ là bạn với lãnh tụ Fidel Castro, ông còn chinh phục được cảm tình lẫn sự ái mộ của cả nguyên tổng thống Hoa Kì: Bill Clinton. Riêng đương kim tổng thống Hoa Kì Barack Obama cũng nhận rằng Márquez là “một trong những nhà văn nhìn xa trông rộng vĩ đại nhất và là một trong những nhà văn yêu thích” của ông từ khi còn trẻ.

Đất nước Columbia hay Peru không giàu có, và có thể nói đó là khu vực ngoại vi. Ngoại vi nhưng đã sản sinh hai nhà văn lớn, hai nhà văn gây ảnh hưởng lớn, cả trong và ngoài văn học. Thế thôi, không đủ là chất kích thích cho chúng ta – Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, lâu nay bị xem là vùng trũng của văn học thế giới – dấn tới sao?

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *