(Chuyên đề Ghur Cham Bini)
Ngày 30 tháng 3 năm 2014
(Đã đăng trên www.Chamtoday.com)
* Ghur Ram bên núi Cabbang, Photo từ Face Jaka.
Khi đọc dòng blog của Inrasara về Vấn đề đất Ghur Bini đã đi tới đâu? trên mạng Inrasara.com thì tôi nghĩ rằng không có người Chăm nào mà lại không đau lòng cả. Dòng blog này theo được biết đã được đăng lên từ tháng 7 năm 2013 nhưng quả thật vấn đề đất đai người Chăm đã bị xói mòn đã từ lâu.
Từ quan điểm tôn giáo, có thể một người theo đạo này sẽ không san sẻ sự mất mát của một người theo đạo khác cho nên y sẽ không mủi lòng trước sự mất mát của người khác mặc dù cùng chung một tiếng nói hay văn hoá. Sự khác đạo đã làm cho tình cảm khô khan với nhau rồi nhưng thiếu sự qua lại giữa con người và con người trong dòng tộc Chăm lại làm tăng thêm cái không gian xa lạ đó hơn nữa.
Nếu chúng ta nhìn vấn đề đất đai nơi chôn nhau cắt rún, nơi mồ mả tổ tiên của mình bị lấn áp từ quan điểm lịch sử, từ sự thoái hoá của một văn hoá, từ sự mất mát một di tích không thể thay thế được thì chúng ta sẽ thấy đây là nỗi đau của một dân tộc đồng loại và sự mất mát đó sẽ trở nên sự mất mát của tất cả.
Khi chúng ta nhìn vấn đề từ lăng kính đó thì bảo vệ đất đai, nơi tôn nghiêm của tổ tiên mình như bảo vệ một yếu tố văn hoá thì nó sẽ trở thành trách nhiệm của mọi người. Khi mồ mả hay nơi tôn nghiêm của người Chăm Bàlamôn bị lấn áp hay xoá bỏ trên bản đồ thì dấu tích của người Chăm cũng tiêu bay theo mây khói. Nếu chúng ta không cảm thấy sự mất mát của người khác đạo cũng là sự mất mát của chính mình thì sau này khi đất đai của đạo mình bị lấn áp thì bên kia cũng đứng đó nhìn mà không có cảm giác gì cả. Đây là sự thất bại ê chề trong quá khứ. Chẳng lẽ người Chăm không học hỏi được bài học lịch sử đó hay sao?
Lich sử nhân loại là lịch sử về sự di dân, tức nhiên di dân là một hiện tượng tự nhiên dù cho là người Chăm, người Việt, Âu Châu hay Á Châu. Tất cả mọi người đều di dân để tìm kế sinh nhai. Dù cho việc di dân gây nên bởi tình hình chính trị hay di dân vì kinh tế thì vấn đề đó không nằm trong phạm trù của chúng ta nhưng dấu tích của một dân tộc tồn tại biểu hiện qua mồ mả và nơi thờ phượng thiêng liêng. Cho nên đó là những nơi bất khả xâm phạm dù cho là dân tộc nào cũng phải chấp nhận điều đó là sự thật.
Nhìn lại trước mắt, dù cho là người Chăm hay người Việt sống lân cận chung quanh nơi mồ mả tổ tiên của người Chăm thì trước sau gì họ cũng lấn áp vô nếu không được bảo vệ tươm tất.
Chúng ta lấy câu nói “Không ai có thể hát thay chúng ta” hay “Không ai gãi ngứa cho mình” thì quả thật là chí lý. Vấn đề bảo vệ mồ mả tổ tiên là trách nhiệm của người Chăm trong ngôi làng của mình. Mình ngứa thì tự gãi lấy chứ ai đâu gãi cho mình?
Bởi vậy, đây là lúc mà mọi người nên ngồi lại với nhau. Hiện nay đang có cuộc “Suk Yơng” trong các làng Cham Bini. Đây là dịp rất tốt để mang vấn đề Ghur Bini lên thảo luận. Đừng nên thách thức lẫn nhau, mọi người nên ngồi lại để tìm những giải pháp thiết thực để bảo vệ nơi mồ mả tổ tiên, bảo vệ nơi thờ phượng tôn nghiêm của mình như bảo vệ một yếu tố văn hoá và lịch sử thì điều này sẽ xoá bỏ các ranh giới tôn giáo khác nhau. Người có công bỏ công, có của bỏ của. Giới tăng lữ nên cảnh báo với dân làng, giới trí thức nên góp sức làm thủ tục giấy tờ, làng xã địa phương nên thông báo với chính quyền cấp trên, giới hải ngoại hưởng ứng thêm thì chắc chắn có thể giải quyết và có nhiều thành quả khả quan hơn.
Một trăm năm hay hai trăm năm nữa, nếu các nhà khảo cổ có quay trở lại nghiên cứu những di tích lịch sử Chăm, quay về nơi mồ mả Chăm để truy tìm những chứng tích xa xưa thì công lao đó cũng là do chúng ta nỗ lực bảo vệ. Bấy nhiêu đó cũng cho chúng ta một cảm giác an bình trong tâm hồn, bảo vệ yếu tố văn hoá và lịch sử là trách nhiệm chung của mọi người.