(một Biên bản về thơ tân hình thức Việt)
Tham luận tại Hội thảo về thơ tân hình thức – tạp chí Sông Hương, Huế, dự định tổ chức vào ngày 16-11-2013; do bão Hải Yến, hội thảo bị hoãn. Dù là đồng chủ trì, cùng với nhà văn Thanh Ngọc và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, tôi vẫn có tham luận này.
Cuộc hoãn không biết cho đến khi nào hết hạn, để hội thảo “lần đầu tiên trên thế giới” về tân hình thức Việt diễn ra nữa, nên tôi xin đăng tham luận ở đây.
*
1. Thơ tân hình thức Việt trên con đường tiếp cận công chúng thơ Việt Nam
Sáng thứ Bảy, ngày 28-9-2013, tọa đàm chủ đề Thơ tân hình thức Việt, nhìn từ tiến trình văn học đương đại Việt Nam tại Salon Văn hóa Cà phê Thứ Bảy – TP Hồ Chí Minh trong không khí khá trầm lắng. 25 người lọt thỏm giữa thính phòng rộng rinh. Trước đó, hai tạp chí văn nghệ cũng thử nhập cuộc bàn về tân hình thức. Tạp chí Sông Hương, số 280, 6-2012, có chuyên đề về thơ tân hình thức; sau đó ít lâu cũng tạp chí này làm số đặc biệt về thơ tân hình thức vào tháng 12-2012. Và rồi tạp chí Nghệ Thuật Mới, số 8, 9-2012, có bài phê bình về thơ tân hình thức. Chỉ có thế. Thảo luận, không. Tranh luận, càng không. Ngay chuyện đưa tin trên báo chí cũng không nốt. Như tiếng nói vào điện thoại đã cắt. Thế nên, vào trung tuần tháng 11-2013, khi tạp chí Sông Hương tổ chức Hội thảo thơ tân hình thức Việt lần đầu tiên trên thế giới, ở đó quy tụ, chẳng những các nhà thơ, nhà phê bình người Việt trong nước và hải ngoại tham dự, mà có cả vài văn nhân ngoại quốc tiếng tăm tham gia, như thể phong trào thơ tân hình thức Việt quyết tạo cú hích mới trong nỗ lực tiếp cận công chúng thơ Việt Nam.
Khai sinh tại Mỹ từ giữa thập niên 80, thịnh hành vào giữa thập niên 90 của thế kỉ trước, thơ tân hình thức (new formalism poetry) được những người làm thơ Việt vận dụng vào sáng tác thơ tiếng Việt thập niên sau đó. Ngay khi khởi động ở Mỹ qua tạp chí Thơ vào đầu thế kỉ XXI, các nhà thơ – đã thành danh hay mới viết – hào hứng nhập cuộc. Nhập cuộc, dù rất ồ ạt, nhưng vẫn ở ngoài sinh hoạt chính thống. Ngoài tập thơ Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức (Inrasara, NXB Hội Nhà văn, 2006), Poetry Narrates – Thơ kể (tập thơ song ngữ Anh – Việt của nhiều tác giả, NXB Lao động, 2010), tập tiểu luận Vũ điệu không vần, tứ khúc và những tiểu luận khác (Khế Iêm, NXB Văn học, 2011) hay mới nhất – tập thơ Thúy liên khúc ngoài của Biển Bắc (NXB Văn học, 2012), còn lại hầu hết sáng tác tân hình thức chỉ đăng ở tạp chí Thơ hải ngoại, post lên mạng, hay in ấn dưới dạng photocopy. Sau mấy năm đầu sôi nổi, phong trào sáng tác thơ tân hình thức chững lại, để đến năm 2008, nó cố gượng dậy lần nữa, nhưng thực sự chưa có chuyển biến đáng kể. Nhiều nhà thơ từ từ rời bỏ tân hình thức, để viết theo lối truyền thống hay hậu hiện đại, hoặc tìm lối đi riêng.
Dẫu sao, với 14 ấn phẩm về tân hình thức Việt (kể luôn song ngữ Việt – Anh) gồm cả thơ và lý thuyết được xuất bản, phong trào thơ này cần được tổng kết, đánh giá. Cho nên mọi hội nghị hay bàn tròn về nó, là cần thiết.
2. Tác giả và tác phẩm
13 năm, phong trào thơ tân hình thức lôi cuốn hơn trăm người viết nhập cuộc. Từ các nhà thơ trong nước đến ngoài nước, từ cây bút thuộc thế hệ cũ cho đến người mới gõ bàn phím: Khế Iêm, Đoàn Minh Hải, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Đạt, Đỗ Minh Tuấn, Lưu Hy Lạc, Mai Ninh, Đài Sử, Nguyễn Phan Thịnh, Inrasara, Lê Thánh Thư, Đỗ Quyên, Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Đăng Thường, Trầm Phục Khắc, Lê Giang Trần, Phan Thị Vàng Trắng, Đỗ Vinh, Hoàng Xuân Sơn, Nguyễn Thị Khánh Minh, Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy, Nguyễn Quán, Phan Tấn Hải, Nguyễn Hoài Phương, Đinh Cường, Phạm Việt Cường, Hà Nguyên Du, Bỉm, Biển Bắc, Giảng Anh Yên, Nguyễn Đình Chính, Huy Hùng, Thiền Đăng, Nguyễn Tất Độ, Cù An Hưng, Chu Vương Miện, Dã Thảo, Cao Anh, Hải Vân, Hồ Quỳnh Như, TPKỳ… Ngoảnh nhìn lại, có người từ thơ tự do tạt qua “chơi” tân hình thức một hồi rồi thôi; có người khởi đầu bằng thơ tân hình thức, rồi bỏ dở chừng; và ở đó vẫn có không ít tác giả quyết tâm theo đuổi “tới cùng” tân hình thức…
Thử điểm qua của tác phẩm trình làng theo trật tự thời gian:
1. Đoàn Minh Hải: Đại nguyện của đá, Sài Gòn, 2002
2. Lưu Hy Lạc, 26 Bài Thơ Tân Hình Thức, Giọt Sương Hoa xuất bản 2002.
3. Thơ tân hình thức (nhiều tác giả), Sài Gòn, 2003
4. Hà Nguyên Du, Gene Đại Dương, tạp chí Thơ (Hoa Kì) xuất bản, 2003.
5. Khế Iêm, Tân Hình Thức, Tứ Khúc và Những Tiểu Luận Khác, NXB Văn Mới (Hoa Kì), 2003.
6. Đoàn Minh Hải, Đêm, Tìm Tâm Tim, thơ tân hình thức, Sài Gòn, 2004.
7. Thơ Không Vần, Tuyển Tập Tân Hình Thức, Blank Verse, An Anthology Of Vietnamese New Formalism Poetry, do Đỗ Vinh dịch, Hoa Kì, 2006
8. Inrasara, Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, NXB Hội Nhà văn, 2006
9. Bướm sáu cánh, (Biển Bắc, Bỉm, Thiền Đăng, Nguyễn Tất Độ, Gyảng Anh Iên), NXB Tân hình thức, Sài Gòn, 2008.
10. Poetry Narrates – Thơ kể (song ngữ Anh – Việt, 22 tác giả trong và ngoài nước), NXB Lao động, 2010
11. Khế Iêm, Other Poetry – Thơ khác, NXB Tân hình thức, Hoa Kì, 2011
12. Khế Iêm, Vũ điệu không vần, tứ khúc và những tiểu luận khác (tập tiểu luận), NXB Văn học, 2011
13. Biển Bắc, Thúy liên khúc ngoài, NXB Văn học, 2012
14. Khế Iêm, Bước Ra – Stepping Out (tiểu Luận song ngữ), NXB Tan Hinh Thuc Publishing Club, 2013.
3. Quan điểm
Phong trào văn học nghệ thuật nào bất kì, xuất hiện bằng cách chống lại cái đương thời. Lịch sử thơ Việt Nam thế kỉ qua chứng thực cho nhận định đó. Thơ Mới chống thơ cũ; Thơ Cách mạng chống thơ “lãng mạn tiểu tư sản”; Trần Dần và Nhóm Sáng Tạo sau đó đòi chôn Thơ Mới.
“Trần Dần giải thích khái niệm “chôn tiền chiến” là: phải viết khác đi, phải cách tân, phải quên những thành tựu của tiền chiến để sáng tạo nên những thành tựu mới, phải cướp được độc giả của tiền chiến…”(1).
“Sau hiệp định Genève, ở miền Bắc, nhóm Nhân văn – Giai phẩm đòi ‘chôn’ Thơ Mới; ở miền Nam, nhóm Sáng tạo cũng đòi từ bỏ cái bến Thơ Mới cũ kỹ để ra khơi tìm kiếm những trời biển khác cho mình”(2).
Họ nổi dậy, chống và tuyên ngôn.
Thời Thơ Mới, Xuân Diệu tuyên xưng: “Ta là một, là riêng, là thứ nhất”; sang thời kì Thơ Cách mạng, hai câu thơ của Hồ Chí Minh: “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong” trở thành kim chỉ nam cho nhà thơ xã hội chủ nghĩa. Ở đó, Chế Lan Viên đệm thêm: “Ta là ai” như ngọn gió siêu hình/ Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt/ “Ta vì ai” khẽ xoay chiều ngọn bấc/ Bàn tay người thắp lại vạn chồi xanh”. Trong lúc đó, ở miền Nam, bên cạnh Tô Thùy Yên: “Tôi chỉ cất lời ngợi ca cho người sành điệu muốn nghe” (“Tôi”), Thanh Tâm Tuyền kiêu hãnh viết: “Ở đây tôi là vị hoàng đế đầy quyền uy… để cai trị tôi có những luật lệ tinh thần mà người phải thần phục nếu người muốn gia nhập lãnh thổ” (“Lời đề từ”, Tôi không còn cô độc). Qua đến thời hậu hiện đại, các nhà thơ tuyên bố khác nữa: Nguyễn Hoàng Nam: “Quyền làm thơ dở”; Lý Đợi: “Chúng tôi không làm thơ”.
Cuối cùng, khởi động phong trào thơ tân hình thức, Khế Iêm cũng không ngại tuyên bố: “Tân hình thức – Cuộc chuyển đổi thế kỉ”(3).
“Tân hình thức Mỹ… muốn trở về với thể luật, với những thay đổi về ngôn ngữ và phản ứng lại thơ tự do đã không còn lôi kéo được người đọc, sau phong trào thơ Ngôn ngữ Mỹ.”(4)
“Tân Hình Thức [Việt, ra đời vào đầu thế kỉ XX] là một cuộc hòa điệu giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và tự do, giữa nhiều nền văn hóa khác biệt, và ở phần sâu xa hơn, hóa giải những mầm mối phân tranh đã ăn sâu vào kí ức, chẳng phải của một dân tộc mà của cả nhân loại từ hàng trăm năm trước. Chúng ta với thời gian hơn một phần tư thế kỉ, có may mắn cận kề và học hỏi những cái hay của nền văn hóa bao quanh, áp dụng những yếu tố thích hợp vào ngôn ngữ, để làm giàu cho nền thơ Việt”(5).
4. Tân hình thức trong dòng chảy thơ Việt
Thuyết lí với tuyên ngôn là thế, các nhà thơ tân hình thức Việt làm thơ như thế nào? – Làm, luôn luôn loay hoay, mò mẫm. Nếu Thơ Mới phải cậy đến “Con ve và con kiến” do Nguyễn Văn Vĩnh dịch thơ ngụ ngôn La Fontaine mở màn cho công cuộc “phá vỡ niêm luật cũ”, sau đó “Tình già” của Phan Khôi ra đời khởi động phong trào; hay nếu Thơ Cách mạng bắt đầu bằng học tập những bài thơ dịch từ thơ Nga; hoặc thơ tự do của Nhóm Sáng Tạo không biết bắt đầu từ đâu, cũng đã phải dò dẫm, thì phong trào thơ tân hình thức cũng hệt.
Loay hoay từ thuyết lí (Khế Iêm) cho đến sáng tác. Cứ xem các lần sửa chữa tiểu luận mang tính tuyên ngôn của Khế Iêm, hoặc nhìn lại các nhà thơ nhập cuộc tân hình thức chưa lâu đã phải rời bỏ nó, quay lại “cổ điển” hay tạt sang hậu hiện đại, cũng đủ biết.
Dẫu sao, qua bao nỗ lực, phong trào thơ tân hình thức vẫn để lại dấu ấn của nó. Tiến trình thơ Việt giai đoạn qua, chỉ cần xuất hiện thời gian ngắn, cái mới luôn chiếm thế thượng phong. Thơ Mới ra đời đánh bạt thơ cũ, chiếm lĩnh thi đàn chính thống. Thơ Cách mạng thì miễn, dùng sức mạnh của cơ chế áp chế “thơ lãng mạn tiểu tư sản” và thơ hiện đại của nhóm Nhân văn – Giai phẩm. Thơ nhóm Sáng Tạo có vẻ khó khăn hơn, nhưng rồi từ từ họ cũng gây được ảnh hưởng.
Phong trào thơ tân hình thức thì hoàn toàn khác. Chịu thân phận ngoài lề dài hạn, là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử thơ Việt Nam. Thơ tân hình thức và thơ hậu hiện đại xuất hiện đồng thời cùng chịu chung số phần đó. Trong khi hậu hiện đại chấp nhận sống ngoài lề, thì tân hình thức ngược lại, từ ngoại biên phấn đấu lấn vào chính thống. Tuy vậy, sau 13 năm, nó vẫn bị phân biệt đối xử.
Khác nữa, thơ tân hình thức Việt chẳng những bị chính thống xử ép, mà bản thân nó cũng đã phải chịu lép vế trước hậu hiện đại, là phong trào xuất hiện cùng thời. Do đó dấu ấn của phong trào thơ tân hình thức Việt là không đáng kể.
Bốn trụ cột của thơ tân hình thức, là: tính truyện, ngôn ngữ đời thường, vắt dòng và lặp lại không lạ với truyền thống thơ Việt. Ngôn ngữ đời thường – thơ Cách Mạng cũng đã đời thường rồi; đến hậu hiện đại, ngôn ngữ thơ còn đời thường hơn cả đời thường.
Tính truyện – thơ Việt chưa bao giờ gọi là đứt mạch với truyền thống này. Thơ vẫn cứ ở lại với tự sự: vẫn kể lể, lối kể kiểu Thơ Mới hậu thời. Thơ tân hình thức hơn thập niên qua chưa có “chuyện kể” mang tính hệ thống, về một cá thể, một cộng đồng, hay một nền văn hóa. Để bật lên điều gì đó “đáng kể”, mà chỉ là những vụn vặt đời thường.
Chống hiện đại – thơ Việt trước đó còn chưa hiện đại tới nơi tới chốn để chống. Ở miền Bắc, ngoài các thử nghiệm của Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Lê Đạt… bị bóp chết từ trong trứng; ở Sài Gòn, thơ của nhóm Sáng Tạo làm mới không bao lâu, sau đó nó tự chuyển đổi theo thời cuộc. Nếu cuối thập niên 50, họ lao vào làm thơ tự do, thì không lâu sau đó các nhà thơ này chuyển dần sang thể thơ cách luật (vần thông – vần chính)… Từ đó, thơ vẫn ở lại với tuyến tính, dễ hiểu.
Khác với hậu hiện đại, thơ tân hình thức Việt vẫn tiếp nối truyền thống cũ; điều mới mẻ có chăng, là ở sự vắt dòng triệt để của nó. Và ngay cả cái “mới” này cũng bị cho là tự đóng khung, đi ngược với tâm thế tự do trong thời đại toàn cầu hóa(6).
Dẫu sao, phong trào thơ tân hình thức đã có hấp lực nhất định, khi thơ Việt Nam sau thời đoạn háo hức tìm tòi, đang kì trầm lắng, các nhà thơ thèm khát sự đổi mới, cách tân. Đã có cách tân, nhưng các cách tân mươi năm trước đó vẫn còn dính với “hiện đại Việt”. Nghĩa là cứ tối nghĩa và khó hiểu. Khó hiểu từ Mai Văn Phấn cho đến Văn Cầm Hải, từ Trần Tuấn mãi đến tận thế hệ các người làm thơ trẻ hơn(7).
đỉnh muối
ướp sáng
rịn
ràn
giọt giọt thanh tân
(Trần Tuấn, “Hợp hoan”, Ma thuật ngón, 2008)
Ở đó bóng dáng Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng… cứ lồ lộ.
Thốt tỉnh. Bây giờ là mấy giờ đêm?
Oi ả quá. Sóng không buồn vỗ.
Sà sà mảng núi ngang đầu
Trắng bệch màu mây mệt mỏi.
Vụt đứng dậy. Bồn chồn kinh hãi.
Sáng mau đi! Đá sập đến nơi rồi!
(Hoàng Hưng, “Thức giấc ở Hòn Gia”)
Hôm qua tôi ghé alfa
Alfa không có nhà
Ô gặp nhau rồi sao vẫn cứ li
Một nắm hột khuya rắc vào bếp lạ
Đời gì
Sao cứ đi đi, những cái va li cứ về Bến lạ!
(Đặng Đình Hưng, “Bến lạ”, Bến lạ (viết khoảng cuối những năm 1970 – theo Hoàng Hưng, NXB Văn Nghệ TPHCM, 1991).
Thơ tân hình thức có mặt như một công cụ mới, mang tham vọng dự phóng mở ra một lối đi mới cho thơ Việt tương lai. Thơ lục bát, Thơ Mới, thơ tự do… tại sao không thể tân hình thức? Thế là họ thử nghiệm. Thử nghiệm và có vài thành tựu nhất định. Lôi kéo hơn trăm tác giả khắp nơi sáng tác, qua đó thổi luồng khí mới vào sinh hoạt thơ đang tù túng ở Việt Nam, là điều dễ nhận thấy hơn cả. Cạnh đó, tân hình thức cũng cho ra đời nhiều bài thơ rất đáng đọc.
5. Hạn chế của thơ THT
Hạn chế lớn nhất của thơ tân hình thức Việt chính là cảm thức.
Khi chủ nghĩa hiện đại cảm nhận “tính phi hài hòa của thế giới, tính phi nhân trong các quan hệ xã hội thực tại, sự tha hóa của cá nhân, tình trạng mất tự do và không bình ổn của văn nghệ sĩ trong xã hội”(8), họ quyết chống lại truyền thống, chống lại chủ nghĩa quy phạm. Qua đó, họ tạo ra vô số tác phẩm lớn, các tác phẩm mang đầy dấu ấn nổi loạn, mất niềm tin, và đầy ngạo mạn. Phản ứng lại thái độ “phá hoại” của chủ nghĩa hiện đại, các nhà thơ tân hình thức làm khác: trở lại với truyền thống. Thế nhưng, sự sử dụng lại các hình thức truyền thống chỉ thuần túy mang tính chất kĩ thuật, chứ không bắt nguồn từ cảm thức mang tính triết học. Do đó, nó lơ lửng và, mất cội rễ nền tảng. Trong khi chủ nghĩa hậu hiện đại, cũng cảm nhận thế giới như hiện đại chủ nghĩa, nhưng họ mang cảm thức khác: Thay vì khóc than thế giới đổ vỡ, họ nhập cuộc chịu chơi và chơi trò chơi trong thế giới đó.
Đó là lí do vì sao, dù cả hai phong trào thơ cùng xuất hiện gần như đồng thời, nhưng trong khi hậu hiện đại [không chỉ bó hẹp trong phạm vi văn chương] vẫn phát triển mạnh mẽ, đa dạng và tiếp tục sôi động, thì thơ tân hình thức vẫn chưa tìm thấy lối đi khác, mới mẻ hơn.
Hậu hiện đại Việt đã sản sinh nhiều phong cách khác lạ, phong cách tác giả lẫn phong cách tác phẩm. Nguyễn Hoàng Nam: thơ hình họa và thơ phân thân; Phan Bá Thọ: siêu hư cấu sử kí; Lý Đợi: sử dụng “điển tích” mới; Bùi Chát: giễu nhại, Lê Vĩnh Tài: khai thác tối đa các ý niệm gợi hứng từ thời cuộc, Đặng Thân: thơ phụ âm… Nguyễn Đăng Thường, Đinh Linh, Nguyễn Hoàng Tranh, Vũ Thành Sơn… đều là tác giả có tác phẩm sáng giá. Trong khi đó, phong trào thơ tân hình thức Việt chưa cho ra đời một tác phẩm có sức nặng. “Lặp lại” nguy cơ đưa thơ vào sự quẩn quanh, bí bức, nhàm chán; yếu tố tính truyện đã xô rất nhiều bài thơ trở thành lan man và nhảm; ngôn ngữ đời thường khiến không ít người làm thơ lạm dụng ngôn từ dung tục từ đó tầm thường hóa thơ.
Điều nữa cần nói, gần như thơ tân hình thức ít khi đụng đến hiện thực xã hội, những hiện thực nóng bỏng nhất và, “nhạy cảm” nhất của đất nước hiện tại.
6. Hướng đi khả thể
Khế Iêm đề nghị mỗi nhà thơ tự thân vận động tìm một lối đi riêng, nhưng đến hôm nay có thể nói – chưa có tác giả nào thành công. Do đó, nhà lí thuyết này vừa có dự án mới.
“Dự án của chúng tôi là, tìm kiếm nhóm những nhà thơ trẻ Mỹ và nhóm nhà thơ trẻ Việt, bước đầu hình thành một phong trào xuyên quốc gia: – Mỗi nhóm ít nhất là 2 người. -Dùng thể thơ không vần và ngôn ngữ đời thường, qua thơ, chuyên chở câu truyện của con người và đất nước giữa những nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau. – Sau đó, tác phẩm được chuyển dịch hỗ tương và xuất bản.”(9).
Nếu thơ xưa kể chuyện – nhiều người cùng kể một hay vài câu chuyện, dẫn đến các tác phẩm dù rất lớn vẫn hoàn toàn thành khuyết danh, mà vẫn đủ sức níu kéo độc giả (người nghe chuyện) ở lại với thơ, thì nay – tại sao không? Đây là hướng mở khả dĩ nhất cho tân hình thức Việt ngày mai, có lẽ. Câu hỏi đặt ra cho mỗi nhà thơ, mỗi nhóm nhà thơ là: chúng ta có gì để kể?
“Nhưng gần đây đã có một sự phục hưng đáng kể trong những kĩ năng và kĩ thuật về hình thức của thơ. Ngay cả những thể loại xưa cũ, từng kết tinh bao nhiêu là kinh nghiệm và minh triết của loài người, đã bắt đầu được canh tân – châm biếm/satire, độc thoại kịch tính/dramatic monolog, thơ đạo/religious poem, sử thi/epic, luận văn bằng văn vần/verse essay, thơ lịch sử/historical poem. Đột nhiên toàn bộ phạm vi bảng phối màu của những hình thức truyền thống và tân kì dường như được sử dụng lại, và những bức tranh được vẽ nên bằng nó là của thế giới đã cải biến và được say mê trở lại. Trong tuyển tập mới do Sonny Williams biên tập tên là Phoenix Rising (Phượng hoàng sống dậy), có một tập hợp thú vị gồm những nhà thơ trẻ mà tác phẩm đã có cơ hội học hỏi từ một thế hệ của những nhà thơ đang sống có kĩ năng về những nghệ thuật thi ca mới được tìm thấy lại. Thật là một lạc thú được đọc lại thi ca dễ nhớ được và có nhạc tính, nó bảo cho chúng ta những điều về thế giới mà chúng ta cùng san sẻ nhưng chúng ta đã không biết tới.”(10).
Câu trả lời thuộc về tài năng kẻ sáng tạo, ở thì tương lai.
Tân hình thức Việt có quyền hi vọng…
Phan Rang, 9-10-2013
_____________
Chú thích:
(1) Báo Tuổi trẻ, 22-9-2008
(2)Nguyễn Ngọc Tuấn, Tienve.org.
(3) Tạp chí Thơ (Hoa Kì), số mùa Xuân 2000.
(4) Email Khế Iêm gửi Inrasara, 25-9-2013.
(5) Khế Iêm, tạp chí Thơ, số 20, Hoa Kì, 2001, tr. 75.
(6) Kĩ thuật vắt dòng
Patri tangi thei jwak drơh takai
Pathang kau bhian nau mai, Dêva Mưnô nan nhu hia
Nàng hỏi ai đi tựa tiếng bước chân
Chồng ta đi lại thường ngày, Dewa Mưno bật khóc
(Sử thi Chăm Akayet Dewa Mưno, thế kỉ XVII)
Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người (Bùi Giáng, Mưa nguồn, 1963)
Hoan hô đồng chí Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên lẫy lừng (thơ Bút Tre)
Chỉ một ngày nữa thôi. Em sẽ
Trở về. Nắng sớm cũng mong. Cây
Cũng ngóng. Ngõ cũng chờ. Và bướm
Cũng thay màu đôi cánh đang bay (Chế Lan Viên, “Tập qua hàng”)
(7) Xem thêm: Inrasara, “Nhận diện các trào lưu thơ Việt đương đại”, tạp chí Hợp Lưu, số 110, 6&&-2010.
(8) Từ điển văn học bộ mới, NXB Thế giới, 2004.
(9) Khế Iêm, Tham luận tại Hội thảo Huế.
(10)Frederick Turner, “Hiện trạng của thơ”, Tham luận tại Hội thảo Huế, Nguyễn Tiến Văn dịch.
Tham khảo thêm: Biển Bắc, “Nhà thơ tân hình thức”, Caidinh.com.
“Thơ tân hình thức không chỉ giới hạn ở khuôn viên kỹ thuật thi pháp như đã vừa nói, mà là một dạng thức mới của cuộc sống đem áp dụng vào thơ, vào thơ Việt nói riêng. Những kỹ thuật thi pháp được đề xuất và áp dụng vào sáng tác cũng chỉ là những nỗ lực khai phá để nối kết và để đánh dấu một quá trình thôi. Và cụm từ thơ tân hình thức cũng chỉ là một cái tên gọi để nhận diện và phân biệt. Như vậy, cái ước muốn đi tìm cái mới được biểu hiện qua thi pháp đời thường của thơ tân hình thức, như thi pháp cảm tính của thơ Tiền Chiến và cũng là phương tiện kỹ thuật. Xin nhấn mạnh một điều là tinh thần thơ tân hình thức không hề phủ nhận những giá trị của những bước đi, thành tựu của những phong trào đã qua hoặc đang hiện hành. Hơn thế nữa, thơ tân hình thức trở về lối cũ vận dụng tuyệt đối những thành đạt của những quá trình đã qua một cách thích hợp để phục hồi lại những giá trị cũ tạo nên giá trị mới. Đồng thời thơ tân hình thức cũng rẽ qua những quá trình đang hiện hành ở mọi lãnh vực trong cuộc sống để tích hợp những yếu tố làm giàu cho giá trị thượng thời.
Nói một cách tóm lượt, theo chúng tôi thơ tân hình thức là một dạng thức thích nghi của cuộc sống áp dụng cho thi ca qua biểu hiện thi pháp đời thường! Cụ thể hơn, những tác phẩm của thơ tân hình thức là những bức phản ánh của giá trị đời/cuộc sống. Giá trị thì vẫn luôn là tương đối mà đời sống thì có cá thể và tổng thể, qui lại thành giá trị đồng tác là giá trị đều hưởng. Có một điều cần lưu ý: tương đối nghĩa là giá trị của thời điểm, là ngưng đọng mà cuộc sống lại là chuyển động và làm cho những phản ánh đã được trật tự hóa rơi vào một cảnh giới hỗn mang rồi chuyển động tới một trật tự mới.”