* Tuệ Nguyên & Khaly Chàm – Photo Kiều Maily.
Liên quan đến “Sân thơ Chăm” tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 12 tại TPHCM, từ giai đoạn chuẩn bị cho đến kết thúc rồi đưa thông tin lên web, tôi nhận được nhiều câu hỏi từ bạn đọc: qua email, điện thoại, cả “phản hồi” trên Inrasara.com. Nay xin trả lời chung một lần.
1. Về lần đầu tiên tiếng thơ người Chăm xuất hiện tại Ngày thơ Việt Nam
Đúng, đây là lần đầu tiên.
Lẽ ra, chúng ta đã xuất hiện ở Nguyên tiêu năm 2007 rồi. Lúc đó, Hội Nhà văn TP có gợi ý, và tôi ưng thuận. Thế nhưng, đang tập họp 5 anh em Chăm về 81 Trần Quốc Thảo lên chương trình thì đùng cái, ông chủ tịch báo cho hay, trên không duyệt. Vậy là ngưng. Cái ngưng khiến anh em hụt hẫng.
Nguyên tiêu 2014 là lần đầu tiên sau 12 năm Ngày thơ Việt Nam ra đời, cho nên khi được tân chủ tịch mời, tôi nhận lời ngay. Lâu nay – dù là Phó Chủ tịch Hội đồng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam – tôi ít khi dự Ngày thơ ở trung tâm văn hóa lớn, mà lỉnh đi các tỉnh vùng sâu, xa.
Năm nay, tôi quyết mang tiếng thơ Chăm đến với công chúng Việt Nam và “thế giới”. Và tên của nó phải là: 20 NĂM HÀNH TRÌNH THƠ NGƯỜI CHĂM. Tạm lấy mốc số đặc san Văn nghệ Dân tộc & Miền núi thuộc báo Văn nghệ ra đời vào mùa Katê năm 1996, do tôi tổ chức bài vở với đa phần là cây bút Chăm.
2. Về giấy mời
Có người thắc mắc sao họ không nhận được giấy mời. Đúng. Tôi có nhận 20 giấy mời của Hội, nhưng tôi đưa hết cho các bạn thơ, chứ không gửi cho cá nhân ai. Tôi hiếm khi mời ai tham dự cái gì đó. Đúng hơn là – không. Chủ trì Bàn tròn Văn chương của Hội Nhà văn Việt Nam hay kỉ niệm Hành trình 10 năm Tagalau, tôi mời mọi người qua email và web, chứ không có giấy mời. Tôi nghĩ làm thế tiện cho cả hai: người không thích đi thì không đi, kẻ thích thì vui vẻ nhập cuộc. Ở Sân thơ Chăm, tôi cũng áp dụng phương thức đó.
3. Về tác phẩm trưng bày
Vài bạn trẻ ngạc nhiên về tác giả và tác phẩm Chăm ở Sân thơ Chăm. Có người cụ thể hơn, là ở Trung tâm (…) dịp lễ Katê năm ngoái, trưng bày tác phẩm văn hóa Chăm mà chỉ có 5-6 tác giả, ở đây tại sao mỗi thể loại thơ mà Inrasara bày biện đến 15 tác giả?
Về sự kiện nào đó ở Trung tâm nào đó, vì không biết nên tôi miễn đề cập. Có lẽ họ có chính kiến riêng, cần tôn trọng chính kiến đó. Riêng tôi thì khác. Tôi muốn giới thiệu đến thế giới bên ngoài TOÀN CẢNH BỘ MẶT THƠ CA [VÀ VĂN HÓA] CHĂM.
15 ngày ở Không gian Văn hóa Chăm tại Hà Nội, tôi trưng bày hầu hết tác phẩm và tác giả Chăm. Từ cổ chí kim, từ tác giả nổi tiếng cho đến cây bút mới chập chững viết. Cả luận văn thạc sĩ của Đàng Năng Hòa, hay bản tóm tắt luận án Tiến sĩ của Phú Văn Hẳn cũng được bày ra. Tôi mang cả tạp chí và tác phẩm Chăm kiều theo nữa, mãi khi Ban tổ chức cho biết là không nên, tôi mới cất đi.
Sân thơ Chăm hôm nay cũng vậy. Tôi muốn trình bày cho độc giả biết mọi khuôn mặt thơ Chăm đúng như tên gọi của nó: 20 năm hành trình thơ người Chăm. Cả tác phẩm in photocopy cũng được bày ra. Chỉ sau 10 phút, khi có người nhắc vở là “tập thơ 1 ngày 5 của Trà Vigia có vấn đề đó, chú Sara giấu có lẽ là hay hơn”, tôi mới cất nó đi. Ngày vui, tôi không muốn gây sự cố cho Ban tổ chức.
* Kiều Maily tại Sân thơ trẻ.
4. Nội dung
Hầu hết Lều thơ khác cấu trúc giống nhau: các khung được thuê thợ ráp, riêng sân thơ Chăm, tôi chủ trương [và được ban tổ chức khuyến khích] phải thật khác biệt. Và nó đã rất khác biệt.
Đến mục trình diễn thơ Chăm cũng vậy. Một nhà phê bình [xin giấu tên] nhận định rằng, đó là tiết mục dài nhất, hấp dẫn và độc đáo nhất. Nó hội tụ 4 yếu tố: thơ – nhạc – ngôn ngữ múa – văn hóa đặc trưng; nhất là nó được thể hiện qua hai nhà thơ có lối trình diễn thơ khá chuyên nghiệp. Dĩ nhiên tôi không dại tự huyễn về cái gì đó diễn ra trong một ngày vui mang tính phong trào. Điều tôi muốn nói là – qua sân thơ này, các thi sĩ Chăm đã cho độc giả thấy được cái đặc trưng của tiếng thơ dân tộc mình.
5. Chi tiêu
Điều nữa không thể không nói lên, là tiết mục chi tiêu.
Mỗi lều thơ được Ban tổ chức chi 1,5 triệu đồng. Riêng Sân thơ Chăm đã tiêu mất 3,4 triệu. May mà các bạn thơ Trầm Ngọc Lan, Trà Vigia, Đồng Chuông Tử… không đến được. Không thì Sân thơ Chăm chắc chắn sẽ phong phú, vui và tăng phần tốn kém hơn nữa.
Tốn kém mà vui, cũng đáng đấy chứ!
Tạm bố cáo bà con, anh chị em như thế.
Thug siam!
Ông Inrasara ơi, tầm của họ bì với ông sao được mà nói!
Sân thơ thì toàn là câu lạc bộ, ông ở cấp độ khác. Khen ông chỗ này khác nào bêu riếu ông. Còn cái Trung tâm nào đó triển lãm sách Chăm mà chỉ có lèo tèo tác giả phe nhóm mình, thì tầm họ chỉ chừng đó. Ai đó trách họ cũng vô ích thôi. Cái này gọi là nhãn quan chiến lược. Bì với ông thì càng xấu hổ ông thôi.
Còn ông kể chuyện chi tiêu thì lắt nhắt quá, không đáng với website ông.
Lâu quá mới còm lại, ông vui vẻ.
Ông TS nói ở phần trên thì đúng, còn phần dưới là sai rồi đó.
Dù là số tiền nhỏ, nhưng cũng nên báo cho anh em biết, dó mới là cách làm nghiêm túc. Mà nghiêm túc về tiền nong, người ta mới tin. Theo tôi chuyện nhỏ thôi nhưng mà cần làm là vậy. Có vài tổ chức vì không công khai tài chính nên rất mang tiếng.
Tôi có vài điều muốn nói đây, anh Inrasara ơi.
– Tầm anh mà đi dự hội thơ này thì tôi thấy bị kẹt đó. Ngày thơ Việt Nam các nơi bị báo chí kêu quá trời kêu, anh vô anh sẽ chìm đó.
– Tôi biết anh vì “thơ Chăm” mà chơi, nhưng nó rất hại cho bản thân anh.
– Dẫu Sân thơ Chăm khác lạ, nổi bật lên giữa chốn câu lạc bộ chỉ biết tranh nhau lên đọc thơ này, nhưng nó vẫn là phong trào thôi.
– Câu này tôi thấy nó mới và hay:
” Thế nhưng, đang tập họp 5 anh em Chăm về 81 Trần Quốc Thảo lên chương trình thì đùng cái, ông chủ tịch báo cho hay, trên không duyệt. ”
Năm sau anh nên dẹp chuyện vớ vẩn này đi là vừa. Cho cánh trẻ làm, anh lo chuyện lớn.
Nhà Văn Nhà Quê không hiểu nhà thơ Inrasara. Ông (bà) NVNQ sai ở chỗ là không phân biệt được thơ chuyên nghiệp với thơ nghiệp dư. Ngày thơ Việt Nam là chuyện của cả hai loại này, nhưng do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức, nghĩa là do bên chuyên nghiệp cáng đáng. Nhà thơ Inrasara là Phó CT Hội đồng thơ, cho nên anh cần lo chuyện này, nhất là cho người Chăm của mình.
Tố Hữu viết: “Núi chê đất thấp núi ngồi nơi đâu”. Nhà thơ Inrasara không chê “ngày thơ” là đúng. Chớ nó “thấp” như vậy mà lãnh đạo văn nghệ Ninh Thuận nơi xuất thân của nhà thơ, mảnh đất của chính người Chăm, họ có bao giờ mời người Chăm dự Ngày thơ Việt Nam ở đây chưa? Ông (bà) cứ đi hỏi nhà thơ Inrasara thì biết ngay.