Lê Huy Bắc chủ biên
NXB Trí Thức, 2013
Các thuật ngữ văn học mới du nhập vào Việt Nam mươi năm qua như thơ tân hình thức, chủ nghĩa hậu hiện đại, vân vân… luôn gây sự tò mò nơi người đọc. Tò mò và phân vân. Làm thế nào phân biệt được đâu là khác biệt giữa thơ truyền thống, thơ cách tân với thơ tân hình thức? Hay thế nào là tác phẩm mang cảm thức hậu hiện đại? Thủ pháp đặc trưng của hậu hiện đại là gì? Hoặc thậm chí, có hay không có trào lưu văn học hậu hiện đại?
Tạm bỏ qua mấy dị ứng với định kiến hay ngộ nhận của bộ phận người làm phê bình, từ đó khích bác chủ nghĩa hậu hiện đại, là chuyện không khó để truy ra nguyên do. Do thiếu kiến thức về hậu hiện đại nên sanh tâm mặc cảm, hay vì định kiến về các trào lưu mới, nhất là khi nó có xuất phát điểm từ Tây phương cũng có; bởi ngộ nhận hoặc chỉ vì bảo vệ quyền lợi nào đó mà nhà phê bình dù có hiểu biết, nhưng đã cố ý đưa ra mấy tác phẩm hậu hiện đại kém, dở rồi bài bác cả trào lưu nghệ thuật này, cũng có. Vân vân… Nghĩa là đủ thứ lí do ngoài văn học. Tạm bỏ qua mấy nỗi người đó, vài năm qua, đã có vài nhà nghiên cứu, nhà phê bình thử trả lời câu hỏi trên.
Ngay vào đầu thế kỉ XXI, trào lưu văn học hậu hiện đại nhập địa Việt Nam và phát triển mạnh mẽ. Hàng loạt tác phẩm thơ, tiểu thuyết, tập truyện ngắn ra đời tạo dấu ấn mới qua những tên tuổi cũ và mới viết đầy tài năng: Nhật Chiêu, Vũ Thành Sơn, Khánh Phương, Lê Anh Hoài, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Như Huy, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Lê Vĩnh Tài, Đặng Thân, Nguyễn Đình Chính… Cạnh đó, hàng loạt khuôn mặt mới cấp tập xuất hiện dưới dạng tác giả của văn chương mạng: Vũ Lập Nhật, Lynh Bacardi, Lưu Mêlan, Hoàng Long, Lê Minh Phong… tạo nên một phong trào văn học mới, sôi động và lí thú.
Song hành với sáng tác hậu hiện đại là các công trình phê bình và nghiên cứu hậu hiện đại ra đời, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu trào lưu văn học kia. Sau những bài viết, bài dịch và tác phẩm của Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Phan Tấn Hải… , các nhà phê bình, nhà nghiên cứu và dịch giả trong nước như: Trương Đăng Dung, Phương Lựu, Hoàng Hưng, Nguyễn Ước, Ngân Xuyên, Trần Quang Thái, Trần Tiễn Cao Đăng, Trần Ngọc Hiếu… giới thiệu đến độc giả Việt Nam làm quen với chủ nghĩa và văn chương hậu hiện đại với những tiểu luận nghiêm túc của mình. Trong đó bộ Văn học hậu hiện đại thế giới (2 tập) do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2003, ghi nhận một khởi động đáng kể. Tám năm sau, Hội thảo Khoa học Quốc gia tầm cỡ đầu tiên về hậu hiện đại (do Khoa Ngữ văn – Đại học Huế) tổ chức và cho ra công trình Văn học hậu hiện đại, diễn giải và tiếp nhận (NXB Văn học, 2011) đã đánh dấu mốc mới, ghi nhân thành tựu quan trọng của trào lưu văn học này.
Mới nhất, Phê bình văn học hậu hiện đại Việt Nam của nhiều tác giả do Lê Huy Bắc chủ biên được xem là bản sơ kết cả thập niên văn học hậu hiện đại hình thành và phát triển, nhấn vào bề sâu hơn.
Cuốn sách tập hợp 18 bài viết đặc thù nhất về nghiên cứu lí thuyết và phê bình văn học hậu hiện đại ở Việt Nam kể từ lúc khởi đầu đến nay.
“…Ngay từ cuối thế kỉ XX, nhiều công trình nghiên cứu hậu hiện đại đã được giới thiệu ở Việt Nam, tuy nhiên việc nghiên cứu này đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế mà nói, chính phê bình hậu hiện đại hiện thời là nền tảng và động lực chủ yếu thúc đẩy sáng tác và nghiên cứu phát triển. Không đi theo hướng này, văn học Việt khó có thể hội nhập vào dòng chảy chung của sáng tác và nghiên cứu văn chương của nhân loại.” (trích Lời nói đầu).
Khi sự tồn tại của chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam bị đặt vấn đề, Phương Lựu có bài đáp trả, khẳng định rằng có (“Trao đổi với bạn Nguyễn Văn Dân về chủ nghĩa hậu hiện đại”). Có, nhưng khi độc giả đặt câu hỏi: thế nào là giải cấu trúc, là “siêu ngữ”, là “phi trung tâm”, là “liên văn bản” hay “trò chơi ngôn ngữ”… thì nội hàm của các thuật ngữ lạ lẫm kia được những Lê Huy Bắc, Trần Đình Sử, Nguyễn Văn Thuấn, Nguyễn Thị Hạnh lí giải thuyết phục.
Vấn đề hậu hiện đại có chống lại truyền thống tư tưởng Đông phương hay không, và đâu là mối tương đồng giữa tinh thần chủ nghĩa hậu hiện đại với truyền thống văn học Việt Nam, được Nhật Chiêu (“Thiền và hậu hiện đại”) và Inrasara (“Chủ nghĩa hậu hiện đại gặp gỡ Đông phương”) có lời giải đáp riêng.
Cạnh đó, các sáng tác [có yếu tố] hậu hiện đại của người trong nước lẫn hải ngoại của Nguyễn Huy Thiệp, Thuận, Đặng Thân… và thế giới: J.L. Borges, D. Barthelme, Paul Auster, A. Ryunosuke… cũng được các cây bút phê bình Lã Nguyên, Nguyễn Thị Bình, Phan tuấn Anh, Đặng Thị Bích Hồng… phân tích thấu đáo, qua đó bật lên những đóng góp mới của chủ nghĩa hậu hiện đại vào nền văn học đương đại, Việt Nam và cả thế giới.
Thế giới mở, Việt Nam cần hội nhập với thế giới, hội nhập để thâu thái tinh hoa của nhân loại làm giàu sang nền văn hóa nước nhà, đồng thời đóng góp phần mình cho nhân loại. Ở đó, văn học là bộ phận quan trọng. Và trào lưu văn học hậu hiện đại Việt Nam là hệ quả của đồng thời là tác nhân tích cực mở ra cánh cửa hội nhập đó.