Về thực tiễn sáng tác và phê bình hậu hiện đại ở Việt Nam

Mặc Lâm đài RFA thực hiện

Chương trình phát vào tối thứ Bảy 3-12-2011
Mặc Lâm: Chúng tôi mạn phép được trình bày vài khía cạnh rõ nét nhất tình hình sáng tác và phê bình hiện nay một cách hạn chế vì chương trình giới hạn thời gian không cho phép đào sâu những gì mà người sáng tác và độc giả lưu tâm. Và sau đây mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi ngắn này.

 

Xuất hiện khá sớm

Mặc Lâm: Thưa ông Inrasara, trước tiên xin cảm ơn ông về thời gian ông đã dành cho chúng tôi trong ngày hôm nay. Xin ông cho biết vài nét phác thảo về nghệ thuật hậu hiện đại tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực thơ, thưa ông?

Inrasara: Có thể nói các tác phẩm mang dấu ấn hậu hiện đại đã xuất hiện ở Việt Nam từ khá sớm, vào cuối những năm của thế kỷ trước. Người ta có thể thấy ở nghệ thuật tạo hình, ví dụ như hội họa. Riêng về mặt văn chương, người viết nhận ảnh hưởng trực tiếp từ các sáng tác hay dịch thuật, nghiên cứu từ các tạp chí Thơ, Hợp Lưu ở Mỹ, hoặc tạp chí Việt ở Úc. Sau đó các nhà văn Việt Nam tìm đến tận nguồn hậu hiện đại thế giới thông qua mạng internet.

Nhưng văn học hậu hiện đại Việt Nam thật sự chỉ nở rộ cùng với sự ra đời của văn chương mạng vào đầu thế kỷ XXI. Các nhà văn hậu hiện đại Việt Nam thuộc nhiều thành phần và lứa tuổi khác nhau, có thể 70 hoặc là nhỏ hơn, 20 chẳng hạn. Từ tác giả mới xuất hiện lần đầu cho đến nhà văn nhà thơ đã thành danh, họ tiếp nhận trào lưu hậu hiện đại và họ chuyển hệ sáng tác. Có tác giả đậm chất hậu hiện đại, bên cạnh cũng có những cây bút mà các sáng tác mang ít nhiều yếu tố hậu hiện đại trong cảm thức hay thủ pháp.
Điều lạ là, trong khi lý luận phê bình và dịch thuật phát triển ở phía Bắc thì các sáng tác hậu hiện đại lại tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, nhứt là Sài Gòn. Có lẽ một phần bắt nguồn từ tinh thần cởi mở, dễ chấp nhận của người Nam Bộ, tôi nghĩ thế. Và phần khác nữa là các sách báo một thời mà ví dụ cụ thể sinh động nhứt là qua sự khơi mở từ một Phạm Công Thiện, hay sự trào lộng của Bùi Giáng. Đó là nét chung của hậu hiện đại xuất hiện và phát triển ở Việt Nam trong quá trình mười năm như thế.

Vài khuôn mặt tiêu biểu

Mặc Lâm: Ông vừa nhắc đến một vài cây bút trẻ của nghệ thuật hậu hiện đại Việt Nam, ông có thể cho biết một vài khuôn mặt tiêu biểu không ạ?

Inrasara: Trẻ thì cũng có nhiều loại trẻ, bởi không ít người trẻ theo tôi thấy vẫn bám trụ truyền thống, truyền thống bảo thủ đến gần như là phản động, phản chuyển động – theo cách dùng từ của tôi. Nhưng dẫu sao tuổi trẻ vẫn dễ tiếp nhận và nắm bắt cái mới hơn, do đó mặc dù sáng tác hậu hiện đại rải đều ở vài thế hệ khác nhau, nhưng với thế hệ trẻ, thế hệ lớn lên cùng với văn hóa internet, chính họ đã làm cho không khí hậu hiện đại trở nên sôi động hơn ở Việt Nam.
Tôi không muốn kể các nhà văn đã thành danh mà chỉ nhấn vào thế hệ trẻ, thế hệ thuần túy sáng tác hậu hiện đại có thể kể đến Phan Bá Thọ, Bùi Chát, Lý Đợi, Khúc Duy, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, hoặc là Lynh Bacardi, Lê Minh Phong, Hoàng Lâm, rồi mới nhứt là Vũ Lập Nhựt, Liêu Thái, Lưu Mêlan… Mang tâm thức hậu hiện đại, họ sáng tác hay chuyển hướng sáng tác về phía hậu hiện đại, các tác phẩm và hoạt động văn học của họ dễ nhìn thấy là nó tác động rất là nhiều chiều đến xã hội và văn chương Việt Nam đương đại.
Bài thơ tiêu biểu

Mặc Lâm: Thưa ông, tôi nghĩ rằng nếu câu chuyện của chúng ta về thơ trong khuynh hướng hậu hiện đại mà không có một bài thơ nào đó thì sẽ rất khó cho thính giả đang theo dõi chương trình. Nếu được ông có thể giới thiệu một bài thơ mà ông cho là tiêu biểu của khuynh hướng này hay không, thưa ông?

Inrasara: Thành tựu về hậu hiện đại thì khá nhiều, tôi có thể nêu được cả trăm tác phẩm của các tác giả sáng giá. Bài thơ tiêu biểu thì có thể kể “Một nhà thơ bị đánh chết” của Lý Đợi chẳng hạn. Đó là nhà thơ Nadia Anjuman của Afghanistan, nhà thơ nữ trẻ và rất là tài năng bị người trong nhà bức hại cho đến chết. Tin đó được đưa lên báo Tuổi Trẻ. Bản chất của báo chí, nhứt là báo ngày, thì người ta đọc rồi quên đi, Lý Đợi dựa vào bản tin đó làm lại bài thơ để buộc độc giả đọc lại cái tin đó và đặt vấn đề xung quanh nó. Bài thơ này thì hơi dài, ở đây tôi muốn đọc bài thơ rất ngắn của một tác giả thuộc Nhóm Mở Miệng là Bùi Chát, bài thơ “Khóc Văn Cao”.

Hôm tôi đi nói chuyện tại một trường Đại học ở Hà Nội, tôi hỏi các bạn trẻ: Văn Cao mất các bạn có thể đọc qua một trăm bài thơ khóc Văn Cao, nhưng xin hỏi bây giờ các bạn có nhớ bài nào không, có nhớ câu nào của tác giả nào không, chắc chắn là không rồi. Ở đây tôi sẽ đọc một bài thơ các bạn nghe qua một lần thì sẽ nhớ ngay, vì các bạn buộc phải nhớ nó. Đó là bài “Khóc Văn cao” của Bùi Chát . Bài thơ chỉ có 6 âm:

anh Văn ơi!

hu hu hu…

Chỉ 6 âm nhưng theo tôi, nó có khả năng lay chuyển nhận thức về một sự thể văn chương và cả cái thói quen trong đời sống xã hội Việt Nam.

Hãy tưởng tượng trong đám tang một nhà văn lớn nọ – có thể thay “Văn Cao” bằng tên tuổi nào bất kỳ, nhiều người ghé vào than khóc. Ruột rà thì không nói rồi, tuy nhiên bà con lối xóm tối lửa tắt đèn, bạn bè chia ngọt xẻ bùi thì cho qua. Còn kẻ khóc mướn thì không vấn đề gì cả, bởi xã hội nào cũng có và nên có. Đáng nói là kẻ khóc giả, họ khóc từ lúc người bạn lớn còn nằm ở giường bệnh, có khi người đó trước đó rất lâu nữa, cả mươi hai mươi năm sau khi nhà kia đã nằm mồ. Khóc giả, họ biết thế, làng trên xóm dưới cũng biết thế, nhưng phiền hơn cả là họ đòi hỏi thiên hạ phải công nhận đó là khóc thiệt. Hãy tưởng tượng, thế rồi bất chợt một tay ăn mặc nhếch nhác, mặt mũi tạm được, to lớn, lù lù ló mặt ra khóc:

anh Văn ơi!

hu hu hu…

Tiếng khóc làm người ta bất ngờ, bất ngờ và tự nhìn lại mình. Đó không phải là bài thơ khóc Văn Cao mà là bài thơ “khóc cho cái khóc của Văn Cao” rất đồng bộ đang xảy ra ở Việt Nam. Nó là bài thơ gây phản tỉnh và làm cho cả xã hội đánh động một thói quen, một quán tính đã từng xảy ra và đang xảy ra ở Việt Nam. Theo tôi, tôi nghĩ đây là bài thơ rất là hay và  là bài thơ lớn, thuộc trường phái hậu hiện đại.
Lỗi ở hệ thống giáo dục

Mặc Lâm: Vâng. Qua phân tích của ông thì đã mở ra những suy tưởng rất rộng cho bài thơ và ngay cả tác giả đôi khi cũng bất ngờ nữa

Inrasara: Thế thì anh thấy đấy, khi tôi phân tích xong thì họ nói là “Tôi đọc bài thơ, tôi không thấy hay. Sara phân tích hay lắm. Nhưng mà khi đọc lại, tôi vẫn không thấy hay”. Tôi nói với các bạn là điều đó không phải là lỗi của tác giả, cũng chẳng phải lỗi của các bạn nữa, mà là lỗi ở hệ thống giáo dục của chúng ta. Chúng ta chưa được trang bị kiến thức tối thiểu về mỹ học hậu hiện đại nên chúng ta không thể tiếp nhận được thơ hậu hiện đại.

Mặc Lâm: Quay trở lại vấn đề ông vừa mở ra thì đề tài này quá rộng không thể nói hết trong một chương trình như hôm nay. Bây giờ, theo tôi nghĩ thì mình nên quay lại với độc giả và người sáng tác. Tác phẩm hậu hiện đại vẫn khó tiếp cận với độc giả hôm nay mặc dù thời gian thử nghiệm đã khá lâu, theo ông thì vai trò của người phê bình có đáng để chúng ta phải suy gẫm như là một lý do thiết yếu hay không, thưa ông?

Inrasara: Đương nhiên tác phẩm hậu hiện đại khó được tiếp nhận với độc giả hôm nay, theo tôi, lỗi ở tác giả rất là ít, lỗi ở người đọc cũng rất là ít, mà lỗi ở hệ thống. Chính hệ thống đó tạo cho người đọc sự khó tiếp nhận kia. Bởi dẫu sao giữa các tác giả hậu hiện đại, ít nhứt đến hôm nay, tôi cũng có thể chọn được trên dưới 20 tác giả sáng giá với hàng trăm tác phẩm đáng đọc. Còn độc giả hậu hiện đại thì khác với hồi Thơ Mới. Chúng ta thấy đó, độc giả hậu hiện đại chưa được chuẩn bị tri thức tối thiểu từ nhà trường. Các phương tiện thông tin đại chúng chính thống thì dị ứng với văn chương hậu hiện đại, nhứt là hậu hiện đại Việt Nam. Theo tôi, chính vì lý do đó, mặc dù có mạng thông tin toàn cầu, sáng tác hậu hiện đại vẫn chưa được lan truyền rộng rãi vào xã hội Việt Nam vốn còn ngập ngừng ở ngưỡng hội nhập thế giới.

Dĩ nhiên, không phải sáng tác hậu hiện đại nào cũng hay. Cũng như hồi thời Tiền chiến, không phải sáng tác Thơ Mới nào cũng hay. Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh là rõ nhứt. Tôi không muốn nêu các chi tiết ở đây. Còn các nhà phê bình hôm nay vốn định kiến với hậu hiện đại, họ chỉ cần vin vào vài sáng tác hậu hiện đại yếu kém để công phá phong trào hậu hiện đại một cách vô tội vạ. Đó là điều xảy ra hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, cả với những nhà phê bình gọi là thời danh, thì làm sao hậu hiện đại có thể dễ dàng đến với người đọc phổ thông! Với lại, nhìn từ quản lý văn học vốn bị đóng khung vào một vài thước đo hẹp, nên cái gì vượt ra ngoài thì chưa được cổ xúy đã đành mà đôi lúc còn bị hiểu lầm và bị vùi dập.

Mặc Lâm: Ông vừa nói tới việc quản lý văn hóa văn nghệ làm tôi nhớ lại mới đây một tác phẩm của Nguyễn Vĩnh Nguyên đã bị cấm tại thành phố HCM, đây cũng là cách phê bình theo định hướng chính trị và rất tùy tiện, dựa vào kiến thức của chức sắc văn hóa. Tình trạng này theo ông nó nói lên điều gì?

Inrasara: Nên tôi mới bày ra phong trào phê bình gọi là “phê bình lập biên bản”. Phê bình lập biên bản của tôi có 3 hình thức, thứ nhứt là biên bản Bàn tròn Văn chương do tôi chủ trì, thứ hai nữa là Biên bản lập chậm sau khi dự các cuộc hội thảo, hội nghị các bàn tròn về văn thơ, và cuối cùng là Phê bình như là lập biên bản.

Phê bình như là lập biên bản là nhà phê bình phải đi vào hệ mỹ học của tác phẩm đó để nhận diện nó, để đánh giá cái hay cái dở của nó, chứ không phải đứng ở hệ mỹ học này để phê phán, phê bình và nhận định về tác phẩm họ viết thuộc trường phái, thuộc hệ mỹ học kia. Không thể đứng trên hệ mỹ học lãng mạn mà phê bình thơ siêu thực được, cũng như không thể đứng trên lập trường của hệ mỹ học hiện đại để phê phán các tác phẩm thuộc dòng hậu hiện đại. Với tác phẩm của Nguyễn Vĩnh Nguyên cũng thế, người ta đứng trên một lập trường nào đó, lập trường có thể rất là cũ và cũng có thể rất là mới, nhưng người ta chưa đi vào cái hệ sáng tác của tác phẩm đó để nhận diện nên người ta nghĩ nó rất có hại và người ta ngăn cấm.

Còn hậu hiện đại, theo tôi hiện tượng ít ai để ý là gần đây trong các lớp tác giả trẻ tuổi 8X hay 9X chẳng hạn, số người viết thành công ở các thể loại truyền thống về thơ như thơ lục bát, thơ bảy tám chữ đang ít đi, trong khi các tác giả tự do dám thể hiện các thủ pháp mới ngày càng nhiều lên. Tôi đơn cử trường hợp Lưu Mêlan trong thơ tự do chẳng hạn. Bây giờ làm sao chúng ta có thể tìm được một nữ tác giả truyền thống cùng thế hệ có thể tương đương về phong độ với nhà thơ nữ này? Chính vì vậy, theo tôi, viễn cảnh của nghệ thuật hậu hiện đại Việt Nam và cụ thể hơn là về thơ hậu hiện đại Việt Nam rất đáng mong đợi, và chúng ta có quyền hy vọng.

 

Mặc Lâm: Một lần nữa xin cám ơn ông.

Thưa quý vị, quý vị vừa theo dõi buổi nói chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa Chăm và văn học Việt Nam Inrasara. Cũng xin được nói thêm ông Inrasara là nhà nghiên cứu văn hóa Chăm rất nổi tiếng. Công trình của ông đã được Đại học Sorbonne của Pháp thừa nhận vào năm 1995. Ông cũng được Giải thưởng Phan Châu Trinh – một giải thưởng về Văn hóa vào năm 2009 và Giải Văn Học Đông Nam Á vào năm 2005.

Hy vọng quý vị có được cảm giác thú vị về buổi phỏng vấn khi ông Inrasara nhận xét những vấn đề mà chúng tôi cố nêu trong tình hình chung của sáng tác và phê bình hiện nay.

Xin cám ơn quý vị theo dõi.

 

 

 

One thought on “Về thực tiễn sáng tác và phê bình hậu hiện đại ở Việt Nam

  1. Trong tháng vừa rồi tôi nghe thấy chú Sara trả lời phỏng vấn 4 bận ở 4 chỗ là:
    1/ Tạp chí Văn hóa dân tộc
    2/ Đài Pháp RFI
    3/ Đài Mỹ RFA
    4/ báo Nhân Dân – Thời nay

    Nếu suy luận theo trường phái nhà nghiên cứu nịnh bợ thì chú Sara vừa do nhà nước và đảng VN đòa tạo, vừa do nhà nước và đảng Pháp và do cả nhà nước và đảng Hoa Kỳ đào tạo!!!!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *