Inrasara: Tân hình thức Việt, bạn nghĩ gì? -1

(Chuyên đề thơ tân hình thức Việt)

THT-28-92013.12

Phong trào thơ tân hình thức Việt sắp có cuộc hội thảo lớn ở Huế vào trung tuần tháng 11-2013. Để giúp độc giả nắm được khái quát: lịch sử hình thành, tinh thần và thủ pháp, sáng tác và phê bình về phong trào thơ này, Inrasara.com mở chuyên mục Thơ tân hình thức Việt. Rất tùy hứng. Đó có thể là một quan điểm, một nhận định về bài thơ hay thủ pháp, một bài thơ (chủ yếu của Inrasara) kèm diễn giải, và tân hình thức sẽ đi về đâu? Vân vân… Chuyên mục đánh số từ 1… hân hạnh đón nhận mọi phản hồi từ độc giả.

Inrasara.

*

Sáng thứ Bảy, ngày 28-9-2013, tọa đàm chủ đề Thơ tân hình thức Việt, nhìn từ tiến trình văn học đương đại Việt Nam tại Salon Văn hóa Cà phê Thứ Bảy – TP Hồ Chí Minh trong không khí khá trầm lắng. con số 25 người lọt thỏm giữa thính phòng rộng rinh.

Diễn giả: Nhà thơ Inrasara, chủ trì: TSVH Nguyễn Thị Từ Huy

Trước đó, hai tạp chí cũng thử nhập cuộc bàn về tân hình thức. Tạp chí Sông Hương, số 280, 6-2012, có chuyên đề về thơ tân hình thức; sau đó ít lâu cũng tạp chí này làm số đặc biệt về thơ tân hình thức vào tháng 12-2012. Và rồi tạp chí Nghệ Thuật Mới, số 8, 9-2012, có bài phê bình về thơ tân hình thức. Chỉ có thế. Thảo luận, không. Tranh luận, càng không. Ngay chuyện đưa tin trên báo chí cũng không nốt. Như tiếng nói vào điện thoại đã cắt.

Thế nên, vào trung tuần tháng 11-2013, khi tạp chí Sông Hương tổ chức Hội thảo thơ tân hình thức Việt lần đầu tiên trên thế giới, ở đó quy tụ, chẳng những các nhà thơ, nhà phê bình người Việt trong nước và hải ngoại tham dự, mà có cả văn nhân ngoại quốc tiếng tăm tham gia, phong trào thơ tân hình thức Việt quyết tạo cú hích mới trong nỗ lực tiếp cận công chúng thơ Việt Nam.

Tham gia chủ trì hội thảo, có:

– Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Tổng biên tập tạp chí Sông Hương

– Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội

– Nhà thơ Inrasara.

Khai sinh tại Mỹ từ giữa thập niên 80, thịnh hành vào giữa thập niên 90 của thế kỉ trước, thơ tân hình thức (new formalism poetry) được những người làm thơ Việt vận dụng vào sáng tác thơ tiếng Việt thập niên sau đó. Ngay khi khởi động ở Mỹ qua tạp chí Thơ vào đầu thế kỉ XXI, các nhà thơ – đã thành danh hay mới viết – hào hứng nhập cuộc. Nhập cuộc, dù rất ồ ạt, nhưng vẫn ở ngoài sinh hoạt chính thống. Ngoài tập thơ Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức (Inrasara, NXB Hội Nhà văn, 2006), Poetry NarratesThơ kể (tập thơ song ngữ Anh – Việt của nhiều tác giả, NXB Lao động, 2010), tập tiểu luận Vũ điệu không vần, tứ khúc và những tiểu luận khác (Khế Iêm, NXB Văn học, 2011) hay mới nhất – tập thơ Thúy liên khúc ngoài của Biển Bắc (NXB Văn học, 2012), còn lại hầu hết sáng tác tân hình thức chỉ đăng ở tạp chí Thơ hải ngoại, post lên mạng, hay in ấn dưới dạng photocopy. Sau mấy năm đầu sôi nổi, phong trào sáng tác thơ tân hình thức chững lại, để đến năm 2008, nó cố gượng dậy lần nhữa, nhưng thực sự chưa có chuyển biến đáng kể. Nhiều nhà thơ từ từ rời bỏ tân hình thức, để viết theo lối truyền thống hay hậu hiện đại, hoặc tìm lối đi riêng.

Dẫu sao, với 14 ấn phẩm về tân hình thức Việt (kể luôn song ngữ Việt – Anh) gồm cả thơ và lý thuyết được xuất bản, phong trào thơ này cần được tổng kết, đánh giá. Cho nên mọi hội nghị hay bàn tròn về nó, là cần thiết.

 

Quan điểm

“Tân hình thức Mỹ thịnh hành nhất vào giữa thập niên 90, muốn trở về với thể luật, với những thay đổi về ngôn ngữ và phản ứng lại thơ tự do đã không còn lôi kéo được người đọc, sau phong trào thơ Ngôn ngữ Mỹ.” (thư Khế Iêm gửi Inrasara, 25-9-2013).

“Tân Hình Thức [Việt, ra đời vào đầu thế kỉ XX] là một cuộc hòa điệu giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và tự do, giữa nhiều nền văn hóa khác biệt, và ở phần sâu xa hơn, hóa giải những mầm mối phân tranh đã ăn sâu vào kí ức, chẳng phải của một dân tộc mà của cả nhân loại từ hàng trăm năm trước. Chúng ta với thời gian hơn một phần tư thế kỉ, có may mắn cận kề và học hỏi những cái hay của nền văn hóa bao quanh, áp dụng những yếu tố thích hợp vào ngôn ngữ, để làm giàu cho nền thơ Việt”(Khế Iêm, tạp chí Thơ, số 20, Hoa Kì, 2001, tr. 75).

 

Bạn nghĩ gì về thơ tân hình thức Việt?

4 thoughts on “Inrasara: Tân hình thức Việt, bạn nghĩ gì? -1

  1. Tôi đã thử làm 1 test nhỏ với những người xung quanh tôi – những người đọc tạm gọi là “có trình độ” (S gọi là gì nhỉ?). Thế nhưng, ngoài 1-2 người “ngờ ngợ”, võ đoán thì hầu như ko ai có 1 khái niệm hay 1 may mảy kiến thức nào về nó. Tôi cũng ko ngoại lệ, tôi hơn họ là tôi có nghe qua cái tên gọi này mấy lần khi lướt S.com và đoc ở đâu đó. Nhưng cũng chả để lại 1 chút gì trên vỏ não. Phải chăng, chúng tôi – bạn đọc chỉ cần thơ hay, chỉ cần thơ đủ phục vụ cho công việc của minh mà ko cần biết là Hậu hđ hay Tân ht? Phải chăng tư duy thẩm thơ vẫn đang dừng lại ở cái dễ dãi, quen thuộc. Vậy Tân HT chỉ mong chờ vào sự quan tâm của giới sáng tác thơ và giới nghiên cứu thơ mà thôi. Và các nhà Tân HT muốn thay đổi tư duy trì trệ của chúng tôi thì Hội thảo cũng đc, Bàn tròn cũng tốt, Quảng cáo cũng hiệu quả,… Nhưng trên hết hãy làm thơ cho thật hay. Hãy dùng chính tác phẩm để thay đổi thị hiếu và tư duy của người đọc.

  2. Thơ hay là thơ hay là thơ hay, sao hỏi kì vậy nhỉ?
    Về thơ hay, nhà thơ Inrasara đã bàn nhiều lần tôi có đọc đâu đó. Tôi chỉ xin nhắc lại vài điểm:
    – Thơ có tứ mới, không lặp lại nhà thơ đi trước.
    – Thơ mang hơi thở thời đại, nói vậy thì chung chung quá, phải nói là thơ phải nỏi lên đời sống của con người hiện thời.
    – Thơ hay thì tránh tối đa sáo ngữ mà thi sĩ trước đó đã dùng.
    – Thơ hay thì các thủ pháp kĩ thuật phải mới.
    Vân vân…

  3. Với K, đơn giản: Thơ hay là thơ ko dở.
    Còn Nguyễn Hưng Quốc thì nói thế này:
    “Một bài thơ hay là một đoá hoa ngào ngạt hương. Hương rộng hơn hoa. “Và hương bay thì hoa tưởng hoa bay” (Xuân Diệu). Hoa là ngôn ngữ thơ, thể xác thơ. Còn hương là sức gợi mở vô cùng vô tận của thơ.
    Công việc làm thơ, tôi muốn ví với việc ném thia lia trên sông của trẻ nhỏ. Người có tài phải ném thế nào cho viên sỏi cứ chao liệng, lấp lênh thật lâu, thật lâu trên mặt nước. Đến lúc viên sỏi đi hết đường đã đi, chìm xuống, mặt sông vẫn còn nao nao gợn sóng hoài”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *