Alice Munro là nhà văn Canada đầu tiên đoạt giải thưởng Nobel văn học. Trước đó, đất nước Canada đã từng đoạt giải thưởng danh giá này, về vật lý, về y khoa hay hòa bình… nhưng với văn học thì chưa. Sự chưa này kéo dài quá lâu, 110 năm có ngắn ngủn gì cho cam – lâu đến nỗi văn giới và độc giả Canada đánh mất luôn niềm hi vọng nhà văn nước mình đoạt được nó.
Chuyện tưởng đã hết cơ hội, nhưng rồi bất ngờ nó cũng xảy đến. Xảy đến ngay vào thời điểm mà người dân Canada ít chờ đợi nhất. Trước đó, Haruki Murakami (Nhật), rồi J.C. Oates (Mỹ), Peter Nadas (Hungary)… vẫn chiếm tỉ lệ cao trong các dự đoán ai sẽ là chủ nhân Nobel năm nay. Nhưng cuối cùng, tên Alice Munro được xướng lên. Bà được con gái đánh thức vào lúc 4 giờ sáng, để báo tin vui. Và bà cũng “thực sự ngạc nhiên và không thể mô tả bằng lời niềm vinh dự này.”
Ngạc nhiên và vinh dự cho bà, nhất là cho nền văn học Canada lâu nay ít được chú ý. Độc giả Canada hài lòng, người Canada hi vọng qua sự kiện này, văn giới thế giới ngoảnh lại lâu hơn về văn học đất nước Alice Munro.
Điều gây ngạc nhiên nữa, là giải Nobel “xảy đến”, không phải cho quý ông, mà là người viết nữ. Lại là một người viết nữ rất đặc biệt. Hơn thế kỉ qua, đã có mười hai nhà văn nữ đứng trên bục vinh quang này. Họ ít nhiều có địa vị và danh tiếng trong cộng đồng trước đó. Người dạy học, Trung học hay Đại học, người hoạt động xã hội, Alice Munro thì khác. Học dang dở Đại học, xuất hiện muộn (Alice Munro sinh năm 1931, tập truyện ngắn đầu tay ra đời năm 1968), có cuộc sống gần như lặng lẽ ở một thị trấn nhỏ. Ngoài giúp chồng trong việc quản lí hiệu sách gia đình, bà gần như là một nhà nội trợ toàn phần. Điều đó nói lên sinh hoạt chính của bà không dính dáng gì đến văn chương chữ nghĩa. Bà tranh thủ thời gian trống sau công việc nội trợ hàng ngày, để viết. Đó là sự lạ.
Lạ hơn nữa, đây là giải Nobel văn học đầu tiên được trao cho một tác giả truyện ngắn. Trước đó, giải thưởng này chỉ vinh danh nhà tiểu thuyết, nhà thơ, kịch tác gia, triết gia (Henri Bergson, 1927), hay thậm chí nhà chính trị (Winston Churchill, 1953) đến cố Thủ tướng Anh đã phải thốt lên chữ “kinh hoàng” trong diễn từ nhận giải thưởng.
Có lẽ các ngài viện sĩ thuộc Viện Hàn lâm Thụy Điển cho rằng các tác giả chuyện trị truyện ngắn chưa vươn đến tầm nhà văn lớn, nên đã nảy ý có vẻ phân biệt đối xử như thế. May, năm nay họ đã phá lệ. Và thể loại truyện ngắn từ nay đã đĩnh đạc đứng chung và đứng ngang hàng với các thể loại văn học anh em.
Đó là ba “đầu tiên” rất đáng chú ý. Thế nhưng điều bài viết muốn nhấn mạnh chính là gợi ý phát sinh từ ba đầu tiên ấy. Rằng nhà văn đầu tiên của một đất nước, thể loại văn học đầu tiên, nhà văn “nội trợ” đầu tiên được vinh danh ở giải Nobel văn học hôm nay có gợi hứng và gợi ý gì cho chúng ta không, khi Nobel văn học vẫn còn ngoài tầm với đối với nhà văn và cả nền văn học hiện đại Việt Nam. Và trong lúc phê bình “vừa thiếu vừa yếu”, tiểu thuyết thì hãy còn non trẻ, thơ vốn là truyền thống đầy tự hào của dân tộc nhưng đang rơi vào thời kì “có mặt bằng mà chưa có đỉnh cao”, ngược lại – truyện ngắn được nhận định là thể loại đang rất sung sức.
Cũng đáng để suy ngẫm đấy chứ!
Tập truyện ngắn Trốn chạy là tác phẩm đầu tiên của Alice Munro được dịch giả Hương Lan chuyển ngữ sang tiếng Việt. Sách do nhà xuất bản Văn học và Cty Nhã Nam phát hành vào tháng 6-2013, như là điềm báo. Sắp tới chắc chắn sẽ có vài tập truyện khác của dịch giả khác ra mắt độc giả Việt Nam. Ở đó không ít nhà văn và độc giả Việt Nam hào hứng đón đợi.
Lâu lâu cũng được ông Inrasara đãi một bài… lãng xẹt.
Cả 3 ý đều người khác nói rồi, báo khắp thế gian nói rồi. Ông chỉ lặp lại thôi, cũ mèm. Nhưng ông Inrasara thì tính ưa nói cái gì đó mới lạ. Và ông đã tìm ra: về “gợi ý” đó. Nhưng nó không gợi cái gì cả. Gán ghép như vậy thì gượng quá đỗi. Cho nên mới có người viết trên Face của ông: I don’t make sense.
Ông Inrasara ít khi viết “một bài báo”, nhưng đây là một bài báo đúng nghĩa, mà là một bài báo… Việt Nam.