Báo Bình Thuận cuối tuần, 20-9-2013
* Kiều Maily & Jaka tại Buổi Ra mắt Tagalau14 ở TPHCM.
Tuyển tập Tagalau một đặc san duy nhất chẳng những của cộng đồng người Chăm, mà là của cả dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Tagalau là “Tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu văn hóa Chăm”, cho nên nó không chỉ có các cây bút người Chăm viết, mà còn thu hút được rất nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu thuộc các dân tộc khác trong cộng đồng dân tộc Việt Nam anh em góp mặt.
Tagalau là tên hoa bằng lăng được các trí thức Chăm đàn anh chọn đặt tên cho tuyển tập. Vì đây là loài cây mọc nhiều ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Khi đi ngang qua vùng núi Vĩnh Hảo, từ tháng 6 đến tháng 9 Dương lịch, du khách nhìn thấy ngọn đồi hai bên đường đầy màu sắc tím của một loài hoa. Đó là hoa Tagalau.
Suốt 13 năm liền, Tagalau đã trường tồn và không ngừng phát triển. Qua 13 số đã phát hành, Tagalau đã thu hút hơn 200 cộng tác viên từ nhiều vùng miền của đất nước viết bài đóng góp, trong đó có không ít tên tuổi được cả nước biết đến. Đó là thành công ngoài mong đợi của thế hệ đi trước khi bắt đầu khởi động Tagalau.
Thế nhưng, dẫu sao đi nữa, Tagalau cũng cần có sự thay đổi.
Thế hệ những Nguyễn Văn Tỷ, Inrasara, Trà Vigia, Trầm Ngọc Lan… cần có sự tiếp bước của thế hệ đàn em, đàn cháu. Từ Tagalau14, Ban Biên tập đặc san đã có cuộc chuyển đổi thế hệ. Nhà văn Trà Vigia viết “Lời mở” cho Tagalau bộ mới:
“Không thể và không nên kể về những khó khăn thử thách trên bước đường hoài thai dưỡng dục, bởi một thành quả dù nhỏ nhoi cũng là niềm tự hào cho những ai dám nghĩ, dám làm và dám nuôi hy vọng về những điều có thể. Đó là trách nhiệm của lớp người đi trước mở đường cho thế hệ theo sau… Từ hôm nay, Tagalau bắt đầu ghi một dấu ấn mới: Ban biên tập được chuyển giao cho lớp trẻ”.
Và sự thật là đã có nhiều thay đổi. Nhà văn Inrasara và nhà thơ Jalau Anưk đồng chủ biên, để từng bước chuyển giao hẳn cho thế hệ mới. Thế hệ mới, các cây bút trẻ xuất hiện nhiều hơn. Sau thế hệ đã từng góp mặt, như: Jalau Anưk, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, Thông Minh Diễm, Chế Mỹ Lan… là các cây bút hoàn toàn mới là: Jaya K, Kiều Maily, Lưu Tấn Thành, Lưu Anh Tặng, Cham Papa, Champa Khanh, Haniim Par, Shiyatna, Asa Trương, Trâm Haniim.
Tagalau 14 đã có bước cải tiến rất đáng kể từ nội dung cho đến hình thức trình bày. Thay vì khổ như khổ sách, khổ Tagalau từ đây sẽ làm theo khổ các tạp chí thường thấy: 20,5-28,5cm. Khác hơn nữa, là Tagalau có in ảnh màu rất bắt mắt.
Chiều ngày 22-9-2013, Tagalau 14 cùng ban Biên tập mới sẽ có buổi ra mắt ấm cúng tại TP Hồ Chí Minh. Hi vọng sẽ là một bước ngoặc mới cho Tagalau có hướng đi mạnh mẽ hơn ở tương lai.
Tagalau 14 đến đúng dịp lễ Katê truyền thống của dân tộc. Có thể xem đây là một món quà tặng nhiều ý nghĩa gửi đến độc giả và bà con Chăm.
*
Tagalau 14, Tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu văn hóa Chăm
Inrasara – Jalau Anưk (đồng chủ biên)
NXB Thanh niên, H., 2013
In 1.000 cuốn, khổ 20,5 X 28,5cm
Giá bìa: 50.000đồng.
Kiều Maily viết văn chửng chạc ghê. Cho hoan hô một tiếng nhé.
Cố gắng lên!