Jaya Bahasa: Bước quá độ của Tagalau

Quá độ là một thời kỳ chuyển tiếp từ một giai đoạn phát triển đến một mức phát triển khác cao hơn hình thành trên cơ sở  nền tảng điều kiện vật chất mới. Bước quá độ của Tagalau có dựa trên một tiền đề nào để đáp ứng với quy luật khách quan của sự vận động này không ? Lịch sử của Tagalau “lịch sử của cái cho nó và vì nó”. Tức là cho văn hóa Chăm và vì sự tiến bộ, hòa nhập của xã hội Chăm trong cộng đồng đa tộc người ở Việt Nam. Nói như văn sĩ Inrasara là sân chơi tự nguyện, ai thích thì hân hoan hết bạn chơi thì giải tán. Tuy nhiên, hơn 13 năm qua Tagalau chưa bao giờ vắng bóng những người bạn yêu mến văn hóa Chăm.

Sự chuyển tiếp của Tagalau xuất phát từ một ý tưởng tốt đẹp, khi một nhóm trẻ yêu văn hóa Chăm xin nhận trách nhiệm chăm sóc cây Tagalau. Nói một cách rộng lớn hơn, là nhu cầu của xã hội Chăm kỳ vọng vào chủ biên Inrasara có những sản phẩm lao động sáng tạo mới về đề tài Chăm. Mặt khác, cũng là một bước chuẩn bị cho lộ trình để các thế hệ F 1 về hưu.

Bài điểm luận Tagalau 14 dưới đây chỉ là một góc độ nhìn nhận. Hy vọng rằng, các độc giả đóng góp ý kiến nhiều hơn nữa để Tuyển tập Tagalau có nhiều bước tiến bộ mới.

 

1. Sáng tác thơ.

Tagalau 14 hội ngộ được 20 tác giả trong nước và nước ngoài với 45 tác phẩm. Đó là, chưa kể 4 tác giả với 9 tác phẩm sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ. Sự phong phú về mặt số lượng đã nói lên tình cảm gắn bó mật ngọt của các hồn thơ dành cho Tagalau. Một Trầm Ngọc Lan ưu tư theo từng vết tích văn hoá Champa qua bài “Khúc ly hương” cùng với những đồng cảm với nỗi mất mát của nhân dân Nhật Bản do cơn cuồng phong động đất sóng thần ở Fukusima qua bài “Tụng ca của loài dã tràng”. Một Jalau Anưk phơi bày những cảm xúc chân thật của cuộc sống rơi vào vô thường qua bài “ Dưới vòng trời là những mái nhà”. Một Đồng Chuông Tử tiểu xảo ngôn từ mà tài năng thì mù khuất trong ảo ảnh mờ sương. Sau khoảng thời gian vắng bóng, nay trở lại đồng hành với Tagalau qua sáng tác “Nhìn tận cùng nhân loại không ẩn dụ, Mùa hiện thực rót xuống, Khều mưa”. Một Tuệ Nguyện con đang ở toạ độ lộ trình hoang tưởng nơi miền đất Panduranga nhưng chất đầy cảm xúc mạnh mẽ của sự đổ vỡ giữa ra đi và ở lại, giữa nguồn cội và hiện thực sống động. Một Chế Mỹ Lan của hoài niệm và nỗi nhớ để rồi bịn rịn, ngậm ngùi cùng quá vãng.

Những di tích của đền tháp Champa không chỉ là điểm đến của du lịch mà còn là vệt sáng khơi trào hồn thơ cho Phi Toàn, Khaly Chàm, Thái Bảo-Dương Đỳnh, Lê Văn Hiếu, Trần Nhã My, mỗi người một cảm xúc dao động trên từng mảnh gạch vỡ rong rêu theo thời gian. Ở đó, họ xúc động, thán phục, buồn vui cùng với giấc mơ của cô gái Chiêm Thành trên nền khung vải mới. Tất cả, cùng thức, vui hội qua một đêm thanh vắng ở palei Chăm.

Rồi một ngày, chớm nở Kiều Maily giữa phố thị chợt nhớ về một quê hương cách xa. Giọng điệu của các thi sĩ Chăm đều thắm nhuộm thang âm trầm lắng, nỗi suy tư mù khơi để vời vợi buồn rơi.

 

2. Sáng tác văn xuôi.

Tagalau 14 đón nhận được 10 tác giả với 13 tác phẩm. Đây là lần đầu tiên Tagalau công bố nhiều bài viết về văn xuôi. Trong đó, có thể loại tản văn, truyện ngắn, truyện dài.

Nếu như tác giả Trà Vigia đã trở nên quá quen thuộc với độc giả qua hàng loạt số truyện ngắn đã đăng ở các kì trước đây, thì ở lần đồng hành này, tác giả vẫn tiếp tục chuyển tải những cảm tưởng huyền ảo, li kì bằng ngòi bút suy nghiệm hư hư đến độ vô thường ở tác phẩm “Cõi đá”. Ngược lại, với cõi đá là “ Huyền thoại Apsara trắng” của tác giả Inrasara. Tác giả đã từng kinh qua Hàng mã kí ức để tâm tình về đề tài nông thôn, làng quê Chăm thì nàng Apsara trắng đã là con người của phố thị qua những cuộc tình phôi pha nơi đất khách xứ lạ. Đến quá nỗi chừng, trở thành kịch bản cho bộ phim dài tập.

Tiếp nối một thế hệ đi trước, lần lượt những hạt giống văn nghệ được nẩy mầm. Tác giả Trâm Haniim đã mang đến cho độc giả những cảm xúc chân thật qua bài “Nỗi buồn không nguôi” kể về những bùi ngùi trong tâm trạng của người đồng tộc khi xa rời cội nguồn dân tộc chỉ vì sự tự ti, mặc cảm sai lầm trong nhận thức.

Tác giả Lưu Tấn Thành với tác phẩm “Nếp nghĩ, giấc mộng tình” đã bộc lộ bút lực sáng tác, hứa hẹn nhiều tiến bộ trong tương lai ở thể loại văn xuôi. Ở thể loại tản văn, Tuệ Nguyên góp mặt với bài viết “Tản mạn về người Chăm Bàni làng Tuấn Tú” đã cung cấp cho độc giả tư liệu ghi chép khá sinh động về nghi lễ trưởng thành và đám cưới của người Chăm Awal qua những quan sát tham dự.

Hầu hết, các sáng tác của các tác giả Chăm được chuyển tải bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Nhưng, các tác giả đã thực sự làm chủ được ngôn ngữ, cách hành văn mạch lạc, trôi chạy cho đến cách chuyển ý đưa ra được nhiều thông điệp những mảnh ghép của cuộc sống. Tiếc rằng, cách xây dựng nhận vật để đạt đến cái bi, cái hài, cái đẹp, cái cao thượng bằng giọng văn hiện thực phe phán vẫn còn khá nhạt nhoà để đạt được thành công về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

 

3. Nghiên cứu và phê bình.

Tagalau 14 có sự hiện diện của 5 tác giả với 7 bài viết. Tác giả Inrasara đã tiến hành thao tác khảo luận các tác giả phương Tây và phương Đông mang định mệnh “di dân” để nuôi dưỡng tư tưởng nghệ thuật trong sáng tác văn chương qua bài “Orhan Pamuk lưu vong như là định mênh”. Tiếp đó, là “ Nhận diện 6 khuôn mặt thơ Chăm” như Trà Vigia, Jalau Anưk, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, Trần Wũ Khang và Kiều Maily. Mỗi người mỗi vẻ đang khẳng định được vị trí trong làng văn nghệ Việt Nam.

Tác giả Bá Minh Truyền qua bài viết “Giáo dục học sinh người Chăm qua mô hình trường dân tộc nội trú Ninh Thuận (1992-2013)” trình bày về lịch sử hình thành và phát triển của loại hình đào tạo trường dân tộc nội trú Ninh Thuận, nơi có nhiều học sinh người dân tộc thiểu số theo học. Tác giả, đã làm sáng tỏ về quy trình tuyển sinh, hoạt động dạy học cùng những nhận xét về ưu điểm và tồn tại của loại hình đào tạo này.

Tác giả Đàng Quảng Hưng Thiện đã trình bày và đánh giá về việc sử dụng thông tin từ các trang website do người Chăm sáng lập và điều hành qua bài viết “Vấn đề tiếp cận thông tin hoạt động cộng đồng của sinh viên Chăm tại Tp. Hồ Chí Minh”. Giá trị của bài viết là tác giả có đưa ra được nhận định về mặt tích cực và tiêu cực khi tiếp cận thông tin từ các trang mạng xã hội.

Tác giả Nguyễn Văn Tỷ với bài viết “Góp phần gìn giữ và phát huy văn hoá tốt đẹp của tôn giáo-tín ngưỡng Bà ni”. Từ những kinh nghiệm vốn sống, sự hiểu biết về văn hoá, tiếng ngưỡng-tôn giáo cộng đồng Chăm Awal thông qua các lễ hội, lễ cưới, lễ tang…Tác giả đúc kết ra 6 đặc điểm căn bản của văn hoá Chăm Bini như Tính đơn giản và tiết kiệm, Tính rộng rãi và thuận lợi, Tính ôn hoà và đoàn kết, Tính đậm đà bản sắc dân tộc, Tính không bành trướng, và sự hiểu lầm đáng tiếc của các tín đồ Bà ni. Tuy nhiên, tác giả nhận thức các hệ thống Rija ảnh hưởng Bà-la-môn giáo là một nhận định khó thuyết phục được độc giả.

Bài viết “Cham Panduranga ngang bướng, đau khổ và kiêu hãnh” của tác giả Inrasara giúp độc giả cảm nhận được những di sản văn hoá Chăm còn tồn đọng lại ở nơi cực nam của vương quốc Champa.

Cuối cùng, tác giả Jaya Bahasa với bài viết ”Hiện vật trưng bày ở Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm tỉnh Ninh Thuận” giới thiệu sơ lược về các hiện vật văn hoá Chăm đang trưng bày phục vụ khách tham quan, giúp cho độc giả có cái nhìn tổng thể về văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của người Chăm.

Tóm lại, Tagalau đã đi qua thập niên sinh tồn để mang đến thông tin, tri thức và nguồn giải trí đến với palei Chăm. Trên con đường mang tri thức đến với độc giả, Tagalau gặp khá nhiều thử thách khi thì thiếu kinh phí in, không xin được giấy phép, khi thì không được phép dùng danh xưng Tagalau mà phải ẩn danh bằng nhiều tên gọi khác nhau. Như thế thôi, cũng đủ thấy bao khó khăn mà những người yêu văn hoá Chăm đã vượt qua, để chăm bón cho từng đoá hoa Tagalau mãi xanh tươi.

Bước quá độ, chuyển tiếp của Tagalau có nhiều ưu điểm về hình thức trình bày, chất lượng nội dung bài viết. Tuy nhiên, kỹ thuật dàn trang còn để nhiều khoảng trống chưa tận dụng hết. Ở những khoảng trống đó, có thể tận dụng để giới thiệu tác phẩm, sự kiện, lời hay ý đẹp, hoặc hình ảnh chân dung đời sống của người Chăm thì càng tăng thêm sự thích thú cho độc giả.

Đi cùng với nhiều nét mới, là chương trình tuyên truyền, quảng bá văn hoá đọc. Đây là dịp tốt để tác giả có cơ hội gặp gỡ cùng độc giả. Từ đó, thu nhận nhiều ý kiến đóng góp quý bấu hầu đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng khắt khe của độc giả./.

 

2 thoughts on “Jaya Bahasa: Bước quá độ của Tagalau

  1. Có đây anh: Miên Trà: Có còn nữa đâu & Một thoáng hương xưa
    BBT mới sẽ chuyển sách cho anh.
    Thân mến
    Inrasara

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *