Những đường cày trầm mặc cơn mưa
Nắng hát vào thớ đất
Anh nông dân vô ngôn ngồi rách buổi chiều.
* Photo Kiều Maily.
Nhà cổ điển cho đó là thơ tối nghĩa, tắc tị. Người viết cố làm ra vẻ cao siêu, mà thật ra chẳng có gì sất. Chỉ đáng vứt đi.
Với nhà phê bình siêu thực thì đây mới là thơ ca đích thực. “Trầm mặc cơn mưa” là suy tư về lẽ trời đất. “Ngồi rách buổi chiều” là lối nhìn xuyên hiện thực, vượt qua hiện thực đời thường. “Rách” là chữ đinh trong cả đoạn thơ, làm xoay chuyển ý tưởng của cả đoạn thơ. Xoay chuyển về hướng khám phá chiều sâu hiện thực đầy sáng tạo.
Còn nhà hiện thực xã hội chủ nghĩa thì nhất định nhà thơ có ám chỉ. Trong khi “nắng hát vào thơ đất”, khi mọi người đang hồ hởi phấn khởi trước cuộc sống đang thay da đổi thịt hàng ngày, tại sao mỗi “anh nông dân” này vẫn “ngồi”. Anh đang suy tính điều gì đây, mà ngồi đến “rách buổi chiều” đang rất đẹp. Cần phải đưa ra tập thể kiểm điểm, và định hướng lại.
Chào anh Sara
Xin góp thêm lời bàn thứ 4 cho vui: Đây là một bài dưa thể haiku. Nhưng số chữ (hay âm tiết) ngược với haiku, thay vì 5-7-5, lại là 7-5-7. Tuy nhiên cấu trúc lại khá sát với haiku cổ điển: 2 câu giới thiệu, tả cảnh, 1 câu chiêm nghiệm sâu.
Thời buổi này mà chơi kiểu haiku, nhất là chơi có hiệu quả, thì đúng là một nỗ lực đáng khen, cho thấy hình thức và thể thơ mới hay cũ không cố định, quan trọng là hợp nội dung và ý tưởng; nếu cần, tự tạo luôn hình thức cần thiết dùng đặc biệt cho bài thơ.
Tuy nhiên, có 2 chỗ chưa tới lắm. Là sử dụng “trầm mặc” và “vô ngôn” hơi hàn lâm, làm giảm hiệu quả của bài thơ, khiến người đọc bị lôi ra ghế quan sát của “người đang kể” chứ không nhập một với nhãn quan/thế giới của người nông dân — dù sao, đó cũng là thế giới chính của bài thơ này.
Chúc anh một ngày vui và sáng tạo.