Đọc Giữa hai khoảng trống, tập thơ của Kiều Maily, NXB Thanh Niên, 6-2013
* Thơ Kiều Maily lên trang bìa tuần báo Văn nghệ TPHCM.
Tiểu đề của bài viết sẽ gây ngạc nhiên không ít, chắc thế. Hai con người hơn kém nhau hơn một phần tư thế kỉ, một là nữ và một là nam. Một – người dân tộc Tày ở điểm đầu Tổ quốc, in tác phẩm đầu tay khi thời Đổi mới vừa bước sang năm thứ 5, một – dân tộc Chăm Nam Trung Bộ, xuất hiện khi văn chương mạng đã đi hết thập niên. Thêm, trong khi Dương Thuấn đã khẳng định tên tuổi trên thi đàn, thì Kiều Maily hãy còn vô danh. Thế nhưng, thao tác đặt bên cạnh để bật lên sự khác biệt, vẫn là điều cần thiết, để nhận ra sự chuyển động của thơ dân tộc thiểu số Việt Nam đương đại.
Nếu Dương Thuấn luôn khẳng định bản sắc dân tộc từ xứ núi quê anh; sự khẳng định càng mạnh mẽ hơn, khi anh đã xuống thành, thì Kiều Maily ngược lại: hoang mang và mơ hồ.
Có khi con gió mùa tình cờ thổi qua bụi ớt
Rồi trôi về đâu, không biết
Có khi bóng ai như bóng cha vừa đi qua
Vào giấc loài dế mun mất nhà gáy buồn từ kẹt cửa
Có khi em chợt quên bẵng khuôn mặt anh
… Có khi bất chợt em quên rất nhiều khuôn mặt.
Vẫn là “Đồi nắng cũ”, “Dáng quê hương”, “Tháp Đôi”, “Nhớ Ramưwan”, “Katê, em & anh”, “Cảm tác từ đồi Đá Trắng”, “Palei ngày về”, “Khúc Thei mai giữa Sài Gòn”… nhưng cảm thức của nữ thi sĩ này hoàn toàn khác. Khác Dương Thuấn đã đành, khác cả thơ của các khuôn mặt dân tộc thiểu số thuộc thế hệ mới ở các tỉnh miền núi phía Bắc lẫn Tây Nguyên.
… Khúc dân ca đầu hôm ai bỏ dở nửa chừng
âm vang lửng lơ trong gió
làm thức giấc mơ hoang
Trên lưng bò còn vương mấy cọng rạ
lũ dê đã về chuồng
dường nắng Phan Rang vừa tắt
Người mẹ kiên nhẫn mót những nhánh lúa sót lại cuối cùng
khi chiều đã nhuộm thẫm áo chàm
dáng người đi như nhớ
… Gác trọ Sài Gòn ai hát khúc Thei mai
hồn người như mộng vỡ.
Đôi khi Ramưwan bay về trong miền nhớ
nụ cười mẹ trôi cuối nắng mai
… Đôi khi tiếng gì như tiếng trống Ginang vọng lại
từ cõi nào rất xa
… có lẽ Ramưwan đến hơi chậm
và đi hơi sớm
Người chưa kịp về đã muộn
em chưa xong đợi đã mãn chay
đôi khi bóng ai như bóng anh giữa Sang Mưgik…
Các tên bài thơ động cập đến những vấn đề, sự thể tưởng rất cụ thể nhưng chẳng có gì cụ thể cả. Có khi và đôi khi, dường như hay hồ như… Quên và nhớ, có mà như không, hiện thực với mộng tưởng đan quện vào nhau tạo thế chông chênh dễ vỡ. Dễ vỡ từ “Viên sỏi buồn”, “Một lần và vĩnh viễn” cho đến “Giữa hai nỗi lạ”, “Giữa những khoảng trống”. Mơ hồ và chông chệnh là vậy. Còn nếu cụ thể và gần, thì Kiều Maily gần quá gần. Gần đến chua chát. Với ngôn từ thực và hình ảnh thực. Thực đến xót xa:
Tin 12 giờ trưa:
gió cấp sáu cấp bảy, giật cấp tám cấp chín
lũ sông Cái trên báo động hai 0,4 mét
trời vừa quang nhưng đang chuyển, vài vùng còn mưa…
Tin 7 giờ chiều:
mưa kéo dài ba giờ liền trên diện rộng
đỉnh lũ trên báo động ba 0,3 mét, 0,5 mét, không phẩy…
Những con số trêu ngươi
những con số thống kê vô hồn
1.137 căn nhà dân bị ngập sâu trong nước,
56 nhà bị sập hoàn toàn…
có kể luôn nhà cái Tem không?
cái Tem đang được mẹ dắt băng qua dòng nước xiết
lối nhỏ hôm qua nó lần đầu đến lớp
trường vừa tốc mái
mái trường mới khai trương tháng trước
tháng trước làng tìm không ra giọt nước nay
bị vây mênh mông nước
đi đâu?
Tin buổi tối: trời tiếp tục mưa
đập Phước Trung bị vỡ
hàng loạt thủy điện xả lũ không đúng phép
lũ về đâu?
Đây là điều ít khi “xảy ra” trong thơ Dương Thuấn nói riêng, thơ dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc nói chung. Chúng ta đã từng thấy Jalau Anưk, Tuệ Nguyên với tiếng thơ phản biện xã hội trực diện; đã thấy Trà Vigia cười cay đắng qua thủ pháp giễu nhại hậu hiện đại, tạo nên sự khác biệt cả vực thẳm giữa tiếng thơ của các tác giả Chăm với thơ của các dân tộc thiểu số phía Bắc. Tiếp thu “truyền thống” gần kia, khuôn mặt mới nhất: Kiều Maily tưởng lành, nhưng cũng đã rất khác.
Maily thuộc thế hệ @, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình TP Hồ Chí Minh, có blog riêng, và chơi facebook. Nhưng thơ Maily là loại thơ nội tâm – một nội tâm mới. “Từ bàn phím này”, thi sĩ nói lên tâm trạng riêng và chung. Riêng, nó tinh tế và sâu lắng.
Anh là một vệt sáng buồn
Bước vào đời em làm giông gió
Chung, nó mang tính đại diện. Từ “Hôm nay và ngàn sau”, khi “Bản trường ca bỏ hoang” đã “tìm thấy”, thi sĩ “Đốt cháy lại giấc mơ”:
không thể trì hoãn lần thứ hai lần thứ ba
là thời đại chúng ta
mà tiếng hát vang lên bây giờ hoặc không bao giờ nữa.
Tôi cho đó là giấc mơ và tiếng hát của thế hệ thơ đang đi tới. Nó khác thế hệ thơ của Dương Thuấn, của tôi.
Nhà thơ Inrasara không ca tụng là thơ KM “hay”, “khá”… mà là khác lạ. Tôi thấy nhiều nhà phê bình Việt Nam hay khen chung chung. Anh Inrasara không chung chung. Anh nêu cái khác lạ của thơ KM so với thơ Dương Thuấn, và thơ của các nhà thơ dân tộc thiểu số ở phía Bắc. Sự khác lạ thể hiện ở cách nói, cách nghĩ. KM không khẳng định “bản sắc dân tộc” mà là hoang mang trước thời cuộc, không ngợi ca “nét đẹp văn hóa truyền thống” mà là nhìn trực diện vấn đề. Tuy thế, qua tập thơ không ít lần cái đẹp, cái đáng yêu của quê chị được thể hiện kín đáo.
Chúng ta thường nói cái hay phải đi kèm với cái mới.
Nhà thơ Inrasara thì nhấn mạnh cái hay đi kèm với cái khác, cái lạ. Khác lạ không phải ở đề tài, mà ở cách thể hiện. Anh không khen, mà như khen. Nhà phê bình cao tay là vậy.
Tôi thích nhất 2 câu này:
Anh là vệt sáng buồn
Bước vào đời em làm giông gió…
Tuyệt!
Chà chà chị KM nhà ta lên trang nhất báo văn học duy nhất của thành phố Sài Gòn rồi đây. Sướng nhé! Hiếm có tác giả đầu tay mà được lên trang nhất. Thật sự hãnh diện cho Cham mình lắm đó, chị KM cố lên nha.
Hoan hô chị cái đã, nói sau.
Nói đến thơ “hở” với thơ kín, tôi nhớ Tuệ Nguyên có 2 câu thơ rất độc đáo:
Tôi đang sống cùng thời đại với họ,
nhưng khi họ cứ mải mê dò từng bước để đi thì tôi lại nằm một xó tập bay
Tứ thơ mở, nhưng nó hay ở chỗ bất ngờ, và rất lạ. Còn tôi thấy 2 câu thơ KM rất kín như sau:
Gác trọ Sài Gòn ai hát khúc Thei mai
Hồn người như mộng vỡ.
KM không nói lớn lối là yêu dân tộc, không ca tụng nét đẹp văn hóa truyền thống Chăm, mà chỉ nói về mình. “Khúc Thei mai” từng ăn sâu vào tâm hồn chị, thấm trong máu chị. Giữa Sài Gòn ai đó đã hát lên bất ngờ, nó đánh thức con người chị, làm cả con người chị rúng động.
Đó mới gọi là thơ hay. Kín đáo mà nói được nhiều.