Inrasara: Lo trước 01 – Ghur Anưk Bini

(Chuyên đề Ghur Cham Bini – bài 01)

1-Ghur Girai Neh.2* Ghur Girai Neh Ghur cổ nhất ở Ninh Thuận. Photo Kiều Maily.

Để chỉ quê hương bản quán, người Việt có thành ngữ “Nơi chôn nhau cắt rốn”. Cham thêm yếu tố khác: “Dar thok padok kiak”: [Nơi] chôn nhau, đặt [viên] gạch. “Chôn nhau” cho mảnh tinh túy nhất của thân xác đứa con của Đất kết liên với đất; còn “đặt viên gạch” là biểu trưng tâm linh. Đứa con Cham cần hội đủ hai yếu tố tối thiểu đó mới thành con người, con người gắn liền bền chặt với quê hương.

Cham ở đâu là raup bimong xây tháp ở đó. Nơi nào có làng Cam Ahier thì họ ikak Kut dựng Kut tại đó. Cam Awal có mặt nơi nào là có Ghur ở đó. Biến động cuộc thế, Bimong, Kut, Ghur Cham đã chịu bao nhiêu thân phận. Mãi hôm nay vẫn chưa dứt.

 

Theo kí ức của bà con hôm nay, Ghur Bini (Cam Awal) xa nhất được biết đến là ở Tuy Hòa.

Anh Đạo Dú (sinh 1951) palei Pabblap – Phước Nhơn kể rằng, năm 1964, anh theo cha cùng bà con khoảng 40 người ra tận Tuy Hòa để tabbuic haluk (hay kôic haluk) rước đất về. Lúc đó anh mới 13 tuổi nên không xác định được chính xác Ghur nằm ở đâu, chỉ biết đến đầu cầu sông Đà Rằng, đi thêm về phía mặt trời lặn khoảng tiếng đồng hồ là tới. Anh còn nhớ Tháp Nhạn nằm hướng biển, Ghur ở phía đối diện. Ghur lọt thỏm giữa khoảng rừng thưa với lác đác vài ngôi nhà người Kinh. Đá Ghur không giống các loại đá hiện nay đang dùng ở Ninh Thuận, mà là một khối đá vôi tròn. Bà con làm lễ, tabbuic một nhúm đất về để lập Ghur mới, từ đó Ghur đã thành Ghur hoang.

2-Ghur Girai Neh.1-1

* Ghur Girai Neh mảnh phía núi (2-2013) – Photo Kiều Maily.

2-Ghur Girai Neh.1-2

Ghur Girai Neh mảnh phía núi (7-2013) – Photo Kiều Maily.

Ở Pangdurangga thì khác. Hầu hết Ghur Bini nằm cạnh biển. Ghur Girai Neh ở thôn Khánh Nhơn, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải – Ninh Thuận là tiêu biểu. Tiêu biểu, bởi đây được coi như Ghur cổ nhất (có người cho nó hiện hữu ít nhất cũng ba thế kỉ), tất cả họ hàng 7 làng Cham Bà-ni Ninh Thuận (tajuh halav) đều có liên quan. Nghĩa là 7 làng Cham Bà-ni hiện tại đã từng sinh sống ở đây. Chỉ khi có biến (trong vòng trăm năm trở lại), họ mới dời đi lập palei mới, dựng Ghur mới. Ghur Girai Neh ở lại. Bà con vẫn hành hương mỗi Ramưvan, nhưng Ghur đang chịu tang thương…

Tang thương thế nào?

 

Ghur yav Ram nữa…

Ghi chép “Ấn tượng Ramưvan” tôi viết năm 1993, trích in lại trong Chân dung Cát:

“Ram là palei Chăm Bà-ni nằm cạnh Quốc lộ 1, cách thị xã Phanrang mười cây sô về hướng nam. Đây là làng toàn Chăm sống xen cư làng người Việt từ gần hai trăm năm nay. Thời Tây Sơn, Văn Lâm tọa lạc miền duyên hải xa hơn palei hiện tại khoảng 15 km đường chim bay. Nơi đây còn lưu lại một nghĩa trang cổ đến bây giờ người Chăm theo tín ngưỡng này vẫn còn thờ phụng.

Chuẩn bị cho Ramưvan, người Chăm Bàni làm lễ tảo mộ trước ngày chính thức từ hai đến năm ngày, tuỳ nghĩa trang xa hay gần. Ghur Ram thuộc 4 họ lớn, nằm gỏn lọn trong khoảng rừng thưa, bên là núi Chàbang, bên kia là biển với bãi cát vàng trải dài. Xưa, khu nghĩa trang nằm xích phía biển hơn, cách Sơn Hải làng Việt 800 mét. Khi người Việt qua định cư, dân Văn Lâm dời Ghur lên, để giữ sự thiêng liêng cần thiết một chốn như thế này.

(…) Năm hạn nên không có bụi cỏ nào mọc để phải giẫy. Người ta chỉ dọn mấy lớp lá rừng khô và phả lại mặt cát cho bằng. Lễ bái được thực hiện khá nhanh – chưa đầy 15 phút. Cấp Acar đọc kinh, con cháu quỳ lạy, cầu khấn. Thành kính và lặng lẽ. Nhóm này đứng lên, nhóm khác tiếp. Cứ thế, hơn 50 chi họ 7 làng Chăm Bàni – Ninh Thuận qua lễ. Có làng ở xa đến 30 cây số. Họ đi bằng các phương tiên hiện đại. Không năm nào, không một dòng họ nào bỏ quên ngày trọng đại này. Hãy tưởng tượng 50 năm trở về trước, khoảng cách này, người Chăm đã phải băng rừng với chiếc xe trâu hoặc lội bộ, để tìm về nguồn cội. Nghĩ đến lòng thành kính họ dành cho tổ tiên mình, tôi thầm cảm phục sự kiên trì thầm lặng ràng buộc họ với quá khứ bằng sợi dây vô hình nhưng bền chặt.”

Ghur yav Ram cũng đang tang thương, nhưng tang thương kiểu khác.

 

Gần hơn, Ghur Kadang (còn gọi là Ghur Kađuk) thuộc xã Văn Sơn – TP Phan Rang-TC. Nhớ là, bà con ra Tuy Hòa rước nhúm đất năm ấy, không phải qua Ghur Girai Neh mà là đặt nghĩa trang này. Mãi cuối thập niên 60 của thế kỉ trước, khi người chết không còn chôn ở Ghur Kadang nữa, thì Ghur coi như đã xong “chức năng”. Bà con vẫn qua lễ bái mỗi mùa Ramưvan một ngày, 364 ngày còn lại phó mặc cho Pô Yang. Từ đó bao nhiêu chuyện đau lòng xảy ra với Ghur và quanh Ghur. Rồi mới đây thôi, đã thấy xuất hiện một nấm mộ người Kinh sát cạnh Ghur. Qua nửa thế kỉ mà đã thế, huống chi! Người Bà-ni lại không thói quen rào đất Ghur như bên Cham Bà-la-môn, nên đất Ghur bị lấn chiếm là điều khó tránh. Tranh giành, xung đột… và điều gì nữa xảy ra ngày mai, ai biết được?

Ghur Kadang

* Nấm mộ mới sát Ghur – đâu là đất Ghur, đâu là đất sản xuất?

Hay Ghur Kadang rồi sẽ điêu như Ghur Kađuk ở Hộ Diêm – Hộ Hải nửa thế kỉ trước? Ghur đã bị san bằng một cách không thương tiếc. Trách nhiệm thuộc về cả phía người Chăm!

 

Gần hơn nữa, Ghur Ia Lah của palei Cwah Patih – Thành Tín, thuộc địa phận xã An Hải, huyện Ninh Phước – Ninh Thuận. Ghur nằm cách palei Katuh – Tuấn Tú 2km về hướng Bắc. Xa làng, năm 2008, bà con bàn nhau dời Ghur về cạnh palei hiện tại. Đất Ghur xưa thì mênh mông, nhưng bà con chấp nhận phần của mình chỉ được hơn 1.000m2. Năm sau thôi, qua thăm Ghur, bà con bắt quả tang một gia đình người Kinh đang ủi san bằng đất. Bà con kiện, hộ này nhận mình sai, than nghèo nên chịu 500.000 đồng cho lễ tẩy uế; trong khi chi phí cho lễ này tốn đến trăm lần. Biết thế nào rồi cũng “mất”, bà con đồng ý bán đất tổ tiên, mà muốn bán thì phải hợp thức hóa. Nhưng “trên” bảo không có quy chế cấp sổ đỏ. 20 năm trước, đất Kut họ Gađak ở Chakleng đã có sổ đỏ, sao ở đây thì không? Vậy, đâu là hướng giải quyết?

 

Hoặc Ghur Boh Dang của palei Boh Dang – Phú Nhuận gần làng Vạn Phước (người Kinh) thuộc xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước – Ninh Thuận. Đất Ghur đang bị dân làm nho lấn. Mấy chục khối đá Ghur bị lật lên chất đống. Ai trách nhiệm ngừng hành vi này của kẻ tham? Bà con lập sổ đỏ chưa? Chưa, tại sao không tiến hành? Đã, tại sao không rào lại? Đợi khi không còn viên đá Ghur nào còn tồn tại nữa mới vác đơn đi kiện sao? Hay chỉ biết ngồi mà than thân trách phận?

 

Trở lại với Ghur Girai Neh. Đất Ghur hơn mẫu nằm sát biển. Con đường đi Vĩnh Hi – không biết có từ thời nào – băng qua Ghur cắt đất này ra làm hai. Không sao cả! Chuyện đã “thuộc về lịch sử”. Câu chuyện hôm nay mới đau lòng. Mảnh nhỏ phía núi đang bị nhà dân chèn ép. Một dãy đá Ghur lép vế hoàn toàn giữa ngôi nhà và con đường đang mở. Nó sẽ ra sao?

2-Ghur Girai Neh.1-3

2-Ghur Girai Neh.1-4

* Các khu đá Ghur bị đất cát lấp, làm gì? – Photo Kiều Maily.

Phía biển rộng rinh, nhưng chỉ có 5 khu đá Ghur còn giữ nề nếp và được lễ bái; toàn bộ số đá Ghur còn lại hoàn toàn bị chìm lấp trong cái bụi. Bên thì biển lấn, phía là đường mở, hai mặt là nhà dân với công ty đang hoạt động. Xưa – Cham Bà-ni lại không truyền thống “rào”, nay – ta cũng không quy hoạch quản lí. Hỏi, tiến sĩ Thành Phần bảo đã có sổ đỏ rồi. – Tốt lắm! Nhưng sổ đỏ mà chi, nếu thực tế đang diễn ra hàng ngày, đầy bấp bênh, bất trắc?

Ở đây, trách nhiệm thuộc bà con ta, chứ không còn thuộc chính quyền địa phương nữa. Ta không đau cho tổ tiên ta, thì hỏi ai “cưỡi ngựa” tới xót cho ta?!

Có thể dời Ghur phía núi qua phần đất Ghur bên biển không? Tại sao không thể biến Ghur Girai Neh làm một khu di tích độc đáo nhất của người Cham Bà-ni, để Ghur trở thành mảnh đất hành hương đúng nghĩa mỗi mùa Ramưvan? Cả các ngày lễ lớn khác của dân tộc?

 

*

Vấn đề tranh chấp đất đai đã và đang xảy ra, khắp cả nước, chứ không hạn định vài tỉnh thành nào. Tranh chấp đất tông đường, đất thuộc bộ phận tín ngưỡng cũng có. Riêng với đất đai thuộc sở hữu người Cham liên quan tới tâm linh, thì chưa. Chưa, nhưng vẫn âm ỉ, và có nguy cơ bùng nổ lúc nào không biết. Và khi bùng nổ, các bên chẳng biết đâu mà lường.

Biết trước, lo trước là rất cần thiết. Khổng Tử: “Người quân tử lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”. Bằng cảm quan của thi sĩ, tôi đã nhiều lần “thấy trước” và báo trước. Trong Chân dung Cát (1989-2002), tôi đã thấy trước các tệ nạn trong cộng đồng Cham khi môi trường xã hội mẫu hệ bị phá vỡ, thấy trước hành tung cùng ngôn từ của “Đội ngũ chiến sĩ bảo vệ văn hóa Cham”, thấy trước sinh hoạt của “cộng đồng Cham trên mạng”…

Nhà văn “thấy trước”, tìm hiểu và giải minh giúp mọi người hiểu, chứ không giải quyết vấn đề.

 

Vì lí do đó, ở đây, tôi yêu cầu các mạng [người Cham] khác không nên lấy ý tưởng, chứng cứ và hình ảnh ở bài viết này, chế biến đi, để làm chuyện khác. Có nhiều ý kiến góp bàn về một vấn đề là cần, nhưng từ vấn đề đó bẻ sang hướng khác, thì không nên.

Tại sao?

– Về vụ tranh chấp đất đai liên quan đến 73 hộ dân Phước Nam, sự thể cũng âm ỉ như thế. Chỉ khi xe công vụ đi ngang qua làng Văn Lâm bị chặn (tình cờ, tôi có mặt ở đó), ta mới giải quyết. Quá ư là muộn màng. Tôi có phân tích sự vụ trên Inrasara.com. Và sau mấy lần trao đổi với các cơ quan liên quan, sự việc đã được giải quyết tương đối ổn thỏa. Trong khi đó, một trang mạng khác đã đẩy vấn đề đi xa hơn. Xin không bình luận về việc này.

– Về “Hồ sơ Hồ Trung Tú”, sự thể diễn ra tuần tự: 1. Inrasara nhận bản thảo, đọc và có thư đề nghị chỉnh lại câu kết luận [về sau] gây tranh cãi, 2. Tôi viết bài giới thiệu tác phẩm, nhưng vì lí do kĩ thuật (sau này HTT mới thư cho biết), tác giả không sửa, 3. Tác phẩm in không đăng nguyên văn bài giới thiệu mà chỉ trích đoạn in bìa sau, do đó tôi đăng nguyên văn bài giới thiệu trên web Inrasara.com, 4. Cuộc thảo luận mở ra với nhiều ý kiến khác nhau, rốt cùng trong một “phản hồi” trên chính mạng Inrasara.com này, HTT hứa với độc giả Cham là sẽ sửa khi tái bản, 5. Và anh đã giữ đúng lời hứa. Câu chuyện kéo dài suốt hai năm. Vậy mà tôi nghe có người cho biết một tác giả đã “kể công” ở đâu đó là nhờ anh ta phê bình, HTT mới chấp nhận mình sai và chịu sửa.

 

Ôn lại hai chuyện trên, tôi muốn nhấn về vấn đề đất Ghur: Cuộc trao đổi chỉ nên khoanh vùng một vấn đề duy nhất, mà không nên đẩy nó về hướng nào khác bất kì. Chuyện sau là, nhà văn không “kể công” về giải quyết vấn đề nào đó, bởi đó không phải nhiệm vụ của hắn. Tài năng của hắn chỉ được thể hiện trọn vẹn, khi hắn biết nhìn ra vấn đề, cảnh báo  và giải minh để độc giả nhận biết vấn đề, còn giải quyết và giải quyết tới đâu và hiệu quả ra sao thì không còn thuộc về hắn.

 

Chakleng, 11-7-2013

8 thoughts on “Inrasara: Lo trước 01 – Ghur Anưk Bini

  1. Theo như nhà văn Inrasara thì trách nhiệm thuộc về người Chăm là chính. Bởi vì con khóc mẹ mới cho bú. Nếu mà ta không nhiệt tình làm thì bỏ bê Ghur cho may rủi. Khi ta nhiệt tình mà chính quyền không cho, thì ta mới đổ lỗi cho chính quyền. Ta phải công bằng nhận định đúng sai, đừng vội đổ lỗi cho người Yuon.
    Con người ai cũng tham, người Chăm cũng tham. Nếu ta không rào lại đất ghur thì không người này thì người khác lấn, lâu dần ta mất đất tổ tông. Tôi lấy thí dụ Ghur làng Thành Tín, ta phải làm sổ đỏ ngay. Cấp này bảo không trách nhiệm thì ta xin cấp cao hơn. Còn ai nói không cấp ta phải cho biết.
    Ghur làng của ông Tỷ đã có sổ đỏ rồi, sao không rào lại mà để bỏ hoang? Rôi sau này có bị lấn thì ta lại kêu!
    Tôi nghe kể Ghur làng của Amư Nhân, tại sao để cho đất Ghur bị lấn mà không ai kêu? Làng không có trí thức à? Amư Nhân không phải là trí thức sao? Còn đợi nhà văn Inrasara kêu hoài thì tội cho nhà văn lắm.

  2. Việc này ai cũng thấy, tui cũng thấy luôn. Nhưng cei Sara nhìn quán xuyến và thấu đáo hơn. Cei Sara đã đánh động rồi. Bà con không lo trước thì đến lúc mất hối không kịp đâu. Làm sổ đỏ rồi sẵn cây xương rồng rào là xong thôi mà, có chi mà khó. Xương rồng mọc nhanh lắm. Chuyện này chả có gì phạm chính trị mà sợ.

  3. Tui xét thấy bạn nhanhlanrung nói:
    – Thứ nhất là, bàn lạc đề rồi.
    – Thứ hai nữa, bạn viết tên Trà Vigia 2 lần sai, nghĩa là bạn mới nghe mà chưa đọc nhà văn này.
    – Bạn cũng mới nghe là “thu hồi” chứ chưa có chứng cớ gì cả!
    Mà sao chuyện gì cũng cậy đến cei Sara thế???

    * BBT:
    Bạn đọc nên tập trung vào đề tài đang bàn: vấn đề đất Ghur và Phiên âm cho 5.000 Từ Việt – Chăm thông dụng.
    Karun!

  4. Vấn đề thực tế như đất đa tổ tiên ông bà là ghur vậy mà ta không bàn, hỏi ta còn bàn gì nữa. Trong lúc chuyện rất vớ vẩn chả đáng như lời giới thiệu của ông Amasaty nào đó ta lại đi xúm nhau bàn. Lẽ nào ta chỉ quan tâm đến chuyện cải vã nhau thôi, mà không có tính xây dựng. Không uổng công nhà văn Inrasara sao?!
    Tội cho người Chăm lắm.
    Thân ái

  5. I would like to thank you for the efforts you have put in writing this blog…
    Tôi cho đây là bài viết sắc sảo. Bỏ qua vài câu khích tướng (ông Nguyễn hay mắc phải), đây là gợi ý hay để ta thảo luận.
    Ông Nguyễn gợi ý rất cụ thể. Đó là điều cần lắm cho trí thức Chăm chú ý.
    Thanks!

  6. Nếu trong trường hợp anh Insara đứng ra vận động thành lập quỹ bảo vệ Ghur như thể để bảo vệ di sản tinh thần và văn hóa Chăm, thì tôi tin chắc rằng, con cháu hậu duệ Chăm hải ngoại và quốc nội nhiều người sẽ vô tư cùng chung tay đóng góp nguồn tài chánh cho quỹ này.

  7. Khu đất ghur dara anaih và ghur kaduk là nơi an nghỉ của tổ tiên 3 làng Chăm Bà Ni đó là An nhơn, Phước Nhơn, Lương Tri, khu đất này không thuộc quyền sở hữu của làng nào, dòng họ và cá nhân nào. Việc một số người có ý định đòi nhà nước bồi thường di dời liệu có thuận buồn xuôi gió không, Đây là di tích cổ cần phải bảo tồn và gìn giữ. Hay nhất chúng ta phải làm thủ tục để chính quyền sở tại cấp được sổ đỏ và quyên góp tiền để xây tường rào bảo vệ. Hàng năm dịp Ramưwan bà con người Chăm Bà Ni các làng đi tạo mộ chung có ý nghĩa và mang tính chất lịch sử nhân văn hơn.
    Rất mong bà con Chăm vì mảnh đất liêng thiên của tổ tiên ông bà chúng ta chung sức quyên góp tiền bạc để xây tường rào bảo vệ khu đất này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *