Inrasara: “Làm lại từ dấu chân của người đi trước”

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy thực hiện

Bee.net.vn, 24-9-2011

Nguyên Ngọc:  “Inrasara công phu và kiên trì xoi một lối đi khác: văn học Chăm, từ văn học dân gian đến văn học viết Champa, từ cổ đến cận đại và hiện đại, và đến nay đã phơi lộ được một kho tàng khổng lồ hết sức quý. Kho tàng ấy lại được soi rọi trong phân tích và giải mã dưới ánh sáng của những lý thuyết hiện đại và cả hậu hiện đại mà anh luôn tự trang bị cập nhật cho mình“.

* Photo Inrajaya.

Di sản văn học viết Chăm phong phú

PV. Trước đây năm 1994, anh đã ra cuốn Văn học Chăm I – khái luận. Vậy cuốn sách Văn học Chăm khái luận lần này có gì khác so với cuốn trước?

Inrasara: Không khác. Văn học Chăm khái luận là “tái bản” công trình đã in trước đó 17 năm. Tôi chủ trương giữ nguyên, chỉ sửa chữa, thêm bớt các chi tiết thật quan yếu. Thêm vào đó, các bài viết phản ánh tương đối đầy đủ thành tựu về nghiên cứu và sáng tác văn chương Chăm thời gian qua của tôi được đưa vào phần “Phụ lục”, gồm: “Để hiểu văn chương Chăm”, “Văn học Chăm hiện đại”, “Nhập cuộc về hướng mở – sáng tác văn chương Chăm hiện đại” và nhất là ghi nhận về bước tiến của đặc san Tagalau: “Tagalau qua 10 kì phiêu lãng”.

Chính phần phụ lục này vẽ nên bộ mặt sống động của sinh hoạt văn học Chăm đương đại trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

 

PV. Không ai có thể phủ nhận thành tựu rực rỡ của nền điêu khắc, kiến trúc Champa. Thế còn thành tựu văn học của người Chăm thì sao? Những đặc điểm nổi bật của văn học Chăm là gì?

Inrasara: Chính vẻ rực rỡ của kiến trúc và điêu khắc đã che khuất phần chìm của nền văn hóa – văn minh Chăm, trong đó có văn chương. Vả lại, trước khi bộ ba tập Văn học Chăm I, Khái luận – văn tuyển của Inrasara ra đời (1994-1996), văn bản văn học Chăm chưa được biết nhiều. Thập niên 70 của thế kỉ trước, có thể kể các học giả có đóng góp lớn như Thiên Sanh Cảnh, G. Moussay với các sưu tầm, dịch thuật và công bố văn bản văn chương Chăm. Các thành tựu bước đầu ấy đã kích thích tôi tiếp bước. Và khi bộ Văn học Chăm xuất hiện, nó tạo nên một sự chú ý đáng kể của dư luận.

Về văn chương Chăm, có thể chia làm hai mảng. Bên cạnh văn học dân gian gồm đủ thể loại, tổ tiên Chăm đã để lại di sản văn học viết khá phong phú và đặc sắc.

Ngoài văn bia kí, người Chăm đã có 5 sử thi. Nhưng không giống với sử thi của các dân tộc Tây Nguyên, sử thi Chăm đã được văn bản hóa từ thế kỉ XVI-XVII. Người Chăm cũng có 5 trường ca trữ tình, hơn chục trường ca thế sự, 2 trường ca triết lí, 3 gia huấn ca cùng hàng trăm bài tụng ca được các ông Mưdwơn, Kadhar hát trong các dịp lễ hội dân gian khác.

 

Hóa ra ông ngoại tôi là tác giả một trường ca khá nổi tiếng!

PV. Anh đã làm thế nào để sưu tầm tư liệu, khi mà kỹ thuật in ấn xuất bản của người Chăm không có?

Inrasara: Ngày xưa ông bà Chăm chép sách trên lá buông, giấy bản Tàu. Đến thời Pháp thuộc thì chép trên giấy xi măng, sau đó họ chép trên đủ loại giấy hiện đại, thậm chí cả vở học sinh.

4 thập kỉ trở về trước, không người đàn ông Chăm nào mù chữ mẹ đẻ, đó là điều lạ. Người Chăm lại là dân mê văn chương nên hầu như không có gia đình nào là không sở hữu ít nhiều văn bản sử thi hay trường ca của cổ nhân.

Nghề chép sách trong dân cũng thịnh hành. Và rất được trân trọng. Ví như muốn sở hữu sử thi Akayet Dewa Mưno chưa tới 500 cặp lục bát Chăm, họ phải chở đến nhà người chép sách cả một xe thóc – tương đương một tấn!

Tôi lang thang vào nhiều nhà trong các làng Chăm thuộc nhiều khu vực khác nhau, mượn sách về chép. Cặm cụi như thế suốt hai năm, hiện tôi sở hữu được hầu hết các văn bản văn chương dân tộc.

 

PV. Trong hành trình ròng rã tìm kiếm tư liệu của mình, hẳn anh đã gặp câu chuyện hay và bất ngờ ?

 Inrasara: Hành trình 20 năm đi, tìm, chép và đọc – bao nhiêu kỉ niệm thú vị lẫn đau buồn lẫn lộn. Điều bất ngờ nhất với tôi là có một gia đình nọ sở hữu tất cả vốn quý của văn học cổ điển Chăm. Chữ ông cụ lại rất chân phương, dễ đọc. Tôi chỉ cần đến đó, và chép. Mấy trăm chuyến đi khác chỉ với mục đích tìm bản khác đối chiếu dị bản. Nhưng đau buồn hơn cả là chính gia đình đó, bởi con cháu không ai nối nghiệp ông cha. Sách cả tháng không ai đọc là “sách hoang”, mà người Chăm gọi là akhar bhaw rất tai hại cho kẻ cất giữ chúng. Người trong nhà bị bệnh cũng đổ tại sách, tai nan xe cộ cũng do sách. Thế là chỉ cần vài lễ vật đơn sơ, toàn bộ công lao của cha ông được làm lễ thả xuống dòng sông trôi về với cát bụi.

Điều thú vị khác là mãi khi in bộ sách, tôi mới khám phá thêm một tác phẩm văn chương khác khá nổi tiếng là Ariya Rideh Apwei “Trường ca Xe Lửa”, kể lại cuộc di dời của một làng Chăm – làng cha đẻ của tôi. Ngạc nhiên không kém là tác giả của trường ca ấy chính là ông ngoại tôi (bên Việt là ông nội). Đấy, kho báu ở trong nhà mà mình bỏ quên là vậy.

 

Người Chăm nồng nhiệt với sách

 PV. Người Chăm bây giờ là một dân tộc thiểu số của Việt Nam, và trong bối cảnh cuộc sống hiện đại thì văn học Chăm có phát triển không, và phát triển thế nào?

 Inrasara: Sau khi đất nước thống nhất, sinh hoạt văn học Chăm gần như tắt ngấm. Sáng tác tiếng Việt – không, tiếng Chăm – cũng không. Tất cả lao vào tìm sinh nhai, sống qua ngày.

Đến khi tập thơ đầu tay của tôi Tháp nắng đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1997, mọi người mới nhận ra rằng người Chăm vẫn còn hứng thú với sáng tác văn chương! Tác phẩm và Giải thưởng phần nào kích thích vài cây bút cũ viết trở lại, các khuôn mặt mới bắt đầu nhập cuộc.

Nhưng có thể nói, mãi khi đặc san Tagalau – tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu văn hóa Chăm ra đời vào Katê năm 2000, phong trào sáng tác văn học Chăm mới phát triển, và phát triển mạnh.

Hơn 10 năm có mặt, đặc san đã giới thiệu hàng trăm cây bút mới, trong đó có tác giả đã cho ra mắt tác phẩm vừa thơ vừa văn xuôi: Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, Trà Vigia, Chế Mỹ Lan, Trà Ma Hani, Phú Đạm, Trượng Chóng…

 

PV. Sách của anh có được người Chăm đọc không? Cụ thể là những giới/ nhóm nào? Nó có phải đối mặt với mâu thuẫn khắc nghiệt của thời hiện đại, là sách viết về người dân tộc thiểu số nhưng họ không tiếp cận/ tiếp nhận, chủ yếu để lưu vào kho?

 Inrasara: Với người Chăm thì hoàn toàn khác. Ngoài đặc san Tagalau in và phát hành trong cộng đồng là chính, các sáng tác của tôi cũng được bà con, anh chị em đón nhận nồng nhiệt không kém. Họ thuộc đủ giới, mọi lứa tuổi. Họ đọc và tham gia thảo luận trên các website do anh chị em Chăm lập nên. Nhu cầu đọc không dừng lại ở tác giả thuộc cộng đồng, mà còn vươn ra đến các hiện tượng văn học trong cả nước nữa.

Do đó, năm 2009 ngay ở quê nhà, tôi đã lập nên Tủ sách Inra nằm trong khuôn viên Nhà bảo tàng Văn hóa Chăm Inrahani tại Caklaing – Ninh Thuận. Ngày qua ngày, Tủ sách đã thu hút không ít người đọc đến với nó.

 

PV. Hiện những di sản văn học Chăm anh nói bên trên đã được in ra hết chưa? Nếu chưa thì có lẽ anh và những người có cùng mối quan tâm chắc còn nhiều việc để làm?

 Inrasara: Văn học Chăm I, Khái luận – văn tuyển chỉ như một nền móng bước đầu. Từ năm 2006, tôi bắt tay vào xây dựng Tủ sách văn học Chăm 10 tập khoảng 5.000 trang. Bản thảo cũng đã hoàn tất. Đến nay đã in 5 tập: Văn học Chăm I, Khái luận, Trường ca Chăm, Sử thi Chăm, Văn học dân gian Chăm – Ca dao – Đồng dao – Tục ngữ – Câu đốVăn học Chăm hiện đại, Thơ. 5 tập còn lại sẽ tuần tự xuất bản, khi có điều kiện.

Vẫn còn nhiều việc lắm. Nghiên cứu khoa học mà, luôn cần bổ khuyết và chỉnh sửa, luôn luôn và liên tục làm lại từ dấu chân của người đi trước.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *