Trong những thập niên đầu của thế kỉ XXI, nghiên cứu về văn hoá-xã hội Chăm của các tác giả người Chăm xuất hiện ngày càng nhiều và đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Điển hình như Ts. Bá Trung Phụ với công trình Hôn nhân và gia đình người Chăm ở Việt Nam, Ts. Phú Văn Hẳn với công trình Đời sống văn hoá-xã hội người Chăm thành phố Hồ Chí Minh (2005), Pgs.Ts. Thành Phần với công trình Danh mục thư tịch Chăm ở Việt Nam (2007), Inrasara với tác phẩm Văn học Chăm khái luận (2011), Sử Văn Ngọc và Sử Thị Gia Trang với công trình Các bài kinh về tục tang ma người Chăm Ahiêr (2012) v.v. Bên cạnh đó, còn có tuyển tập Tagalau được ấn hành hằng năm quy tụ nhiều tác giả ở nhiều vùng miền trong cả nước.
Tiếp nối những thành tựu nghiên cứu về văn hoá Chăm, tác giả Sakaya tiếp tục công bố công trình nghiên cứu mới mang tên Tiếp cận một số vấn đề văn hoá Champa do Nhà xuất bản Tri thức ấn hành vào năm 2013. Nội dung chính của tác phẩm gồm có 814 trang, được chia làm 8 chương, in khổ 16×24, bìa sách màu vàng sọc xanh viết bằng 3 ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Chăm và tiếng Anh cùng với hình ảnh bức phù điêu gương mặt thần Siva.
Để hoàn thành công trình nghiên cứu này, tác giả đã bỏ ra hơn 20 năm đi nghiên cứu, sưu tầm tư liệu ở trong nước và nước ngoài. Sự đồ sộ của tác phẩm, phong phú về nguồn tư liệu được trình bày có tính hệ thống, cho thấy tác giả đã có quá trình làm việc miệt mài, nghiêm túc và khoa học. Tác giả đã nhận diện văn hoá Chăm từ bên trong ra bên ngoài với tư cách là chủ nhân của nền văn hoá. Đồng thời, đặt không gian văn hoá Chăm trong mối liên hệ với khu vực, các quốc gia ảnh hưởng nền văn minh Ấn Độ và rộng hơn là cả Châu Á. Đây là hướng nghiên cứu mới mà trước đó ít có tác giả quan tâm và chú ý đến khi nghiên cứu về người Chăm. Công trình Tiếp cận một số vấn đề văn hoá Champa đưa người đọc đi từ miền đất Panduranga, kinh qua miền Trung lên Cao Nguyên ra tận thế giới biển đảo ở Đông Nam Châu Á, là nơi phát sinh và lan toả không gian văn hoá Champa.
1. Trên miền đất Panduranga.
Tác giả Sakaya, đã tiếp cận với di tích, di vật văn hoá khảo cổ học ở Ninh Thuận như tục thờ Linga-Yoni, hiện trạng các văn khắc trên đá và vấn đề bảo tồn, phù điêu tượng thờ trong đền tháp Po Ramé, tượng công chúa Ngọc Khoa, những vết tích phật giáo Champa ở các ngôi chùa người Việt cho đến hình tượng Siva giáo qua tục thờ Kut của người Chăm. Song song với văn hoá vật chất, tác giả tập trung nhiều vào những giá trị văn hoá tinh thần để tiếp cận với sinh hoạt tín ngưỡng-tôn giáo, những phong tục và lễ hội truyền thống, văn học và nghệ thuật trình diễn của người Chăm. Cuối cùng, là những ngành nghề thủ công đang mang lại danh tiếng và kinh tế cho người Chăm ở làng nghề Bàu Trúc và Mỹ Nghiệp.
2. Trên mảnh đất miền Trung và Cao Nguyên.
Tác giả đã tiếp cận với văn hoá Chăm trong một không gian rộng lớn hơn qua sự giao lưu và tiếp biến văn hoá. Bản sắc văn hoá Chăm, được tìm thấy ở đất Huế qua Di tích Lăng thờ Minh Mạng, ở xứ Quảng Nam qua Lễ hội bà Thu Bồn. Đặc biệt, là miền sơn cước ở tỉnh Lâm Đồng qua Di tích thánh địa Cát Tiên. Về vấn đề quan hệ tộc người giữa Chăm và Churu có nhiều nét tương đồng trong kỹ thuật làm nhẫn và gốm truyền thống.
3. Thế giới biển đảo ở Đông Nam Châu Á.
Tác giả đã tiếp cận với văn hoá Chăm ở ngoài lãnh thổ Champa trong mối quan hệ với các quốc gia biển đảo ảnh hưởng nền văn minh Ấn Độ và cả Châu Á. Như mối quan hệ văn hoá giữa Champa với Nhật Bản về âm nhạc và gốm. Mối quan hệ giữa Champa với Thailand và Cambodia trong lịch sử qua sự hiện diện của người Chăm tại các quốc gia này. Đặc biệt, là mối quan hệ giữa Champa và thế giới Mã Lai qua lễ hội Raja Praong và Mak Yaong.
Cuối cùng, tác giả đưa ra vấn đề chính sách của Nhà nước đối với người Chăm và kết quả của việc thực thi các chính sách đó mang lại. Thông qua tác phẩm của mình, tác giả Sakaya cũng đã nói lên nhiều điều suy nghĩ trong công tác nghiên cứu, sưu tầm và giới thiệu văn hoá Chăm ở Việt Nam hiện nay.
Tóm lại, bằng những phương pháp nghiên cứu nhân học như điền dã, điều tra, quan sát tham dự, miêu tả và sưu tầm tư liệu. Tác giả Sakaya đã tiếp cận với văn hoá Chăm trên nhiều lĩnh vực của văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần. Tác giả không đóng khung văn hoá đứng một cách biệt lập mà đã có cái nhìn mở rộng, đặt không gian văn hoá Chăm trong mối liên hệ với các quốc gia trong khu vực. Từ đó, có những khám phá mới đóng góp vào thành tựu nghiên cứu về Champa học trên thế giới./.