Inrasara: Nhà văn & nỗi sợ

Sợ làm nên cộng đồng người, làm nên văn hóa và văn minh…

2013-NVHLaodong.4

Sợ dã thú, con người hợp quần để tạo sức mạnh, các bộ lạc ra đời. Sợ bộ lạc khác, con người tạo lập cộng đồng có tổ chức mạnh mẽ hơn để tránh bị tiêu diệt, nền văn hóa xuất hiện. Sợ sức mạnh siêu nhiên chưa thể lí giải, [theo Marxist] con người tạo ra tôn giáo. Vân vân… Thế nhưng, ngoài óc thực tế, loài người còn được ban cho trí tưởng tượng. Bên cạnh ổn định cuộc sống vật chất và đảm bảo an ninh thân xác, con người muốn làm giàu sang đời sống tinh thần của mình. Một khi sử dụng đến trí tưởng tượng ấy, tinh thần phiêu lưu được huy động tối đa vào cuộc. Từ đó, sự dũng cảm – không phải là dũng cảm của tự vệ, mà là cái dũng của sáng tạo – có đất sống.

Để thỏa mãn trí tưởng tượng cùng tinh thần phiêu lưu kia, kẻ thám hiểm, đạo sĩ cô đơn, nhà tư tưởng, nhà văn… ra đời. Dĩ nhiên, nếu là nhà văn, phải là nhà văn lớn. Sợ hãi và dũng cảm song hành tồn tại trong suốt lịch sử nhân loại. Cả ở phạm vi cá biệt nhất: văn chương.

 

1. Hắn bị ném vào thế giới ngôn ngữ đó trong cộng đồng văn học đó. Ở đó, cộng đồng lớn nhất là Hội Nhà văn Việt Nam, tiếp đến là các chi hội địa phương, rồi bạt ngàn câu lạc bộ thơ văn các loại rải rác khắp đất nước. Hắn sống trong đó, thở hơi thở bầu khí quyển nền văn học đó. Không thể khác. Để tồn tại, hắn phải phấn đấu vào tập thể đó, gò mình chấp nhận vài khế ước cộng đồng. Hắn cần đút túi tấm thẻ Hội Nhà văn, để được cộng đồng hay ít nhất – tập thể kia gọi là “nhà thơ”, “nhà văn”. Sợ không là gì cả, không ai biết đến sự tồn tại của mình, hắn cần đồng hóa với một tập thể lớn hơn. Như kẻ hâm mộ tự đồng hóa với thần tượng, Zidane hay Micheal Jackson. Như công dân đồng hóa với quốc gia, tôi người Mỹ, mà Mỹ thì oách hơn Maroc là hẳn rồi.

Trước tập thể to lớn kia, hắn sợ đứng một mình. Hắn sợ cô đơn – cô đơn như là định phận của nhà văn.

Viết, hắn không những bị chi phối bởi tập thể chuyên môn, mà còn vì một tập thể khác lớn hơn mà sinh phận hắn gắn vào: nghề nghiệp (giáo chức chẳng hạn), dòng tộc, hay cơ chế chính trị của quốc gia hắn sống. Viết, mắt hắn luôn dè chừng lắm lét nhìn trước ngó sau, xem sinh viên hắn nghĩ sao khi đọc đến trang viết lạ lẫm này, bà con họ hàng phản ứng thế nào trước câu thơ táo bạo kia. Rồi đoạn văn nhạy cảm nọ có bị dao kéo kiểm duyệt của chế độ cắt xén không? Dù một mình trước trang giấy, hắn vẫn không cô đơn. Hắn sợ. Sợ tác phẩm không được in, nếu in thì bị dư luận phê phán, hay lớn hơn – bị thu hồi. Sợ, hắn tự kiểm duyệt, sao cho vừa vặn với tầm mong đợi của số đông, của thứ mĩ học đang lưu hành được cộng đồng chấp nhận.

Chịu chan hòa với đồng nghiệp, chịu tự kiểm duyệt nhưng hắn vẫn bị nỗi sợ hãi ám. Bao nhiêu là sợ hãi, như loài ma, không thoát ra được. Sợ dư luận hờ hững, hắn cần đến buổi ra mắt sách, cần đến báo chí giới thiệu. Sợ bị nhà phê bình chê, hắn xun xoe đủ kiểu để tránh làm nhà này mất lòng. Sợ bị hiểu sai, bị chụp mũ, hắn thêm tâm lí định hướng dư luận. Ý tôi thế đó, đoạn văn trên nghĩa thế này, xin đừng hiểu lầm tôi… Dòng chữ cuối cùng đã kết, cuốn sách đã ra khỏi nhà in, hắn vẫn chưa thôi nơm nớp lo sợ. Hắn không chịu để chính tác phẩm tự vệ, mà luôn ngoảnh lại để bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình. Nhà văn nói thay tác phẩm, là điều nhảm nhất trong tất cả điều nhảm diễn ra trong sinh hoạt văn học Việt Nam, thời gian qua.

Cuối cùng, sợ tác phẩm chết trước khi tác giả qua đời, là nỗi sợ lớn nhất của hắn. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tên tuổi hắn cùng lắm chỉ nằm ở góc khuất trong Kỉ yếu của Hội ở mỗi mùa Đại hội. Có khi nó chỉ có mặt mơ hồ đâu đó nơi dấu ba chấm (…), rất tội. Viết, hắn hi vọng để lại dấu ấn hoành tráng hơn, trong văn học sử. Nạn chạy hội thảo, nạn tự làm tuyển tập dăm năm qua trong văn giới như một thứ dịch, là rất điển hình. Một điển hình nhảm của nền văn học nước nhà. Lo lắng văn chương mình bị thời gian gặm nhắm, hắn hối hả gom tất cả trang viết qua vài chục năm sáng tác, “gạn đục khơi trong”, để làm tuyển. Lắm lúc “tinh tuyển”. Tinh tuyển có khi lên tới… mấy trăm trang! Các bài báo viết vội, bài giới thiệu sách khen lấy được, mấy phát biểu cảm tưởng vu vơ, vân vân… cũng được thu gom về làm tuyển. Làm, và chạy biếu thư viện từ trung ương đến địa phương, lớn nhỏ chẳng chừa. Tuyển, để không ai đọc cả. Thương!

 

2. Từ bao nỗi sợ kia, nhà văn – dù được liệt vào nòi sáng tạo, vẫn thích đi trên con đường mòn. Sợ đi lệch lối mòn các bậc văn hào thi bá đã đi, sợ khác truyền thống, sợ khác cả người viết cùng thời. Nhưng sáng tạo là gì, nếu không phải là thả cho trí tưởng tượng bay bổng, khai phá xứ miền xa lạ để làm ra cái mới. Ý thức được sứ mệnh cao cả này, không ít nhà văn đã thử nhập vào phong trào cách tân. Họ đã dám làm khác thế hệ đi trước, khác đàn anh đàn chị hôm qua, thế rồi bởi rất nhiều nguyên do, họ không dám chặt đứt cây cầu vừa bước qua, để còn cơ may trở lại. Họ vẫn ở lại, ở lại để giống nhau. Giống người viết cùng thời. Xuất phát điểm vẫn là do sợ hãi, sợ cô đơn. Sợ rơi lạc khỏi bầy đàn.

Làm thế nào nhà văn Việt Nam hôm nay có thể thoát khỏi bóng ma sợ hãi kia?

Mở mắt chào đời, hắn nhìn thấy cha mẹ, anh chị, thấy cô bác, anh họ chị họ, ông bà họ nội ngoại, dì dượng gần xa, vô thiên lủng… Chớ gì ai dại dột đi phản đối truyền thống đùm bọc ấm áp đó. Nhưng lạ là dường tất cả sẵn sàng chỉ tay khuơ khoắng nên thế này với không được thế nọ đầy quyền uy, đe nạt. Nề nếp gia phong luôn được đặt lên hàng đầu, trói buộc tiềm năng sáng tạo của cá nhân. Truyền thống gia đình Việt Nam dạy con cháu yêu quý sự ổn định hơn là đam mê tinh thần mạo hiểm khai phá. Từ đó, cá nhân sớm hài lòng với thành quả nhỏ bé đạt được, chứ không nỗ lực theo đuổi mục đích to lớn hơn.

Gia đình đã vậy, nhà trường cũng chẳng hơn. Thực tế, môn triết học – được cho là môn học nền tảng của mọi nền tảng giúp con người suy nghiệm cuộc sống chiều sâu – đến hôm nay vẫn chưa có mặt nghiêm túc trong các Đại học Việt Nam. Không có truyền thống triết học, ta cũng chưa sẵn sàng cho truyền thống đó. Ngồi giảng đường, sinh viên không được khuyến khích suy tư độc lập, thì làm gì hi vọng sau đó họ phát kiến ý tưởng mới lạ, liều lĩnh khai phá lối viết mới mẻ, dám thể hiện mình (không phải thể hiện cái tôi chủ quan èo uột hay lớn lối như đã) mà không ngại thất bại. Còn xã hội mênh mông ngoài kia thì miễn bàn. Bởi xã hội là gì, nếu không là các cá nhân họp lại?

Bao nhiêu là nỗi sợ hãi vây bủa nhà văn. Dưới hay trên, ngoài và trong, xa và gần! Sợ bị soi mói, bị chụp mũ. Sợ cho mình, sợ cho nhau và sợ nhau, nên người viết rất sợ mình viết không giống ai. Vừa viết, ta vừa liếc sang kẻ bên cạnh. Ta sợ đi một mình. Là nỗi chưa đủ cô đơn cho sáng tạo. Cô đơn đầu tiên và cuối cùng. Sự cô đơn cần thiết để tạo nên tác phẩm lạ biệt.

Chưa đủ cô đơn trong giai đoạn đầu tư thai nghén. Nhà văn bị cuốn vào cuồng lưu hội hè đình đám, hội thảo chòm nhóm. Văn chương chưa ra trường phái đã biến thành phe phái. Chưa đủ cô đơn khi đối diện với trang giấy/ màn hình trắng. Bao nhiêu bóng ma u ám, giọng nói mơ hồ lởn vởn trong ta, quanh ta, sẵn sàng đe dọa thân xác ta, uy hiếp tinh thần ta. Nó lên tiếng thì thầm vào tai hay trừng mắt răn đe, riết rồi ta lơi tay hay bẻ cong ngòi bút lúc nào không biết. Chưa đủ cô đơn cả lúc tác phẩm đã sinh hạ. Ta dỏng tai nghe ngóng dư luận về nó, rằng nó có vấn đề gì không, các nhà phê bình có để mắt đến nó và, tệ hơn cả là ta mãi tư thế đứng ra bảo vệ nó khi nó bị chê bai.

Bấy lâu, nhà văn Việt Nam luôn là con người của số đông. Số đông trong giới văn nghệ, số đông giữa người đọc và, số đông cả khi chỉ ngồi một mình, cô độc! Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, nhà văn không dám sống tới cùng tư tưởng chọn lựa, không dám viết tới cùng, và nhất là không dám theo đuổi đến cùng dự án lớn lao không giống ai của mình [nếu hắn may mắn nghĩ ra được và hoạch định trước đó]. Mà đã sợ hãi, thì làm gì có sáng tạo đúng nghĩa!

 

3. Thế nhưng, đâu đây vẫn có kẻ chinh phục được nỗi sợ, dám tách đàn để làm cuộc đi cô độc. Vẫn có nhà văn viết mà không hề bị ám ảnh bởi bóng ma kiểm duyệt nào bất kì. Vẫn còn tên tuổi dám thách thức tầm mong đợi của độc giả, mà không sợ thất bại.

Triết học hiện sinh đặt nền tảng trên cảm thức xao xuyến angoisse. Con người bị ném vào thế giới, rùng mình khi ý thức sinh phận nhỏ bé đầy hữu hạn trước vũ trụ vô cùng. Nỗi sợ hãi căn nguyên vồ chụp lấy hắn. Hắn chạy tìm chỗ bấu víu, cố vùng vẫy, vẫn không thoát ra được. Cảm thức kia luôn trở lại và ở lại. Đức Phật cho rằng chỉ khi con người ý thức sâu thẳm nỗi sợ căn nguyên kia, sống với nó và chinh phục nó, con người mới tìm được chân hạnh phúc.

Con của loài người không có đất gối đầu, nên cần đến bàn tay an ủi vỗ về – ai nói thế? Lạ, nhà văn lại là loài, hay đúng hơn là kẻ tự nguyện chọn vô sở trú trên bước đường cô độc và bất trắc của sáng tạo. Tiếp nhận truyền thống, sở hữu ngôn ngữ dân tộc, là thành viên của Hội đủ loại… nhưng hắn phải cô đơn toàn phần khi đối mặt với trang viết. Đó chính là khoảng trắng của sáng tạo, là quê hương thân yêu của hắn. Khoảng trắng đầy bóng tối, nguy cơ làm hắn run rẩy, chùn bước. Chính tại đây – như Đức Phật đòi hỏi kẻ tu hành vô bố úy trước cái KHÔNG – nhà văn cũng tự giữ tâm trí không nao núng, không sợ hãi trước khoảng trắng này.

Vậy, làm thế nào một nhà văn có thể trụ vững, mà không thối chuyển? Không gì khác! Hắn hiểu mệnh, nhận mệnh và, yêu mệnh. Yêu mệnh Amor Fati theo nghĩa mạnh mẽ nhất của từ.

Nhà văn là kẻ sống thời đại mình, phơi trần toàn bộ con người mình ra với nó – trọn vẹn. Trong lúc thời cuộc ẩn chứa đầy rẫy tai ương rình rập. Sợ hãi, hắn đã từng đui điếc trước thời cuộc, chui vào vỏ sò cô độc, viết vọng ra. Không ít kẻ chạy thoát thân, như đám chuột vội vã rời bỏ con tàu sắp đắm; rồi khi đã yên ấm, từ ngoài viết vào, như thể một cách ban bố. Số khác chọn cho mình quyền vô trách nhiệm với cuộc sống nhân quần, sống chết mặc bây… Có thể không? Khi tất cả đã bị đẩy xuống tàu, con tàu thời đại. Nhà văn không thể chọn lựa, dù hắn biết con tàu hôi rình và, trong đó bao nhiêu là kẻ thô bạo, sẵn sàng quăng ném hắn xuống biển đen.

Thức nhận định phận, nhà văn học chấp nhận cư trú trên đường biên nhiều bấp bênh bất trắc, chịu sự co kéo giằng xé giữa miếng bánh béo bở của quyền lực và sự cô đơn bần hàn của sáng tạo. Hắn không sợ cô đơn, không sợ cô độc, cả không hãi cô lập. Hắn hiểu sâu thẳm rằng sinh phận của hắn là trở về với trang viết, cô đơn trước trang viết, một cô đơn toàn phần. Nỗi cô đơn không ai có thể lấy đi của hắn. Là giấc mộng của hắn. Hắn yêu nó như là quê hương mình, ngôi nhà vĩnh cửu mà định mệnh đã dành cho hắn.

Chắc chi thiên hạ đời nay

Mà đem non nước làm rầy chiêm bao.

(Nguyễn Trãi)

Suốt chiều dài lịch sử văn học, kẻ sáng tạo luôn bị rầy. Ở đâu cũng vậy, chế độ nào cũng thế. Solzhenitsyn sau thời gian dài chịu tù đày, đã bị trục xuất khỏi quê hương. Kazanzakis bị mạt sát, rẻ rúng ở Hi Lạp. Sách Henri Miller bị cấm bán thời gian dài tại Mỹ đến nỗi người Mỹ phải mua lậu sách ông từ Pháp mang về. Mới nhất, Orhan Pamuk bị đại đa số trí thức Thổ Nhĩ Kì tẩy chay, đành sống cuộc đời bán lưu vong…

Bị rầy, kẻ sáng tạo luôn nhớ nhung miền “chiêm bao” vời vợi. Cho bị rầy, chấp nhận “hòa” vào nỗi “non nước” để “thiên hạ đời nay” rầy, nhưng hắn vẫn không thôi nhớ nhung. Trăm bận quyết dứt áo ra đi, trăm lẻ một lần mang thân trở lại. Sự giằng xé co kéo diễn ra ngay trong tâm thức kẻ sáng tạo. Kéo dài, và thường trực. Cuộc chiến tinh thần – theo cách nói của Rimbaud – như muốn hủy hoại hắn. Hắn quyết hóa giải để hòa giải chúng, dịch chuyển “non nước” vào trong “chiêm bao”, biến “non nước” làm một phần không thể thiếu của “chiêm bao”, cho chính sự “rầy” chốn “non nước” kia thành chất liệu làm giàu sang xứ miền “chiêm bao” mộng huyễn của hắn.

3 thoughts on “Inrasara: Nhà văn & nỗi sợ

  1. Tuyệt cú mèo, bác INRA ơi
    “Hắn quyết hóa giải để hòa giải chúng, dịch chuyển “non nước” vào trong “chiêm bao”, biến “non nước” làm một phần không thể thiếu của “chiêm bao”, cho chính sự “rầy” chốn “non nước” kia thành chất liệu làm giàu sang xứ miền “chiêm bao” mộng huyễn của hắn.”

Leave a Reply to ha le_praha Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *