Bí quyết trùng tu tháp Po Rome

Đây là bức thư của cộng tác viên, BBT đăng lên để tham khảo.

Po Rome.8-3-2011.Jaya

Sài Gòn, ngày 13-5-2013

Kính gửi chú Inrasara!

Cháu có chút thông tin về việc trùng tu tháp Po Rome muốn trao đổi cùng chú, hi vọng thông tin này sẽ giúp ích cho chú.

Chuyện là thế này chú ạ! Khoảng cuối tháng 4-2011, cháu cùng hai người bạn học trên Đà Lạt về quê chơi và có ghé thăm tháp Po Rome… May là lúc đó gặp đoàn đang trùng tu tháp và tụi cháu đã có cuộc trò chuyện cùng anh kỹ sư đang chỉ huy công trình (anh này tự giới thiệu là Kỹ sư Hóa chất). Sau một hồi trò chuyện cháu có hỏi anh là trùng tu tháp như vậy bên Phân Viện của anh dựa vào cơ sở khoa học nào. Anh cũng vui vẻ trả lời:

“Bên anh đã tìm ra công thức của chất kết dính cũng như chất liệu để làm gạch phục vụ việc trùng tu các tháp Chăm. Anh đang tính chuyển giao kỹ thuật làm gạch này cho làng gốm Bàu Trúc để tiện cho việc trùng tu tháp vì gạch được vận chuyển từ miền Trung vào nên tốn công sức lắm; hơn nữa trùng tu tháp này xong tụi anh còn qua làm cụm tháp ở Bình Thuận nữa… Hồi trước tụi anh cũng làm ở  tháp Bà  Nha Trang. Katê năm nay tụi anh sẽ hoàn thành phần chính của tháp để bà con Chăm chiêm ngưỡng”.

Và anh đã đưa cho cháu cuốn sách mà cháu đọc sơ qua thì thấy nội dung: Chủ yếu là các giả thuyết về việc xây dựng tháp Chăm, cũng như kinh nghiệm trùng tu các tháp ở miền Trung (cháu thấy có mấy quyển photo đang được bán ở nhà trưng bày trong khu du lịch tháp Po Klaung Girai mà cháu không nhớ tựa đề của nó). Cháu có trao đổi đôi chút về văn hóa Chăm thì anh này kết luận:

– “Chăm không có nghề làm kim hoàn, chỉ học theo người Kinh mà thôi”. Và nhiều cái vô lý nữa”…

Thấy anh có vẻ thiếu hiểu biết về Chăm mình nên tụi cháu xin phép lên tháp xem thợ làm. Cháu có xem qua hỗn hợp đã tạo thành chất kết dính mà anh đã khoe với tụi cháu: Trong nồi đặc sệt đó là dầu rái, bột vôi và bột từ gạch vụn được xay nhuyễn; tất cả được trộn rồi nấu trên lửa. Cháu có hỏi thợ chính thì được biết mỗi ngày chỉ xây được từ 7 đến 10 viên gạch mà thôi.

Khi tận mắt chứng kiến việc trùng tu tháp, cháu mới thấy nỗi cực nhọc của đám thợ và thầm cảm ơn chính sách mà Đảng và Nhà nước đã làm cho Chăm mình. Mọi chuyện nếu chỉ dừng ở đó chắc cháu sẽ không viết là thư này cho chú!

 

Thời gian gần đây cháu có hỏi người chú ruột (chú lấy vợ bên làng Hậu Sanh, chú là thợ chính thay cho thợ người Kinh lần trước) về việc trùng tu tháp, mới biết rõ sự thật mọi chuyện! Nghe chú bảo:

“Lúc chú nhận thay thợ người Kinh làm thợ chính thì thằng kỹ sư bắt chú lúc xây thì lớp ngoài bôi chất kết dính còn lớp bên trong bôi hồ dầu, còn dặn thêm là khi nào có người kiểm tra thì làm bình thường còn không có cứ làm như chỉ đạo của tôi”. Chú còn nói thêm:

“Lâu lâu có đoàn xuống kiểm tra lại kêu đập ra làm lại tới mấy lần nên chậm tiến độ công trình. Ông này kêu làm thế này, ông nọ tới lại kêu là sai bảo gỡ ra làm lại”.

Một công trình được công nhận di tích quốc gia mà công tác trùng tu lại… anh kỹ sư đó không hiểu về Chăm lại được giao chỉ huy công trình nên làm một cách sơ sài, làm cho có… Cháu thấy thất vọng quá! Một người kỹ sư thiếu trách nhiệm như vậy mà được giao trùng tu tháp từ Khánh Hòa cho tới Bình Thuận thì chất lượng công trình liệu có được đảm bảo. Hơn nữa, lúc lên tháp Po Nưgar thấy họ mài mòn gạch cho đều nhau… Hèn gì có người bảo: “Chỗ nào mới là cũ, chỗ nào cũ là mới”. Thử hỏi tương lai của cụm tháp ở Bình Thuận rồi sẽ ra sao? Có khác gì so với tháp Po Rome và tháp Po Nưgar.

Đầu tuần mà cháu lại làm phiền chú nữa! Mong nhận được hồi âm của chú.

Chúc chú sức khỏe!

Chào chú.

Quãng Hoài Xuân

*

Xem thêm bài của Đỗ Doãn Hoàng: “Bí ẩn đằng sau công nghệ làm mới di tích” trên báo Lao động, số 84, 4-2009

… ở rất nhiều di tích tháp Chăm khác, người ta lại đổ vật liệu mới vào để “làm mới di tích”. Ba ngọn tháp Dương Long sừng sững, vòi vọi, được mệnh danh là những cây tháp gạch lớn nhất Đông Nam Á (cây cao nhất 39m), còn hầu như nguyên vẹn nhất so với hệ thống tháp Chăm ở miền Trung và Tây Nguyên. Hơn 800 năm, tháp vẫn hiên ngang giữa đất trời, song, chỉ ít năm qua, người ta đã gọt giũa đi nhiều giá trị muôn một của các cây tháp này.

Qua nhiều đợt trùng tu, gạch xây nhà của người địa phương được tống vào thân tháp, ximăng, vôi vữa công nghệ tây – Tàu được ních chặt, các toà gần đỉnh tháp cao mấy chục mét cũng bị đá xẻ trắng toát đan kín, trông ngôi tháp cổ như bị ai đó quét vôi loang lổ. Nếu bạn “zoom” tầm mắt mình lên đỉnh tháp, sẽ thấy giữa bời bời lau cỏ bám lên các khối đá sa thạch chạm khắc tuyệt kỹ, cùng gạch Chăm đỏ au nước thời gian, là các khối đá mới to lớn, rất phản cảm.

Tháp thì vẫn cổ kính uy nghi đứng đó, nhưng người trùng tu chưa hiểu được tháp Chăm, nên ở mỗi giai đoạn tu bổ, họ lại làm bằng một công nghệ khác nhau. Tháp cổ luôn đúng, hai phương pháp trùng tu khác nhau của hậu thế “đổ” lên một cây tháp, kiểu gì cũng có một “anh” không chuẩn. Họ cũng biết họ sai, nên lần sau họ đem bóc cái của lần trước đi, rất thành khẩn…

2 thoughts on “Bí quyết trùng tu tháp Po Rome

  1. Taị sao người Chăm hiểu biết về kỹ thuật xây dựng tháp của cha ông mình lại không tham gia vào việc trùng tu các tháp Chăm, hoặc chí ít cũng có tham gia ý kiến về việc trùng tu các tháp này, mà để người Kinh đảm nhận việc trùng tu?

  2. Người Việt có nhiều học giả nghiên cứu văn hóa Champa, tiếc rằng những kẻ được giao trách nhiệm trùng tu di tích champa thì lại tham lam thiếu hiểu biết. Chẳng lẽ không còn người Champa nào còn biết đến bí quyết làm gạch và xây dựng tháp ? sao không đem ra cùng người Việt trùng tu lại các công trình cổ ?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *