Bài viết đã đăng trên báo Bình Thuận cuối tuần, 4-5-2013
Đây là bản gốc tác giả gửi.
* Các nghệ nhân Chăm tại Huế – Photo Inrajaya.
Cộng đồng Chăm ở Việt Nam có hai nghề đặc sắc, đó là dệt thổ cẩm và chế tác gốm. Đây là hai nghề truyền thống còn được bà con Chăm bảo lưu và truyền dạy ở cả hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Nếu thổ cẩm Bình Thuận tồn tại ở hai xã Phan Hòa và Phan Thanh, thì Ninh Thuận nổi tiếng nhất là làng Mỹ Nghiệp. Bên cạnh gốm Chăm ở Bình Đức, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, thì gốm Bàu Trúc Ninh Thuận cũng rất được ưa chuộng.
Gốm và thổ cẩm Chăm đã đi khắp đất nước Việt Nam, và hơn chục lần góp mặt với hội chợ triển lãm quốc tế. Từ Nhật đến Pháp, từThái Lan cho đến Hàn Quốc đều có hai mặt hàng thủ công mĩ nghệ độc đáo này. Cho nên khi Festival Nghề truyền thống Huế 2013, với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” khai hội vào 27-4-2013, thì không thể thiếu hai làng nghề này.
Đại diện làng nghề thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp là nghệ nhân Bàn tay vàng Thuận Thị Trụ Inrahani, còn đại diện cho làng gốm Bàu Trúc là anh Đàng Xem. Đặc biệt bà Inrahani còn tổ chức cho mười nghệ nhân Chăm trình diễn lễ hội Rija Nưgar suốt 5 ngày diễn ra Festival ở gian trưng bày của mình. Mỗi tối, tiếng trống Ginang, trống Baranưng, kèn Xaranai tấu lên cùng điệu múa roi và múa đạp lửa… Đặc biệt hơn, chính nghệ nhân Inrahani trình diễn màn độc vũ của dân tộc mình.
Về gốm, đến với Festival Huế, anh Đàng Xem mang đến cả hai loại hình gốm: gốm truyền thống gồm đặc sản Chăm chuyên dùng từ thời xa xưa, và cả gốm mĩ nghệ mới chế tác. Tất cả đều được nung theo cổ truyền: nguyên liệu lấy tại chỗ, và làm theo mẫu mã cổ truyền, các thao tác để làm xong một sản phẩm gốm đều rất chậm: không có bàn xoay, kĩ thuật nung rất là thủ công: bà con chất đống gốm ra ngoài trời và dùng rơm, củi hay phân trâu bò để đốt, nhiệt độ không quá 800 độ C. Được biết Bàu Trúc là một trong vài làng gốm có mặt sớm nhất Đông Nam Á hiện nay vẫn còn được truyền lưu. Do làm thủ công, sản phẩm ra lò chậm, hàng kém chất lượng, nên mức tiêu thụ không cao, thu nhập của bà con thấp. Chỉ vài năm trở lại đây, với việc nghiên cứu đầu tư của các nghệ sĩ từ Sài Gòn, nhiều mẫu mã mới được chế tác hàng loạt, nghề gốm mới phát triển trở lại. Gốm không còn là mặt hàng tiêu dùng, tự cung tự cấp nữa mà phần nào đã trở thành hàng mĩ nghệ. Từ đó, vài hộ gia đình làm ăn khấm khá lên. Nhưng kĩ thuật làm hay nung vẫn chưa thay đổi. Gốm Chăm chưa có thị trường lớn tại thành phố HCM hay Hà Nội, người ta chỉ có thể tìm mua các sản phẩm này ngay nơi sản xuất, vừa nhiều vừa rẻ.
Nghề dệt thổ cẩm các dân tộc thiểu số thì phong phú và đặc sắc với nhiều mẫu mã bắt mắt hơn.
Bên cạnh bà Vàng Thị Mai đến từ thôn Lùng Tiến, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đại diện dân tộc Mông vùng Tây Bắc đầy công phu và tinh xảo, và thổ cẩm mang tính cây nhà lá vườn với các thao tác và hoa văn đơn giản của người Tà Ôi đến từ miền núi A Lưới, Thừa Thiên – Huế, là gian trưng bày thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp Inrahani.
Bà Thuận Thị Trụ Inrahani với hàng dệt thổ cẩm Chăm đã nổi tiếng từ hai mươi năm nay. Bà là người mở công ty thổ cẩm đầu tiên ở Việt Nam, có gian hàng đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh, và là người được hơn hai mươi nước mời tham dự hội chợ triển lãm quốc tế.
Dệt thổ cẩm là nghề mẹ truyền con nối, nghệ nhân Thuận Thị Trụ thạo nghề từ năm lên mười. Trước 1975, nghề dệt thổ cẩm được sản xuất cầm chừng. Các sản phẩm làm ra để phục vụ cho phong tục tập quán, một ít để dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Sau khi thống nhất đất nước, do khan hiếm nguyên liệu, nghề này đang có nguy cơ thất truyền. Đến đầu những năm 80, dệt thổ cẩm Chăm có dấu hiệu phục hồi, chủ yếu là hàng thô với số lượng rất nhỏ, tự cung tự cấp là chính, số còn lại được mang bán cho đồng bào Tây nguyên. Từ khi Thuận Thị Thị Trụ mở Cơ sở, nghiên cứu chế tác các mẫu mã phục vụ nhu cầu khách hàng trong và ngoài nước, thổ cẩm Chăm mới phát triển mạnh mẽ.
Hoa văn thổ cẩm Chăm rất phong phú. Ngoài các hoa văn đã thất truyền, nghệ nhân Thuận Thị Trụ đã sưu tầm được hơn 30 hoa văn nền, từ đó chị đã cách điệu ra khoảng 50 hoa văn khác. Trên nền vải thường được ưa thích là màu đen hay đỏ, các đồ án trang trí phần lớn theo kiểu hoa văn hình học, hoa văn động vật được cách điệu rất linh hoạt.
Gốm Bàu Trúc và thổ cẩm Mỹ Nghiệp xuất hiện tại Festival Nghề truyền thống Huế năm 2013 là hiện tượng. Nó làm cho không gian Festival Huế thêm màu sắc trong rất nhiều màu sắc của nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam. Giá mà ở đó có cả thổ cẩm và gốm Chăm Bình Thuận góp mặt, thì càng phong phú hơn nữa.