Trà Chân: Bảo tàng tư nhân giữa cộng đồng

báo Đà Nẵng cuối tuần, 28-8-2011

(Thêm nhiều hình ảnh tham khảo)

* Nguyên khu cũ của Nhà Trưng bày – ảnh chụp 2000.

Cách trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm 9 cây số về hướng nam, và cách Quốc lộ số 1 hơn cây số về hướng đông, là làng nổi tiếng của dân tộc Chăm. Đó là làng Mĩ Nghiệp hay Nha Tranh. Làng có tên tiếng Chăm là Chakleng hay Chakling thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Đây là đất văn vật của vương quốc Champa cổ mà tên còn được thấy trên bi kí. Nghĩa là làng có mặt trên ngàn năm. Tương truyền rằng ông bà nuôi của vị vua nổi tiếng nhất lịch sử Champa là Po Klong Girai (thế kỉ XII) đã sinh ra ở đất này. Ngài là vị vua được cộng đồng Chăm thờ phượng tại khu tháp còn được bảo lưu tốt nhất hiện nay.

Đúng như câu nói cửa miệng của dân gian Chăm:

Cơk mưraung kraung birak

Sơn hướng nam, sông hướng bắc

* Mặt trước Nhà Trưng bày – Photo Inrajaya.

Nên làng Mỹ Nghiệp hội đủ yếu tố địa linh sinh nhân kiệt. Bởi là một làng cổ nên khu vực xung quanh làng tập trung nhiều di tích lịch sử giá trị. Ngoài ra Chakleng còn là nơi sinh ra những nhận vật được biết đến nhiều trong xã hội Chăm hiện đại. Nghệ sĩ trống Ginăng nổi tiếng Mưdwơn Thạch Tìm, nhà văn – nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara, nhà văn Trà Vigia, nhà thơ trẻ Tuệ Nguyên, nghệ nhân thổ cẩm hàng đầu Phú Thị Mở, nghệ nhân thổ cẩm Bàn tay vàng Inrahani Thuận Thị Trụ,…

Vài thập niên qua, làng Chakleng ngày càng nổi tiếng qua nghề dệt thổ cẩm dân tộc truyền thống. Vào năm 2009, Nhà nước còn đầu tư cho Mỹ Nghiêp hai con số tiền tỉ để xây dựng Làng nghề khá hoàng tráng. Nhưng, không ai ngờ cũng năm ấy, ngay trung tâm làng lại mọc lên Bảo tàng tư nhân rất bắt mắt: Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani.

* Trường Tiểu học Mỹ Nghiệp nằm đối diện – ảnh chụp 2006.

Có thể vì khiêm tốn, nên chủ nhân đã trưng tấm bảng như thế. Đúng ra phải là bảo tàng. Nó phải được coi như Bảo tàng tư nhân đầu tiên và duy nhất của dân tộc Chăm hiện nay, nếu không muốn nói là của cả các dân tộc thiểu số Việt Nam. Bởi chưa ở đâu có nhà trưng bày như thế cả.

Sau khi đất nước mở cửa, bảo tàng tư nhân đã mọc lên khá nhiều. Chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, hay tại các khu du lịch, phục vụ cho du khách. Quy mô của chúng lớn nhỏ với đủ loại hình. Thế nhưng Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani thì khác. Nó được xây dựng tại thôn quê, ngay giữa cộng đồng dân quê.

* Phía Đông Bắc là Kut Gađak.

Nhà Trưng bày nằm đối diện với Trường Tiểu học Mỹ Nghiệp bằng con đường chính chạy xuống xã Phước Hải. Sát cạnh hướng tây là Sân vận động. Nhà Dệt Thổ cẩm của làng xây dựng cách đó 50 mét về hướng đông ngay cạnh khu Kut Gađak linh thiêng bốn mùa xanh cây lá. Ta thử đi vào thăm các gian trưng bày.

Bên ngoài được cấu trúc hình vòm mái tháp Chàm có tượng Shiva. Bên trong Nhà Trưng bày có không gian 12 X 32 mét phân làm 4 khu gần bằng nhau. Khu đầu tiên trưng bày các bản sao nghệ thuật các bức tượng cổ bằng chất liệu sa thạch, tủ chứa văn bản chép tay chữ Chăm cổ, tủ sách Chăm hiện đại, nhạc cụ, các bản đồ chỉ dẫn “khu di tích Champa” và “khu dân cư Chăm”… Gian kế tiếp án ngữ chiếc xe trâu cổ Chăm. Được biết đây là một trong ba chiếc còn lại tại Việt Nam. Xung quanh xe trâu và quanh ba bức tường là các nông ngư cụ, đồ dùng hàng ngày, dụng cụ đánh bắt, gốm Chăm,… Khu thứ ba ưu tiên cho dụng cụ dệt và các sản phẩm thổ cẩm, y trang phục Chăm cổ và hiện đại. Cuối cùng là khu dành cho Tủ sách INRA và phòng đọc.

* Nhà Thổ cẩm cách 100m về hướng Đông – Photo Inrajaya.

Ông Đàng Chương – giáo viên về hưu – cho biết, khu cuối cùng này là khu duy nhất còn dang dở. Dù lượng sách trên 5.000 văn bản đang chất đầy hai tủ sách lớn nhưng bởi phòng ốc chưa xong, nên các độc giả nông thôn đủ lứa tuổi tạm chọn ngồi vào góc nào đó đọc đỡ tùy hứng. Cũng vui! Đủ loại sách và tạp chí, báo ở đó. Tiếng Chăm, tiếng Việt, tiếng Anh và Pháp. Từ sách văn học, triết học, nghiên cứu văn hóa đến sách dành cho thiếu nhi, sách nông nghiệp, y khoa, sách dạy làm ăn buôn bán…

* Phía trong Khu 1 của Nhà Trưng bày.

Chủ nhân của Nhà Trưng bày này không ai khác chính là nhà văn – nhà nghiên cứu Inrasara. Anh dùng tên vợ đặt tên cho Nhà Trưng bày, theo truyền thống chế độ mẫu hệ. Anh nói:

– Đây là ý tưởng đã có từ khi tôi vào Sài Gòn làm việc 20 năm trước. Tích góp từ từ, rồi lên kế hoạch để làm nên. Cho mình là chính, cạnh đó giúp được ích gì đó cho bà con càng hay.

Đúng vậy. Điều đáng giá nhất, và chính nó làm nên sự khác biệt, chính là tính phục vụ cộng đồng của nó. Cô sinh viên Chăm nghỉ hè có thể vào ngồi cả ngày để nghiên cứu. Bác nông dân làng bên đi ngang cũng có thể ghé vào thăm hiện vật cổ hay ngư cụ xưa bất kì lúc nào. Khách Tây hay nghiên cứu sinh thủ đô cũng thường ghé vào thăm thú.

* Xe trâu cổ Chăm, 1 trong 3 chiếc còn lại tại VN hiện nay – Photo Inrajaya.

Có thể nói, trong thời hiện đại, Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani mang đầy đủ ý nghĩa tính quần chúng rộng rãi nhất của từ này. Có ai nhân điển hình không nhỉ?

 

 

 

One thought on “Trà Chân: Bảo tàng tư nhân giữa cộng đồng

  1. Anh Inrasara có thể chú thích kĩ hơn về nhà trưng bày này k? Gợi ý cho du khách tìm hiểu và đến thăm nhà trưng bày khi có dịp. Cám ơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *