Văn học Việt Nam về đâu? Cụ thể hơn – nhà văn đích thực sẽ viết thế nào? Khi bao nhiêu khuynh hướng chính lưu quy định mọi bộ phận sinh hoạt văn học, khi khí hậu văn học chính thống phủ trùm tất cả, khi sáng tác giả cách tân bắt tay với phê bình giả cấp tiến thao túng văn đàn, và khi tài năng văn chương bị bóp nghẹt, sức sáng tạo bị gặm nhấm, bị bào mòn ngày qua ngày, miệt mài và kiên trì – kẻ sáng tạo chán nản rồi bỏ cuộc. Họ không thể không bỏ cuộc, khi mục tiêu mất hút. Khi kẻ sáng tạo đích thực bị xã hội coi khinh như một sinh thể thất cơ lỡ vận, một công dân vô tích sự, thậm chí một tên vô lại cùng mênh mông hình dung từ tiêu cực khác, – họ đầu hàng.
Đầu hàng. Bỏ cuộc chữ nghĩa là đầu hàng đã đành, ngay cả khi họ lao vào viết báo kiếm sống, viết truyện diễm tình éo le, viết kịch bản phim để trở thành nhà văn ăn khách, hay khi họ “quyết đui điếc trước thời cuộc, chui vào vỏ sò cô độc, viết vọng ra” cũng là cách đầu hàng. Đầu hàng, khi “nhà văn chạy thoát thân, như đám chuột vội vã rời bỏ con tàu sắp đắm” thì miễn rồi, cả khi họ đã giật được vài giải thưởng con con, được ném cho cái ghế quan văn nho nhỏ để từ đó đăng đàn phát ngôn khệnh khạng, là thứ đầu hàng trá hình khác. Đầu hàng, khi nhà văn tình nguyện làm thứ nô bộc viết theo chỉ thị của mọi loại quyền lực hay viết phục vụ thị hiếu đám đông; và sau rốt, đây là kiểu đầu hàng nguy hiểm hơn cả, khi đầu hàng khoác lên mình đủ màu áo cấp tiến – cấp tiến trong tôn vinh giá trị ảo, tụng ca cách tân giả, cách mạng dối lừa.
Thì… văn học Việt Nam về đâu, ngày mai?
Inrasara, 2011