Quảng Văn Sơn: Về những bức tượng đồng Champa trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh

  1. Đặt vấn đề

Phật viện Đồng Dương “Indrapura” dùng đặt tên cho cả một phong cách nghệ thuật Champa ở một giai đoạn nhất định. Các hiện vật điêu khắc và trang trí Đồng Dương phong phú và đa dạng: tượng Phật, tượng Bồ Tát, tượng Môn thần (Dvarapala)… Ngoài ra, còn những phù điêu tuyệt đẹp trang trí kiểu kỷ hà học. Chất liệu bằng đá, bằng đồng, bằng đất nung bền chặt. Trong nền điêu khắc Champa, các nghệ phẩm thuộc phong cách Đồng Dương có những sắc thái đặc biệt: cung mày nối liền nhau nối gờ lên và lượn sóng, môi dày có viền, mũi rộng và tẹt… Đẹp nhất, độc đáo nhất trong phong cách Đồng Dương là các môn thần. Các vị thần nầy được tạc trong nhiều tư thế: đứng trên khuôn mặt động vật, hai chân dang ra bề thế, đầu quay về hướng động tác. Sự quan tâm của nhà điêu khắc tập trung nhiều ở khuôn mặt, thể hiện đúng nét của từng nhân vật. Đó là những điểm tiêu biểu nhất(1). Có thể những bức tượng bằng đồng tìm thấy được đều xuất phát từ Phật viện này.

L. Finot đã công bố và giới thiệu 229 hiện vật được phát hiện, trong đó có những bức tượng bằng đồng. Nổi bật nhất là bức tượng Phật bằng đồng cao hơn 1 mét, là đề tài nghiên cứu khá lý thú được các nhà khoa học đưa ra đoán định vì bởi theo nhận định chung bức tượng này được xem là nghệ thuật hoàn hảo và đẹp vào loại bậc nhất khu vực Đông Nam Á(2).

2.      Một số hiện vật tiêu biểu

Tượng Phật Đồng Dương (thế kỷ IV, cuối thế kỷ IX)

Người Chăm gọi Đức Phật là “Bhik”. Tượng Phật được thể hiện khá vạm vỡ, mang đậm phong cách Ấn Độ đến nỗi có nhà nghiên cứu cho rằng tượng được mang từ Ấn Độ sang. Trong các công trình nghiên cứu về Champa, nghề đúc đồng ít được quan tâm nhưng có một điều đáng lưu ý là trong các di vật Champa hầu như không có tượng Phật bằng đá và ngược lại không thấy các loại tượng Bàlamôn được đúc bằng đồng. Ảnh hưởng của Phật giáo với Champa thể hiện mạnh nhất vào thời kỳ Indrapura.

Tượng cao 1.08 mét (không kể đế). Tượng ở tư thế đứng, trên trán có dấu Urna (huê nhãn). Trang phục là loại áo choàng cà sa, để hở vai bên phải trong tư thế đứng trên tòa sen, tóc hình bụt ốc, tai dài gần đến vai, đôi mắt mở, khuôn mặt thon và đầy đặn. Tượng mang phong cách Amaravati hay kiểu Tích Lan (Anuràdhpura) đây là một trong hai tượng Phật bằng đồng có kích thước lớn đã được tìm thấy (tượng kia là Avalokitesvara phát hiện năm 1978 cũng tại Đồng Dương, cao 1,14 mét hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng). Từ trước đến nay đã từng có những ý kiến khác nhau về nguồn gốc và niên đại của bức tượng Đồng Dương. Có ý kiến cho rằng tượng có nguồn gốc bản địa và định niên đại khoảng thế kỷ V, cũng có ý kiến cho rằng tượng thuộc thế kỷ III: Philippe Stern cho rằng tượng phật Đồng Dương chắc chắn là được đưa từ nước ngoài vào và niên đại của nó không thể sớm hơn thế kỷ VIII.

Tượng Đồng Dương giống với bức tượng khác cũng bằng đồng nhưng kích thước chỉ 21.8 inches (khoảng 0,65 mét) và không có phần đế, được PoI.L.T. Colsnong Watanavrangkul giới thiệu trong cuốn Out-standing Sculptures of Buddist and Hindu God from private collections in Thailand (Những điêu khắc nổi tiếng về Phật và thần Ấn Độ từ những sưu tập tư nhân ở Thái Lan) và được định niên đại vào thế kỷ thứ III(3)

Tượng Đồng Dương phần thân tượng hoàn toàn mang phong cách Amaravati, nhưng đế là tòa sen hình khối tròn có hai tầng, phần trên nhỏ, phần dưới lớn gần giống như đế của những tượng đồng khác. Nếu chỉ nhìn riêng phần thân tượng và chỉ dựa vào phong cách thể hiện, người ta có thể định cho nó thuộc thế kỷ III. Nhưng phần đế của tượng được đúc liền, mà phần đế này lại mang dấu ấn về phong cách thể hiện đế tượng ở Chămpa thuộc về giai đoạn muộn hơn. Hơn nữa, không thể định niên đại thuộc thế kỷ thứ III vì thế kỷ III, Phật giáo ở Champa chưa phát triển mãi đến cuối thế kỷ IX mới phát triển hưng thịnh, đó là thời kỳ thuộc triều Indrarman II, có người còn gọi là “Vương triều Đồng Dương” hay “Vương triều Phật giáo”.

Lokesvara (Thế tự tại Bồ Tát, thế kỷ IX-X, Đại Hữu – Quảng Bình)

Người Champa xem Lokesvara là hình thức thể hiện sự kết hợp giữa Siva (Bàlamôn giáo) và Avalokitesvara (Phật giáo) với hình tượng nam nhân, được thờ phổ biến nhất tại vùng Indrapura (Đồng Dương – Quảng Nam), nơi đây tìm thấy nhiều tượng Lokesvara bằng kim loại (đồng, vàng, mạ vàng hoặc bạc) đa số được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Lokesvara được thể hiện trong tư thế đứng hoặc ngồi, ngực nở eo thon, mang nhiều trang sức ở tai, cổ, bắp tay, cổ tay, cổ chân… khuôn mặt đầy đặn. Đôi mắt mở, tóc búi cao có miện chạm Avalokitesvara. Tượng thường có hai tay, cầm hoa sen, chuỗi hạt hoặc bình nước cam lồ.

Tượng đứng trên bệ tròn bị mất đầu và bàn tay phải, bàn tay trái cầm một bình nước. Trang phục là “Sampot”, phần cuối xếp thành vài nếp gấp hình túi ở phía bên đùi phải. Thắt lưng là dải vải dài to bản được thắt lại ở phía trước bụng, buông xuống tạo thành vạt dài đến sát chân. “Sampot” loại trang phục này tương tự như loại trang phục thường thấy ở các tượng Sumatra và tiền Angko.

Nghệ nhân Champa đã thể hiện Lokesvara với ý nghĩa thuần túy bằng trực giác, những biểu trưng của Phật giáo phù hợp với ước vọng và niềm tin của xã hội Champa xưa.

Tượng Avalokitesvara (thế kỷ VIII-IX, Thủy Cam – Thừa Thiên Huế và Phan Thiết – Bình Thuận)

Cả hai tượng có phong cách thể hiện khá giống nhau, chỉ khác nhau chút ít về các đồ trang sức. Tượng không có đồ trang sức ở cánh tay và ở ngực, nhưng lại có bông tai dài chấm vai. Hai bàn tay của hai tượng đều thể hiện: tay phải cầm một bông sen một cách tượng trưng (biểu tượng của Diệu pháp liên hoa kinh Saddharamapundarika-susa); tay phải cầm hồ lô (vật mà các Bồ Tát dùng để thu phục quỷ quái, yêu tinh). Về trang phục: Sà rông (váy) dài ôm sát người. Dây lưng nhỏ bản, khóa dây lưng thắt dây tua rủ xuống thành hình đuôi cá, phía dưới đuôi cá, mép ngoài tạo thành một đường cong. Với đặc điểm trang phục này, biểu hiện mối liên hệ với một số tượng Khmer. Nhưng đồ trang sức ở ngực lại hoàn toàn giống những tượng đá Champa trong phong cách Trà Kiệu hoặc Đồng Dương.

Tượng Phật “Usnisa” (thế kỷ VII-IX, Phan Thiết – Bình Thuận)

Trên đầu đội loại mũ “Usnisa” hình chóp. Trang phục trên mình là loại áo “Uttaràsanga” bó sát mình – thể hiện cảm giác khỏa thân vô tính. Cái “AntaravàSaka” (váy trong) hẹp, bó sát vào thân, dài hơn Uttaràsanga. Phật đang bắt ấn theo thế An ủy ấn (Vita ka-mudra): ngón tay cái chạm vào ngón tay trỏ cong xuống tạo thành vòng tròn, tượng trưng cho pháp luân của Phật giáo. Thế tay này cũng là biểu tượng của Phật pháp toàn thiện và vĩnh cửu.

Tượng Phật “Uttaràsanga”(thế kỷ VII-IX, Phan Thiết – Bình Thuận)

Tượng Phật mặc “Uttaràsanga”, trùm lên hai vai không có dấu xếp li, vạt trước bầu, vạt sau thẳng. Tóc được búi thành nhiều lọn xoắn nhỏ và đội mũ “Mudra”, các ngón tay duỗi thẳng theo thế vô úy ấn biểu tượng sự vô úy (không sợ) và ban sự cứu độ cho chúng sinh.

Hai tượng Phật trên, biểu hiện mối liên hệ với phong cách Dvaravati khá đậm nét.

Tượng Phật (thế kỷ VII-IX, Phan Thiết – Bình Thuận)

Đây là hình ảnh đức Phật đang tọa thiền, ngồi theo kiểu “Paduasana” (thiền định) bàn tay chắp theo thế “Dyana Mudra” (định ấn), các ngón tay của hai bàn tay khép lại, bàn tay phải để lên bàn tay trái (lòng bàn tay hướng lên). Thế thiền này bắt nguồn từ thế ngồi của Thích Ca Mâu Ni ngồi tọa thiền lần cuối cùng dưới gốc cây bồ đề, đây là sự thiền định cao nhất.

Tượng Phật (thế kỷ VII-IX, Đại Hữu – Quảng Bình)

Phật ở tư thế đứng, đầu đội “Usnisa”, đỉnh chóp là một núm tròn, trên trán có dấu huệ nhãn. Trang phục là loại “Uttaràsanga” có nhiều nếp gấp lớn, và ở phía trước từ thắt lưng đến cổ chân tạo thành vòng cung. Dọc hai bên tà áo có đường sọc, dưới vạt hơi xòe ra tạo một đường cong tự nhiên. Riêng “antaravàsaka” dài hơn, vạt dưới ngang ống chân cũng tạo thành đường cong ở hai bên (cách thể hiện trang phục loại này giống như trang phục của tượng Phật cũng bằng đồng ở văn hóa Óc Eo (ký hiệu BTLS 1586, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), Phật đang thể hiện bắt ấn (thế An ủy ấn) với hai bàn tay đưa ra phía trước ngón tay duỗi thẳng, lòng bàn tay hướng ra ngoài. Ngón tay trỏ cong xuống chạm đầu ngón tay cái tạo vòng tròn, tượng trưng cho pháp luân của Phật. Với kiểu mũ “Usnisa” và tư thế bắt ấn của tượng Phật này, cho thấy mối liên hệ hay ảnh hưởng Trung Quốc.

Tượng Phật (thế kỷ VII-IX)

Ở tư thế ngồi hơi vẹo mông. Cánh tay phải hơi duỗi thẳng đặt vào bắp phải, tay trái gấp lại trước ngực, bàn tay cầm nhành hoa sen đưa lên, kề búp hoa vào má trái, loại hình này rất lạ, khó nhận ra là một tượng Phật. Boisselier gọi đây là Maitreya (Di Lặc).

Tượng Padmapani (thế kỷ IX-XI, Mỹ Đức – Quảng Bình)

Padmapani đang ở tư thế ngồi trên tòa sen. Mũ được thể hiện với ba vòng vương miện, trên là chóp tròn. Đồ trang sức ở cổ là những trang sức nhỏ ghép lại với nhau. Ở ngực và hai cánh tay trên có đồ trang sức kiểu giống như một số tượng trong điêu khắc đá Trà Kiệu. Trang phục của tượng là “Lalitasama”. Tượng ở tư thế ngồi chân trái xếp bằng, chân phải duỗi theo bệ. Tay phải đặt lên đùi, lòng bàn tay hướng ra, các ngón tay khép lại và duỗi thẳng xuống phía dưới. Tay trái cũng để lên đùi, nhưng lòng bàn tay để ngửa. Thế tay như trên biểu hiện sự nhân từ và sự hỉ xả hay bố thí, đáp ứng mọi ý nguyện của chúng sinh. Đây cũng là biểu tượng mang ý nghĩa của sự “khải thị chân lý” tức là sự bừng nở của chân lý hoàn hảo, chân lý giải thoát của đạo Phật(4).

Đầu tượng Phật

Kiểu tóc, đặc biệt là nét mặt và mũi là những nét ảnh hưởng Ấn Độ, thậm chí có thể nói đây là đầu của một tượng Phật Ấn Độ được du nhập vào Champa.

“Lưỡi tầm sét” bằng đồng

Có hình dáng giống như một cái chùy có hai đầu, mỗi đầu có những mấu nhọn hơn cong, ở dưới mỗi mấu đều chạm mặt các vị thần, dưới hình các mặt thần (thân lưỡi tầm sét) có những hình cánh sen cách điệu. Thân của lưỡi tầm sét được thể hiện thành đốt hình con tiện có những chấm tròn bao quanh, ở chính giữa thân phình to có năm mặt cầu, bao quanh thân, ở dưới vòng quanh mỗi mặt cầu lại có những chấm tròn. Đây cũng là dạng Mandala có hình các thần của phái Mật Tông (Tanthayana) được các đạo sĩ (Guru) sử dụng trong những lễ chiêu hồn để thực hiện phép giải thoát.

3.      Tiểu kết

Qua các tác phẩm trên, chúng ta thấy được quá trình phát triển của nghệ thuật tiểu tượng Champa. Sự tồn tại và phát triển của nó gắn liền với bối cảnh lịch sử, từ đó tạo nên những đặc trưng độc đáo của thời kỳ Đồng Dương hay “Vương triều Phật giáo”. Phật viện Đồng Dương là nơi sản sinh ra những bức tượng đồng tuyệt tác của khu vực Đông Nam Á nói chung và văn minh Champa nói riêng.

Những đặc trưng đó thể hiện đời sống sinh hoạt, tôn giáo, phong tục, tín ngưỡng của người Chăm trong từng bức tượng, từng khuôn đúc dần dần được các nhà khoa học giải mã và ngày càng làm sáng tỏ hơn về một vương triều của một giai đoạn lịch sử.

 

     

Tài liệu tham khảo

 

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP. Hồ Chí Minh, 1994, Sưu tập hiện vật Champa tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh.

Cao Xuân Phổ, 1988, Điêu khắc Chàm, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Lê Đình Phụng, 2002, Di tích văn hoá Champa ở Bình Định, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Lương Ninh, 2006, Vương quốc Champa, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

Huỳnh Thị Được, 2005, Điêu khắc Chăm và thần thoại Ấn Độ, NXB Đà Nẵng.

Jean Boisselier, Nghệ thuật tạc tượng Champa. Viễn Đông bác cổ Pháp.

Roy C. Craven, 2005, Mỹ thuật Ấn Độ, NXB Mỹ Thuật, Hà Nội. (Người dịch: Nguyễn Tuấn, Huỳnh Ngọc Trảng).

Quảng Văn Sơn, 2009 “Thử nhìn lại kỹ thuật xây dựng tháp Champa (Nghiên cứu trường hợp tháp Po Ramé – Ninh Thuận)”, Đặc san Tagalau 10 Tuyển tập Sáng tác – Sưu tầm – Nghiên cứu văn hóa Chăm, NXB Văn học, Hà Nội, tr. 175-186.

Quảng Văn Sơn, 2011, “Về những hiện vật điêu khắc đá Champa trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh” trong Nam Bộ đất & người, tập VIII, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 451-459.

Ngô Văn Doanh, 2003, Thánh địa Mỹ Sơn, NNB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh

Thông Thanh Khánh, 1999, Dấu ấn Phật giáo Chămpa, NXB Mũi Cà Mau.

www.baotanglichsuvn.com

www.baotanglichsu.vn

 

___________

 

(1) Xem thêm: www.diendansuutam.lefora.com/2010/06/08/tuong-phat-giao-champa.

(2) Thông Thanh Khánh 1999, Dấu ấn Phật giáo Chămpa, NXB Mũi Cà Mau, tr. 60.

(3) Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP. Hồ Chí Minh 1994, Sưu tập hiện vật Champa tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 26.

(4) Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP. Hồ Chí Minh 1994, Sách đã dẫn, tr. 26.

 

2 thoughts on “Quảng Văn Sơn: Về những bức tượng đồng Champa trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh

  1. Cảm ơn tác giả đã cung cấp cho độc giả biết thêm thông tin về những hiện vậy điêu khắc Champa ở Sg. Tuy nhiên, tôi xin góp ý để tác giả chú ý trong những bài viết sau: Phần đặt vấn đề: tôi đọc đi đọc lại nhiều lần mà vẫn k hiểu tác giả muốn nói vấn đề gì. Anh muốn đặt vấn đề cho mục đích viết của mình, thì mẫu chốt của vấn đề này là gì? Tại sao anh chọn nó? Anh chưa thật sự thể hiện được vấn đề mà anh muốn hướng đến. 2. Đối tượng anh đang nói đến là những tượng Phật Đồng Dương, Vậy thì ngoài việc chỉ mô tả, tôi nghĩ anh nên cung cấp cho bạn đọc bối cảnh dẫn đến sự ra đời những tác phẩm thế này. Và giai đoạn chuyển từ Balamon sang Phat giao có ảnh hưởng thế nào đến những tác phẩm nghệ thuật trên. 3. Bố cục mà anh đưa ra không được cân đối cho lắm. Có hiện vật anh mô tả hai ba đoạn liên tiếp, có hiện vật thì chỉ có đúng 2-3 dòng. Tôi nghĩ anh cũng nên xem lại phần kết luận, nó chưa thể hiện được sự tổng kết lại những điểm anh vừa mô tả. Hy vọng a sẽ chú ý thêm khi viết bài như thế này. Chắc chắn, nếu anh phân tích, lý giải, và cả nhận định những điểm chung và khác biệt thì sẽ chắc bài viết sẽ tốt hơn nhiều.

  2. Bài viết hay nhưng tiếc là chẳng có cái hình minh hoạ nào làm giá trị bài viết giảm nhiều.

Leave a Reply to Ja bei Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *