Tagalau 13 : Mục lục & Lời mở

Chiều nay, 1-10-2012, Tagalau 13 sẽ được phát hành ở các đại lí, và vài hiệu sách. Kính mời quý độc giả đón đọc.

 

 Lời mở

Thơ – Jalau Anưk, Tuệ Nguyên, Trà Vigia, Trầm Ngọc Lan, Sonputra, Hà Sơn, Majoan

Văn – Chăm Hri : 1 và 0; Tuệ Nguyên :    Roi lamai

Phê bình – Inrasara : Văn học trong thời đại toàn cầu hóa, trường hợp Chăm; Thơ Việt đương đại, bước chuyển mạnh từ miền Trung và Tây Nguyên

Thơ trẻ – Paka Jatrang, Lưu Tấn Thành, Kiều Maily, Chế Vy, Đào Thái Sơn, Hoa Trắng, Lưu Anh Tặng, Cham Papa

Thơ tiếng Chăm – Jaya Thuksiam, Inrasara, Cahya Mưlơng, Phú Đạm, Kiều Dung.

Văn trẻ – Kaka, Kiều Dung, Lưu Anh Tặng

Nghiên cứu – Nguyễn Lục Gia: Từ Hồ Tôn quốc đến tiểu vương quốc Aryaru; Bá Minh Truyền: Trường Trung học Pô Klong, xưa và nay; Bá Văn Quyến: Hệ thống chức sắc tín ngưỡng dân gian Chăm ở Ninh Thuận; Quảng Văn Sơn: Về những bức tượng đồng Champa trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh; Quang Cẩn: Chữ Cham Akhar Thrah của Ban Biên soạn sách chữ Cham có trong từ điển Aymonier – Cabaton, là di sản của tổ tiên

Ngụ ngôn – Chay Mala

Xã hội – Chế Vỹ Tân: Thử tìm hiểu cuộc hôn nhân giữa hai nam nữ thuộc phụ hệ và mẫu hệ; Trà Chân: Nhà bảo tàng tư nhân đầu tiên giữa cộng đồng Chăm

Tiếng Chăm của bạn


LỜI MỞ

 

Tagalau đã qua mười hai năm hành trình…

Ở thời điểm khởi động, với khả năng và ước vọng khiêm tốn, Ban Biên tập Tagalau lưu trì đều đặn cuộc đi và cuốn hút được hàng trăm tác giả từ nhiều miền đất nhiều dân tộc thuộc nhiều thế hệ khác nhau nhập cuộc cùng đồng hành, là một thành tích ngoài mong đợi. Ngoảnh lại phong độ ấy, không thể không mừng cho sức khỏe của Tagalau!

Mười hai năm thử thách đã ở lại sau lưng, lộ trình của Tagalau ngày mai – bên cạnh đón nhận cơ hội mới, chắc chắn sẽ đối mặt với một thách thức khác, cam go không kém.

Hôm nay, Tagalau 13 ra đời đánh dấu một bước chuyển: cuộc chuyển đổi thế hệ.

Mục thơ văn, trong khi Chế Vỹ Tân, Trà Vigia, Trầm Ngọc Lan… còn ở tuổi đứng bóng mặt trời thì đã có ngay Jalau Anưk, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên… nối gót. Và khi thế hệ giữa vẫn đang sung sức thì Tagalau đón nhận các khuôn mặt mới nguyên: Chế Vy, Cham Papa, Paka Jatrang, Lưu Tấn Thành, Kiều Maily, Hoa Trắng, Lưu Anh Tặng…

Sáng tác tiếng Chăm, tình yêu tiếng mẹ đẻ vẫn còn cháy bỏng tâm hồn đứa con của Đất ở các thế hệ. Sau Cahya Mưlơng, Phú Đạm là Jaya Hamu Tanran, Jaya Thuksiam… rồi Kiều Dung tiếp bước.

Tagalau chưa bao giờ thiếu con người đam mê văn chương chữ nghĩa sẵn sàng nhập cuộc đồng hành. Mới nhất, Tagalau có thêm ba cây bút dân tộc Kinh tham gia: Hà Sơn, Majoan, Đào Thái Sơn.

Ở mục nghiên cứu – phê bình, bên cạnh Inrasara, Tagalau 13 có sự trở lại của Quang Cẩn từ Hoa Kì, thêm Nguyễn Lục Gia từ Phú Yên đóng góp bài vở giá trị. Đặc biệt ba khuôn mặt nghiên cứu trẻ xuất hiện từ vài kì trước, nay tiếp tục góp mặt: Quảng Văn Sơn, Bá Minh Truyền, Bá Văn Quyến, với lối viết ngày càng đĩnh đạc hơn.

Đó là tín hiệu vui. Vui, bởi Tagalau đã tìm thấy thế hệ chuyển tiếp có đủ tài và tâm đón nhân cây gậy ma-ra-tông cho cuộc hành trình về phía trước. Ở ngày mai…

TAGALAU

 

7 thoughts on “Tagalau 13 : Mục lục & Lời mở

  1. Thế là Tagalau 13 đã có mặt trên quả đất tươi xanh, đang mùa biến đổi khí hậu. Mùa Kate mới sắp tới. Mùa của yêu thương, đóng góp chút lòng thánh thiện cho ilimo Chăm hiện hữu và nảy nở. Và đặc biệt là mùa của chuyển đổi thế hệ, nối gót đam mê và xắn tay chung sức. Tre già măng mọc, đó là quy luật của muôn đời. Một thế hệ mới xuất hiện. Tagalau chỉ là một trong những sân chơi, nhưng là một sân chơi giá trị, đa phần văn chương mà lại rất thực tế (nếu nhìn xa một chút). Vì xét cho cùng, cái còn lại của một quốc gia, dân tộc chính là hồn cốt, bản sắc. Văn chương có dự phần hồn cốt và bản sắc ấy.
    Thế hệ mới, các bạn hãy vững bước, dù tương lai phía trước chông gai, nhức buốt như thế nào đi nữa. Các bạn hãy bước đi, mạnh dạn, mạnh mẽ và rực lửa tâm tài. Tôi tin ở các bạn.
    Khi tôi bỗng thấy mình sức mòn lực kiệt (mặc dù tuổi chưa già), là tôi hổ thẹn lắm. Tôi nghĩ mình nên chọn thái độ, quan điểm tự trọng là “đi chỗ khác chơi” như của nhà văn Trang Thế Hy của người Kinh vậy.
    Tôi rất vui với một thế hệ mới. Chúc các bạn thành công!

  2. ĐCT viết “… Khi tôi bỗng thấy mình sức mòn lực kiệt (mặc dù tuổi chưa già), là tôi hổ thẹn lắm. Tôi nghĩ mình nên chọn thái độ, quan điểm tự trọng là “đi chỗ khác chơi” như của nhà văn Trang Thế Hy của người…”.
    Thú thật tôi rất có cảm tình với những bài viết của ĐCT và cũng qua đó tôi cảm nhận được bản chất con người tốt của bạn trẻ nầy. Tuy nhiên tôi rất thất vọng khi đọc những dòng này. Có lẽ do một nguyên nhân nào đó cho nên anh mới thốt lên những lời chua cay như thế. Có lẽ anh hiểu lầm đời hoặc ai đó mà trở nên lạnh nhạt với văn hóa và cộng đồng Chăm? Đừng bi quan thế! Đừng để những bài viết lăng nhăng, đố kỵ trên mạng hoặc trên báo mạng làm lụng bại ý chí phục vụ cộng đồng Chăm. Tôi biết có kẽ xấu viết bịa đặt, chụp mũ anh bạn trẻ này trên một tập san cũng của Chăm, nhưng ai cũng biết những lời cáo buộc đó là giả dối, không đúng sự thật. Hãy lấy gương Inrasara mà cố đứng lên và tiếp tục phục vụ cộng đồng Chăm. Tôi biết Sara đã từng bị gọi với đủ mọi từ khó nghe, chê bai vô số mà vẫn cứ ngẩng đầu lên đi tới và tuần tự thực hành những ước mơ của mình. Bạn trẻ này đang ở giai đoạn khó khăn đó. Hy vọng anh học được sự nhẫn nại, kiên quyết, và lạc quan mà vượt qua được giai đoạn chán chường này.
    Parưn nao ja adei lơi!
    Kajap karo. Thuk siam.
    YC

  3. Có lẽ những điều anh YC nói ở trên cũng đúng, hiện nay DCT đang gặp khó khăn về tinh thần và vật chất hơn bao giờ hết. Mẹ nhà thơ đã vừa được bệnh viện trả về nhà vì căn bệnh khó qua khỏi, hiện đang nằm ở PaJai, Thương yut nhưng chẳng biết giúp gì chỉ vài lời gọi điện hỏi thăm, động viên nhau, mong phụ thân của DCT sớm qua cơn bạo bệnh sống đời với con cháu. Mong Yut Tử mạnh mẽ kiên cường trong cuộc đời này.

  4. Mong ĐCT bản lĩnh vượt qua khó khăn. Mà mẹ của ĐCT bệnh sao “mong phụ thân của DCT sớm qua cơn bạo bệnh sống đời với con cháu” nhỉ? Cả mẹ và ba của bạn ấy đều gặp bạo bệnh à?

  5. Đồng Chuông Tử là nhà thơ trẻ, không có lí gì lại tự cho rằng mình đã…già 😀
    Mình thỉnh thoảng đọc thơ bạn, rất hay và thú vị.

    Mong bạn vượt qua khó khăn để mãi hoài làm “cái chuông nhỏ”, bạn nhé!

    @Jalau Anưk ơi, anh vừa đọc tiểu sử ĐCT trên Da Màu, bạn ấy mất bố lâu rồi…

  6. Mến gửi Anh Trần Can;
    Thế JA mới ngạc nhiên và hỏi lại khi đọc comment của Yut JaAriya DCT.

    Chúc anh vui, sức khỏe và luôn thanh thoát.

  7. Theo ý tôi, Tagalau sống được là do Tagalau KHÔNG có tinh thần phe nhóm. Suốt từ số 1 đến này, đều vậy cả. Đọc vài tuyển do người Chăm làm, tôi ngửi thấy mùi phe nhóm. Nó sẽ chết yểu nhanh. Làm theo phe nhóm, khi chúng ta luôn tìm ra một “kẻ thù” nào đó, rồi khi kẻ thù này không còn, thì phe nhóm đó rã đám. Hoặc kèn cựa nhau mà rã đám…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *