Inrasara: Bàn thêm về tinh thần hội thảo

Bài “Ai trách nhiệm ‘định hướng’ thẩm mĩ độc giả”, về câu: “Rồi cả thập kỉ hình thành và lớn mạnh của phong trào sáng tác hậu hiện đại, non mười năm thơ tân hình thức xuất hiện và phát triển, tại sao Hội Nhà văn chưa có một hội thảo nhỏ, lớn nào bất kì về chúng?

Bạn đọc Hoàng Gia Khanh “phản hồi” trên Lethieunhon.com, 28-8-2012:

“Xin thưa, cái món hậu hiện đại bây giờ đã lạc mốt, lỗi thời, có thành tựu gì đâu mà nhăm nhe hội thảo? Không rõ nhà thơ ngây thơ hay ít đọc, hay cuồng tín mà tung hô cái món hậu hiện đại và tân hình thức này dữ vậy.”

*

Lần đầu tiên tôi dự cuộc sân chơi Lethieunhon.com. May, có ngay mấy phản hồi.

Tôi xin nói lời cảm ơn nhà báo Lê Phương Dung về suy nghĩ đầy ưu ái, cảm ơn bạn Võ Lánh và các bạn đọc đã có sự đồng cảm. Xin có vài giải minh thêm về hội thảo:

1. Hậu hiện đại [Việt Nam] đã lạc hậu chưa và lạc hậu ra sao? Bài thơ Hoàng Gia Khanh dẫn ra có phải là thơ hậu hiện đại không, và hậu hiện đại tới đâu? Nó là bài thơ hay hay dở tệ?… Bàn về hậu hiện đại ở đây thì hơi lạc đề. Mà muốn giải đáp thấu đáo mấy câu hỏi này thì cần tới vài cuộc… hội thảo! Hội thảo bàn về chính cái “lạc hậu của hậu hiện đại” mà bạn vừa đưa ra đó.

2. Tôi không phê phán hội thảo, bàn tròn nào bất kì. Giải-phân biệt đối xử là tinh thần cốt tủy của hậu hiện đại! “Một tác phẩm, một tác giả, một trào lưu văn học nào bất kì đều xứng đáng nhận được sự quan tâm của dư luận, khi nó có ‘tính vấn đề’”.

Điều tôi nhấn mạnh là: – Hội thảo được đặt tên như thế nào? Ta thảo luận nó ra sao? Và cuối cùng, người hay ban tổ chức rút ra được bài học gì từ hội thảo đó cho đời sống văn học?

3. Người ta vẫn có thể làm hội thảo hay về một tác phẩm trung bình. Chủ trì Bàn tròn Văn chương năm 2007-2008, chúng tôi đã làm được như thế. Có bạn đọc hỏi: Thơ CD, NTH có cái gì mà nhà thơ Inrasara làm hội thảo? Tôi trả lời: BTVC không mở ra để ca tụng hay PR cho tác giả hay tác phẩm nào đó, mà là bàn về chính nó. Lắm lúc BTVC bàn về tác phẩm của một tác giả mà không cần thiết có mặt tác giả ở đó. Còn nếu đó là tác phẩm trung bình, Bàn tròn sẽ bàn về cái trung bình đó, xem nó trung bình như thế nào, trung bình so với ai, tại sao nó trung bình, và cuối cùng làm sao cắt đuôi cái trung bình đó.

Điều quan trọng không kém là, mỗi kì BTVC, chúng tôi chỉ nhận của Hội Nhà văn Việt Nam đúng 300.000 đồng, đủ để thuê văn phòng Hội Nhà văn TPHCM với mỗi thành viên tham dự một li trà đá. Vậy mà nó được dư luận [ở Bạn Chấp hành Hội Nhà văn] đánh giá là “hấp dẫn và rất chuyên nghiệp”.

4. Làm sao cắt đuôi được sự vô bổ của hội thảo các loại?

Năm 2011, tôi được mời ra Hà Nội làm 3 kì Bàn tròn Văn chương. Tại đó, tôi đưa ra Quy ước 3 KHÔNG:

Không ‘đọc’ tham luận. Bạn chỉ có thể ‘nói’ tham luận trong 5 phút, dành 15 phút cho thảo luận. Điều này hơi khó, nhưng mọi người vẫn chấp nhận được. Riêng một nhà văn đã “xin phép Inrasara cho phép tôi được đọc”. – Vâng, bạn đọc. Mất 12 phút, tôi nói: – Bàn tròn là nơi gặp gỡ để tương tác và đối thoại, chứ không độc thoại; bạn muốn độc thoại, vậy hội thảo tạm cho qua, không thảo luận về tham luận này.

Không ngoài lề và lạc đề. Mọi người ừ, vâng. Nhưng thế nào rồi cũng có vị lạc đề và nhất là ngoài lề. Tôi quen anh này ở đâu, tôi đã rất cảm kích về nỗ lực không mệt mỏi của anh, tôi cho rằng đây là tài năng cần tạo điều kiện giúp đỡ, vân vân… Không thấy đâu tác giả tác phẩm mà chỉ toàn câu chuyên cà kê nhảm nhí. Thế là: cắt.

Không khen không chê. Đây là quy ước khó thực hiện nhất. Bởi không khen không chê thì làm gì? Có vài cánh tay thắc mắc đưa lên. Tôi nói: – Bạn hãy định tính, định danh và đưa ra dẫn chứng cụ thể để thuyết phục người nghe chấp nhận lập luận của bạn.

Vậy mà ở đó, riêng tiết mục này, không ít người đã phạm quy!

Tóm lại, hiện tượng văn học nào bất kì tồn tại đều có lí do chính đáng của nó. Trào lưu hậu hiện đại, thơ tân hình thức, văn chương nữ quyền, văn chương mạng, thơ trình diễn… đều có thể làm hội thảo. Cùng lối suy nghĩ đó, hiện tượng thơ Hoàng Quang Thuận cũng rất đáng để hội thảo tại… Yên Tử. Tại sao?

 

Xin mời bạn đọc Lethieunhon.com bỏ chút thì giờ đọc qua bài viết ngắn [chưa đăng] của tôi:

Inrasara: SUY NGHĨ TỪ MỘT HỘI THẢO VĂN CHƯƠNG

 

Hiện tượng thi sĩ trong “phút linh” có thể viết như thần nhập, như lên đồng, là hiện tượng thật, không giả. Xưa nay trên thế giới, có. Ở Việt Nam, không phải là không có. Thời Tiền chiến, thi sĩ Hồ Dzếnh cũng đã tin có hiện tượng như thế:

Phút linh cầu mãi không về

Phân vân giấy trắng chưa nề mực đen.

Kẹt nỗi, ông “cầu mãi” nhưng thơ “không về”, nên đành ngồi vắt óc “làm” thơ. Hoàng Quang Thuận thì khác, ông may mắn hơn. May mắn không chỉ một “phút linh”, mà liên tục cả “4 tiếng đồng hồ” linh. Hơn nữa, ông được “tiền nhân mượn bút”. Và trong suốt thời gian “tiền nhân mượn bút” ấy, chữ nghĩa kia diễn ra “có cả nhà thơ Dương Kì Anh làm chứng”.

Việc “viết trong 4 tiếng đồng hồ được 121 bài tại Hoa Lư (Ninh Bình)” vừa “thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn thập nhị cú, ngũ ngôn, lục ngôn”, vị chi tất cả là non bảy ngàn chữ (tạm qui tất cả 121 bài thơ kia là thất ngôn bát cú). So với các nhà thơ bây giờ, số lượng chữ sản xuất trong thời hạn kia chưa là gì cả! Lê Vĩnh Tài hay Lưu Mêlan trong cơn xuất thần, đã đẻ ra nhiều hơn thế. Những bài thơ rất đáng đọc.

Với người viết bài này, hai hiện tượng trên kia không lạ!

Cả khi tập thơ Thi vân Yên Tử được dịch ra vài ngoại ngữ và được “gửi đi dự giải Nobel văn chương”, người ta cũng không lấy gì làm ngạc nhiên. Có không ít nhà thơ Việt Nam hôm nay chẳng nguyên do chính đáng nào, cũng đã tự tổ chức dịch thơ mình ra tiếng Anh, tiếng Pháp. Không vấn đề gì cả! Còn sự thể thi sĩ tự kỉ ám thị, bản thân người viết bài này đã từng nhận cả khối thơ của “thi nhân chính hiệu” tầm cỡ châu Á duy nhất của thi đàn Việt Nam hôm nay. Nữa, có nhà thơ còn tuyên rất to trên mạng thông tin toàn cầu rằng duy nhất có thơ mình mới khả năng đứng ngang hàng với các nhà thơ Tây phương đương đại.

Chỉ có điều lạ là khi hiện tượng kia “được Hội Nhà văn và Tạp chí Nhà văn” của Hội Nhà văn Việt Nam đứng ra tổ chức tại hội trường Hội, thì mới thành vấn đề. Thành vấn đề, bởi Hội Nhà văn Việt Nam là hội chuyên ngành vốn được xem là cơ quan bảo chứng cao nhất, uy tín nhất về chất lương văn chương. Cho nên, việc mở hội thảo về hiện tượng thơ này buộc dư luận “soi” sản phẩm kia ở khía cạnh chuyên môn, không thể tránh.

Xét về mặt chất lượng, tập thơ Thi vân Yên Tử có gì? – Tuyệt đối không có gì cả. Nói như Đỗ Ngọc Yên: “Đây là tập thơ duy nhất chỉ viết về phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và Phật tích của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử” qua các chủ đề cụ thể: “nói về vua quan nhà Trần có 12 bài, Phật tử 22 bài, Phật tích 42 bài, địa danh 47 bài, chim thú 5 bài, cây cối 2 bài và các chủ đề khác 13 bài”. Ngoài ra, không gì khác!

Không gì cả còn đỡ, nó là tập thơ yếu. Thể thơ cũ đã đành. Thi ảnh – không mới. Ngôn từ – sáo rỗng. Tứ thơ – nhàm cũ…

Dù là tập thơ có chất lượng yếu, nhưng vì đề tài tập trung về danh thắng Yên Tử, cho nên nó cũng xứng đáng để làm “hội thảo”. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao không tổ chức hội thảo thơ “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử” tại địa điểm kia, mà Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngay hội trường của Hội? Đây là câu hỏi lớn. Câu hỏi khiến dư luận quay lại tra vấn vào các nghi vấn nhỏ lẻ trên. Tra vấn về “tiền nhân mượn bút” có một nhà thơ đứng ra chứng kiến, là giả hay thực? “Phút linh” thường xảy đến đột ngột, hành vi bố trí người chứng kiến để đóng dấu xác thực, có là một chuẩn bị cho ý đồ nào đó ở thì tương lai? Tra vấn về tập thơ được “gửi đi dự giải Nobel văn chương”, là thái độ tự huyễn hay thứ thao tác lăng xê tác giả vốn là một nhà khoa học bị cuốn “vào văn chương không phải là lĩnh vực sở trường” qua sự đồng thuận của nhiều cây bút đã thành danh? Câu hỏi đầy hồ nghi cũng có thể xoáy vào vị trí xã hội của đối tượng được Hội Nhà văn Việt Nam đứng ra tổ chức hội thảo: Viện trưởng Viện Công nghệ viễn thông – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, “thực chất không có ý muốn tổ chức hội thảo này”. Và về đủ thứ khác nữa… Dư luận có quyền đặt các câu hỏi như thế. Và thực tế, các câu hỏi cũng đã xảy ra như thế.

Đành rằng khi “có tính vấn đề”, một sản phẩm chữ nghĩa vẫn có thể đón nhận một hội thảo tầm cỡ; thế nhưng sau đó, hội thảo kia thu hoạch được gì? Hay chỉ là một “tổng kết” mở, ba phải đầy lấp lửng?

Sài Gòn, 20-8-2012

____________

Các chữ trong ngoặc kép in đứng là nguyên văn trả lời phỏng vấn của Hoàng Quang Thuân trên báo Dân Việt, 14-8-2012; chữ trong ngoặc kép in nghiêng được trích từ “Tổng kết Hội thảo” của Nguyễn Hữu Sơn trên Lethieunhon.com, 16-8-2012.

 

 

5 thoughts on “Inrasara: Bàn thêm về tinh thần hội thảo

  1. Xin chào nhà thơ người dân tộc gốc Chăm nổi tiếng của Việt Nam Inrasara.
    Kể từ khi trang blog của NB LTN bị tin tặc đánh sập toàn bộ, thì những người yêu quý trang văn chương nghiêm ngắn này, vừa tiếc, vừa tức cho những kẻ tiểu nhân đê tiện đã làm tan tành một “diễn đàn văn học” lành mạnh với nhiều bài viết hay của các thi văn khắp ba miền. Kể từ đó mọi người cũng không còn được “gặp nhau” hàn huyên, chuyện trò… Tôi thì vẫn rất may là vẫn tham gia thường xuyên trên vanchuongplusvn.blogspot, hoặc Tintuchangngay.org thành thử ra vẫn hay gặp lại “người quen”. Sáng nay khi chek Google để kiểm tra lại các commets của mình, thì tình cờ tôi thấy đường lihk Inrasara có tên của Lê Phương Dung, nên tôi có go vào thì lại gặp được “nhà” của NT Inrasara. Vậy là tôi sẽ ghé thường xuyên để đọc các sáng tác mới của NT Inrasara được rồi.
    Kính chúc NT có cùng ngày sinh 20 với người bạn lớn của tôi sẽ có thêm nhiều những bài thơ hay. Cùng với những điều tốt đẹp, an lành may mắn sẽ luôn đồng hành bên ông và gia đình trong sự bình yên, vui vẻ bất tận. Tôi cũng có cuốn Sinh nhật cây xương rồng (1997) của NT, và tôi rất thích cuốn này. Có một bài thơ ông viết về người mẹ của mình rất hay. Cũng như vì tôi rất yêu thương và biết ơn người mẹ của tôi, nên tôi rất thuộc bài thơ Chuyện 40 năm sau mới kể của NT Inrasara.
    Mẹ dắt anh chị em tôi đi trốn
    Năm sáu ba. Không đâu xa, mẹ dắt
    Qua nhà bà cô cách ba ngõ.
    Mẹ nói: ngủ lại bà cô côi cút

    Tôi biết mẹ dắt anh em tôi chạy địch
    Cha kể: ngày xưa ông ngoại cõng cha
    Chạy rất xa, thời buổi này
    Ấp chiến lược không đi đâu cả.

    Tôi nhớ: chị một tay ôm cứng
    Chiếc áo dài cũ nát, Ngô tổng thống cấm Chăm mặc
    Một tay bế thằng út đứng khóc
    Nước mắt hai hàng rơi.

    Hôm nay thằng út con vào lớp sáu
    Áo dài chả ai cấm, chị vứt đi lâu rồi
    Chiến tranh, chiến lược, dịch không còn
    Chuyện 40 năm sau mới kể.

    Tôi “đọc” lại để tặng chính tác giả, chả hiểu có bị sai, hay thiếu từ nào không. Tôi cũng có mấy câu của người Chăm hay chúc nhau trong Đam likhah hay Đam Bbơng mưnhum: Nau dwah kabaw. Tôi hiểu nghĩa nôm na là chúc nhau tìm được những điều tốt lành như mong muốn có đúng không ạ. Trân trọng.
    Nhà báo Lê Phương Dung.

    • Cảm ơn nhà báo Lê Phương Dung nhiều, thật nhiều.
      Inrasara.com ra đời 5 năm nay, và đã qua gần 6 triệu lượt truy câp. Được bạn ghé thăm trang nhà là niềm vui. Trang nay chủ yếu đăng
      1. Các sáng tác, nghiên cứu và vân vân của Inrasara và bài viết về Inrasara.
      2. Các bài của tác giả Chăm và về văn hóa xã hội Chăm
      3. Bài viết và sáng tác của tác giả khác
      Tất cả chủ yếu về văn chương, rồi xã hội nữa.
      Tốt lành cho bạn, cho văn chương, và mong có ngày gặp mặt.

  2. Cảm ơn NT Inrasara, LPD cũng có lời mời trân trọng nếu khi nào NT có dịp ra Thủ đô Hà Nội, LPD se cùng bạn bè của mình ( trong đó có NT người dân tộc Tày Y Phương ) sẽ được hân hạnh đón ông và cùng nâng li để chúc cho một nền hoá Chăm nói riêng, và nền văn hoá các dân tộc thiểu số nói chung ngày một phát triển rộng khắp trong nước và Quốc tế.
    Tôi cũng đã gửi đường kink trang của NT Inrasara cho bạn bè tôi ở khắp các vùng miền trong và ngoài nước để giới thiệu cho đông đảo mọi người sẽ ghé thăm blog này của NT đấy ạ.
    Một lần nữa xin chúc NT Insarana những điều an lành, may mắn.
    Rất trân trọng.

    Inrasara: Cảm ơn bạn văn đã có lời mời. Từ 12-11 đến 15-11, Sara có mặt ở Hà Nội; sau đó cuối tháng sẽ có chuyến nữa đi Hội thảo Việt Nam học.

  3. Xin một cái hẹn với nhà thơ Inrasara, của chuyến NT sẽ ra HN dịp cuối tháng 11/ để LPD được hân hạnh mời NT một chén rượu mặn đấy ạ. Và đây là số máy 0983158887 của NB Minh Hoài – Báo QĐND để NT Inrasara liên hệ gặp được LPD nhanh nhất tại Hà Nội. Kính chúc mọi điều an lành may mắn cho NT và gia đình ông.
    Rất trân trọng.

  4. Nhắn nhà báo Lê Phương Dung
    Ngày 25-11 tôi ra Hà Nội dự Hội thảo Việt Nam học. Tôi bên Văn học và ngôn ngữ, báo cáo đầu tiên ở bộ phận này. 2g chiều 25 là có mặt ở HÀ NỘI rồi. Tôi có nhắn tin qua Minh Hoài nhưng không thấy trả lời, phone cho LPD cũng không được.
    Tin vậy nhé
    Thân mến
    Inrasara

Leave a Reply to Nhà Báo Lê Phương Dung. Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *